Có lẽ tuần vừa qua là 1 tuần rất tồi tệ đối với HTC khi mà liên tiếp có những tin dữ liên quan đến những vụ kiện cáo xoay quanh vấn đề bản quyền gửi tới cho hãng sản xuất Đài Loan. Vụ kiện đầu tiên giữa Apple và HTC từ tháng 4 năm ngoái đang có những chuyển biến có lợi cho phía HTC đột ngột đổi chiều khi 1 thẩm phám của ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) vừa mới phán quyết rằng HTC vi phạm 2 trong số 10 cáo buộc về bản quyền của Apple. Đây chưa phải là phán quyết cuối cùng và còn phải được 1 hội đồng cấp cao hơn phê duyệt trước khi trở thành kết luận chính thức.
Cuối tuần trước cũng có thông tin Apple tiếp tục "giã" thêm vào đơn kiện của mình 5 điều khoản mới, liên quan tới sản phẩm mới của HTC là chiếc máy tính bảng Flyer. Ngay sau đơn kiện của Apple, cổ phiếu của HTC sụt giảm 4.3%, góp phần vào đà giảm của cổ phiếu hãng này từ đầu tháng, hiện đã lên tới 13%. Sở dĩ cổ phiếu của HTC sụt giảm nhiều như vậy một phần liên quan đến những lo ngại xoay quanh sự kiện hãng này đang chuẩn bị mua lại S3, hãng chuyên sản xuất card đồ họa từ tay VIA với giá 300 triệu USD.
Trong bài viết này (nếu bạn chưa cảm thấy ngán đến tận cổ với những đơn kiện rối mù về vấn đề bản quyền giữa các hãng) chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một vài góc nhìn xung quanh phán quyết này của ITC và các hệ lụy của nó.
1. Vi phạm những gì?
Câu hỏi muôn thuở là HTC lần này đã vi phạm những cáo buộc nào của Apple? 2 bằng sáng chế có liên quan tới vi phạm của HTC lần này mang số hiệu 5,946,647 và 6,343,263. Cái đầu tiên là về "một hệ thống và phương pháp thực thi 1 hành động trên 1 kiến trúc máy tính" cái sau là về “hệ thống xử lý dữ liệu theo thời gian thực cho các dữ liệu truyền dẫn”.
Cả 2 bằng sáng chế kể trên đều đã được Apple đăng ký từ rất lâu, đều cách đây trên 15 năm, thậm chí còn trước cả khi hãng này cho ra đời ý tưởng về chiếc iPhone đầu tiên.
Rõ ràng át chủ bài của Apple, bằng sáng chế về giao diện cảm ứng đa điểm trên trình duyệt mà hãng này vừa mới nhận được cách đây vài tuần chưa được tung ra trận, nhưng chỉ với 2 bằng sáng chế "cổ lỗ sĩ" này, Apple vẫn tìm được cách thuyết phục ITC rằng HTC đang vi phạm bản quyền của mình.
2. Các bên phát biểu ra sao?
Steve Jobs: "Chúng tôi (Apple) có thể ngồi nhìn các hãng khác ăn cắp các phát minh của mình hoặc có những động thái bảo vệ chúng. Và chúng tôi quyết định Apple sẽ bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình. Chúng tôi cho rằng cạnh tranh là 1 điều rất lành mạnh, tuy nhiên các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi nên tự tạo ra công nghệ của mình thay vì đi "chôm chỉa" của Apple".
Grace Lei, 1 "tướng" của HTC tâm sự với báo chí: "HTC sẽ "chiến đấu tới hơi thở cuối cùng" để vô hiệu hóa nốt 2 cáo buộc còn lại. HTC tin tưởng rằng mình có những bằng chứng xác đáng và sẵn sàng bảo vệ mình bằng mọi giá". Trong 1 tuyên bố trước đó, ông này nói: "HTC cảm thấy rất thất vọng khi mà Apple đã phải dùng đến cách cạnh tranh trước tòa thay vì đối đầu nhau trên thị trường".
Trước tuyên bố HTC chỉ vi phạm 2 trong số 10 cáo buộc từ phía Apple về vấn đề bản quyền, người phát ngôn của Google nói: "Chúng tôi rất mừng vì Ủy Ban đã kết luận tất cả các cáo buộc liên quan đến hệ điều hành vi phạm bản quyền của Apple là vô căn cứ. Chúng tôi tin rằng cuối cùng Ủy Ban cũng sẽ nhất trí với những kết luận trước đó rằng HTC không vi phạm bản quyền sáng chế của Apple. Tất cả các vụ kiện tụng đánh vào các sản phẩm mã nguồn mở đều khiến sự lựa chọn của người tiêu dùng bị hạn chế, tổn hại đến kinh tế và thủ tiêu sự phát triển".
3. Hiểu thế nào về động thái của các bên?
Về phía Apple, rõ ràng động thái tăng thêm các cáo buộc cuối tuần trước là nhằm gia tăng trọng lượng cho 1 vụ kiện vốn đang xoay chuyển theo chiều hướng không có lợi cho hãng này. Chúng ta có thể thấy bước đi ấy của Apple đã có những hiệu quả nhất định. Bước đi tiếp theo của Apple sẽ ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào phán quyết cuối cùng của ITC dự kiến sẽ đưa ra vào tháng 12 này. Có thể nói hiện tại Apple đang thắng 1-0.
HTC dường như đã đánh hơi trước được sự thất bại tại ITC lần này, vì vậy từ đầu tháng hãng này đã quyết định căn răng chi ra 300 triệu USD để mua lại công ty chuyên sản xuất card đồ họa S3. Thương vụ này từng bị các cổ đông của HTC chỉ trích rất nhiều, vì ban đầu HTC tuyên bố rằng vụ mua lại S3 là để giúp công ty này tăng cường mảng đồ họa trên các sản phẩm của mình. Thế nhưng bí mật thực sự đằng sau vụ mua bán này lại nằm ở chỗ: đầu tháng 6, Apple vừa bị ITC phán quyết rằng vi phạm 2 bằng sáng chế của S3.
Việc HTC mua lại S3 sẽ cho công ty này quyền kiểm soát ở 2 bằng sáng chế này, đồng thời 253 bằng sáng chế của S3, chủ yếu ở lĩnh vực đồ họa và xử lý hình ảnh, sẽ được sang tay cho HTC. Với 2 thứ vũ khí mới trong tay, có lẽ HTC đang muốn tìm cách đàm phán với Apple để đi đến 1 thỏa thuận hòa bình hơn giữa 2 bên.
Còn về phần Google, rõ ràng hãng này không đủ sức bảo vệ đồng minh của mình và phải cảm thấy hết sức vui mừng vì Android "thoát" được các cáo buộc về bản quyền từ phía Apple. Google hoàn toàn không có thâm niên trong lĩnh vực sản xuất hệ điều hành, vì vậy số bản quyền mà hãng này nắm gữ về mảng hệ điều hành gần như là con số 0. Vì vậy khả năng Android của hãng lỡ sa chân vào lưới bản quyền dày đặc của 1 hãng từng có thâm niên trên 30 năm phát triển phần mềm điều hành như Apple là rất lớn.
4. Những kết cục nào có thể xảy ra?
Rõ ràng với 300 triệu USD mà HTC bỏ ra để mua lại S3, hãng này đã quyết "ăn thua đủ" với Apple. HTC thừa hiểu rằng nếu không chắc chắn thắng được Apple trước tòa, hãng này sẽ phải "nắm thóp" được Apple. Mặc dù chỉ có 2 bằng sáng chế của S3 mà Apple đang vi phạm, HTC giờ đây đã có được 1 đòn chắc ăn để đối chọi lại với Táo Khuyết. HTC sẵn sàng bắt tay với Microsoft, chi cho hãng này hàng trăm triệu đô để đủ sức đối đầu với Apple, giờ đây lại bạo chi 300 triệu USD, có thể thấy HTC đã thực sự cảm thấy "nóng mặt" trước những đơn kiện như mưa từ phía đối thủ.
Qua thương vụ này của HTC và sự bắt tay với Microsoft của hãng, chúng ta thấy bằng sáng chế từ lâu đã không chỉ đơn thuần là quyền sở hữu trí tuệ để các hãng đánh dấu công sức của mình trong việc nghiên cứu phát triển nữa, mà đã trở thành 1 thứ vũ khí để các hãng lôi ra "xử lý" nhau trước tòa. Mà vũ khí thì có thể mua bán được, bằng sáng chế giờ đây cũng vậy.
HTC không còn gì để mất và giờ đây chỉ còn biết vung tiền ra mua thêm khí tài để đem vào bàn đàm phán với Apple. Vụ mua lại S3 chính là 1 động thái chuẩn bị trước cho sự thất bại ở phán quyết cuối cùng của ITC vào tháng 12 này mà HTC đang lo ngại. Câu hỏi là, những kết cục nào có thể xảy ra nếu ITC giữ nguyên phán quyết của mình?
Thứ nhất là Apple có thể yêu cầu ITC ban bố lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm của HTC vi phạm bản quyền của mình vào thị trường Mỹ, vốn là thị trường tiêu thụ tablet và smartphone lớn nhất thế giới. Nếu cấm lệnh này được ban bố, nó sẽ là tiền lệ để các đơn kiện tương tự của Apple với Samsung, Nokia đạt kết quả. Đến lúc đó, Apple sẽ 1 mình độc chiếm thị trường mà không gặp phải 1 sự cản trở nào từ phía các đối thủ. Trước đó Apple từng yêu cầu ITC cấm nhập khẩu nhiều sản phẩm của Samsung vào thị trường Mỹ vì vậy không có gì là khó hiểu nếu Apple lặp lại yêu cầu này trong đơn kiện với HTC.
Thứ 2 là Apple có thể dùng các đầu mục vi phạm của HTC để buộc hãng này phải ngồi vào bàn đàm phán và chịu chi trả 1 khoản phí trên đầu sản phẩm bán ra. Giống như cách mà Microsoft vẫn đang làm. Đã có những ước tính cho rằng khoản phí này có thể lên tới 20 tỉ đô la Đài Loan (khoảng 670 triệu USD, còn lớn hơn lợi nhuận quí 2 năm nay của HTC).
Tất nhiên đây là 1 số tiền rất lớn, nhưng điều mà Apple thực sự quan tâm đằng sau số tiền này không phải là việc tăng thêm lợi nhuận cho mình. Điều mà Apple tìm kiếm là 1 giải pháp để làm khó dễ các nhà sản xuất đồng thời khiến các thiết bị chạy Android trở nên đắt hơn. Sở dĩ các smartphone chạy Android đang có giá rẻ hơn iPhone nhiều một phần là do Android được Google cung cấp hoàn toàn miễn phí.
Nếu bây giờ khoản phí 670 triệu USD kể trên được chất lên lưng HTC hoặc 1 hãng sản xuất nào khác, như Samsung chẳng hạn, thì hệ quả là giá sản phẩm sẽ bị đội lên và nó sẽ ít thu hút được người dùng hơn. Vì thế có thể nói Apple không phải kiện cáo vì tiền, mà đơn thuần là muốn bắt smartphone Android phải bán đắt lên nhằm tạo thêm ưu thế cạnh tranh cho iPhone.
Cách cạnh tranh này có vẻ hòa bình hơn và dễ được tòa án chấp nhận hơn nên nhiều khả năng Apple sẽ chọn phương án này.
Thứ 3 là mặc dù Google cho rằng các bằng sáng chế mà HTC bị cáo buộc vi phạm không liên quan gì tới Android, nhưng 1 số chuyên gia thì cho rằng do ứng dụng của các bằng sáng chế trên quá rộng, rất có thể chúng có đôi chút liên quan tới 1 thành phần nào đó của Android. Và nếu thực sự Apple chứng minh được Android dính dáng tới các vi phạm này, thì Apple sẽ nắm quyền sinh quyền sát với không chỉ các smartphone của HTC mà sẽ là cả thế giới Android nói chung. Nếu trường hợp này xảy ra và Apple thực sự muốn mạnh tay, đó sẽ là cái kết của Android trên đất Mỹ.
Kết
Việc mua lại S3 là 1 bước đi rất quyết liệt của HTC. Nhưng liệu động thái ấy có giúp hãng này có đủ điều kiện để đem ra mặc cả với Apple? Đến tận tháng 12 phán quyết cuối cùng mới được đưa ra, hiện tại nói gì cũng còn là quá sớm. Tuy nhiên nếu như thực sự Apple thắng vụ kiện này, đây sẽ là 1 tin rất xấu cho tất cả các hãng sản xuất smartphone Android đang hoạt động ở thị trường Mỹ. Dù vậy, hãy nhìn lại mọi chuyện bạn sẽ thấy rằng nếu thực sự Apple muốn cấm cửa Android hoặc các smartphone của HTC khỏi đất Mỹ thì sẽ là 1 lối chơi rất không đẹp.
Các hệ điều hành có một vài điểm chung không phải là chuyện hiếm gặp. Ngay cả iOS 5 cũng vay mượn rất nhiều từ Android, nhất là hệ thống hiển thị thông báo của HĐH này. Nếu Google và HTC cũng quyết "bới lông tìm vết" như Apple, có lẽ hãng này cũng chẳng thể ngồi yên một chỗ để mà kiện cáo như bây giờ. Thực sự mong rằng Apple có thể xóa sổ Android bằng các sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn, hấp dẫn hơn chứ không phải bằng những lá trát hầu tòa như bây giờ.