Từ cú ngã bất ngờ của Google
Những trận sát phạt giữa các đại gia công nghệ xoay quanh vấn đề quyền sáng chế đang ngày một quyết liệt và các vụ mua bán bằng sáng chế trong thời gian gần đây càng ngày càng mang hơi hướm của những cuộc chạy đua vũ trang. Nortel, 1 hãng sản xuất thiết bị viễn thông (trong đó có điện thoại và thiết bị mạng máy tính...) của Canada tuần này đang là tâm điểm của sự chú ý.
Xin tóm lược lại những diễn biến gần đây trên chiến trường bằng sáng chế như sau: Nortel từng là 1 trong những gã khổng lồ trong lĩnh vực viễn thông, năm 2009 tuyên bố phá sản. Kho bằng sáng chế của Nortel gồm khoảng 6000 chiếc, chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông các các thiết bị thông tin liên lạc. Và Nortel đã đem cả kho bằng sáng chế của mình ra đấu giá, tháng 4 vừa rồi Google ra giá 900 triệu USD cho món hàng này của Nortel. Những đối thủ của Google như Apple, Microsoft tất nhiên không muốn hãng này được "vũ trang" kĩ càng hơn, lập tức cũng nhảy vào cuộc đấu giá.
Đến khi Google cắn răng chịu bỏ ra 4 tỉ USD giữa tháng 6, người ta tưởng rằng gã khổng lồ tìm kiếm đã nắm chắc trong tay kho vũ khí này. Đầu tháng 7, Apple đột ngột bắt tay với Microsoft và 1 số hãng sản xuất khác như Sony, RIM, EMC... tung ra cú đấm quyết định: 4,5 tỉ USD để mua 6000 bằng sáng chế của Nortel. Khi kết quả đấu giá được công bố, người ta mới ngã ngửa ra khi "kho bằng" của Nortel được bán cho liên minh Apple-Microsoft-RIM.
Đến những tuyên bố rất mạnh bạo của Google
Sau thất bại của Google, David Drummond, phó chủ tịch điều hành phụ trách mảng pháp chế của hãng này đã đưa lên blog chính thức của Google 1
bài viết trong đó chỉ trích việc Apple và Microsoft bắt tay nhau để cố tình chơi xấu, "dìm hàng" Android. Từ trước đến nay, những tuyên bố chính thức của Google luôn khá "nhã nhặn" và chỉ đề cập 1 cách bóng gió đến các đối thủ của mình. Tuy nhiên lần này có vẻ như Google đã "hết chịu nổi" Apple và Microsoft khi "chỉ mặt gọi tên" tất cả các đối thủ trong bài viết kể trên, đồng thời cáo buộc khá mạnh bạo rằng các hãng đó đã có những động thái cạnh tranh không lành mạnh và đề cập đến việc yêu cầu Bộ Tư Pháp Mỹ xem xét lại thương vụ này.
Có thể dễ dàng hiểu được những bức xúc này của Google khi mà 6000 bằng sáng chế từ Nortel có thể được coi là chiếc phao cứu sinh giúp gã khổng lồ bơi qua cơn khốn khó trong thời buổi "tên rơi đạn lạc". Google còn rất non trẻ trong lĩnh vực HĐH và phần mềm, hiện tại trong kho của Google chỉ có 1000 bằng sáng chế, chẳng bõ bèn gì so với hơn 10 ngàn bằng sáng chế của Apple và 20 ngàn (?) bằng sáng chế của Microsoft. 1 chiếc điện thoại di động có thể dính dáng tới trên 250 ngàn bằng sáng chế ở các lĩnh vực khác nhau, và với vốn liếng ít ỏi của Google, việc Android sa chân vào lãnh địa của Apple hay Microsoft mà hãng này không có 1 bằng sáng chế nào mà Apple, Microsoft vi phạm để đem ra "mặc cả" là điều hoàn toàn có thể.
6000 bằng sáng chế này có lẽ sẽ nhân sức mạnh của Google trước tòa lên nhiều lần. Giờ đây "mua súng" không được, lại để nó rơi đúng vào tay... kẻ địch. Apple có iOS, Microsoft có Windows Phone, RIM có BlackBerry OS, tất cả đều là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Android. Cú ngã này càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn cho Google nói chung và Android nói riêng.
Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại
Trong những tình huống kiểu như thế này, các hãng bị chỉ trích thường phớt lờ theo đúng phương châm "chó cứ sủa đoàn người cứ đi". Nhưng lần này là 1 ngoại lệ. Ngay sau khi Google đăng bài viết của mình, Microsoft lập tức đáp trả rất quyết liệt. Brad Smith, luật sư trưởng của Microsoft nói trên trang Twitter của mình: "Google cáo buộc rằng chúng tôi mua bằng sáng chế của Nortel chỉ để họ không tiếp cận được chúng. Thật vậy sao? Chúng tôi đã từng mời họ góp tiền trong thương vụ này và họ từ chối". Frank Shaw, trưởng bộ phận truyền thông của Microsoft còn đăng cả 1 bức ảnh chụp lá thư trao đổi giữa ông ta với 1 phó chủ tịch khác của Google, trong thư có đoạn Google cự tuyệt lời đề nghị "chung độ" của Microsoft.
Trong khi Google cố gắng xây dựng nên hình ảnh về việc họ là đại diện cho cộng đồng mở, miễn phí đứng lên chống lại "liên minh ma quỷ" của Apple và Microsoft để bảo vệ người tiêu dùng và sự tiến bộ xã hội, bằng chứng của Microsoft đã dội 1 gáo nước lạnh vào những nỗ lực này của hãng.
Đằng sau mớ bòng bong
Nếu có ai đó từng nghĩ rằng Google thực sự quan tâm đến "sự phát triển" hay lợi ích của người tiêu dùng, người đó là 1 kẻ rất ngây thơ. Điều duy nhất mà Google quan tâm đến là việc làm sao để Android có thể trụ vững trước những đơn kiện từ phía Apple và Microsoft. Và hãng này sẽ chấp nhận làm tất cả để đạt được mục tiêu này, việc cắn răng bỏ ra 4 tỉ USD cho thương vụ vừa rồi đã chứng minh quyết tâm này của Google. Và khi những nỗ lực vũ trang thất bại, Google đi 1 nước bài khác để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng. Kiếm được càng nhiều sự ủng hộ của cộng đồng thì khi đưa vụ việc ra tòa, Google càng có cơ may thuyết phục được các thẩm phán rằng Microsoft, Apple đang bắt tay nhau cạnh tranh không lành mạnh.
Có thể bạn sẽ tranh luận rằng trước nay Google thực sự là hãng luôn chú trọng đến quyền lợi của người sử dụng và
nguyên tắc kinh doanh "không ma mãnh" của Google trái ngược hẳn với Microsoft hay Apple, những hãng luôn chỉ tìm cách
bóp hầu bóp họng người sử dụng. Kết luận này có thể đúng. Tuy nhiên nếu bạn biết rằng cách đây mấy chục năm, có 1 hãng phần mềm cũng có khởi đầu giống như Google. Những ngày lập nghiệp, hãng đó phải đối mặt với những đơn kiện bản quyền "tối tăm mặt mũi" như vụ kiện với Apple về giao diện người dùng, với IBM về HĐH OS/2, với Novell về mảng công nghệ truyền dẫn... Và hãng này cũng cố tỏ ra "ngây thơ vô tội" giống như Google bây giờ bằng cách liên tục "la làng" về việc những hãng kiện cáo đang cạnh tranh thiếu lành mạnh và việc bản quyền phần mềm sẽ bó buộc sự phát triển của công nghệ. Vâng, hãng tôi đang nói tới, không ai khác, chính là Microsoft.
Tính độc tài của Microsoft chỉ lộ ra sau khi Windows trở thành HĐH thống trị thị trường.
15 năm sau ngày thành lập, Microsoft chỉ nắm giữ vỏn vẹn 3 bằng sáng chế liên quan tới phần mềm máy tính. Điều này chứng tỏ sự thiếu quan tâm của Bill Gates đối với vấn đề này, và ông ta đã phải trả những cái giá đắt thông qua hàng trăm triệu USD bồi thường cho các vụ kiện thất bại. Sau năm 1990, Microsoft bắt đầu tăng tốc trong việc tích trữ bằng sáng chế. Năm 1995, hãng có bằng sáng chế thứ 100, năm 1999 là bằng sáng chế thứ 1000 và con số này cứ tăng phi mã, đến thời điểm hiện tại ước tính Microsoft đang nắm giữ trên 20 ngàn bằng sáng chế các loại.
Và khi đã tích tụ đủ bằng sáng chế cho mình, dường như Microsoft không cảm thấy các bằng sáng chế này kéo tụt sự tiến bộ của công nghệ nữa. Từ nửa sau thập kỷ 90 trở đi, khi Microsoft giữ vị trí thống trị ở mảng HĐH, hãng này lại đem các bằng sáng chế mà mình thu thập được để kiện cáo, chống lại các tổ chức, cá nhân ủng hộ phần mềm mã nguồn mở.
Cuộc chiến chống Linux dai dẳng của Microsoft là 1 ví dụ điển hình cho việc những doanh nghiệp lớn quên đi thời "bần hàn" của mình và thực hiện chính sách "lấy thịt đè người" mà trước đó họ cực lực phản đối.
Thứ lỗi cho tôi khi nói rằng, có 1 quy trình tiến hóa luôn đúng với tất cả mọi hãng: Khi còn non nớt và đang tìm đường ngoi lên thì phản đối việc các hãng khác sử dụng bản quyền và bằng sáng chế để "cản trở sự tiến bộ chung" nhưng khi đã trưởng thành và thu thập đủ số lượng bằng sáng chế cần thiết thì lại sử dụng chúng để "đe nẹt" các thế lực nhỏ hơn đang muốn trỗi dậy và củng cố vị trí thống trị của mình.
Google có lẽ cũng sẽ đi theo hướng đó, chỉ là tạm thời hãng này còn phải "nhẫn nhịn" vì chưa đủ thời, thế và lực. Rất có thể 10, 15 năm nữa chúng ta sẽ được chứng kiến những vụ kiện chống độc quyền hướng vào Google và Android. Đồng thời rất có thể 1 ngày nào đó Google sẽ trở thành kẻ xấu luôn tìm cách "bắt nạt" các doanh nghiệp trẻ và "tốt bụng" hơn với những bằng sáng chế của mình.
Microsoft muốn gì?
Có thể thấy Microsoft đang chơi trò 2 mang. Google không phải hoàn toàn vô lý khi cho rằng Microsoft bắt tay Apple để "diệt" Android. Vấn đề là những tiết lộ từ phía Microsoft lại cho chúng ta thấy 1 khía cạnh mới của vấn đề: hãng này sẵn sàng bắt tay với cả Google và Apple. Tại sao lại như vậy?
Để trả lời câu hỏi này, hãy lùi lại 1 bước và nhìn vào bức tranh toàn cảnh thị trường. Windows Phone 7 của Microsoft hiện tại đang là 1 sản phẩm thất bại của hãng này trong khi Android và iOS vẫn đang tiếp tục tăng trưởng phi mã. Nokia bắt tay Microsoft để hỗ trợ Windows Phone, nhưng 2 người không biết bơi nắm tay nhau sẽ không giúp cả 2 cùng nổi. Muốn Windows Phone 7 tìm được chỗ đứng, Microsoft bắt buộc phải dọn đường cho nó. Đối với Microsoft mà nói, iOS ngã hay Android thất thủ thì đều có lợi như nhau. Việc ban đầu Microsoft đề nghị bắt tay với Google trước có thể là 1 động thái chứng tỏ họ vẫn dè chừng kẻ thù truyền kiếp Apple.
Nhưng khi Google lắc đầu, Microsoft không ngần ngại sát cánh cùng iOS để "dọn dẹp" Android. Mục tiêu cuối cùng của Microsoft chỉ là gây thiệt hại cho 1 trong 2 đối thủ của mình mà không nhắm và một ai cụ thể. Chỉ cần iOS hoặc Android bị kìm hãm đôi chút là Windows Phone sẽ có cơ hội chen chân vào một thị trường đang quá chật chội.
Microsoft muốn nhân lúc lộn xộn việc bằng sáng chế để "đục nước béo cò", đây thực sự là một ngón đòn rất thâm thúy của gã khổng lồ phần mềm, hoàn toàn tương xứng với kinh nghiệm trên 30 năm chinh chiến trên mặt trận quyền sáng chế.
Apple: "Không cho Android thoát"
Ngay từ đầu, Apple đã bày tỏ ý định quyết giành giật số bằng sáng chế của Nortel với Google. Với số lượng bằng sáng chế của Apple, việc bổ sung các bằng sáng chế từ Nortel không thực sự quan trọng, ý nghĩa của thương vụ này chỉ đơn thuần là kéo "vũ khí" ra xa khỏi tầm với của Google. Việc sẵn sàng bắt tay với Microsoft cho thấy Apple không quá lo ngại về nền tảng Windows Phone èo uột của hãng này. Việc Apple quyết tâm không để cho Google tiếp cận 6000 bằng sáng chế này đã cho thấy những nỗ lực của Táo Khuyết trong việc ngăn cản bước tiến của Android. Rất tiếc cho Android và rất mừng cho iOS là những nỗ lực này cuối cùng cũng thành công.
Google: Chưa hết lối thoát!
Hiện tại tổng số tiền mặt và tài sản tiêu dùng được của Google ước tính là khoảng 40 tỉ USD. Khi quyết định bỏ ra 4 tỉ USD để mua bằng sáng chế từ Nortel, Google đã cắn răng chi ra 1/10 tổng lượng tiền mặt của mình. Trong khi đó, Microsoft và Apple cộng lại có thể có trên 100 tỉ USD, số tiền mà 2 hãng này phải bỏ ra chỉ là khoảng 4,5% số tiền mặt của mình. 2 con số này đã cho chúng ta mường tượng được về quyết tâm của Google khi bước vào vụ mua bán kể trên.
Sự thất bại của thương vụ này cũng giáng 1 đòn rất mạnh vào Google cũng như Android, tuy nhiên đây chưa phải là phần kết của câu chuyện. Google vẫn có thể tìm được 1 lối thoát khác bằng cách kiến nghị bộ Tư Pháp Mỹ xem xét lại thương vụ vừa rồi. Nếu bộ Tư Pháp Mỹ xác định được rằng Apple, Microsoft có ý định cạnh tranh không lành mạnh khi mua lại các bằng sáng chế của Nortel, thương vụ này sẽ đứng trên bờ vực phá sản, hoặc nhẹ nhàng hơn là Apple, Microsoft sẽ bị bắt phải bán bản quyền các sáng chế có liên quan tới Android trong 6000 phát minh đó với 1 cái giá hợp lý.
Nếu sự việc diễn tiến theo chiều hướng này, Apple và Microsoft sẽ mất 1 khoản đầu tư 4,5 tỉ USD mà chỉ thu được vài đồng "thuế" và không gây được thiệt hại cho Android.
Tuy nhiên 1 phán quyết như thế rất ít khả năng có thể được đưa ra. Vì vậy Google lại đang chuẩn bị cho 1 cuộc chạy đua vũ trang mới. Đích đến lần này là 8800 bằng sáng chế đang được Interdigital rao bán cùng với hơn 1000 bằng sáng chế của IBM mà hãng này đã có ý định mua lại từ trước đó.
Kết
Trận chiến về quyền sáng chế sẽ còn rất dài và rất nhiều điều thú vị. Thắng hay thua trên chiến trường pháp lý đều sẽ gây những ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm trên thị trường. Đối với người dùng cuối, điều mong muốn nhất chỉ là các hãng đừng kiện cáo nhau nữa và hãy chung sống trong hòa bình, để quyền quyết định thắng thua lại cho người sử dụng.
Tuy nhiên nếu bạn đặt mình vào vị trí sản xuất, bạn sẽ thấy câu chuyện không đơn giản như vậy. Thử tự hỏi mình câu này, nếu bạn bắt được 1 thằng ăn cắp đang móc túi mình, liệu bạn có muốn trừng phạt nó hay là cho qua, để nó sống "phè phỡn" trên những đồng tiền bạn đã kiếm được bằng mồ hôi công sức của chính mình?