Apple và các fan của iDevice (thường gọi iFan - chưa tính Mac) vẫn thường tự hào vì những thiết kế mang tính đột phá, đôi khi có thể xem là đi trước thời đại. Điều này phần nào đúng. Song cái gì cũng có giới hạn của nó, năng lực sáng tạo cũng vậy. Lần ra mắt iPhone 5 như một dấu hiệu chứng tỏ "túi càn khôn" của Apple đã cạn.
Cả thèm chóng chán
Một câu tục ngữ quen thuộc của ông bà để lại, cho đến nay vẫn đúng. Mong đợi nhiều, kỳ vọng nhiều, mơ mộng nhiều... thì đến khi thực tế sẽ thất vọng nhiều. Cũng như bạn quen ai đó trên net, hàn huyên như không dứt, nhưng khi gặp ngoài đời, thấy được các thói hư tật xấu (mà qua net không thể hiện), bạn sẽ bị shock. Đây là tâm lý của nhiều iFan sau buổi ra mắt hôm qua.
May thay, những ai không phải iFan như tôi không bị dính vào cảm xúc ấy. Nên tôi có được cái nhìn không đến nỗi quá tệ về iPhone 5. Ít nhất theo quan điểm của tôi, đấy vẫn là chiếc smartphone khá hoàn hảo (không phải đứng đầu nhưng không đáng để thất vọng). Và so với iPhone 4/4S, chiếc smartphone thế hệ 6 của Apple rõ ràng có một số cải thiện: chip Apple A6 được kỳ vọng chạy nhanh hơn, tiết kiệm pin hơn; hỗ trợ LTE cho tốc độ mạng cao hơn; camera trước đạt mức 720p; thân máy mỏng hơn; màn hình rộng hơn.
Thực sự iPhone 5 vẫn có cải tiến đấy chứ, chỉ không phải là ở thiết kế.
Dĩ nhiên, có một vài thay đổi mà nhìn từ quan điểm cũ của iFan, có thể bị xem là "cải lùi": màn hình bự hơn chứ không phải con số 3,5-inch "thần thánh", tỷ lệ "vàng" không còn;
nano-SIM không tương thích ngược với micro-SIM. Và quan trọng hơn cả: thiết kế không có gì nổi bật.
Quy tắc điểm tới hạn
Với một ai thâm niên trong các ngành công nghiệp, họ dễ dàng nhận ra quy tắc này (các bạn SV hoặc trẻ hơn có thể chưa tiếp xúc nhiều nên chưa biết). Ý tưởng của quy tắc này là khi anh tạo ra một sản phẩm quá tốt, thì muốn làm ra một sản phẩm tốt hơn cực kỳ khó. Gọi nôm na "vượt qua cái bóng của chính mình". Ví dụ đơn giản nhất là chuyện học hành (thực ra tên gốc của nó là Learning Curve - Đường học vấn).
Lấy thang điểm từ 0 - 10 để tham khảo, việc bạn đạt được điểm 4 - 5 không phải việc khó, từ điểm đó lên 7 - 8 có khó hơn nhưng vẫn nằm trong tầm tay. Song đẩy 7 - 8 điểm lên mức 9 - 10 sẽ rất nan giải. Và ngoài ra, sau khi được 10 điểm thì bạn sẽ làm gì tiếp?
Vượt qua chính mình luôn là điều khó nhất.
Tương tự như vậy, đối với sản xuất hàng hoá, mà nhất là thiết kế sản phẩm. Dù sao thiết kế thể hiện ở hình thức bên ngoài, không phải vấn đề hiệu năng như chip xử lý nên không nói được một cái thiết kế cũ có thể "cải thiện" theo kiểu nhồi transistor như CPU. Và thiết kế của iPhone 5 dường như là điểm tới hạn khi thừa hưởng lại từ iPhone 4.
iPhone 5 cũng không phải món duy nhất đang thể hiện sự thiếu hụt về ý tưởng của Apple. Chiếc iPod Nano mới có thể xem là sự lai tạp giữa Nano đời 2 và Nano đời 6. Mà vấn đề thiết kế với iPod Nano cũng không phải mới đây. Khi Apple ra mắt Nano đời 6, nhiều người đã cho rằng hãng này "cắt đôi" thiết kế của các đời trước ra và làm nên chiếc Nano mới. Thậm chí với chiếc Nano mới nhất, rất nhiều người còn tưởng đây là phiên bản Lumia made by Apple.
Hướng đi mới?
Nhiều người, nhất là iFan cho rằng sự ra đi của Steve Job đã đặt dấu chấm hết cho Apple. Riêng tôi nghĩ khác (tôi không ủng hộ cũng không phản đối). Vì tạo ra một sản phẩm mới không chỉ có riêng Steve, còn bao nhiêu nhân viên khác của ông. Steve vẫn có vai trò quan trọng, nhưng không phải duy nhất để làm nên chiếc iPhone, iPad, iPod.
Dĩ nhiên không cần phải nói, thứ Apple nói riêng và các công ty khác cần là tính sáng tạo. Nhưng có vẻ sáng tạo trong thời nay gặp khá nhiều trắc trở. Vì dù sao, khó nói chuyện không "dẫm chân nhau" trong quá trình sáng tạo. Anh có thể tự tạo ra cái của riêng anh trong ngày một ngày hai, nhưng gần như không thể trong cả đời.
Ai dám nói kỹ sư của Apple không lấy lại ý tưởng của người khác?
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của Nhạc Bất Quần trong Tiếu ngạo giang hồ. Dù kiếm pháp của phái Hoa Sơn không phải tệ, nhưng để đấu với Nhậm Ngã Hành và Tả Lãnh Thiền, chỉ ngần ấy võ công là chưa đủ. Họ Nhạc cũng phải mượn thêm võ đạo của người khác mới có thể xưng bá giang hồ. Dù vậy thì Tịch tà kiếm phổ vẫn còn kém Độc cô cửu kiếm một vài gang. Ý tưởng của Kim Dung ở đây là: Chỉ biết thân mình chưa đủ, không học tập thêm thì anh chỉ là ếch ngồi đáy giếng.
Với Apple, kiện tụng mãi chuyện thiết kế cũng không phải là cách hay để tồn tại lâu dài. Và nếu thẳng thừng,
thiết kế của Apple hoàn toàn không mới, vì rõ ràng các kỹ sư của họ đã lấy cảm hứng/học tập/sao chép lại thiết kế của hãng khác. Trên quan điểm của tôi, dùng lại thiết kế của người khác không phải điều xấu, vì đấy là cách mà nhân loại đã tiến bộ. Không có sự sao chép/học tập thì những cái của tiền nhân để lại sẽ không có người phát triển. Tương tự, có thể nói
Apple đã làm tốt việc đẩy các ý tưởng về thiết kế của Braun (1960) lên tầm cao mới (2000).
Dĩ nhiên, sao chép không phải hướng đi duy nhất. Nhưng khi túi càn khôn đã cạn, đấy có thể là cách nhanh nhất để có được hình tượng mới. Như một học sinh giỏi văn nhưng kém toán, trong lúc cấp kỳ muốn có điểm toán cao, nhanh nhất là nhờ một người giỏi toán kèm cặp và học tập cách làm của họ.