Long đong như phận... điện thoại chơi game

Tròn Xoay  | 17/08/2011 0:00 AM

Dường như các điện thoại chơi game chuyên dụng luôn dính phải một lời nguyền khi không thể thành công dù luôn được các nhà sản xuất hỗ trợ tối đa.

Điểm mặt anh tài


Khởi thủy của điện thoại chơi game có lẽ không thể không nhắc đến Samsung X400 ra mắt hồi cuối năm 2003. Với phong cách nắp gập, Samsung X400 là một chiếc điện thoại gây ấn tượng sâu sắc bởi bàn phím cách điệu tựa như phím điều khiển 4 chiều thường thấy ở các tay game console.


Samsung X400 - game phone chưa bao giờ tỏa sáng.

Ngoài ra, với khả năng hỗ trợ công nghệ java MIDLet, X400 chơi tốt các game nền java vốn rất phổ biến lúc bấy giờ. Cùng màn hình sắc độ 65k màu (cao nhất thời điểm bấy giờ), âm thanh nổi, Samsung hứa hẹn rằng X400 sẽ là một thiết bị sành điệu dành cho giới trẻ.


Cũng chỉ sau đó ít lâu, Nokia là đại gia thứ 2 nổ phát súng bằng việc ra mắt siêu phẩm game phone N-Gage, một tượng đài gây nhiều luyến tiếc nhất tới tận ngày nay.


Một smartphone đúng nghĩa chạy HĐH Symbian S60 với khả năng chơi game 3D cao cấp, hệ thống phím bấm chuyên dụng, thậm chí là song đấu qua Bluetooth, N-Gage khiến nhiều người trầm trồ trước khả năng trác tuyệt. Ngoài ra, Nokia cũng đưa ra nhiều dự định và hoài bão với kho game dành riêng cho hệ máy này.


N-Gage/N-Gage QD - những bom tấn nhanh "xịt".

Ngay từ lúc ra mắt, N-Gage đã có hơn 15 đầu game, trong số đó có những cái tên như FIFA 2004, Virtua Tennis, Tomb Raider… với chất lượng đồ họa 3D cao cấp. Ngoài ra, kho game của Nokia N-Gage cũng liên tục được đón nhận các tựa game mới phát triển riêng cho hệ máy này được phát triển đều đặn hàng tháng. Cùng với đó là khả năng tương thích các java game càng khiến N-Gage gây ấn tượng mạnh với kho game lên tới con số hàng trăm.


Nhưng rốt cuộc, N-Gage vẫn thất bại chưa đầy 1 năm sau khi ra mắt. Lý do lúc đó có lẽ nằm ở chỗ game hệ máy này quá dễ crack, khiến các dòng máy như Nokia 6600, 3660 cũng có thể chơi được game N-Gage. Thêm vào đó, thiết kế cổ quái với loa nghe để bên hông khiến người dùng cá tính đến mấy cũng cảm thấy kỳ kỳ khi nghe điện thoại. Thậm chí, có hẳn 1 website được lập ra với cái tên sidetalkin.com để chế nhạo Nokia N-Gage.


Không chịu thua, liền ngay sau đó Nokia đã tung ra phiên bản N-Gage QD nhằm khắc phục các hạn chế mà phiên bản cũ gặp phải. Với thiết kế gọn hơn, loa nghe trên mặt trước máy và các phím bấm game được làm nổi hơn, nhạy hơn, Nokia vẫn thể hiện rõ dã tâm thâu tóm thị phần game phone.


Tuy nhiên, số phận N-Gage QD cũng không sáng sủa hơn là bao khi máy gặp hàng tá vấn đề như lỗi nguồn treo máy, viền cao su dễ đứt hay nút bấm bung biêng dù mới sử dụng. Và cũng chỉ sau đó ít lâu, chiếc điện thoại chơi game này sớm chìm xuồng và Nokia đành ngậm đắng, khai tử các dòng máy N-Gage và chuyển sang phát triển kho N-Gage phần mềm hỗ trợ cho nhiều hệ máy N-series, E-series của mình.


Sony Ericsson F305i với số phận hẩm hiu.

Dù là đại gia trong làng console game, mãi đến năm 2008 Sony Ericsson mới tung ra điện thoại chơi game đầu tiên của mình với cái tên F305i. F305i hỗ trợ 2 nút bấm X/O tựa như các tay cầm PlayStation chuyên dụng cùng khả năng chơi game cảm biến hành vi khiến nhiều người kỳ vọng nó sẽ tạo nên sức hút mới.


Vậy mà F305i lại trở thành vết đen trong lịch sử game phone khi doanh số máy bán ra tệ hại cùng điểm rơi của Sony Ericsson khi trong năm đó hãng lỗ hàng trăm triệu EU. Việc Sony Ericsson F305i chỉ hỗ trợ java game – một nền tảng đang thoái trào là lý do chính khiến chiếc điện thoại này không tìm được cho mình những tựa game độc quyền với nội dung chất lượng cao.


Tương lai nào cho Xperia Play?

3 năm trôi qua, Sony Ericsson cũng dần phục hồi sau cú sốc thua lỗ và tháng 4/2011, hãng lại cho ra mắt chiếc game phone chính hiệu dưới cái tên Xperia Play. Với thiết kế hao hao PSP Go, Xperia Play tạo ngay cho người xem tại Mobile World Congress 2011 một cái nhìn ấn tượng và chuyên nghiệp với các nút bấm giống hệ máy PlayStation cùng màn hình cảm ứng và lời hứa sẽ chơi tốt game PlayStation One.


Sau 5 tháng bán ra, giờ đây Xperia Play đang là 1 trong những nguyên nhân gây thua lỗ cho Sony Ericsson Quý II/2011 khi doanh số bán ra không đạt yêu cầu cả về phần cứng đầu cuối lẫn phần mềm game chuyên dụng.


Tương lai nào cho game phone?


Nhắc lại N-Gage, nhiều người dùng kỳ cựu tỏ ra khá nuối tiếc khi nền tảng này bị khai tử và đổi tên thành Ovi cách đây 2 năm. Dù đã cố gắng trong việc duy trì các game N-Gage lên các hệ máy N-series, E-series nhưng xem ra Nokia đã thất bại hoàn toàn trong việc tạo nên một dấu ấn trong thị trường game di động.


Game N-Gage là một tượng đài nhưng nó sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội tỏa sáng.

Có vẻ như phải lâu lắm Nokia mới quay trở lại thị trường này bởi giờ đây “ốc vẫn chưa lo nổi mình ốc” khi hãng đang lỗ hàng trăm triệu EU, các dòng điện thoại Symbian, MeeGo đang ngắc ngoải trong khi Windows Phone thì vẫn là tương lai mù mịt.


Sau thất bại của X400, Samsung chưa có bất kỳ động tĩnh gì trong việc tấn công thị phần game phone nhưng các sản phẩm của hãng hiện nay như Galaxy series hay Galaxy Tab đều là những siêu di động với cấu hình đáp ứng tốt các tựa game đồ họa cao cấp.


iPhone 4 - kẻ ăn may gặp thời hay thực sự là trang tuấn kiệt game phone?

Về phần Sony Ericsson, mới đây trong một cuộc phỏng vấn khi được hỏi tại sao game Xperia Play ế khách, Giám đốc phát triển thị phần của hãng, ông Neil-Dwyer đã “nói cứng” rằng "Xperia Play là một thiết bị mang tính cách mạng và chẳng có gì phải lo lắng bởi chúng tôi hoàn toàn hài lòng về sản phẩm này.”


Có lạc quan tếu không Sony Ericsson khi hãng vẫn đang thua lỗ, Xperia Play ngày càng đuối về cấu hình phần cứng và kho game của hệ máy này cũng không có nhiều đột phá? Dễ thấy Xperia Play sẽ sớm trở thành thoái trào ngay trong năm nay khi hàng loạt siêu di động mới được ra mắt với cấu hình cao hơn.


Tại sao khách hàng quay lưng với game phone? Câu trả lời có lẽ dễ thấy là một chiếc di động chưa thể thay thế các hệ máy game console cầm tay hiện nay. Thứ nhất, với công nghệ pin kém cỏi như đang áp dụng, các game phone khó có thể trụ được hơn 2 tiếng chơi và đạt hiệu năng 1 ngày nghe gọi. Thứ hai, các tựa game hấp dẫn còn quá ít và chẳng có game độc quyền, cao cấp khiến các game phone như Xperia Play sẽ phải chống lại chính người anh em của mình là PSP.


Và rồi, sau tất cả những nguyên do ấy, thị phần game phone vẫn thật ảm đạm và tiền chảy vào túi những “kẻ ngoại đạo” mang tên Apple iPhone 4 – máy chơi game cầm tay bán chạy nhất trong 1 tuần, ngay cả khi nó chỉ là 1 chiếc smartphone đơn thuần, không hẳn là một game phone.