Theo Walter Issaccson - tác giả cuốn tiểu sử “Steve Jobs”, cố TGĐ Apple vô cùng nổi giận khi nhìn thấy mẫu điện thoại Android mới nhất của HTC. Jobs nói với Eric Schmidt - người sau này trở thành TGĐ Google: “Tôi muốn anh ngừng sử dụng ý tưởng của chúng tôi trong Android”.
Schmidt cũng bị buộc phải từ chức khỏi ban lãnh đạo Apple, phần lớn vì cuộc cạnh tranh smartphone ngày càng khốc liệt giữa hai công ty. Jobs còn thề sẽ “dùng những xu cuối cùng trong số tiền 40 tỉ USD của Apple để chỉnh đốn điều sai trái”. Jobs gọi Android là “sản phẩm ăn cắp” nhưng nói về sáng tạo, đổi mới, “kẻ cắp” là khái niệm phức tạp. iPhone không hoàn toàn hình thành từ cái đầu của Jobs. Nó đại diện cho đỉnh cao của những đổi mới trong nhiều thập kỷ - và một số việc xảy ra bên ngoài Cupertino - thủ phủ của Apple.
Cảm ứng đa điểm có từ bao giờ?
Theo Bill Buxton - nhà tiên phong trong công nghệ đa chạm, đang làm việc tại Microsoft Search, màn hình đa chạm đầu tiên được phát triển tại phòng thí nghiệm Bell Labs năm 1984, do Bob Boie chế tạo, sử dụng “dãy điện dung trong suốt của cảm biến chạm phủ lên màn hình CRT”. Sau đó, nhiều nhóm như dự án “Digital Desk” của Xerox PARC và cá nhân như Jeff Han - chuyên gia nghiên cứu người Mỹ đã nghiên cứu một loạt kỹ thuật khác nhau tạo ra màn hình cảm ứng.
Trong khi đó, những người khác cải thiện phần mềm chạy trên màn hình cảm ứng. Một trong số mảng nghiên cứu quan trọng nhất là phát triển “vốn từ vựng” cử chỉ tận dùng toàn bộ lợi thế của phần cứng. Dự án “Digital Desk” bao gồm một ứng dụng phác thảo cho phép thay đổi kích cỡ hoặc xoay hình ảnh bằng cử chỉ “pinch” (co kéo) đơn giản. Năm 2003, nhóm nghiên cứu ĐH Toronto đăng tải bài báo mô tả máy tính màn hình cảm ứng, trong đó người dùng có thể dùng thao tác “flick” (gõ nhẹ) để gửi đi mọi thứ trên máy tính. Tới tháng 2/2006, Han tập hợp mọi ý tưởng này để tạo ra bộ ứng dụng cảm ứng đa điểm giới thiệu trong buổi nói chuyện TED.
Sau khi được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, công nghệ cảm ứng đa điểm bắt đầu được thương mại hóa. Lemur - mẫu máy nghe nhạc giới thiệu năm 2004 của Công ty Jazzmutant được xem là sản phẩm cảm ứng thương mại đầu tiên. Lemur có thể được cấu hình để hiển thị nhiều nút bấm, trang và các yếu tố giao diện người dùng khác. Sản phẩm xuất hiện lần đầu năm 2005 và có giá hơn 2.000 USD.
Khi máy tính bảng giá rẻ xuất hiện, Jazzmutant kiếm tiền bằng cách cấp giấy phép công nghệ cảm ứng đa điểm dưới tên Stantum và thu được 13 triệu USD tiền tài trợ trong năm 2009. Jeff Han cũng thương mại hóa nghiên cứu của mình, thành lập Perceptive Pixel năm 2006, công ty tập trung vào xây dựng màn hình cảm ứng cao cấp, kích thước lớn và có nhiều khách hàng nổi tiếng như hãng tin CNN.
Một nhân vật quan trọng khác trong buổi đầu thương mại hóa công nghệ cảm ứng là Wayne Westerman, nhà nghiên cứu khoa học máy tính. Không giống như các công nghệ nhắc tới ở trên, Westerman tạo ra các thiết bị đầu vào. Cùng với John Elias, Westerman sáng lập FingerWorks, sản xuất dòng bàn phím cảm ứng. Năm 2005, Apple mua lại FingerWorks, Western và Elias trở thành nhân viên Apple.
Buổi đầu của điện thoại cảm ứng
Năm 1993, IBM giới thiệu Simon và được công nhận rộng rãi là điện thoại cảm ứng đầu tiên trên thế giới. Simon chỉ có màn hình đen trắng và thiếu khả năng cảm ứng đa điểm nhưng mang nhiều tính năng tương tự smartphone ngày nay. Người dùng thực hiện cuộc gọi ngay trên bàn phím phần mềm trên màn hình; Simon có cả lịch, sổ địa chỉ, đồng hồ báo thức và chức năng email. Ứng dụng email thậm chí còn bao gồm khả năng chạm vào số điện thoại trong email để quay số.
Điện thoại cảm ứng tiếp tục được cải thiện. Đầu những năm 2000 chúng đã có màn hình màu, ứng dụng tinh vi hơn và cả máy ảnh tích hợp bên trong. Nhiều mẫu cần có bút cảm ứng đi kèm cho thao tác chính xác hơn. Bàn phím vật lí là yếu tố tiêu chuẩn. Các mẫu điện thoại này chạy hệ điều hành của Microsoft, Palm, Research In Motion (RIM)…
Neonnode N1m ra mắt tháng 4/2005 là một trong số ít điện thoại không có bàn phím vật lí, phụ thuộc vào nút bấm vật lí nhập dữ liệu. N1m còn có thao tác “trượt để mở khóa” gần như giống hệt tính năng nổi tiếng của iPhone. Tháng 10/2006, Synaptics công bố Onyx, mô hình điện thoại cảm ứng màu sử dụng cảm biến điện dung, có thể phân biệt giữa ngón tay và má người, kèm tính năng như hội nghị trực quan, máy chơi nhạc, bản đồ và lịch.
Vậy Android có phải “sản phẩm ăn cắp”?
Về góc độ nào đó, câu trả lời có thể là “Đúng”. Năm 2007 và 2008, iPhone là tâm điểm của thung lũng Silicon. Do đó, thật khó tưởng tượng nếu đội phát triển Android không “học tập” gì đó từ iPhone. Một khi các kỹ sư của Google được tiếp cận với iPhone, họ không thể ngăn mình bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên để biến iPhone trở thành sản phẩm tuyệt vời, Apple đã đưa nhiều sáng tạo vốn được phát triển độc lập - điện thoại cảm ứng, màn hình cảm ứng điện dung, thiết kế giao diện người dùng tinh vi – và kết hợp chúng vào một sản phẩm đơn nhất. Mô hình kết hợp và cải tiến những ý tưởng đi trước là quy luật, đặc biệt là trong công nghiệp sáng tạo. Android đơn giản chỉ là ví dụ tiếp theo của mô hình này.
Trong khi Android rõ ràng tiếp nhận vài đổi mới quan trọng của iPhone, các kỹ sư Google cũng thêm vào nhiều thay đổi đáng kể mà Apple còn thiếu như hệ thống thông báo. Ban đầu trên iPhone, mỗi thông báo SMS hay email mới đều hiển thị như hộp tương tác chính giữa màn hình buộc người dùng ra quyết định ngay lập tức và không thể xem nhiều thông báo cùng lúc. Google đưa ra khung thông báo linh hoạt hơn.
Thay vì sử dụng hộp trên, Android hiển thị nhiều ứng dụng trên đầu màn hình, kèm biểu tượng trên cùng. Người dùng chỉ cần kéo thanh thông báo xuống để xem toàn bộ thông báo chưa xử lí. Apple thay đổi hệ thống thông báo trong iOS 5, giới thiệu trung tâm thông báo tương tự Android. Apple thêm một số điểm như khả năng thêm thanh hiển thị thời tiết, giá cổ phiếu và các thông tin hữu ích khác. Tuy nhiên, cách tiếp cận cơ bản hoàn toàn giống cách Google sáng tạo ra. Người dùng được hưởng lợi từ hình thức sao chép này, hệ thông báo của Google rõ ràng tốt hơn của iPhone ban đầu.
Phát minh trong bóng tối
Về luật pháp, câu hỏi đặt ra là liệu Google có vi phạm bằng sáng chế, bản quyền hay bất cứ tài sản nào khác của Apple không. Từ góc độ bản quyền, có vẻ Google vẫn bên phần sân an toàn. Android xây dựng trên nền tảng Linux và dùng máy ảo Java; iOS xây dựng trên nền Darwin sử dụng khung NeXT-derived Objective C. Không có cáo buộc nào về việc Android phát triển với bản sao chép “đen” mã iOS.
Tuy nhiên, liệu Google có vi phạm bằng sáng chế của Apple không lại là câu hỏi khó hơn, đặc biệt trong bối cảnh thời gian Google sáng tạo phiên bản Android đầu tiên. Luật bằng sáng chế cho phép các công ty nộp đơn xin cấp phép 1 năm kể từ khi công khai phát minh.
Apple giới thiệu iPhone tháng 1/2007, vì thế hạn chót nộp giấy phép các phát minh liên quan tới iPhone là tháng 1/2008. Sau khi nộp đơn, phải mất 18 tháng trì hoãn trước khi ứng dụng được công bố. Vì thế, nếu Apple nộp đơn xin cấp phép ứng dụng vào ngày cuối cùng trước hạn chót, Google không thể biết được sự tồn tại của nó cho tới tháng 7/2009, gần một năm sau khi mẫu điện thoại Android đầu tiên tấn công thị trường. Kể cả sau khi công khai ứng dụng, phải mất vài năm để văn phòng bằng sáng chế đưa ra quyết định cuối cùng.
Do đó không có gì chắc chắn liệu bằng sáng chế có được cấp giấy phép hay sẽ phải đứng trước tòa để định đoạt số phận. Đội phát triển Android của Eric Schmidt trong năm 2008 không hề biết những ý tưởng, một cách hợp pháp, là của Apple. Con đường duy nhất ngăn chặn việc vi phạm bằng sáng chế của Apple là bỏ luôn hệ điều hành điện thoại cảm ứng.
Lịch sử lặp lại
Steve Jobs thành công với việc đe dọa Android. Dù Apple không trực tiếp kiện Google, công ty Cupertino lại bùng phát nhiều trận chiến bản quyền với các nhà sản xuất Android chủ chốt. Không như Microsoft tập trung kiếm lời từ cấp phép sử dụng bằng sáng chế, Apple dường như muốn loại bỏ hoàn toàn Android khỏi cuộc chơi.
Theo nhiều cách, kiện tụng smartphone ngày nay cũng tương tự cuộc chiến “kiểu dáng và cảm nhận”. Tuy nhiên, khác biệt quan trọng là: chuỗi phán quyết của tòa những năm 1990 nhằm hợp pháp hóa bản quyền bằng sáng chế; còn hiện tại, tòa án và bằng sáng chế lại là vũ khí nguy hiểm của các đại gia như Apple.
Google phải chi hàng tỉ USD mua bằng sáng chế để chống lại hành động pháp lý của Apple, Microsoft… Gã khổng lồ có túi tiền đầy để mua những gì mình cần, cho nó quyền được cạnh tranh trong thị trường điện toán di động. Các công ty "thấp cổ bé họng" không được may mắn như vậy. Thất bại của Apple năm nào mở đường cho các công ty nhỏ hơn cạnh tranh trên thị trường điện toán máy tính. Ngược lại, nếu công ty nào ngày nay có ý tưởng tốt cho hệ điều hành di động nhưng thiếu hàng ngàn bằng sáng chế trị giá hàng tỉ USD, nó chắc chắn sẽ bị nã đạn bởi các luật sư bản quyền.
Tuy nhiên, nếu Google phạm tội sử dụng ý tưởng của Apple, Apple cũng không hơn. Nhiều nhà nghiên cứu và công ty đã sáng tạo ra các công nghệ “tiền iPhone”. Theo Buxton, Wayne Westerman đã dẫn nhiều nguồn từ công trình của các nhà nghiên cứu cảm ứng đa điểm đi trước trong luận án tiến sĩ năm 1995 của mình. iPhone tích hợp nhiều ý tưởng tiên phong của Bob Boie, IBM, Jazzmutant, Jeff Han và những người khác.