Nhìn lại Quý II đầy sóng gió của thị trường smartphone

Tròn Xoay  | 31/07/2011 0:00 AM

Quý II 2011 qua đi và chỉ cần dùng 1 câu là có thể bao quát toàn cảnh thị trường sản xuất thiết bị di động: "Kẻ khóc, người cười".

Chân dung kẻ thắng
 
Apple là cái tên đầu tiên và là thương hiệu được dự báo sớm sự thành công trong Quý II này. Bằng việc tung con bài iPhone 4 trắng đúng thời điểm, thương hiệu này đã tạo nên một cú hích lớn cho dòng sản phẩm có tuổi đời 1 năm này với doanh số bán ra ấn tượng. Với 20,3 triệu iPhone được bán ra, Apple đã vượt qua kỷ lục của chính mình cùng kỳ năm ngoái với tỷ lệ gấp 2,5 lần và dẫn đầu trên bảng “phong thần” tiêu thụ smartphone. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi iPhone 4 vẫn đang là thiết bị có sức hút vô đối trên thị trường toàn cầu bất kể mức giá của nó vẫn nằm ở khung giá cao.


Apple, Samsung, HTC thắng lớn nhờ smartphone.

Dù đang “chiến tranh” quyết liệt với Apple nhưng Samsung cũng thể hiện mình là một thương hiệu có tầm và lần đầu tiên trong lịch sử, đại gia này “hất cẳng” Nokia và “nắm tay” Apple đứng vị trí thứ 2 trên bảng “phong thần” tiêu thụ smartphone Quý II.
 
Dù ở vị trí thứ 2 nhưng sức tăng trưởng của Samsung lại cho thấy một sự khủng khiếp khi doanh số thiết bị bán ra Quý II năm nay lên tới 19,2 triệu smartphone, gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm ngoái và nếu tính thị phần smartphone thì chỉ kém Apple khoảng 10%. Điều này cho thấy sự bám đuổi quyết liệt của đại gia này trong lĩnh vực smartphone cũng như những tiến bộ về mặt công nghệ đã tạo dựng nên những siêu di động lừng danh.
 
Cứ nhìn doanh số 5 triệu máy Galaxy S II bán sạch veo sau 85 ngày ra mắt cũng đủ thấy tiềm lực của Samsung đang dần lớn mạnh như thế nào, và trong tương lai gần thương hiệu này sẽ là kẻ cầm lá cờ Android, dẫn đầu cuộc chiến với các nền tảng khác, dù đó có thể là iOS.


HTC có mức tăng trưởng đều đặn qua từng Quý.

Một gương mặt khác đã có những tăng trưởng đều đặn là HTC Quý II này cũng báo tin mừng khi 12,1 triệu máy của hãng đã được tiêu thụ toàn thế giới. Tuy nhiên, một điều dễ thấy ở đại gia này là thành công có được cũng là nhờ các dòng máy smartphone nền Android. Trong bản báo cáo tài chính không đề cập gì đến số lượng smartphone Windows Phone 7 được tiêu thụ nhưng nhìn vào thị trường, ai cũng ngầm hiểu rằng những dòng sản phẩm này không phải là chủ lực của HTC, nếu như không muốn nói là thất bại.


Bại binh liệu có phục hận?


Sau những tăng trưởng thần kỳ qua năm 2010 và Quý I năm 2011, Sony Ericsson lại lâm vào cảnh lỗ nặng khi mới đây nhà sản xuất này đưa ra thông báo lỗ 43 triệu Euro trước thuế (khoảng 70 triệu USD sau thuế). Điều này tương ứng với việc hãng chỉ bán được 7,6 triệu máy điện thoại và giảm tới 31% so với cùng kỳ năm trước.


Thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản khiến Sony Ericsson bị ảnh hưởng nặng nề.

Lý giải về điều này, CEO Bert Nordberg của Sony Ericsson cho biết tác động của trận động đất và sóng thần lịch sử hồi đầu tháng 3 tại Nhật Bản đã khiến nhiều bộ phận của hãng bị ảnh hưởng. Ngay bản thân tập đoàn mẹ Sony cũng đang gánh chịu những tổn thất nặng nề về cơ sở hạ tầng, nhà xưởng khiến nhiều đơn hàng linh kiện, thiết bị đều bị hủy do sản xuất đình trệ.
 
Nếu Sony Ericsson có lý do chính đáng và rất cần sự thông cảm cũng như chia sẻ thì Motorola lại là một thương hiệu rất đáng chê trách khi đưa ra báo cáo lỗ trong Quý II. Chỉ vẻn vẹn 4,4 triệu smartphone được tiêu thụ đã khiến ông lớn một thời này lại lâm vào cảnh lỗ chỏng gọng với con số lên tới 85 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái hãng này lãi ròng tới 87 triệu USD.


Thay đổi bộ nhận diện thương hiệu nhưng Motorola lại không tăng trưởng.

Một điều dễ thấy là các sản phẩm của Motorola như series Droid/Milestones đều rập khuôn, cấu hình không có sự đột phá và giá thành cao chót vót, dẫn tới thiếu sức cạnh tranh với những đối thủ cùng phân khúc. Những lời có cánh của Motorola về siêu di động Atrix cùng máy tính bảng Xoom cũng nhanh chóng sụp đổ khi doanh số bán ra thảm hại và nó cũng góp phần trong bảng báo cáo tài chính thảm hại nêu trên của hãng.
 
Tuy nhiên, thương hiệu này cũng kỳ vọng vào sự đổi mới mang tính đột phá và cuối năm sẽ tạo nên một thay đổi lớn với độ tăng trưởng 28% so với năm ngoái và Motorola đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc, Nam Mỹ.
 
Cũng nằm trong số những gương mặt “thất trận” của Quý này là thương hiệu LG mặc dù có thể nói đại gia xứ Hàn này thua trong thế thắng. So với Quý trước, Quý II LG đã lỗ ít hơn bằng nửa, ở mức 49,8 triệu USD. Việc tiên phong trong ứng dụng các công nghệ phần cứng mới như 3D, lõi kép… lên các hệ máy smartphone đã tạo cho hãng một thế mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, LG cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như những chê trách về tính thẩm mỹ của các smartphone hay lỗi phần mềm mà siêu di động LG gặp phải.
 
Trong Quý tới, LG kỳ vọng vào những dòng sản phẩm tích hợp công nghệ mới như 4G LTE, 3D sẽ khuấy động thị trường và đem lại lợi nhuận cho hãng. Tuy nhiên, trước khi đạt được thành công thì phần lớn nguồn tài chính của LG hiện nay lại đang dựa vào sức tiêu thụ của các dòng sản phẩm TV Cinema 3D của hãng.
 
Kẻ bại trận đau đớn nhất Quý II này không ai khác là Nokia. Với khoản lỗ khổng lồ 520,5 triệu USD, không còn từ gì để có thể dành cho Nokia, ngay cả một lời an ủi. Với sản lượng smartphone bán ra chỉ đạt 16,7 triệu máy, giảm 11% so với Quý I, Nokia đã cho cả thế giới thấy sự yếu kém và lạc lõng về mặt công nghệ và sức hút của thương hiệu này.
 
Mặc dù vậy, CEO Stephen Elop của Nokia vẫn “nói cứng” khi cho rằng mức lỗ này đã được dự báo trước và hãng sẽ “phục hận” vào các Quý kế tiếp với các dòng sản phẩm mang tính chiến lược cao. Tin hay không thì chúng ta sẽ chờ xem đại gia này làm được bởi chỉ còn 2 Quý nữa để Nokia thay đổi tư duy và chiến thuật. Một điều dễ thấy trên bảng xếp hạng Quý II là smartphone đóng vai trò lớn trong việc đem lại doanh thu cho các đại gia. Sức tiêu thụ của dòng sản phẩm này trong các Quý tới dự kiến sẽ còn tăng theo cấp số và tương lai đương nhiên thuộc về smartphone, vấn đề chỉ là thương hiệu nào sẽ chớp được thời cơ và biết cách giành giật thị phần mà thôi.

Tổng hợp.