iPhone đã thay đổi thế giới smartphone như thế nào? (Phần cuối)

Minh Lết  | 12/04/2011 0:00 AM

Nếu không có iPhone, thế giới smartphone sẽ ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua phần tiếp theo của bài viết.

4. Cuộc chạy đua hệ điều hành di động
 
Trước iPhone, hầu hết Smartphone trên thị trường chủ yếu chạy 1 trong 4 hệ điều hành lớn: Blackberry OS, Symbian , Palm OS và Windows Mobile. Và trong vòng 7 năm từ 2000 đến 2007, những thay đổi ở các hệ điều hành kể trên có thể đếm trên đầu ngón tay. Nói một cách dễ hiểu, trong vòng 7 năm đằng đẵng, người ta không hề cảm thấy sức ép phải cập nhật, tự làm mới chính mình.
 
Sản phẩm bán chạy ngày hôm qua vẫn sẽ bán chạy ngày mai, tất cả những gì người ta cần làm là thay đổi tí sơn, gắn một cái mác khác và đem quảng cáo. Và người dùng vẫn thấy thoải mái, chẳng một ai phàn nàn. Nhưng rồi iPhone vào cuộc, và câu chuyện hệ điều hành cho smartphone rẽ theo một chiều hướng hoàn toàn khác. iOS liên tục gặt hái những thành công vang dội và không ngừng lấn lướt thị phần của các bậc đàn anh. Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt và mạnh mẽ từ một hệ điều hành hoàn toàn mới, trẻ trung, năng động, liên tục cập nhập. Những sản phẩm già nua và bảo thủ kể trên lúng túng tìm cách làm mới chính mình. 

 
Nhưng iOS không hề khoan nhượng. Palm OS lặng im ra đi trong một buổi chiều mùa đông 2009. Sang xuân 2010, Windows Mobile cũng ngậm ngùi theo chân, bất chấp những nỗ lực cuối cùng như việc tung ra phiên bản 6.5 mà theo nhiều đánh giá, là một cú giãy chết vô vọng. Symbian cũng tức tưởi yên giấc ngàn thu sau khi Nokia, nhà sản xuất smartphone sử dụng Symbian lớn nhất tuyên bố ngừng việc phát triển và sản xuất smartphone chạy Symbian vào cuối năm 2010. Song song với việc "tre già" là "măng mọc". iOS tiếp tục thẳng tiến, Android quật khởi và có tăng trưởng thị phần như vũ bão, có phần lấn lướt cả iOS, Windows Phone 7 cố gắng vớt vát chút hào quang của người anh xấu số, và còn một vài hệ điều hành khác cố tìm cách chen chân vào thị trường đầy béo bở nhưng cũng lắm thử thách: Bada, WebOS.
 
Chúng ta đều hiểu rằng, từ khi iPhone nhập cuộc, thế giới hệ điều hành cho smartphone đã trải qua quá nhiều biến động, và người tiêu dùng cũng không còn dễ tính và dễ...bảo như xưa nữa. Không còn chuyện nhà sản xuất cứ vô tư...nhồi vào mồm người tiêu dùng một sản phẩm khiếm khuyết , giữ nguyên sự bảo thủ và chậm tiến của mình và bắt người tiêu dùng chịu hậu quả. iPhone đã khởi đầu một cuộc chiến , mà nguyên lý duy nhất đó là "Chậm là chết". Không một ai muốn chết, vì thế cũng không ai dám chậm. Tất nhiên, được lợi nhất vẫn là người tiêu dùng.
 
5. Sự ra đời của lớp dịch vụ và cách kiếm tiền của hệ điều hành di động
 
Trước 2007, AppStore là một cụm từ quá mới. Năm 2011, nếu bạn dùng smartphone mà chưa từng nghe đến AppStore hay Android Market thì rất có khả năng bạn...từ trên trời rơi xuống. Quả thực, iPhone đã mở đầu cho một trào lưu hoàn toàn mới. Trước iPhone, người ta cho rằng smartphone cũng nên đi theo hướng của ngành công nghiệp PC, có nghĩa là nhà sản xuất sẽ chỉ cung cấp những gì mà người sử dụng nhìn thấy trong hộp sản phẩm. Máy, pin, tai nghe, sạc.... còn sau đó trong quá trình sử dụng sẽ không "dính dáng" gì tới phía hãng sản xuất, dùng ứng dụng gì, cài đặt gì hoàn toàn là việc của người sử dụng. 
 
Nhưng sự thành công của AppStore đã "mở mắt" cho các hãng sản xuất smartphone rằng khả năng chạy ứng dụng của smartphone chính là một mỏ vàng lộ thiên mà các hãng sản xuất đã phớt lờ. Việc phân phối các ứng dụng đến người dùng cuối hóa ra cũng đem lại lợi nhuận không kém gì việc bán chính chiếc smartphone đó. Cách làm của Apple đem lại lợi ích cho tất cả mọi người: nhà phát triển ứng dụng tìm được thị trường, miễn là ứng dụng anh ta viết ra tốt, người sử dụng thì hài lòng với việc dễ dàng tìm được ứng dụng phù hợp với nhu cầu của mình ở mức giá phải chăng.
 
Và vui nhất chắc chắn là Apple, vì Apple thu đến 30% giá trị của 1 ứng dụng được rao bán trên AppStore. Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn mua 1 ứng dụng với giá chỉ 1$, thì sẽ có 30 cent chảy vào túi Apple. Mới đây, AppStore vừa cán mốc download thứ 10 tỉ, không cần nói cũng đủ biết lợi nhuận từ nó lớn đến như thế nào. Những hãng đã bỏ lỡ cơ hội khai thác mảng bán lẻ ứng dụng trên smartphone bây giờ chỉ đành nuối tiếc ngồi nhìn Apple "phè phỡn".

AppStore cạnh tranh quyết liệt với Android Market.

iPhone ra đời, đã mở ra một cuộc cách mạng trong phương thức kiếm tiền của các nhà phát triển thiết bị cũng như hệ điều hành di động. Trước iPhone, các hãng sản xuất hệ điều hành di động như Microsoft kiếm tiền bằng cách bán giấy phép sử dụng của hệ điều hành đó cho một hãng sản xuất phần cứng. Các hãng sản xuất phần cứng như Nokia thì kiếm tiền bằng cách bán sản phẩm của mình đến người sử dụng. Tất cả các cách kiếm tiền trên đều là kiểu ăn tiền "1 cục" rồi thôi.
 
Còn bây giờ, Apple đang kiếm tiền trên lưng của người sử dụng ngay cả khi chiếc iPhone đó đã được bán ra hàng năm trời. Không một ai sử dụng iPhone mà lại không cần mua phần mềm từ AppStore, hay mua nhạc từ iTunes Store. Và sự thành công của AppStore đã được khẳng định, có nghĩa là với mỗi iPhone bán ra, chắc chắn Apple sẽ thu thêm được hàng trăm USD lợi nhuận từ việc bán ứng dụng. Việc cung cấp dịch vụ cho smartphone sau khi smartphone đó được bán ra bây giờ hầu như trở thành nguồn thu chính của một số hãng sản xuất. Điển hình trong đó là Google.
 
Hệ điều hành Android của Google là một hệ điều hành mã nguồn mở, nó được cấp phép sử dụng hoàn toàn miễn phí cho các hãng sản xuất. Có nghĩa là ai cũng có thể sản xuất smartphone chạy Android mà không phải trả một đồng nào cho Google. Google "tốt" đến mức chịu chi hàng tỉ USD chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển Android, để tất cả chúng ta có thể sử dụng nó hoàn toàn miễn phí? Tất nhiên là không phải, Google cũng có cách kiếm tiền của mình trên Android.
 
Ngoài nguồn thu đến từ Android Market, thì Android còn đem đến thu nhập cho Google từ mảng quảng cáo trên smartphone. Tất cả các smartphone chạy Android đều có "dây mơ rễ má" rất sâu sắc đối với các dịch vụ do Google cung cấp: Gmail, Google Search, Google Maps. Và tất cả những dịch vụ trên đều có 1 điểm chung: lượng tiền mà chúng đem về cho Google tỉ lệ thuận với số người sử dụng chúng. Google đã thống trị dịch vụ tìm kiếm và quảng cáo trên PC, và bây giờ với Android , Google sẽ lại thống trị trên nền tảng smartphone. Với hàng trăm triệu smartphone đang lưu hành , người nào kiểm soát được thị trường smartphone có nghĩa là đã kiểm soát được tương lai của ngành công nghiệp công nghệ thông tin.
 
Bạn có thể tưởng tượng một năm 2011 nếu như năm 2007 Apple iPhone không cất tiếng khóc chào đời. Có lẽ chúng ta vẫn còn phải sử dụng những chiếc smartphone chạy hệ điều hành Windows Mobile cổ lỗ sĩ, vẫn xuýt xoa khi thấy người ta cầm bút chấm chấm, vẽ vẽ trên màn hình. Rất có thể Palm OS, Symbian, WinMo vẫn sẽ chung sống hòa thuận, chia nhau chiếc bánh thị phần mà không cần giành giật lẫn nhau. Và rất có thể Motorola RARZ, một biểu tượng của sự trì trệ sẽ còn tiếp tục thống trị thị trường thêm vài năm nữa, mở ra một kỉ nguyên của điện thoại nắp gập, nếu các hãng khác cũng đi theo sự thành công của RARZ.
 
 
Nếu iPhone chưa từng ra đời, rất có thể  smartphone bây giờ sẽ trông giống như thế này.

Và rất có thể, tôi sẽ không bao giờ có thể ngồi viết cho bạn những dòng này, trên chiếc smartphone của tôi, nếu iPhone không ra đời.
 
iPhone đến và làm cho điện thoại di động không bao giờ còn như trước nữa. Cá nhân tôi cho rằng sự ra đời của iPhone là một phát minh vĩ đại. Chúng ta, những người tiêu dùng, được hưởng lợi nhiều nhất từ sự cạnh tranh giữa các hãng công nghệ. Rất có thể iPhone đang cảm thấy đuối sức trong cuộc đua với Android, thị phần của iPhone đang giảm nếu so với tốc độ tăng phi mã của Android, những tính năng và công nghệ trong iPhone dần không bắt kịp người "đồng nghiệp" nhưng điều quan trọng hơn đó là iPhone đã trở thành một hình mẫu của cái mà tất cả smartphone nên hướng tới. Thân thiện, đơn giản, thông minh, mạnh mẽ và nuột nà. Không thể không thừa nhận rằng iPhone đã trở thành một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin nói chung và công nghiệp smartphone nói riêng.
 
Giống như những gì mà Steve đã nói trong buổi ra mắt iPhone phiên bản đầu "Ngày hôm nay, chúng ta sẽ phát minh lại điện thoại".
Xem thêm:

iPhone

apple