"Màn tối" phía sau các sản phẩm của Apple

Thành Luân  | 11/05/2011 12:00 PM

Gần 1 năm sau vụ công nhân tự tử hàng loạt tại các nhà máy của Foxconn, tình trạng bóc lột sức lao động tại nơi đây vẫn còn dai dẳng.

Foxconn là nhà thầu linh kiện lớn nhất của Apple. Nếu bạn từng sử dụng các sản phẩm của Apple như iPod, iPhone, iPad thì chắc chắn bạn đã có trong túi dăm ba mảnh linh kiện của Foxconn trong túi. Từ mạch logic, cho đến từng con tụ, tất cả đều là sản phẩm của Foxconn. Nhưng điều kiện làm việc ở Foxconn cũng giống như ở các nhà máy khác của Trung Quốc và các nước thuộc thế giới thứ 3 được các hãng lớn đặt "thuộc địa" việc làm: tệ vô cùng. Thậm chí, làm việc ở Foxconn, người công nhân còn chịu nhiều ngược đãi hơn bất kỳ nơi nào khác, phải chịu áp lực cung cấp lượng linh kiện khổng lồ để đáp ứng nhu cầu rất cao của các iDevices, và trên hết, yêu cầu bảo mật của Apple khiến công nhân trong các phân xưởng của Foxconn luôn bị đặt trong tình trạng bị giám sát gắt gao.

Những ai hay theo dõi các thông tin về công nghệ chắc hẳn đã một vài lần nghe về những vụ tự tử tại khu nhà máy của Foxconn, nguyên do vì những áp lực công việc quá lớn mà Foxconn đặt lên vai họ. Đã không ít lần hãng công nghệ từ Đài Loan này đã bị lên án vì điều kiện làm việc quá khắc nghiệt tại những nhà máy đặt ở Trung Quốc dẫn đến hàng loạt vụ tự tử. Thậm chí có nguồn tin cho rằng thời gian gần đây, công ty đã bắt các công nhân phải ký cam kết “Không tự tử”. Tình trạng tại đây đã nghiêm trọng tới mức nào?
 
Tại Trung Quốc, một tổ chức chống ngược đãi trong lao động được thành lập bởi các sinh viên học sinh (SACOM) đã tập trung vào Apple, cụ thể hơn là Foxconn với dây chuyền sản xuất iPhoneiPad của họ. Tổ chức này đòi Apple phải giảm giờ làm và tăng tiền lương cho các công nhân, kiểm soát chặt chẽ tiền thưởng cho giờ làm thêm.
 

Dư luận Trung Quốc phẫn nộ khi vụ việc của Foxconn lộ ra ngoài.
 
SACOM đã đến thăm dò tình hình nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu và Thành Đô, nơi sản xuất iPad và máy tính xách tay của HP. Họ kiếm cơ hội nói chuyện với những người công nhân đang trong giờ nghỉ để hình dung được cách đối xử của công ty đối với các nhân viên.
 
Không bất ngờ, khi đồng lương là công cụ bóc lột chính của công ty này. Trong những lần phỏng vẫn, Foxconn hứa sẽ trả lương cho công nhân từ 246 USD đến 307 USD, một khoản tiền khá tốt so với nghề này tại Trung Quốc. Tuy nhiên trong thực tế, người công nhân chỉ nhận được khoảng 146 USD. Và họ có thể kiếm thêm tiền nếu chịu khó làm thêm giờ, và những vấn đề phức tạp nảy sinh tại đây. Rất nhiều công nhân phản ánh rằng bảng lương hàng tháng của họ thường ghi thiếu nhiều ca đã làm, và các công nhân phải đấu tranh gay gắt với nhà máy để được nhận lương đúng hạn mỗi tháng.
 
Sau những vụ tự tử xảy ra năm ngoái, Foxconn đã chấp nhận tăng lương cho công nhân. Tuy nhiên những con số vẫn chỉ là những con số, chúng chỉ tồn tại trên bàn giấy trong khi lương thực tế mà công nhân nhận được chẳng khá hơn là bao.
 
 
Hàng chục người công nhân tự tử tại Foxconn đã dấy lên làn sóng chỉ trích.
 
Theo SACOM -“Trước tiên, việc Foxconn tăng lương là một tín hiệu đáng mừng. Chúng tôi muốn rằng việc tăng lương này đến từ sự thay đổi trong thái độ đối đãi của Foxconn với công nhân chứ không phải chỉ để qua mặt các phương tiện truyền thông.”
 
Tồi tệ hơn, trong khi đáng nhẽ phải là một công việc mang tính tự nguyện thì tại Foxconn, công nhân bị ép buộc làm thêm giờ. Một vài công nhân kể rằng – “Nếu một ngày tôi không chịu làm thêm giờ, thì tất cả những ca làm thêm trong tháng đó sẽ bị trừ sạch. Và thiếu những ca làm thêm đó, tôi chẳng thể có đủ tiền để nuôi bản thân. Vì vậy tôi buộc phải làm thêm giờ từ ngày này qua ngày khác.”
 

Các công nhân của Foxconn trên đường làm ca sáng bắt đầu lúc 7 giờ.
 
Xiao Li, một cô gái 18 tuổi dậy sớm và ra khỏi phòng lúc 6h40 sáng, cô sẽ mất khoảng 20 phút để đi bộ đến nhà máy. Trên đường đi cô phải ghé qua mua phở hoặc mì và ăn ngay trên đường để tiết kiệm thời gian. Một ngày cô phải làm việc 13 tiếng đồng hồ, 10 phút nghỉ giữa 2 giờ làm, 6 ngày 1 tuần, tuy nhiên nếu đơn đặt hàng quá nhiều, cô phải làm cả 7 ngày.
 
Một trường hợp khác của Ling Hui Ping, anh phải làm đến 20h30, sau khi dọn dẹp phân xưởng, lắng nghe nhận xét và phê bình của người quản lý anh phải chạy về phòng thật nhanh vào lúc 21h30. Lúc bấy giờ anh chỉ còn 1 tiếng để gọi điện cho gia đình, tắm và đi ngủ trước khi người quản lý ngắt điện.
 
 
Kết quả là những công nhân của Foxconn có rất ít cơ hội để hưởng cuộc sống bên ngoài. Họ phải ở chung phòng cùng 6 người xa lạ đến từ khắp nơi trên Trung Quốc và dành cả ngày để làm việc, ăn và ngủ. Đa số những người được hỏi xem làm gì trong những ngày nghỉ lễ đều trả lời là họ chỉ muốn ngủ.
 

Khu chung cư dành cho công nhân.
 
SACOM còn lo ngại về sự ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tại nhà máy ở Thành Đô, khu vực phía nam gần nơi làm việc đang là một công trường thi công. Vì vậy các công nhân thường phải làm việc trong môi trường bụi bặm. Ngoài ra, trong môi trường nhà máy họ có nguy cơ tiếp xúc với các hóa chất độc.
 
“Những người công nhân tại xưởng kim loại ở Thành Đô thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất dùng cho việc cắt kim loại. Cụ thể hơn họ phải khoan lỗ trên vỏ iPad và hóa chất này giúp làm mát cho sản phẩm. Một người công nhân cảm thấy rất khó chịu vì  chiếc mặt nạ phòng độc không thể lọc được mùi của hóa chất. Anh ta hỏi người quản lý về ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe nhưng không nhận được câu trả lời. Sau đó người công nhân này lên Internet tìm hiểu và được biết hóa chất mà họ đang phải tiếp xúc hàng ngày gây hại cho phổi.”
 
Công nhân tại Foxconn thường xuyên phải làm việc với các hóa chất độc.
 
Đối với các nhà máy đang thi công và chưa đi vào hoạt động, những công nhân được tuyển về phải trải qua một đợt tập huấn theo kiểu quân sự. Theo SACOM, họ phải đứng và đi bộ rất nhiều để chuẩn bị cho việc phải đứng nhiều giờ đồng hồ trong nhà máy. Nếu đi làm muộn, họ phải đứng úp mặt vào tường trong 6 tiếng.
 
“Giữa tháng 4, những người đưa tin kể rằng họ nhìn thấy khoảng 10 công nhân Foxconn đi về phía phòng tuyển trạch, mỗi người cầm một bản hồ sơ xin việc. Và người giám sát hô nhịp bước chân “một hai, một hai” như thể họ đang hành quân.”
 
 
Foxconn có quy chế an ninh vô cùng nghiêm ngặt.
 
SACOM đã tố cáo Foxconn là một công ty đạo đức giả khi họ một mặt thuê những người tư vấn, mở phòng chăm sóc và đường dây nóng cho các công nhân, mặt khác họ tăng cường bóc lột sức lao động của họ. Nực cười ở chỗ nếu một công nhân muốn được tư vấn, họ phải xưng họ tên và cơ sở làm việc. Còn người tư vấn lại là một công nhân làm thêm ca đêm, sau khi được cho đọc một vài quyển sách tâm lý.
 
Trả lời PCWorld, Foxconn cho rằng lời buộc tội của SACOM là không xác đáng: “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình trong những năm qua để cải thiện đời sống của công nhân Trung Quốc, điều này được công nhận bởi rất nhiều người đã từng thu thập thông tin tại nhà máy của chúng tôi. Và hoàn toàn không có vấn đề gì với công nhân và cách quản lý trong nhà máy của Foxconn.”
 
Không hiểu Foxconn có thể lấy ai để dẫn chứng cho lời nói của họ. Suốt nửa năm qua, liên tục có những bài viết chỉ trích dữ dội về phương thức bóc lột sức lao động của họ. Tuy nhiên gần như vẫn chưa hề có một sự thay đổi tích cực nào về tình trạng này, ngoài những giải pháp chống chế của hãng.

Tất nhiên iDevices là những sản phẩm tuyệt vời, và chúng ta luôn ngưỡng mộ Apple vì những gì mà họ làm được. Nhưng vấn đề ở đây là câu chuyện của sự công bằng. Chúng ta phải bỏ rất nhiều tiền cho các iDevices (những lần "mổ bụng" iDevices người ta đều phát hiện ra chi phí sản xuất thấp hơn nhiều lần so với giá bán của sản phẩm) phần giá trị đó, chắc chắn chúng ta sẽ muốn những người trực tiếp làm ra chiếc iPhone, iPod, iPad tuyệt vời mà chúng ta đang sử dụng. Họ đã phải đối mặt với môi trường độc hại, chế độ làm việc khắc nghiệt để sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng. Ở đây tôi không chỉ nói đến Apple mà là tất cả các hãng sản xuất thiết bị điện tử khác.

Giá như con người ta bớt nghĩ đến lợi nhuận cho riêng mình, và nghĩ nhiều hơn cho người khác, có lẽ những thảm kịch ở Foxconn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội xảy ra.
 
Tham khảo PCWorld