iPad thế hệ thứ ba vẫn đang là “ông vua” trên thị trường máy tính bảng hiện tại, nhờ thiết kế màn hình Retina siêu nét, dù sản phẩm này thậm chí còn dày và nặng hơn đôi chút so với iPad 2. Điều này làm dấy lên nhiều nghi ngờ từ phía người dùng, bởi Apple từ xưa đến nay luôn có truyền thống gọt mỏng (hoặc giữ nguyên) thiết kết sản phẩm sau mỗi lần ra mắt.
Mới đây, Raymond Soneira, người sáng lập, đồng thời là CEO của DisplayMate Technologies đã lên tiếng tiết lộ chiếc iPad thế hệ thứ ba chỉ là "kế hoạch B" của Apple, còn "kế hoạch A" là một sản phẩm siêu mỏng: “Họ đã lên kế hoạch sử dụng một công nghệ mới có tên là IGZO từ Sharp, công nghệ cho phép họ sử dụng các bóng bán dẫn cũng như mạch điện nhỏ hơn nhiều”.
Chiếc iPad thế hệ thứ 3 với thiết kế dày 9,3 mm và nặng 650 gram ban đầu không nằm trong kế hoạch của Apple.
Các bóng bán dẫn và mạch điện nhỏ giúp ánh sáng sẽ dễ dàng len lỏi qua, đồng nghĩa với việc Apple có thể tiết kiệm được lượng đèn LED phải sử dụng, giúp màn hình của máy mỏng hơn. Tuy nhiên, một số lỗi dây chuyền của Sharp đã khiến cho công nghệ IGZO trên màn hình
không sẵn sàng đúng thời điểm, và Apple buộc phải quay lại sử dụng công nghệ Amorphous Silicon truyền thống.
“Mật độ ppi trên màn hình Amorphous Silicon được đẩy lên cao hơn bao giờ hết, nhưng ánh sáng truyền qua nó là khá yếu. Do đó, Apple buộc phải tăng gấp đôi lượng đèn LED và tăng độ lớn của pin lên 70%”, ông Soneira lý giải cho việc chiếc iPad mới dày hơn so với iPad 2.
Richard Shim, một nhà phân tích tại Display Search cũng đồng ý với quan điểm đó: “Công nghệ IGZO có thể cho màn hình sáng hơn, đồng nghĩa với việc bạn không cần sử dụng nhiều đèn LED và pin cỡ lớn như trên màn hình Amorphous Silicon”.
Tuy nhiên, nếu xét trên lượng sản phẩm tiêu thụ thực tế của iPad mới, với 11,8 triệu chiếc iPad xuất xưởng (bao gồm cả iPad 2) trong quý I/2012 và 3 triệu chiếc chỉ sau 3 ngày đầu ra mắt, rõ ràng, đó không phải là một kế hoạch B tồi.
Theo Zing