Ngày hôm nay, đại diện HTC đã để ngỏ khả năng tự mình sản xuất và sở hữu một HĐH di động riêng. Tuyên bố của HTC không chỉ ảnh hưởng đến riêng họ mà nếu là sự thật, nó còn là một cú đánh mạnh vào Android - HĐH đang chiếm thị phần lớn nhất hiện nay mà trong đó, HTC đóng vai trò quan trọng.
Thậm chí, dự án lấp lửng của HTC còn đe dọa tạo ra một sự thay đổi lớn cho thị trường smartphone. Nhiều người đang đặt câu hỏi rằng liệu có một ngày nào đó, mỗi hãng sản xuất điện thoại lớn sẽ sử dụng một HĐH của riêng mình hay không? Sự phát triển của các nền tảng trung lập như Android, Windows Phone 7 sẽ ra sao?
Hệ quả tất yếu của thương vụ Google mua lại Android?
Cách đây không lâu, Google đã chi tới 12,5 tỷ USD để thâu tóm hãng sản xuất điện thoại nổi tiếng Motorola. Mục đích của thương vụ này nhiều người cho rằng liên quan đến kho bằng sáng chế mà hiện tại OEM này đang sở hữu. Tuy nhiên, không nên vì thế mà bỏ qua ý định thâm nhập thị trường sản xuất điện thoại của Google. Tuy chính CEO của Google đã đăng đàn khẳng định Android sẽ vẫn là một nền tảng mở và phát triển công bằng dành cho tất cả các nhà sản xuất nhưng ai cũng hiểu rành sẽ có những ưu tiên nhất định họ sẽ dành cho "người nhà". Và đương nhiên, vì thế, các hãng di động khác không thể làm ngơ trước mối đe dọa này.
Chính vì thế, tất cả các hãng đã và đang có những phương án thay thế cho Android. Với các hãng nhỏ, họ chọn phương án tìm kẻ thay thế (Windows Phone chẳng hạn) còn Samsung và HTC, với tiềm lực lớn, xây dựng một HĐH mới là hoàn toàn có thể.
Tất nhiên, có thể và sẽ làm nhất là làm triệt để là những câu chuyện nào hoàn khác nhau. Có thể, HTC thừa tiềm lực cả về tài chính lẫn con người để xây dựng một HĐH mới dành cho smartphone nhưng khi xét cái được và cái mất, có lẽ phương án thích hợp nhất mà hãng sản xuất Đài Loan sẽ lựa chọn là tạo ra một HĐH mới nhưng chỉ dùng nó như một phương án phụ bên cạnh Android.
Được
Cái được đương nhiên tương đối khá dễ dàng nhìn thấy: HTC sẽ không phải phụ thuộc vào bất cứ đối tác nào trong việc lựa chọn, chỉnh sửa và nâng cấp hệ điều hành. Họ có thể tùy chỉnh, tạo ra sự tương thích lớn nhất giữa phần cứng và phần mềm, kiểm soát tuyệt đối sản phẩm của mình. Họ có thể thu lợi một cách tuyệt đối từ HĐH này (quảng cáo, tiền "hoa hồng" ứng dụng...) thay vì hi sinh khoản lợi nhuận này cho các đối tác như hiện nay.
Đây chính là lý do vì sao tiêu đề bài viết này lại là "HTC và tham vọng trở thành Apple thứ hai". Nếu thực hiện theo phương án này, đích nhắm của HTC chắc chắn trở thành một Apple, ít nhất là của châu Á. Độc quyền HĐH, phần cứng, nội dung, nếu thành công, chắc chắn lợi nhuận của HTC sẽ rất lớn.
Mất
Việc ly khai Android của HTC chắc chắn sẽ khiến công ty này mất đi nhiều hơn là những cái được. Trực tiếp và trực quan nhất là khoản tiền (có thể lên tới hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ USD) để mua lại, phát triển, quảng bá và thuyết phục các nhà phát triển, các đối tác phát triển ứng dụng cho HĐH này. Ngoài ra, không thể quên được chi phí dành cho việc mua lại các bằng sáng chế quan trọng.
Thứ hai là những rủi ro trong quá trình phát triển HĐH mới. Ngoài ra, quan trọng hơn là cuộc chiến do Apple phát động đang làm đau đầu hầu như toàn bộ các đối thủ: cuộc chiến bằng sáng chế. Phải biết rằng, hiện nay, Apple, Microsoft và thậm chí là cả Android đang nắm trong tay những vũ khí hết sức mạnh mẽ để "dìm" được HĐH mới mà HTC hỗ trợ trong đống giấy tờ tòa án.
Thứ ba là lượng fan trung thành của Android. Không thể phủ nhận được rất nhiều khách hàng hiện tại của HTC mua điện thoại của họ đơn giản vì nó chạy HĐH Android. Nếu chuyển hẳn sang HĐH mới, HTC sẽ mất lượng khách hàng này, ai biết, nó chiếm bao nhiêu % doanh thu hiện tại của HTC?
Tương lai u ám của HĐH mới
Một HĐH cần gì để thành công? Có thể tóm gọn lại: một chỗ dựa phần cứng vững chắc, ứng dụng và chất lượng. Trong số này, thứ duy nhất chúng ta chắc chắn HTC có là phần cứng. Không ai nghi ngờ khả năng của HTC khi họ đang là NSX smartphone hàng đầu. Tuy nhiên, họ thiếu hai yếu tố sau, đặc biệt là ứng dụng - điều quan trọng nhất trong thành công của một HĐH smartphone.
HĐH của riêng HTC chắc chắn sẽ có một lượng khách hàng ban đầu rất nhỏ, điều này không tạo ra hứng thú và động lực cho các lập trình viên khi mà Android và đặc biệt là iOS còn đang quá hấp dẫn. Nó chắc chắn sẽ khiến kho ứng dụng của HTC trở nên nghèo nàn và không khiến cho khách hàng có thiện cảm với nó nên sẽ không mua. Cái vòng luẩn quẩn này chính là lý do đã giết chết không ít HĐH mà mới nhất là webOS của HP.
Liệu HTC nên làm thế nào?
Nếu như bạn nhìn gương của Apple và nói rằng việc độc quyền cả phần cứng lẫn phần mềm là một lựa chọn thú vị và mang lại nhiều lợi nhuận thì bạn hãy nhớ rằng, Apple là trường hợp duy nhất trong thời điểm này đạt được thành công với chính sách kể trên. Hãy nhìn sự thất bại của HP với webOS, bạn sẽ thấy việc đơn độc một mình một ngựa khó đến thế nào. Nokia từng là ông vua của thế giới điện thoại trong suốt một thời gian dài còn HP cho đến thời điểm này vẫn là hãng công nghệ lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, vậy mà họ còn thất bại, HTC chỉ là một NSX điện thoại mới nổi, tiềm lực chưa thật sự "khủng khiếp". Quá ít lý do để tin vào sự thành công của hãng với HĐH mới.
Phương án tốt nhất mà HTC nên lựa chọn (và nhiều khả năng là hãng sẽ lựa chọn) là tiếp tục cung cấp các smartphone chạy Android song song cùng với HĐH mới. Và như vậy, rút cục, HĐH mới của HTC cũng chỉ là một nét bút nhỏ bé trong bức tranh smartphone hiện nay.