Những công nghệ "độc" cho di động

PV  | 04/06/2012 0:00 AM

Không chỉ là những công nghệ độc đáo phục vụ cho cuộc sống con người mà chúng cũng có thể trở nên độc hại khi được dùng vào mục đích xấu.

Công nghệ di động đang phát triển với một tốc độ chóng mặt hàng loạt những tính năng tưởng chừng như sẽ phải rất rất lâu nữa mới được đưa vào ứng dụng thì nay đã hiển hiện ngay trước mắt chúng ta. Sự phát triển nhanh chóng này mở ra nhiều cơ hội cho các thiết bị số có thể phục vụ đời sống của con người nhiều hơn. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt, không có định nghĩa nào cho một công nghệ tốt hay xấu chính mục đích sử dụng của con người đang ảnh hưởng lên các công nghệ bởi nếu được sử dụng vào một mục đích xấu thì bất cứ công nghệ cũng có thể trở thành một mối nguy hại.

 
1. Công nghệ xác định và theo dõi vị trí GPS
 
Chúng ta đã không còn quá xa lạ với công nghệ xác định vị trí GPS giúp định hướng cũng như dò tìm đường đi. Các thành phố đang ngày một trở nên lớn hơn về quy mô cũng như dân số chính vì vậy mà có rất nhiều trường hợp người dân không biết đường đi đến một vị trí nào đó. Chính vì thế mà nhu cầu tìm đường đi trong các thành phố lớn đang ngày một tăng cao, kết hợp với bản đồ, công nghệ GPS có thể định hướng tốt đường đi cho người dùng giúp họ có thể vạch ra lộ trình từ nơi mà mình đang đứng để đi đến đích một cách nhanh nhất.
 
Ngoài ra GPS cũng giúp cho các nhà hoạch định thành phố có một cái nhìn sâu rộng, chính xác và nhanh chóng hơn trong việc xác định vị trí của các công trình kiến trúc như sân bóng, cửa hàng, đường phố để có thể có những thay đổi hợp lý nhằm cải thiện bộ mặt kiến trúc của một thành phố.
 
 
Đó mới chỉ là những ứng dụng phổ thông nhất của GPS, không thể phủ nhận chúng là rất tốt. Nhưng khi được sử dụng vào một mục đích khác thì tính tích cực đó chưa hẳn đã được đảm bảo. Tại Mỹ, một số chủ sở hữu của các trung tâm mua bán đã bị cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư của khách hàng khi kín đáo kết nối với các thiết bị di động của họ từ đó theo dõi đường đi nước bước của các khách hàng trong trung tâm mua sắm để sắp xếp lại các gian hàng một cách hợp lý hơn nhằm tạo thuận tiện cho khách hàng. Tất nhiên, tại một đất nước như Mỹ thì hành động này được cho là xâm phạm rõ ràng vào quyền riêng tư của khách hàng.
 
2. Công nghệ theo dõi hành vi
 
Tháng 3 vừa qua, Google đã đăng ký bằng sáng chế cho một công nghệ của hãng không những có khả năng xác định vị trí của một người mà còn có thể cho người sử dụng biết được người đó đang làm gì thông qua việc theo dõi các thay đổi về môi trường tại nơi đó như âm thanh hay nhiệt độ...
 
 
Hãy lấy ví dụ để hình dung rõ hơn về công nghệ này. Bạn đang sử dụng một dịch vụ của Google. Nhờ vào tiếng hò hét của các cổ động viên hay âm thanh của loa phóng thanh mà Google có thể biết được rằng bạn đang ở một trận bóng. Từ đó hãng này sẽ có thể phục vụ bạn tốt hơn bằng cách đưa ra những địa điểm về quán ăn ngon hay các quán ăn đang có giảm giá ở gần đó giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đi ăn sau khi trận bóng kết thúc. Ngoài ra, Google cũng có thể cung cấp cho bạn địa chỉ để mua áo đấu của các cầu thủ để làm kỷ niệm. Quả thực công nghệ này sẽ rất tuyệt khi đưa vào ứng dụng nhưng liệu có an toàn không khi mà một ai đó luôn luôn biến được chúng ra đang ở đâu và đang làm gì?
 
3. Công nghệ nhận diện giọng nói và cảm xúc
 
Hãng công nghệ Nhật Bản là Fujitsu đã hợp tác với trường đại học Nagoiya trong việc phát triển một hệ thống có thể nhận diện cảm xúc, tâm trạng và ý định của con người nhằm cảnh báo và hạn chế nạn lừa đảo qua điện thoại của đất nước này. Công nghệ này bao gồm một phần mềm có khả năng nhận diện âm lượng của giọng nói người dùng để đánh giá xem họ có đang nói dối hay không hoặc phát hiện ra tâm lý của họ khi đang trò chuyện. Phần mềm này được kết hợp với công cụ kiểm soát và đo đạc những từ nhạy cảm mà tội phạm thường hay sử dụng khi lừa đảo.
 
Khi công nghệ này được đưa vào ứng dụng, chắc chắn nó sẽ giúp giảm bớt rất nhiều những vụ lừa đảo đang diễn ra ngày một nhiều tại đất nước mặt trời mọc này. Thậm chí là các điều tra viên cũng có thể sử dụng công việc này để tra hỏi tội phạm trong các cuộc điều tra.
 
 
Nhưng hãy nhìn nhận lại vấn đề dưới một góc nhìn khác, nếu một kẻ xấu nào đó sử dụng công nghệ này để phát hiện ra những thay đổi của chúng ta trong khi trò chuyện thì hằn là chúng ta sẽ bị rơi vào một thế bị động hoàn toàn và nhiều khả năng sẽ bị kẻ đó lợi dụng.
 
4. Công nghệ nhận diện khuôn mặt
 
Các công ty đã và đang cố gắng phát triển công nghệ này ngày một hoàn thiện hơn để sử dụng cho nhiều mục đích. Facebook thì muốn dùng nó để nhận dạng khuôn mặt của người dùng trong các bức ảnh để tự động tag họ vào. Gần đây, một dự án mang tên Faced.me cũng đang phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt chỉ trong vòng một giây. Không chỉ được ứng dụng trên các mạng xã hôi, tính năng nhận diện khuôn mặt còn có thể trở thành một trong những phương pháp bảo mật dễ phát triển nhưng lại đạt hiệu quả tối ưu nhất đủ sức thay thế mật khẩu.
 
 
Dẫu vậy phương pháp này vẫn chưa thực sự hoàn hảo khi mà ai đó có thể lén chụp ảnh bạn rồi sử dụng những bức ảnh đó để truy cập vào những thông tin cá nhân của mình. Có lẽ các nhà phát triển cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể giúp cho công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể đạt đến mức an toàn.
 
Samsung đã có một cách làm rất hay mà các hãng khác có thể học hỏi khi vừa trang bị được tính năng độc đáo này để mở khóa điện thoại nhưng vẫn đảm bảo được độ bảo mật. Rất đơn giản, nhà sản xuất Hàn Quốc đã bổ sung thêm một cải tiến nho nhỏ cho tính năng mở khóa bằng khuôn mặt trên các smartphone chạy Android 4.0 bằng cách buộc người dùng phải nhắm mắt khi giơ mặt ra xác nhận để đảm bảo đó là người thật chứ không phải là ảnh chụp.
 
5. Augmenteted Reality (Thực tại tăng cường)
 
Có lẽ chúng ta đã nghe đến cụm từ này khá nhiều lần. Augmented Reality thường được biết đến với các ứng dụng dẫn đường thế hệ mới, giúp người dùng tương tác trực tiếp với môi trường xung quanh trên các điện thoại chạy iOS hay Android. Nhưng không chỉ có thế, công nghệ tương tác thực tế ảo này mở ra một chân trời mới cho ngành công nghệ thông tin thế giới. Trước đây Rexona đã từng giới thiệu công nghệ này đến Việt Nam nhằm phục vụ cho chiến dịch “Săn tìm cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt nhất” trên microsite riêng của hãng.
 
Video giới thiệu chiến dịch quảng cáo của Rexona.
 
Xa hơn chút nữa là chiếc kính thực tế ảo của Google GenK đã từng giới thiệu trong các bài viết trước đây. Augmented Reality không còn là giấc mơ xa vời mà đang từng bước được hiện thực hóa.
 
Kính thực tế ảo của Google.
 
Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, bạn đi ra ngoài đường mà chỉ cần mang theo một thiết bị nhỏ như chiếc bút, bấm nút trên đó để làm xuất hiện bàn phím ảo trên không khí cho phép nhập liệu và tìm kiếm bất cứ thứ gì mình thích. Bạn cũng sẽ chẳng phải sợ mỗi khi lạc đường vì sẽ có một màn hình hiện ra ngay lập tức và hiển thị đầy đủ các thông tin chi tiết về con đường, quán ăn, quán cà phê hay nhà hàng khách sạn gần đó. Điều mà Augmented Reality đang cố gắng làm là biến cuộc sống của chúng ta trở nên thật hơn và đó không phải là một mong ước quá viển vông.
 
Điều mà chúng ta cần phải lưu ý là khi sử dụng công nghệ này các nhà cung cấp dịch vụ hoàn toàn có thể biết được những hành động của chúng ta thông qua các dữ liệu mà chúng ta đã kết nối với máy chủ. Không chỉ vậy nếu như kẻ gian cũng có khả năng sử dụng công nghệ này, đó sẽ là một mối nguy hiểm thực sự khi chúng có thể đưa bạn tới một nơi không an toàn.
 
 
Tham khảo: PcWorld