Khẩu chiến fan công nghệ: Đến bao giờ chấm dứt

PV  | 07/05/2012 0:00 AM

Liệu rằng có tồn tại sự dung hòa giữa crazy fan và anti fan?

- Đối với một sản phẩm công nghệ tất nhiên cũng sẽ có những người dùng yêu thích và không thích sản phẩm đó, số lượng những người dùng như thế này ngày càng tăng lên dẫn đến việc cộng đồng crazy fan và anti fan cũng tăng theo.
 
- Thế nhưng bên cạnh những ý kiến chia sẻ, đóng góp vấn đề một cách tích cực thì cũng tồn tại một số những ý kiến quá khích của một số fan cuồng hoặc crazy fan về công nghệ.
 
- Crazy fan và anti-fan lao vào một cuộc khẩu chiến tưởng như không có hồi kết, lúc này người này lên tiếng, một lát sau lại có người khác phản bác. Dù ai đúng hay sai vẫn chưa biết nhưng cuộc chiến vẫn cứ thế tiếp diễn ngày này qua ngày khác.  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Sáng nay như thường lệ, sau khi ăn sáng xong tôi mở máy tính lên. Việc đầu tiên của tôi là vào trang báo mạng bóng đá quen thuộc và đọc các thông tin về trận chung kết cúp FA giữa Chelsea và Liverpool tối qua. Mở trang báo lên, tất cả các thông tin liên quan đến môn thể thao vua này đều hiện lên trước mắt, tôi bấm vào một bài viết về chiến thắng của Chelsea trước Liverpool đêm qua. Sau khi xem xong những thông tin trong bài viết mô tả cách Chelsea giành chiến thắng, kéo phía dưới là một loạt các bình luận về trận đấu này, vốn tính tò mò nên tôi cũng bỏ một chút thời gian ra để xem người đọc bình luận những gì bên dưới bài viết.
 
 
Không ngoài dự đoán của tôi những bình luận đó là một cuộc khẩu chiến giữa các fan (người hâm mộ) của hai đội bóng, fan của Chelsea thì tung hô chiến thắng đội bóng mình yêu thích trong khi fan của Liverpool thì lại tỏ ra bất công thay cho đội bóng áo đỏ khi trọng tài đã không công nhận tình huống ghi bàn của Liverpool. Bên cạnh đó cũng là một số fan của đội bóng khác cũng chia sẻ những ý kiến của mình.
 
Sẽ chẳng có gì nếu như đó chỉ là những ý kiến chia sẻ của cá nhân nhưng số lượng bình luận ngày càng nhiều với thái độ tiêu cực tăng lên. Một số fan của Chelsea nhân dịp đội bóng yêu thích của mình giành chiến thắng đã buông lời chê bai đội bóng thành phố cảng. Fan của Liverpool cũng chẳng phải vừa, họ ngay lập tức có những lời lẽ đáp trả lại fan của Chelsea, tình hình dần trở nên căng thẳng khi các fan lôi các điểm yếu và những thất bại của đội bóng đối phương để mạt sát nhau. Đọc xong hầu hết những bình luận đó tôi bỗng nhớ tới một hoàn cảnh chung của những fan công nghệ trên các forum hay các trang báo công nghệ Việt.
 
Sự phát trển ngày càng mạnh của công nghệ đã kéo theo sự ra đời của rất nhiều các sản phẩm như iPhone, iPad, điện thoại Android nhằm thỏa mãn nhiều hơn những nhu cầu của người dùng. Đối với một sản phẩm công nghệ tất nhiên cũng sẽ có những người dùng yêu thích và không thích sản phẩm đó, số lượng những người dùng như thế này ngày càng tăng lên dẫn đến việc cộng đồng crazy fan và anti fan cũng tăng theo.
 
 
Việc bày tỏ và chia sẻ niềm yêu thích của mình với một hãng sản xuất hay một sản phẩm công nghệ là điều hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu. Ngoài những thông tin trong bài viết thì những bình luận như thế này còn góp phần chia sẻ và đánh giá vấn đề một cách khách quan khiến cho người đọc có được cái nhìn nhiều chiều hơn về những thông tin công nghệ.
 
Thế nhưng bên cạnh những ý kiến chia sẻ, đóng góp vấn đề một cách tích cực thì cũng tồn tại một số những ý kiến quá khích của một số fan cuồng hoặc crazy fan về công nghệ. “iPhone là số một”, “Windows Phone mới là thời thượng đẳng cấp” hay“ngoài Android ra tất cả đều đáng vứt vào sọt rác"... Đó là những câu nói hay gặp của những người thường được gọi là fan cuồng về công nghệ.
 
Xét cho cùng hành động của fan cuồng là một điều rất dễ hiểu bởi nó cũng giống như bóng đá hay âm nhạc. Đã có rất nhiều người vì quá yêu nhóm nhạc hay đội bóng mà họ thần tượng đến nỗi trở nên phát cuồng từ đó hình thành nên crazy fan và trong thế giới công nghệ, điều đó cũng không là ngoại lệ. Niềm yêu thích quá khích dành cho các sản phẩm công nghệ của mình đã khiến họ có những hành động thái quá để bảo vệ “tình yêu” của mình.

Crazy fan sẵn sàng lên tiếng nếu như một bài viết hay nhận xét nào đó lỡ chê bai hay động chạm tới sản phẩm yêu thích của mình. Nhẹ thì trích dẫn lại các bình luận của nhau để thóa mạ, chỉ ra những điểm yếu, sai sót để bóc mẽ nhau, nặng nề hơn thì những từ khó nghe bắt đầu được tung ra. Nó khiến cho những người đọc khác cảm thấy khó chịu, phần nhiều những người trong số này trở thành những anti-fan. Chỉ vì chướng tai gai mắt với những bình luận của fan cuồng mà anti-fan bắt đầu lên tiếng.
 
 
Kết quả là crazy fan và anti fan lao vào một cuộc khẩu chiến tưởng như không có hồi kết, lúc này người này lên tiếng, một lát sau lại có người khác phản bác. Dù ai đúng hay sai vẫn chưa biết nhưng cuộc chiến vẫn cứ thế tiếp diễn ngày này qua ngày khác. Các fan cuồng thì luôn luôn coi sản phẩm mình yêu thích là nhất, là "vô đối" trong khi những anti fan lại tìm ra các lý do khác để dìm hàng crazy fan. Cộng đồng các crazy fan và anti fan thường rất đông và hung hãng thế nên một điều dễ hiểu là có rất nhiều nhận xét bình luận mang tính chủ quan, phiến diện và vô nghĩa vẫn được thốt ra khiến cho độ nóng của cuộc chiến tăng dần lên.
 
Vẫn biết là crazy fan là hung hãn nhưng anti fan cũng không phải là tay vừa. Họ sẵn sàng chụp mũ cho bất cứ ai lỡ khen đối thủ của họ. Chỉ vì những việc nhỏ như thế thôi mà câu chuyện cứ lớn dần và nóng lên các fan công nghệ trung lập lại bị đánh đồng rằng họ là fan của sản phẩm đó. Những từ ngữ như "ifan detected" hay"ifan nín đi" xuất hiện rất nhiều ngay sau những bình luận như vậy. Khen đã khổ mà chê thì cũng chẳng sướng hơn. Một ví dụ dễ hiểu như bất cứ ai mở miệng chê một sản phẩm nào đó như"HTC One X thiết kế vẫn hơi thô", họ liền bị gán cái mác iFan.
 
 
Thêm nữa là tính chạy theo số đông của người Việt, có những người dùng chưa từng sử dụng qua về thiết bị công nghệ đó nhưng cũng vì tâm lý này mà họ cứ lên tiếng chê bai các sản phẩm này một cách vô tội vạ như đổ thêm dầu vào lửa. Cứ như thế cuộc chiến giữa fan và anti-fan diễn ra với nhiều trạng thái khác nhau, khốc liệt không kém gì cuộc cạnh tranh trên thương trường giữa các hãng công nghệ.
 
Cuộc chiến này đôi khi có sự tham gia của rất nhiều người, cá biệt có những người không thuộc bên nào cả cũng nhảy vào khích bác để 2 bên khẩu chiến tiếp. Từ một tin công nghệ rất bình thường hay một câu chuyện nhỏ cũng có thể từ bé xé ra to mà nguyên nhân là do các crazy fan và anti fan gây ra. Thậm chí khi cãi không lại nhau họ vẫn chưa từ bỏ mà tiếp tục “lý sự cùn” chỉ để cho có. Và thay vì nhận được những ý kiến chia sẻ và đóng góp từ một vấn đề thì chúng ta lại thấy những cuộc khẩu chiến giữa các crazy fan và anti fan. Nếu có kết thúc cho một cuộc chiến như thế này có lẽ chỉ là khi họ đã tìm ra một chỗ khác để mà …..đấu khẩu tiếp.
 
 
Kết
 
Một sản phẩm công nghệ không thể nào thỏa mãn được tất cả người dùng, sẽ có những người yêu thích sản phẩm đó, cũng có những người tỏ ra không thích thú và chọn sản phẩm khác. Đó là một chuyện rất bình thường và việc bày tỏ ý kiến về một sản phẩm của mình cũng chẳng có gì là đáng lên án. Cái đáng nói ở đây chính là thái độ của crazy fan và anti fan. Giá như họ biết nhịn nhau một chút, ôn hòa hơn một chút thì để tránh những cuộc tranh luận vô bổ và mất thời gian vô ích.