Liên minh Nokia và Microsoft: Ai được, ai mất?

Vũ Đức  | 12/02/2011 05:40 PM

Trong một liên minh, bao giờ cũng có kẻ được lợi nhiều, kẻ được ít, thậm chí có người còn phải chịu thiệt. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ai được ai thua?

Như vậy là sau khi thành lập mối quan hệ chiến lược với Microsoft, Nokia đã chính thức thay thế Symbian trong tư cách là hệ điều hành ưu tiên số 1 bởi Windows Phone 7. Nhưng trong một liên minh, bao giờ cũng có kẻ được lợi nhiều, kẻ được ít, thậm chí có người còn phải chịu thiệt. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ai được ai thua?
 
 
Không còn gì nghi ngờ khi cho rằng Microsoft là người được hưởng lợi, thậm chí là rất nhiều lợi ích là đằng khác. Sự kết hợp của 2 hãng đã tạo một bước tiến quan trọng cho thị phần của Windows Phone 7 đồng thời cũng giảm được một đối thủ quan trọng là Symbian. Không những vậy, với việc hợp tác cùng Nokia, Microsoft lại tiếp tục tìm kiếm thêm được một OEM lớn mạnh nữa trong quá trình chiếm lĩnh thế giới di động.
 
 
Sẽ phải tốn bao nhiêu tiền bạc để Microsoft quảng bá hệ điều hành di động của mình nhanh như khi thành lập liên minh với Nokia? Con số đó chắc hẳn là rất lớn. Ngoài ra, ông trùm phần mềm số 1 thế giới còn có quyền tiếp cận với hệ thống bản đồ Ovi/NAVTEQ Maps. Chỉ tính riêng những cái lợi trước mắt như vậy, có thể thấy Microsoft đã rất sáng suốt trong phi vụ làm ăn này.
 
Còn về phần Nokia? Liệu thương vụ làm ăn là có lợi hay hại cho hãng? Trước hết, về trước mắt cần thấy rằng tập đoàn sản xuất điện thoại này đang phải cố gắng chiến đấu nhằm duy trì vị thế của mình. Còn trong khoảng thời gian lâu dài, liên minh sẽ là chỗ dựa để hãng cố bám víu vào trong trường hợp làm ăn bết bát. Tuy nhiên, mọi chuyện cũng không phải là dễ dàng nếu Nokia không tự tạo ra được những điểm khác biệt so với các OEM khác.
 
 
Quả thật là những thiết bị phần cứng của hãng luôn được đánh giá là nồi đồng cối đá nhất trong thế giới điện thoại di động. Đó là một thế mạnh, nhưng chưa phải là tất cả. Hiện Nokia đã chính thức trở thành một OEM của Microsoft. Mặc dù có quyền thay đổi hay điều chỉnh Windows Phone 7 nhưng dù sao hãng vẫn bị hạn chế trong một chừng mực nào đấy.
 
 
Ngày hôm qua còn là một ngày tồi tệ với các nhân viên tại Nokia. Theo tuyên bố chính thức của CEO Stephen Elop, sẽ có một đợt cắt giảm việc làm lớn tại Nokia trên phạm vi toàn cầu. Đó là những cái hại nhãn tiền mà Nokia sẽ phải thấy trước. Và chắc chắn, không ít thì nhiều, điều này cũng làm những công nhân đang làm việc cho hãng sản xuất điện thoại Phần Lan có tâm lý dao động, bất ổn.
 
Hôm qua cũng là một ngày tồi tệ dành cho Google. Tại sao lại là Google? Bởi thay vì chọn lựa một nền tảng cho các sản phẩm của mình là Android, Nokia đã chọn con đường kết thân với Microsoft thông qua Windows Phone OS. Lý do mà nhiều nhà phân tích đưa ra là nếu như kết hợp với Android, Nokia sẽ trở thành “một kẻ trong vô số kẻ” và giá trị của họ sẽ bị chuyển sang cho Google.
 
 
Điều tồi tệ cũng đến với các OEM Windows Phone khác. Trong suốt cuộc họp báo ngắn “Financial and Strategy” (Tài chính và chiến lược) diễn ra trong ngày hôm qua, CEO Stephen Elop luôn miệng nói rằng Nokia có một mối quan hệ “đặc biệt” với Microsoft.
 
Ngoài ra, nhân vật này còn tự hào rằng tập đoàn của ông có quyền điều chỉnh Windows Phone theo cách của mình mà các nhà OEM khác không thể có được, tiêu biểu trong số đó là quyền tùy biến Windows Phone User Interface (giao diện) sao cho phù hợp với phong cách của Nokia.