Google mua lại Android
Hãy cùng quay trở lại vào tháng 7 năm 2005, thời điểm mà hãng Google dường như không biết phải làm gì với số tiền đầu tư của mình khi hãng tập trung vào chiến lược mua lại các công ty nhỏ. Và nhiều người đã ngạc nhiên khi biết Google mua lại Android, một công ty mới thành lập có trụ sở tại Palo Alto, California, Mỹ.
Người sáng lập ra công ty lúc đó là Andy Rubin, hiện tại là giám đốc phụ trách mảng di động của Google. Android trong quá khứ rất ít được biết đến trong giới công nghệ, tất cả những gì mọi người biết được tại thời điểm đó là “công ty phát triển phần mềm cho di động”.
Thành lập Liên minh thiết bị cầm tay mã nguồn mở
Trước sự xuất hiện của iPhone, tin đồn về việc Google bắt đầu sản xuất thiết bị di động của riêng mình lan nhanh. Do đó, vào mốc thời gian tháng 11 năm 2007 thực sự quan trọng trong lịch sử hệ điều hành Android.
Trong khoảng thời gian này, “những người California” công bố 1 tin bất ngờ với thế giới: họ không chỉ đang tập trung sản xuất những chiếc di động và còn đang bắt tay vào việc phát triển hệ điều hành mã nguồn mở cho thiết bị di động nhằm cạnh tranh với Symbian, Windows Mobile và những tên tuổi khác.
Và Android chính thức gia nhập Liên minh thiết bị cầm tay mã nguồn mở (OHA) gồm các đại gia trong ngành viễn thông và thiết bị cầm tay như HTC, LG, Samsung, T-Mobile... Rất nhiều người đã đặt câu hỏi về lợi ích mà Google Android thực sự mang lại, điều gì đã làm nên sự đặc biệt ở hệ điều hành này so với những đối thủ khác?
Android trở thành mã nguồn mở
Từ tháng 10 năm 2008, hệ điều hành Android đã chính thức trở thành phần mềm mã nguồn mở. Theo đó, các công ty thứ ba được phép thêm những ứng dụng của riêng của họ vào Android và bán chúng mà không cần phải hỏi ý kiến Google.
Với mục đích là hệ điều hành Linux dành cho di động(LiMO), Google Android mong muốn mang lại điều tương tự ở phạm vi rộng lớn và thống nhất hơn, và qua đó thu hút một lượng khách hàng không nhỏ trong tương lai.
Kết quả
Liên minh OHA ra mắt gói phát triển phần mềm Android SDK cho nhà lập trình vào ngày 12 tháng 11 năm 2008, chỉ 1 tuần sau ngày công bố.
Tháng 2/2009, 1 số công ty trong đó có Qualcomm và Texas Instruments đã có trong tay những con chip chạy các phiên bản đơn giản của hệ điều hành Android, cho phép cả thế giới chiêm ngưỡng sức mạnh của "Chú robot xanh". Khi đó, Android giảm bớt thời gian phát triển 1 cách đáng kể.
Các đối thủ bắt đầu lo sợ
Nhằm trở thành đối thủ chính của Android, nền tảng LiMO đã xuất hiện với sự ký kết của nhà mạng Verizon (Mỹ), cũng như Mozilla với phần mềm nổi tiếng Firefox. Đó là sự hợp tác giữa một bên là 1 trong những nhà mạng lớn nhất tại Mỹ, một bên là "nhà vô địch" của trình duyệt mã nguồn mở.
Tại MWC 2008 và Google I/O, hãng Google đã tung ra những tấm hình bí mật của chiếc điện thoại Android đầu tiên và từ đó người tiêu dùng cảm thấy thú vị về sự đơn giản của hệ điều hành chú robot xanh.
Nokia cho rằng mối đe dọa từ hệ điều hành của Google là khó chống đỡ. Hãng này đã quyết định trả tiền cho Sony Ericsson, Samsung và những công ty khác để có thể sở hữu hoàn toàn hệ điều hành Symbian và nhanh chóng thành lập Tổ chức Symbian Foundation, được thiết kế nhằm kích thích số lượng lớn khách hàng đang sử dụng hệ điều hành này.
Phản ứng từ cộng đồng phát triển Android
Dần dần, những tin đồn bắt đầu nổi lên và nhiều nguồn tin cho rằng ngày ra mắt của chiếc điện thoại Android muộn nhất là vào cuối năm 2009. Chia sẻ trước những thông tin này, CFO của HTC là Hui-ming Cheng nhanh chóng đưa ra lời trấn an dư luận rằng chiếc di động trang bị sức mạnh của Android sẽ sớm ra mắt trong quý 4 của năm 2008.
Đối với cộng đồng các nhà phát triển thì họ bắt đầu giận dữ khi cho rằng Google đang bỏ mặc họ ở đằng sau và dành sự ưu ái cho “những nhà phát triển ưa thích” hơn. Họ buộc phải sống với những phiên bản phát triển phần mềm SDK cũ. Và Nicolas Gramlich - một lập trình viên - đã gửi 1 bức thư tới công ty mẹ của Android tại California.
Gramlich viết: “Để không bị mất đi một lượng lớn những nhà phát triển, tôi cho rằng đã tới lúc chúng ta phải cho ra mắt một điều gì đó mới mẻ hơn cho sự phát triển của SDK. Có thể điều này sẽ giúp chúng ta biết được tại sao mình vẫn phải đang luẩn quẩn trong cái vòng tròn không lối ra này”.
Cộng đồng phát triển cũng nhất trí với ý kiến này, 1 người đã đưa ra bình luận rằng: “Tôi e rằng trước thời điểm Android SDK tiếp theo ra mắt, rất nhiều nhà phát triển đã giới thiệu phần mềm mới trên iOS của iPhone -một hệ điều hành với hơn 20 triệu người dùng so với con số 0 tròn trĩnh của Android ở bên kia chiến tuyến”.
Sự cạnh tranh giữa Android và LiMO
Vào tháng 8/2008, LiMO cho ra mắt thêm 7 thiết bị (tại thị trường châu Á) nhằm làm cho danh sách tiếp tục tăng lên trước khi sản phẩm Android đầu tiên được xuất xưởng và cạnh tranh với mình.
Các một thiết bị mới này tập trung vào GPS, RFID, camera chất lượng cao và những bộ điều khiển TV. Tuy nhiên, những người dùng bên ngoài châu Á có vẻ không mặn mà lắm với những sản phẩm này.
Vào cuối khoảng thời gian trên, những đoạn video về giao diện của Android bắt đầu xuất hiện cùng với những mô phỏng ban đầu cho thấy nó dễ dàng khi sử dụng như thế nào. Thanh menu ở dưới mỗi màn hình cũng như khả năng di chuyển qua lại giữa những desktop nhận được khá nhiều sự khen ngợi từ cộng đồng và được coi như 1 thành công đầu tiên của Chú Robot xanh.
Các thiết bị sử dụng Android ra đời
Tháng 9/2008, chiếc điện thoại sử dụng Android đầu tiên chính thức được ra mắt. Đó là T-Mobile G. Tiếp theo, đến lượt Google Nexus One - sản phẩm cây nhà lá vườn của Google (sản xuất bởi HTC) ra mắt vào năm 2010, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của hệ điều hành Android. Sau đó, hàng loạt thiết bị sử dụng hệ điều hành Robot xanh đổ bộ lên thị trường.
Các phiên bản hiện tại
Từ lúc ra mắt phiên bản đầu tiên cho tới nay, Android đã có rất nhiều bản nâng cấp. Đa số đều tập trung vào việc vá lỗi và thêm những tính năng mới. Mỗi bản nâng cấp đều được đặt với những mã tên riêng dựa theo các món ăn tráng miệng. Hiện tại các phiên bản chính của Android bao gồm:
2.0/2.1 (Eclair): Tân trang lại giao diện người dùng, giới thiệu HTML5, hỗ trợ Exchange ActiveSync 2.5.
2.2 (Froyo): Nâng cấp tốc độ xử lí, giới thiệu engine Chrome V8 JavaScript, hỗ trợ Adobe Flash, thêm tính năng tạo điểm truy cập Wi-Fi.
2.3 (Gingerbread): Sửa lại giao diện người dùng, cải thiện bàn phím ảo, thêm tính năng copy/paste, hỗ trợ công nghệ giao tiếp tầm sóng ngắn NFC.
3.0 (Honeycomb): Hệ điều hành dành riêng cho máy tính bảng tablet, giao diện mới, hỗ trợ bộ xử lí đa nhân và xử lý đồ họa.
Ice-cream sandwich: Hệ điều hành sắp ra mắt, là sự kết hợp giữa Gingerbread và Honeycomb.