Khách hàng - Nguồn "sữa" để các nhà sản xuất điện thoại "hớt váng"

Tròn Xoay  | 09/09/2011 05:00 PM

Là thuật ngữ trong kinh doanh, định giá "hớt váng" được xem là phương án tiên quyết của các nhà sản xuất đồ công nghệ nhằm nhanh chóng thu hồi vốn và quay vòng sản phẩm.

Mua siêu di động, mất giá...siêu tốc
 
Những năm đầu của niên kỷ 2000, dân IT thường nói với nhau rằng khi mua một bộ máy tính thì chưa kịp về nhà máy đã lỗi mốt và xuống giá. Ngày nay, khi các siêu di động đang dần thắng thế trên thị phần đồ số và tranh khách với PC thì quá trình rơi giá của nó vẫn không khác là mấy so với thời của máy tính xưa kia.
 
Điểm danh những thương hiệu sở hữu ngôi vị "siêu sao phá giá" ta có thể thấy Sony Ericsson, Samsung và mới đây là Nokia, HTC cũng góp mặt vào bảng xếp hạng này.

 

Định giá hớt váng là chiến thuật cơ bản trong marketing.

Chỉ tính riêng từ đầu năm trở lại đây, có hàng chục siêu di động rơi giá theo chiều thẳng đứng mà điển hình có thể kể tên như Sony Ericsson Arc, Nokia E7 hay HTC Flyer.
 
Công thức định giá hớt váng khá đơn giản, sau khi được chào bán với mức giá đỉnh, sau 3 tháng sản phẩm sẽ giảm 25% và tiếp theo 3 tháng sau sẽ giảm 15% trên giá niêm yết thời điểm bấy giờ. Chỉ trừ phi xảy ra đột biến như công ty đình chỉ dây chuyền sản xuất hay phá sản thì sản phẩm mới đại hạ giá và trong lịch sử các di động thì mới chỉ có HP TouchPad và Microsoft Kin gặp vấn đề này.
 
Vậy là, trung bình mỗi tháng chiếc siêu di động bạn mua sẽ mất 7% và sau khoảng thời gian này cũng là lúc nó đứng giá thêm 6 tháng nữa để rồi kết thúc vòng đời khi tròn 1 năm tuổi.
 
Công nghệ và đồ số là vậy, dù tuổi đời non trẻ nhưng cái vòng quay ấy đã trở thành chu kỳ phổ biến và định giá hớt váng là phương châm hàng đầu của các nhà sản xuất. Vô tình, những khách hàng trung thành và nhiệt tình nhất của họ lại trở thành những "con bò sữa" đầu tiên sở hữu sản phẩm với chi phí cao.
 
Thực sự mà nói, cái cảm giác đập hộp, là những người đầu tiên sử dụng cũng sướng lắm chứ. Nhưng cái cảm giác 6 tháng sau muốn đổi điện thoại mà bán đi chỉ được nửa giá trị cũng thật là "cay cú".
 
Xét trong điều kiện hiện nay, cái vòng đời 6 tháng đến 1 năm của các nhà sản xuất chỉ là một "hư chiêu" nhằm ma mị người tiêu dùng. Thực tế thì kể cả có sản phẩm ra mắt sau đó, công nghệ cũng chưa vượt trội hơn là bao mà nó chỉ thay đổi một chút về hình thức cùng các độc chiêu marketing để từ đó đánh lừa thị giác người dùng và tiếp tục quay lại "cúng tiền" cho nhà sản xuất.
 
Rõ ràng ta có thể thấy những ví dụ điển hình như Nokia N8 và Nokia X7 chẳng khác gì nhau nhưng bằng việc cài thêm tí màu mè, đặt cái tên nữ tính Anna, Belle cho cái gọi là "hệ điều hành phiên bản mới" cùng việc chuốt lại một chút thiết kế cũng đủ để làm khối người rung rinh dù họ vẫn đang dùng tốt thế hệ máy cũ.
 
Gần đây nhất là bài học Sony Ericsson Arc và sắp tới là siêu di động Arc S. Khởi điểm của Sony Ericsson Arc là xấp xỉ 16 triệu, giờ đây nó còn khoảng 13 triệu sau 5 tháng và nhiều khả năng nó sẽ tiếp tục giảm giá ngay trong tháng 9 này. Và Arc S sẽ là ngôi sao thế chỗ với mức giá khởi điểm Arc thưở ban đầu. Tuy nhiên, rõ ràng là cả 2 máy này chẳng hơn gì nhiều ngoài vi xử lý Arc S có xung nhịp cao hơn - một điều sẽ chẳng mấy ai nhận ra nếu không sử dụng các phần mềm chuyên dụng để đo đếm.
 
Có lẽ trong lịch sử đồ số chỉ có các sản phẩm Apple là giữ được giá lâu nhất do chính sách làm giá của đại gia này trong chiến lược kinh doanh. Không cạnh tranh về giá nhưng chỉ riêng việc giữ một đẳng cấp cho mình, Apple đã tạo nên chỗ đứng cho các sản phẩm của mình qua từng năm.
 
Nhận biết những siêu sao rớt giá
 
Có nhiều cách để nhận biết các siêu sao rớt giá trên bảng xếp hạng các siêu di động. Bằng cách này hay cách khác, ta nên nắm bắt được quy luật này để từ đó tìm chọn cho mình một thiết bị vừa ý mà không nơm nớp lo mất giá.

 
Cái đẹp và tính thời trang lại luôn song hành với sự nhanh chóng lỗi mốt.

Dòng điện thoại thời trang: Đây là các siêu di động dễ mất giá nhất mà đơn cử như Sony Ericsson Arc S vừa nêu hay HTC Flyer. Việc nâng tính thẩm mỹ đã khiến hiệu năng của các dòng sản phẩm này bị giảm dẫn tới việc không đáp ứng được nhu cầu người sử dụng. Ngoài ra, thị hiếu thẩm mỹ thay đổi như chong chóng và bạn có thể dễ dàng thấy đôi khi sau một chu kỳ các thiết kế cổ điển lại lên ngôi, vùi dập các vẻ đẹp đương đại và trên "sàn diễn" của các siêu di động, kịch bản cũng tương tự.
 
Dòng điện thoại cấu hình cao: Cuộc chạy đua giữa camera, chipset, màn hình... dẫn tới việc những siêu di động tích hợp tính năng này thường là những di động rơi giá nhanh nhất. Nhà sản xuất mất nhiều chi phí làm ra nó và cũng vì thế họ rất cần bán máy, thu lời nhanh để lấy tiền quay vòng tái đầu tư ra các sản phẩm khác. Chả có gì ngạc nhiên khi 6 tháng trước bạn mua một di động cấu hình ABC với giá XYZ và giờ đây trước mặt bạn là một siêu di động cấu hình ABC+ cùng mức giá trên.
 
Dòng điện thoại lạ và độc: Chống nước ư? Kích thước 5 inch độc đáo ư? Hay 3D? Cuối cùng thì chúng cũng sớm rơi giá mà thôi bởi đó chỉ là những sản phẩm dành cho thị phần ngách. Nó khó có chỗ đứng bền vững và thường thì chỉ sản xuất để phục vụ tại 1 thời điểm cực thịnh và rồi sau đó biến mất mà không có "hậu sinh".
 
Thay lời kết
 
Có lẽ chẳng ai muốn những chiếc điện thoại của mình sớm trở thành "tiêu sản" mặc dù bản chất của nó là như thế. Định giá hớt váng là quy luật sống còn của marketing trong phân phối thiết bị số và bản thân người dùng cũng khó có thể kìm lòng để "hoãn cái sự sung sướng" mỗi khi sản phẩm mới ra lò. Tuy nhiên, hãy nên nhìn nhận vấn đề một cách thực dụng, rằng cái mình đang có đã đáp ứng được hết cái mình cần chưa rồi hãy nghĩ đến cái mới và rồi đưa ra quyết định mua bán chính xác để không phải "bứt rứt" mỗi khi thấy sản phẩm mình vừa mua đại hạ giá.