Liệu Google, HTC có nên "trả đũa" Apple? (Phần cuối)

Minh Lết   | 13/06/2011 0:00 AM

Ý tưởng kinh doanh có điểm trùng hợp là điều khó tránh khỏi và không phải bao giờ cũng cần phải "tranh đấu đến giọt máu cuối cùng" chỉ vì một "sáng kiến" vụn vặt thông qua những vụ kiện chẳng đi đến đâu.

3. Tính năng xem thời tiết dựa trên vị trí của người dùng.

Về cơ bản thì đây là một trong những tính năng mà các smartphone Android có ngay từ ngày ra mắt. Thông qua định vị GPS hoặc định vị nhờ vào thông tin từ trạm BTS của mạng điện thoại, các smartphone chạy Android có thể nhận ra được người sử dụng đang ở tỉnh thành nào để từ đó đưa ra thông báo về thời tiết nắng mưa, nhiệt độ phù hợp với địa điểm đó.

Widget thời tiết của HTC khá đẹp và tiện.

Các hãng sản xuất smartphone chạy Android như HTC, Samsung đều đưa ra các widget dự báo thời tiết theo vị trí người sử dụng. Và với iOS 5, đơn giản là Apple đã "mượn" ý tưởng từ các widget đó, viết thành 1 ứng dụng weather dành cho iDevices. Tất nhiên sẽ có người tranh cãi rằng tính năng thông báo thời tiết dựa trên vị trí của người sử dụng chẳng phải là điều gì mới mẻ và các hãng sản xuất cũng không thể "độc chiếm" bằng tính năng đó cho riêng mình.

Tuy nhiên hãy thử nhìn cái cách Apple kiện Amazon vì tội dám dùng chữ "AppStore" mà Apple cho là của mình độc quyền, bạn sẽ thấy Apple sẵn sàng "chiến đấu" đến hơi thở cuối cùng để ngăn các hãng khác không thò, dù chỉ là 1 ngón chân, sang lãnh địa các sản phẩm của mình.

4. Dịch vụ iMesssage mới của iOS 5 chỉ là 1 phiên bản của BlackBerry Messenger

Apple có truyền thống "nhặt nhạnh" các phát minh bị các hãng khác... vứt đi, "đánh bóng, tân trang" lại rồi đưa vào sản phẩm của mình. Buồn cười một điểm là những phát minh ấy ở trong tay các hãng khác thì bị dè bỉu, chê bai, nhưng đến lúc vào bàn tay ma thuật của Steve Jobs và bộ sậu của ông ta ở Apple thì lại khiến giới mộ đạo "phát cuồng".

iMessage mới liệu có gây sốt và "hất cẳng" được BlackBerry Messenger?

Màn hình cảm ứng điện dung, thiết kế smartphone điều khiển hoàn toàn bằng cảm ứng, cảm biến gia tốc... Tất cả đều đã được Nokia, Motorola và các hãng khác nữa ứng dụng vào những sản phẩm "chết yểu" của mình. Và những công nghệ trên chỉ khi được "thổi" vào iPhone thì mới tỏa sáng và trở thành xu hướng như hiện nay.

Thế nhưng từ trước đến nay, hầu như Apple chỉ đưa vào sản phẩm của mình những công nghệ chưa ai từng sử dụng hoặc đã sử dụng nhưng không thành công cho lắm nên danh tiếng của Apple trong lĩnh vực "sáng tạo" ngày càng nổi như cồn. Với iOS 5, Apple đã phá vỡ truyền thống đó bằng dịch vụ iMessage: Apple đã đưa ý tưởng của 1 sản phẩm "thành danh" của hãng khác vào iOS 5, mà ở đây cụ thể là BlackBerry Messenger (BBM) của RIM.


Về cơ bản, cả BBM lẫn iMessage đều là 1 dạng dịch vụ chat giống như Yahoo! Messenger hay Google Talk. Chỉ có điều 2 dịch vụ này được thiết kế dành riêng cho smartphone nên hoạt động rất ổn định, linh hoạt và tiết kiệm pin trên các thiết bị cầm tay. Thay vì phải tạo 1 tài khoản và đăng nhập như các dịch vụ chat thông thường, BBM và iMessage gắn sự hoạt động của mình với thiết bị mà nó thường trú, nghĩa là khi cần liên lạc với những người sử dụng BBM khác, người sử dụng chỉ cần biết "số" BBM của người cần liên lạc. Các dịch vụ như BBM và iMessage ra đời với mục đích thay thế dịch vụ SMS truyền thống với các ưu điểm như rẻ, hoạt động ổn định, tin nhắn có nội dung phong phú hơn SMS (Có thể chèn link, ảnh và có giới hạn ký tự nhiều hơn). Ở thời điểm hiện tại, BBM đã trở thành 1 trong những dịch vụ "hút khách" nhất của RIM với hơn 40 triệu người sử dụng.

Nhận thấy tiềm năng của BBM, Apple không chịu ngồi yên mà lập tức tích hợp iMessage vào iOS 5. Thế nhưng iMessage với tư cách là kẻ đi sau, lại có quá nhiều điểm tương đồng nếu so với người đồng nghiệp BBM của RIM. Nói một cách đơn giản, Apple đã tạo ra 1 phiên bản của BBM, chỉ khác là chạy trên nền iOS và chỉ hoạt động giữa các iDevices với nhau mà thôi.

Thay cho lời kết

Nhìn chung, ở góc độ của người sử dụng mà nói, Apple càng chịu khó lắng nghe yêu cầu của người sử dụng và cần mẫn trong việc "học hỏi" từ sản phẩm của các hãng khác thì chúng ta, những người tiêu dùng, càng được hưởng lợi. Và cũng rất có thể là sẽ chẳng hãng nào trong số những hãng mà tôi nêu tên trên kia đâm đơn kiện Apple, vì nói cho cùng, ý tưởng là 1 chuyện, còn thực thi ý tưởng đó ra sao để biến nó thành công cụ kiếm tiền, lại là chuyện khác. Có thể rằng ý tưởng về dịch vụ chat tích hợp trên smartphone để thay thế SMS là của RIM, nhưng biết đâu đấy khi iMessage ra đời, chúng ta sẽ được thấy một dịch vụ hoàn toàn mới, hoàn toàn riêng biệt và không một ai còn nhận ra "cái lõi" BBM nữa?

Thế nhưng đó không phải là những gì mà tôi muốn truyền tải thông qua bài viết này, những gì tôi muốn nói đó là ở iOS 5, chúng ta đã thấy Apple có những bước chuyển rất quan trọng. Thay vì tự tin cho rằng iOS là bất khả chiến bại, giờ đây Apple đã chịu khó nhìn lại và đánh giá các đối thủ của mình như Android, BlackBerry và gần đây là Windows Phone một cách nghiêm túc hơn. Và quan trọng hơn nữa, ở iOS 5, 1 loạt các yêu sách của người sử dụng cũng đã được đáp ứng, chứng tỏ Apple đã lắng nghe người sử dụng hơn. Có thể là chúng ta chưa được chứng kiến Widget trên iPhone, chưa gọi FaceTime qua Wifi, chưa có 1 cơ chế quản lý ứng dụng chạy đa nhiệm tốt hơn, nhưng chỉ cần Apple chịu lắng nghe, tương lai iOS được bổ sung các tính năng kể trên cũng không còn quá xa.

Mong rằng một khi Apple đã "vay mượn" ý tưởng từ các hãng sản xuất khác để đưa vào sản phẩm của mình thì trong thời gian tới chúng ta sẽ bớt phải chứng kiến những vụ kiện cáo dai dẳng và vô bổ từ phía Apple đến các đối thủ. Đến bao giờ thì Steve Jobs hiểu rằng, ý tưởng trùng hợp nhau là chuyện rất bình thường và nếu 1 hãng cứ khăng khăng "vơ vét" hết tất cả các phát minh về phía mình, thủ tiêu cạnh tranh lành mạnh thì người chịu thiệt hại nhiều nhất sẽ là khách hàng ? Thậm chí nếu 1 công ty quản lý quá chặt các phát minh của mình mà không chịu chia sẻ với cộng đồng thì vô hình chung lại bó buộc sự phát triển của cộng đồng. Vì thế câu chuyện không chỉ còn dừng lại ở việc bản quyền thuộc về ai, mà lại quay sang trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.

Xin lấy câu khẩu hiệu của Google để thay cho lời kết của bài viết: "Don't be Evil", một doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm giàu mà không cần các phương pháp cạnh tranh ác ý.