Những điều bạn nên tránh với smartphone mới "đập hộp"

PV  | 26/12/2011 05:00 PM

Dán màn hình ngay khi vừa "đập hộp" máy chưa chắc đã là một ý tưởng hay.

Ai cũng háo hức khi được sở hữu 1 mẫu điện thoại mới và sẽ nhanh chóng “vọc” hay tân trang máy ngay lập tức. 1 trong những việc đầu tiên mà nhiều người làm ngay khi sở hữu điện thoại mới là dán màn hình. Tuy nhiên đó chưa chắc là 1 ý tưởng hay.
 
Hãy cân nhắc kỹ việc dán màn hình
 

 

Mặt kính phía trước của iPhone hay Android nhìn có vẻ rất dễ bị xước nhưng thực tế thì chúng bền hơn bạn tưởng. Mặc dù iPhone 4/4S có thể bị vỡ mặt kính khi làm rơi nhưng màn hình của chúng (và cả các smartphone cao cấp hiện nay) được làm từ Gorilla Glass – 1 loại kính cứng, mỏng và chống xước. Trong năm 2010 Gorilla Glass được sử dụng trên 20% trong số 200 triệu điện thoại bán ra và ngày càng phổ biến hơn. Điều này có nghĩa là điện thoại của bạn rất có thể sẽ sử dụng loại kính rất bền này (Bạn có thể kiểm tra kĩ hơn qua thông số kỹ thuật của máy trên mạng).
 
Dù bạn có sử dụng loại miếng dán màn hình “xịn” đến mấy thì sẽ luôn có 1 lớp nhỏ giữa mắt và màn hình của máy, khiến cho màu sắc kém chính xác đi. Hơn nữa trong quá trình sử dụng, các thao tác cảm ứng phải qua 1 lớp dán màn hình sẽ kém nhạy hơn. Cũng không thể không kể đến nhiều trường hợp dán màn hình vẫn còn những “bong bóng khí” khiến vẻ đẹp của máy giảm bớt.
 
Nếu bạn muốn đảm bảo màn hình không bị xước, bạn có thể lắp case cho máy. Như vậy thì màn hình sẽ không bị chạm trực tiếp xuống bề mặt, tránh cho bạn nguy cơ bị xước máy.
 
Không cần đến phần mềm diệt virus
 

 

Malware và virus trên điện thoại chưa thực sự lớn mạnh nhưng cũng không có nghĩa là chúng không thể đánh cắp thông tin cá nhân hay làm tăng hóa đơn điện thoại hàng tháng của bạn. Trên PC thì phần mềm diệt virus cực kỳ hữu hiệu và giữ cho máy tính của chúng ta an toàn. Nhưng trên điện thoại thì hiệu quả của chúng thật khó có thể kiểm chứng. Hơn nữa 1 điều chắc chắn là chúng sẽ chiếm không ít tài nguyên và khiến điện thoại của bạn chạy chậm đi đáng kể.
 
Hiện nay các malware và virus trên điện thoại chưa đủ khả năng để vượt qua lớp bảo mật của iOS và Android – tất nhiên là trừ khi bạn cho phép. Trên Android, mỗi khi bạn cài đặt 1 ứng dụng sẽ có 1 cửa sổ hiện thị các hoạt động ứng dụng sẽ làm và bạn sẽ có lựa chọn có cho phép hay không. Đây chính là điều bạn nên chú ý bởi nó sẽ giúp bạn tránh được malware chứ chẳng phải những phần mềm diệt virus đắt tiền nào. Hãy nhớ rằng 1 trò chơi sẽ chẳng bao giờ cần truy cập vào tin nhắn hay danh bạ máy cả. Trên Apple cũng tương tự, nhưng nếu bạn cài đặt từ Appstore thì có thể yên tâm bởi quá trình kiểm duyệt ứng dụng của Apple là cực kỳ chặt chẽ.
 
Còn nếu muốn chắc chắn hơn nữa, hãy tìm kiếm thông tin và các phản hồi về ứng dụng trên Google trước khi cài đặt.
 
Đừng vội jailbreak hay root máy
 

 

Các điện thoại chạy Android và iOS là những smartphone phổ biến nhất hiện nay và chúng đều có thể bị “hack” để xóa bỏ các giới hạn mà Google, Apple hay các nhà mạng đặt ra.
 
Với iOS, người dùng có thể jailbreak còn với Android người dùng có thể root. Cả 2 đều mang đến khả năng cài đặt phần mềm bên ngoài hay tùy biến hệ điều hành – những điều mà Google, Apple và các nhà sản xuất không muốn người dùng thực hiện. Do vậy việc jailbreak/root máy rất có thể sẽ khiến bạn bị từ chối bảo hành cũng như khá “nguy hiểm” cho thiết bị. Không ít trường hợp máy bị “ăn gạch” sau khi jailbreak/root. Vì vậy trừ khi thực sự cần thiết, nếu không bạn đừng vội vàng jailbreak hay root máy.
 
Tham khảo The Next Web