Muôn mặt kho ứng dụng di động

PV  | 17/09/2012 0:00 AM

Mảnh đất kiếm tiền cho các nhà phát triển ứng dụng.

Vào ngày 7 tháng 3 năm 2012, trang web chính thức của Apple đã công bố kho ứng dụng App Store của hãng đã đạt 25 tỷ lượt tải về và sở hữu hơn 650.000 ứng dụng các loại (bao gồm game, ứng dụng…). Nhắc đến các kho ứng dụng (chợ ứng dụng) hàng đầu hiện nay thì App Store của Apple chắc chắn đứng ở vị trí số 1. App Store là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái của Apple. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn khái niệm của một "kho ứng dụng".
 
muon-mat-kho-ung-dung-di-dong
 
Trước hết, về mặt giao diện, kho ứng dụng cũng được thiết kế như một ứng dụng (App) cài trên thiết bị của người dùng. Nhưng chính xác hơn, kho ứng dụng giống như một cổng kết nối có sự lưu thông. Khi mở kho ứng dụng lên, người dùng có thể truy cập được vào các game và ứng dụng (gọi chung là App) của lập trình viên hoặc nhà phát hành. Họ có thể tải về và cài đặt lên các thiết bị di động để sử dụng.

Mỗi App khi được cập nhật vào kho ứng dụng, các lập trình viên có thể chọn một vài tùy chỉnh như phát hành toàn cầu hay chỉ một số quốc gia, mức phí cho một lần tải... Và thông thường mỗi ứng dụng được bán thì 70% doanh thu được chia cho các nhà phát triển còn 30% sẽ vào túi của hãng cung cấp hệ điều hành mà ở đây là Apple Store và Google Play Store.
 
muon-mat-kho-ung-dung-di-dong

A. Kho ứng dụng quốc tế (được phát triển và sử dụng trên quy mô toàn cầu)

1. Apple App Store

Apple Store ra mắt vào ngày 10-7-2008 và tính đến nay kho ứng dụng này đã đạt được hơn 25 tỷ lượt tải về. Doanh thu năm 2010 của Apple Store vào khoảng 1,8 tỷ USD tăng hơn gấp đôi so với doanh thu năm 2009 là 0,8 tỷ USD. Sự thành công của Apple Store so với các chợ ứng dụng khác đến từ việc Apple luôn chú trọng đầu tư cả về chất và lượng của kho ứng dụng này. Các khâu kiểm định rất nghiêm ngặt và có thể cần đến 3 tuần cho mỗi ứng dụng. Bên cạnh đó, thiết kế của các ứng dụng trên App Store cũng phải thõa mãn tiêu chí đẹp và bắt mắt.

Nguồn thu của Apple không chỉ đến từ bán các thiết bị di động mà còn có một phần không nhỏ từ kho ứng dụng App Store. Ngoài ra, Apple cũng có nhiều chính sách khuyến khích và lôi kéo các nhà phát triển đến với mình. Điều đó lý giải tại sao nền tảng iOS luôn hấp dẫn được các nhà phát triển ứng dụng.
 
muon-mat-kho-ung-dung-di-dong
 
Ngay cả các ứng dụng miễn phí cũng được tạo ra với những mục đích nhất định khác nhau và không chỉ là miễn phí: Xây dựng cộng đồng (như Nhaccuatui.com chẳng hạn), bán quảng cáo (Angry Birds), là công cụ để quảng bá và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp (QBata)…

Để trở thành một nhà phát triển và có quyền đưa ứng dụng của mình lên Apple Store, người dùng cần có đủ những điều kiện mà Apple đặt ra và mất 99 USD/năm để duy trì tải khoản. Các nhà phát triển cũng thích làm việc với Apple hơn vì tất cả các dòng iPhone (ngoại trừ iPhone 5 mới phát hành) đều có chung một kích thước màn hình 3,5 inch làm chuẩn để phát triển ứng dụng. Trong khi đó, hệ điều hành Android bị phân mảnh quá nhiều và Windows Phone vẫn chưa được người dùng thực sự quan tâm.
 
muon-mat-kho-ung-dung-di-dong
 
2. Google Play Store

Cái tên đứng số 2 là Google Play Store (tên gọi trước kia là Android Market, ra đời ngày 23-10-2008). Người dùng chỉ mất 25 USD thay vì 99 USD như Apple để duy trì tài khoản lập trình viên nhưng việc phát triển ứng dụng cho Android khá phức tạp do kích thước màn hình các thiết bị không đồng đều.
 
muon-mat-kho-ung-dung-di-dong
 
Hiện nay kho ứng dụng của Google có 600.000 ứng dụng và đã đạt 15 tỷ lượt tải. Xét về tốc độ tăng trưởng thì Google Play tỏ ra vượt trội so với Apple Store nhưng về chất lượng thì lại thua kém khá xa. Các App gần như không cần xét duyệt dẫn đến việc App trên đây kém cả về nội dung lẫn hình thức. Thậm chí tại Việt Nam còn có một số App lừa đảo như khiến người dùng bị trừ từ 10.000 - 15.000 VNĐ qua SMS nhưng không hề hay biết.

Một trong điểm hay của iTunes là khi người dùng đã tải hoặc mua App thì dù có mất máy thì khi đăng nhập tài khoản iTunes vào máy mới, tất cả App lúc trước sẽ tự động được tải về. Tính năng này hiện giờ cũng đã có mặt ở các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android.
 
muon-mat-kho-ung-dung-di-dong
 
3. Windows Phone Store và các kho ứng dụng khác

Các nền tảng di động khác cũng xây dựng các chợ ứng dụng riêng và Windows Phone Store (tên cũ là MarketPlace) của Microsoft cũng đang trưởng thành nhanh chóng. Tuy nhiên chợ này còn hạn chế quốc gia và tại Việt Nam nếu muốn phát hành ứng dụng cần phải thông qua một đơn vị trung gian là YallaApps. Việc mở tài khoản tại đây mất 99 USD và 2 USD kích hoạt tài khoản, 99 USD sẽ bị trừ dần mỗi 1 USD cho mỗi lần update phiên bản.

Blackberry hay Nokia cũng có chợ ứng dụng riêng. Nhưng sự đầu tư của các hãng này còn rất hạn chế. Nokia khi thì dùng thương hiệu OVI Store khi thì dùng Nokia Store, song nhìn chung số lượng các ứng dụng của Nokia vẫn tỏ ra khá thưa thớt khi so sánh với những người đồng nghiệp.

Samsung cũng tự xây dựng chợ ứng dụng Samsung Apps bên cạnh Google Play Store nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các thiết bị bán ra của hãng.
 
muon-mat-kho-ung-dung-di-dong
 
B. Kho ứng dụng nội (Kho ứng dụng được phát triển với quy mô nhỏ hơn và thường chỉ gói gọn trong quy mô một quốc gia)

Để xây được nền tảng như các chợ ứng dụng quốc tế là điều vô cùng khó khăn. Trong khi các kho ứng dụng nội lại dễ tiếp cận hơn với người dùng mỗi nước cũng đang rất nỗ lực để tự khẳng định mình. Sau đây, chúng ta sẽ cùng lướt qua một vài cái tên “nội” nổi bật.

Mstore do Viettel phát hành nhưng chủ yếu là các ứng dụng Java, thu phí qua SMS. Các App trên Mstore không có gì đặc sắc nhưng lại đạt doanh thu rất khủng khiếp: 6.600 tỷ VNĐ. Khi trào lưu smartphone và nhất là smartphone giá rẻ đang lan tràn thì đất cho dế Java không còn nhiều nên Mstore cũng đang dần trở nên thoái trào.

Trong số các kho ứng dụng nội, cái tên đáng chú ý nhất chính là Appota (trước được biết đến với tên gọi AppstoreVN) của anh Đỗ Tuấn Anh, admin diễn đàn công nghệ nổi tiếng GSM.vn.
 
muon-mat-kho-ung-dung-di-dong
 
AppstoreVN hoạt động dựa trên những iPhone phiên bản Unlock, cài qua Cydia và sau mở rộng ra các nền tảng Android, Java. Appota Việt Nam đã tham dự hội nghị các nhà đầu tư nước ngoài tại sân chơi DemoAsia và nhận được sự hậu thuẫn của ông lớn Microsoft. Sự chuyển mình đầu tiên của họ là việc tung ra bộ SDK tích hợp các giải pháp thanh toán: SMS, thẻ cào, Internet banking, wap charging và paypal nhằm cung cấp cho người dùng nhiều tùy chọn thanh toán hơn cho việc chi trả ứng dụng. Bên cạnh đó, họ cũng ra mắt “tym”, một loại đơn vị tiền ảo của chính Appota. Hy vọng AppstoreVN sẽ sớm được cộng đồng công nghệ thế giới công nhận.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều chợ khác nhưng chưa đình đám như ViMarket chuyên dành cho Android, Mspace của Mobifone, Q-store của Qmobile, F-store của Fmobile. Nhưng đáng buồn nhất có lẽ là Aulac.vn của SmartMedia, được góp vốn bởi những đại gia Mobifone, Vinaphone, VTV và JWT nhưng khá trầm lắng.
 
muon-mat-kho-ung-dung-di-dong
 
Để xây dụng một kho ứng dụng tốt thì khâu kỹ thuật cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, FPT Software là công ty nổi tiếng trong lĩnh vực phần mềm của Việt Nam nhưng cũng đi mua F-store từ Trung Quốc. 

Tuy nhiên, những nỗ lực của các cộng đồng công nghệ Việt là rất đáng khen. Họ đang tự bước đi bằng chính đôi chân của mình, mặc dù khó có thể so sánh với những App Store hay Google Play Store.
Xem thêm:

appstore