Chưa khi nào thị trường viễn thông lại xuất hiện nhiều gói cước di động như giai đoạn hiện nay. 3 năm trước, hãng viễn thông nào đưa ra thị trường gói cước mới được coi là sự kiện. Nhà mạng lên kế hoạch truyền thông, người tiêu dùng hào hứng đón nhận. Còn hiện tại, thị trường viễn thông trở nên chặt trội khi có quá nhiều các gói cước với những tính năng chỉ phục vụ cho một nhóm nhỏ người tiêu dùng.
Nếu như MobiFone có gói cước Q-Teen, Q-Student, Mobi263 dành cho cán bộ đoàn, gói cước công nhân tại khu công nghiệp thì Viettel có gói cước Hi-School cho trẻ em, sinh viên và gói Sea+ dành cho ngư dân, cán bộ hải quân... VinaPhone cũng không chịu thua kém khi tung ra thị trường các gói cước tương tự dành cho học sinh, sinh viên, cán bộ đoàn, giáo viên và cả lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam.
Các gói cước này được nhà mạng tung ra thị trường theo kiểu liên hoàn. Chẳng hạn hôm nay MobiFone đưa ra thị trường gói dành riêng cho đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp, ngày mai VinaPhone đưa ra gói cước tương tự nhưng áp dụng cho đối tượng là nông dân tại các vùng quê. Viettel cũng cho ra đời gói cước dành riêng cho các thuê bao là ngư dân, cán bộ hải quân những người sống ở các khu vực ven biển...
Không chỉ giống nhau về mặt chính sách, các mức ưu đãi mà nhà mạng đưa ra cũng tương tự nhau. Chẳng hạn, với gói cước dành cho giới trẻ, người dùng được ưu đãi miễn phí 25 tin nhắn và 15.000 đồng cước sử dụng GPRS hàng tháng, hưởng khuyến mãi nội mạng mỗi ngày với nhắn tin thoải mái giá 3.000 đồng, gọi điện 720 đồng một phút trong khung giờ 6-8h, 12-13h. Còn loại sim sinh viên được tặng 50.000 đồng mỗi tháng, bao gồm 25.000 đồng trừ vào cước GPRS và 25.000 đồng cộng vào tài khoản thưởng. Cước nhắn tin nội mạng là 99 đồng...
Về bản chất, việc nhà mạng đưa ra nhiều gói cước sẽ giúp người dùng di động có nhiều lựa chọn và được hưởng ưu đãi hơn. Tuy nhiên, khi số lượng các gói cước được nâng lên mức bội thực, bản thân người dùng cũng cảm thấy không mặn mà. Cách đây 3 ngày, do nhu cầu liên lạc nhiều, chị Hải Lý ở Quang Trung, Hà Nội quyết định dùng thêm một số di động nữa. Trước khi đi mua sim, chị xác định hòa mạng một số điện thoại của MobiFone. Thế nhưng, tại cửa hàng, sau khi được nhân viên tư vấn về cách lựa chọn gói cước của cả 7 mạng di động, chị cảm thấy chóng cả mặt, hoa cả mắt.
"Sau đó, tôi không biết nên lựa chọn loại thuê bao sinh viên, nông dân, người già hay trẻ em nữa. Loại nào cũng có mức ưu đãi và đại lý cam kết tôi chị cần cài sim vào máy là có thể sử dụng ngay", chị Lý kể. Qua lần mua sim ấy, chị Lý ghi nhận chuyện khá hài hước là có khách hàng là cụ già hơn 70 tuổi cũng đăng ký sử dụng gói cước dành cho học sinh. Ngược lại có vị khách lái xe hơi, dùng điện thoại iPhone 4S lại dùng gói cước dành cho nông dân hoặc công nhân... Chưa kể, có những người làm nghề xe ôm cũng hòa mạng gói cước dành riêng cho cán bộ đoàn hoặc lãnh đạo hội nông dân.
Chị Thu, nhân viên hành chính, sống và làm việc tại Hà Nội cho hay nhà mạng bây giờ có rất nhiều gói cước ưu đãi song bản thân chị cũng không nhớ tên quá 5 loại và phân biệt được cụ thể sự khác nhau giữa chúng. “Dịch vụ viễn thông thay đổi từng ngày, loại lại chỉ áp dụng cho trả trước, loại chỉ khuyến mãi trả sau nên rất khó nhớ, không có quy chuẩn nào chung cả”, chị Thu chia sẻ. Theo chị, việc phát triển, nở rộ các gói cước viễn thông, hướng đến nhiều đối tượng tiêu dùng là rất tích cực. Song, nếu nhà mạng tích hợp và đưa ra một quy chuẩn chung thì người tiêu dùng như chị sẽ dễ dàng nắm bắt và sử dụng hơn. Đưa ra nhiều gói cước song lại kiểm soát không chặt, nhà mạng đang tạo cơ hội cho không ít người lợi dụng. Dù đã ban hành những quy định áp dụng cho từng loại hình dịch vụ như đối tượng nào được đăng ký sim sinh viên, ai được hưởng ưu đãi gói cước nông dân... song trên thực tế, các gói cước này vẫn được bán tràn lan và người tiêu dùng sử dụng chồng chéo, dẫn đến cảnh người già dùng sim tuổi teen, doanh nhân dùng gói cước của nông dân...
Theo Info.vn