Siêu di động – Cứ ra là lỗi
Một trong những dấu ấn đầu tiên của vụ việc bắt nguồn từ Nokia với siêu phẩm N8 ra mắt vào cuối năm ngoái. Đây được coi là sản phẩm hãng đặt nhiều kỳ vọng trong cuộc đua all-in one touchscreen phone. Với HĐH Symbian^3 lần đầu tiên được tích hợp, Nokia hy vọng đây sẽ là con át chủ bài khuấy động lại thị phần smartphone của mình sau 2 năm bị Android và iOS xâu xé.
Trả lời phỏng vấn một tờ báo trong nước, ông Niklas Savander lúc bấy giờ là Giám đốc phụ trách bán hàng và marketing của Nokia đã xác nhận đúng là N8 gặp tình trạng này nhưng “chống chế” rằng đây chỉ là lỗi phần mềm, xảy ra trên một tỷ lệ nhỏ của các máy xuất xưởng và người dùng khi gặp lỗi sập nguồn nên đem đến ngay Nokia Care để được hỗ trợ.
Con số thực tế hàng N8 phải trả về bảo hành bao nhiêu thì các Nokia Care hay công ty phụ trách bảo hành cho Nokia như FiveStars không công bố. Tuy nhiên ghi nhận tại nhiều diễn đàn công nghệ như Tinhte, Handheld đều thấy rằng người dùng gặp vấn đề này là không nhỏ và đa số phải đi thay cả bo mạch ngay cả khi máy vừa mua bóc hộp.
Kế tiếp Nokia là đại gia LG với sản phẩm LG Optimus 2x đình đám – vốn là chiếc điện thoại vi xử lý lõi kép đầu tiên trên thế giới. Ngay sau khi xuất hiện, đã có nhiều ghi nhận về lỗi treo máy và reset của sản phẩm này tại thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Đỉnh điểm tại thị trường Mỹ, nơi mà LG từng có thời gian thống trị ngôi đầu bảng thì đã có người dùng nộp đơn kiện đích danh thương hiệu này cùng chiếc Optimus 2x thuộc nhà mạng T-Mobile với các lỗi tương tự.
Xét trên phương diện kỹ thuật, lỗi treo máy và tự khởi động lại trên Optimus 2x không xảy ra thường xuyên như ở N8, do đó người dùng rất dễ nhầm lẫn với việc do chạy quá nhiều ứng dụng gây nghẽn bộ nhớ và không đủ cơ sở để chứng minh máy bị lỗi sản xuất.
Tại một số nước thuộc EU, khách hàng đã may mắn hơn khi được thay main mới nhưng kèm theo đó là việc máy bị mất IMEI cũ, nhiều phần mềm mua trên Android Market trước đây bị mất. Tới ngày hôm nay, tại các diễn đàn như XDA-Developers hay trang tin GSMArena vẫn liên tục nhận các phản hồi về lỗi và số lượng được ghi nhận ngày một tăng tỷ lệ thuận với sản lượng Galaxy S II được bán ra.
Việt Nam là quốc gia được Galaxy S II ghé chân khá muộn màng nhưng được đánh giá cao bởi các máy đều sản xuất tại nhà máy Samsung đặt tại Bắc Ninh. Giữa tình hình hiện nay, việc một nhà máy sản xuất trong nước tạo ra được một sản phẩm công nghệ cao đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế là một điều đáng tự hào.
Thế nhưng, niềm tự hào ấy ngay lập tức bị dẹp bỏ khi xuất hiện ngày càng nhiều phản hồi của người dùng về máy gặp lỗi phần cứng, màn hình trục trặc, không đẹp bằng hàng...xách tay.
Lập lờ đánh lận con đen
Nokia N8 có vẻ như đã chìm xuồng hoàn toàn bởi siêu phẩm này sắp trở thành phế phẩm trong nay mai, khi Symbian dần bị Nokia buông tay. Điều này khiến doanh số bán ra của N8 giảm dần và lẽ dĩ nhiên tỷ lệ lỗi hỏng cũng vì thế tụt xuống mức thấp nhất. Quả là trong cái rủi cũng có cái... may.
Về phía Samsung Galaxy S II, mặc dù P.Tổng GĐ Samsung Việt Nam đã “đăng đàn” trả lời báo chí về sự cố màn hình trên các dòng máy Galaxy S II Việt Nam sản xuất nhưng dường như đó là chưa đủ.
Những chứng cứ dựa trên buổi offline của người dùng Galaxy S II thu nhận được thì rõ ràng lỗi trên các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam là rất phổ biến. Ngoài vấn đề về lỗi màn hình, Samsung Việt Nam cũng cần phải có lời giải thích rõ ràng về việc chất lượng và cấu hình phần cứng không đồng đều, trái ngược hoàn toàn với những gì mà vị P.Tổng GĐ “xoa dịu” cách đây ít lâu.
Đứng ở góc độ khách quan có thể thấy, người dùng Việt Nam đang là những đối tượng chịu thiệt thòi khá nhiều. Bỏ một đống tiền sắm siêu phẩm như Galaxy S II, iPhone 4... nhưng nếu gặp vấn đề về phần cứng do nhà sản xuất, các “đại gia” này sẵn sàng phủi trách nhiệm bằng đủ câu trả lời vòng vo, tránh né đến chừng nào có thể nhằm bưng bít thông tin.
Mặt khác, chế độ bảo hành với phương châm “BẢO phải nghe, HÀNH là chính” thì ngay cả khi người dùng đúng vẫn vướng phải rào cản từ các nhân viên bảo hành với kỹ năng thấp, “độ kiêu” cao. Lấy ví dụ như việc up ROM/firmware mới cho máy, nếu đang up từ PC chẳng may mất điện đột ngột dẫn tới trường hợp máy brick, việc đem đi bảo hành là 5 ăn 5 thua bởi nhân viên hoàn toàn có thể đổ cho lỗi người dùng và từ chối bảo hành, mặc dù họ chỉ update bản ROM sửa lỗi chính hãng.
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thông qua, tuy nhiên thực tế khi áp dụng thì vẫn còn khá nhiều trúc trắc bởi mỗi trường hợp, mỗi lĩnh vực lại có những đặc thù riêng. Với việc phân phối và mua bán đồ công nghệ cũng vậy, luật là luật nhưng có vẻ như “phép vua đang thua lệ...hãng”.