HTC: Cần những gì để trở lại đường đua?

Minh Lết   | 30/11/2011 0:00 AM

HTC đang đứng trước bờ vực suy thoái và hãng sẽ cần những gì để quay lại "tốp đầu"?

Sau khi báo cáo tài chính quý 4 năm 2011 của HTC được công bố, nhiều người cảm thấy bị shock khi biết rằng trong suốt quý 4 năm 2011 HTC gần như không tăng trưởng về doanh thu. Dĩ nhiên công ty vẫn hoạt động có lãi, tuy nhiên khi doanh thu đứng yên trong khi các đối thủ như Samsung, Apple đều đang chứng kiến sự tăng trưởng 2 con số là 1 điều rất đáng quan ngại. Và báo cáo tài chính của HTC đã bắt công ty này phải trả giá: cổ phiếu của HTC tụt 30% chỉ sau có 9 ngày giao dịch gần đây và nếu so với đỉnh hồi tháng 8 thì cổ phiếu của HTC đã tụt tới 65% giá trị.

Giá cổ phiếu của HTC đang tụt dốc không phanh từ hồi giữa năm.

Việc cổ phiếu tụt dốc không phanh chứng tỏ sự lo ngại của các cổ đông trước tương lai của HTC. Đã có những ý kiến cho rằng HTC đang bước theo chân RIM và Nokia, từ vị trí nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới xuống "chiếu dưới" chỉ sau có vài năm ngắn ngủi. Là 1 fan của HTC cũng như Android, cá nhân tôi cũng cảm thấy HTC đang có những vấn đề cần phải chỉnh đốn nếu hãng muốn trở lại trong cuộc chạy đua smartphone. CEO của HTC cho rằng việc cổ phiếu tụt giá cũng không đáng lo ngại cho lắm, và rằng trong năm 2012, HTC sẽ tung ra thị trường những thiết bị mới, cạnh tranh hơn.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu sản phẩm của HTC cần thêm những gì để giúp hãng sản xuất Đài Loan vượt qua cơn khó khăn?

Cấu hình

Có thể nói đây sẽ là điểm đầu tiên mà HTC cần phải chỉnh đốn trong các sản phẩm tương lai. Hãy cùng nhìn lại thời gian khi chiếc smartphone lõi kép đầu tiên của HTC ra mắt, chiếc Sensation. Trong khi những smartphone Android dùng SoC lõi kép đầu tiên LG Optimus 2X ra mắt thị trường vào khoảng nửa đầu 2011, sau đó các model khác như Atrix cũng lần lượt được giới thiệu trong nửa đầu 2011 thì HTC tới tận gần cuối quý 2 mới trình làng HTC Sensation. Sự có mặt muộn màng của Sensation lại càng trở nên tồi tệ hơn khi đối thủ lớn nhất của Sensation: chiếc Galaxy S II cũng lên kệ trước nó gần 1 tháng. Sự có mặt muộn màng của Sensation khiến nó đã rất vất vả khi phải đuổi bắt 1 chiếc smartphone quá xuất sắc như Galaxy S II.

Không chỉ xuất phát muộn, chiếc smartphone lõi kép của HTC còn dính phải 1 yếu điểm chết người: cấu hình. HTC vốn có truyền thống hợp tác rất thân thiết với Qualcomm, sản phẩm chạy Android của HTC cho tới thời điểm hiện tại 100% đều sử dụng chip xử lý của Qualcomm sản xuất, và có 1 vấn đề với các hệ thống xử lý của Qualcomm như thế này: Qualcomm xuất thân là hãng chuyên sản xuất xác thiết bị thu phát sóng di động, Qualcomm từng có bề dày rất lâu đời trong việc phát triển các công nghệ thu phát tín hiệu (hãng này chính là cha đẻ của các chuẩn CDMA 2000, 1xEV-DO) tuy nhiên kinh nghiệm sản xuất chip xử lý của Qualcomm thì lại không thể so sánh với các đối thủ có bề dày trong việc sản xuất vi xử lý như Nvidia, ImgTech (hãng sản xuất GPU PowerVR). 


Chính điều này là 1 lý do chủ yếu khiến các SoC của Qualcomm thường có hiệu năng thua kém so với các đối thủ. Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là việc SoC MSM8260 sử dụng trên HTC Sensation sử dụng kiến trúc Scorpion dựa trên nền Cortex A8 là SoC lõi kép duy nhất trên thị trường sử dụng nền tảng này trong khi các đối thủ như Exynos 4210 trên Galaxy S II hay Tegra 2 trên Atrix, Optimus 2X đều sử dụng nền tảng Cortex A9 mới hơn.

Hệ quả tất yếu là mặc dù chạy ở cùng 1 xung nhịp, HTC Sensation thường có hiệu năng thấp hơn khoảng 20% so với các đối thủ của mình. Điều này có nghĩa là trong khi Galaxy S II có thể gánh các video 1080p nhẹ như bỗng thì HTC Sensation rất ì ạch ngay ở phân giải 720p. Đây cũng chính là 1 trong những lý do khiến tôi không nâng cấp lên HTC Sensation từ chiếc Desire HD của mình, vì một trong những hình thức giải trí chủ yếu của tôi trên smartphone là xem phim. 


Hiện tại đã có những thông tin về việc thế hệ Snapdragon S4 mới của Qualcomm ra mắt giữa năm 2012 sẽ đủ khả năng gánh vác 1080p nhưng tuyên bố ấy dường như đã là quá muộn màng khi mà Galaxy S II đã có thể làm điều này từ trước đó cả năm trời. Nếu HTC vẫn còn đeo bám lấy Qualcomm thì các smartphone của hãng sẽ luôn là kẻ đi sau về mặt hiệu năng. Bên cạnh đó, HTC có vẻ cũng rất chủ quan khi là hãng sản xuất duy nhất "dám" trang bị cho 1 chiếc smartphone lõi kép như Sensation dung lượng RAM chỉ 768MB trong khi các đối thủ đều đã đạt mức 1GB từ lâu. Dung lượng RAM thiếu hụt càng khiến Sensation tụt hậu xa hơn về mặt cấu hình. Và trong cuộc chạy đua vũ trang của các smartphone Android, kẻ nào thua về hiệu năng sẽ tụt lại phía sau.

HTC cần có những bước đi đúng đắn và đầu tư nghiêm túc hơn cho vấn đề cấu hình nếu hãng còn muốn tiếp tục ở thị trường smartphone năm 2012. Và cái mà tôi đang nói tới không phải là những con số trông đẹp mắt, mà là hiệu năng thực sự của thiết bị.

Thiết kế

HTC có thời từng dẫn đầu ngành công nghiệp smartphone về sự đa dạng trong kiểu dáng thiết bị. Có kinh nghiệm nhiều năm gia công cho các đại gia, HTC tích lũy cho mình một phong cách thiết kế rất đa dạng và phong phú. Hãy nhìn lại những mẫu smartphone của HTC trong quá khứ như HTC Diamond, HTC TouchPro và sau đó là HTC HD2 để kiểm chứng điều này. 


Tất nhiên không phải thiết bị nào trong số đó cũng đẹp, nhưng số lượng thiết kế lớn khiến chúng ta có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân. Đã có thời dù bạn muốn bàn phím cứng hay màn hình cảm ứng, thiết kế trượt hay candy bar HTC đều có thể thỏa mãn bạn. Giờ đây hãy nhìn qua những smartphone Android đóng mác HTC bạn sẽ thấy tất cả đều na ná nhau. Tôi không nói rằng thiết kế của HTC không đẹp, tuy nhiên khi bạn lặp lại 1 thứ quá nhiều lần, điều đó chứng tỏ khả năng sáng tạo của bạn đang đi vào ngõ cụt.


HTC thành công trên thị trường nhờ vào khả năng sáng tạo. Hãng đã từng dẫn đầu thị trường với những thiết kế kinh điển như bàn phím trượt ngang, màn hình 4,3 inch... Và bây giờ chính là thời điểm để HTC tung ra những ý tưởng sáng tạo độc đáo như thế, không chỉ là việc giữ nguyên phần lõi, thay đổi đôi chút ở vỏ ngoài rồi đẩy sản phẩm lên kệ.

Giá cả

Rõ ràng HTC muốn định vị thương hiệu của mình ở phân khúc cao cấp khi liên tục cho ra những sản phẩm có giá bán "chát". Tất nhiên không đến nỗi cao quá đáng như Sony Ericsson, nhưng sản phẩm của HTC thường được định giá cao hơn khá nhiều so với các đối thủ có tính năng tương đương. Lấy 1 ví dụ cho chuyện này là chiếc HTC Sensation giá chính hãng tại Việt Nam khoảng 14,5 triệu đồng. Trong khi Galaxy S II chỉ được bán với giá chính hãng 13,5 triệu đồng mà lại được tặng kèm rất nhiều sản phẩm khuyến mãi. Giá bán đắt hơn 1 triệu đồng nhưng hiệu năng lại thua kém, Sensation khó lòng có thể cạnh tranh được với Galaxy S II, và ở thị trường xách tay, giá của 2 sản phẩm này phần nào phản ánh sát hơn thực lực của chúng: 11,4 triệu cho Galaxy S II và 10,4 triệu cho HTC Sensation. 


Đồng ý rằng các smartphone của HTC có những tính năng độc đáo như giao diện Sense đẹp, hữu ích hoặc chất lượng gia công vượt trội so với Samsung. Bên cạnh đó các smartphone "giá rẻ" của HTC cũng không hề "rẻ" chút nào. Model rẻ nhất của HTC tại Việt Nam là HTC Explorer đang có giá 5,8 triệu đồng, mức giá này vượt xa túi tiền của hầu hết sinh viên, học sinh và công chức thu nhập thấp, những đối tượng mà HTC Explorer muốn hướng đến.
Hướng đi định giá sản phẩm cao để gây ấn tượng "cao cấp, sành điệu" là 1 hướng đi đúng và sẽ đem lại hiệu quả rất lâu dài cho HTC, tuy nhiên nó cũng sẽ đòi hỏi 1 quãng thời gian không hề ngắn để phát huy được tác dụng: Steve Jobs mất cả đời để thực hiện được việc này ở Apple. HTC đang ngấp nghé bờ vực khủng hoảng và hãng sẽ cần những biện pháp nhanh hơn, quyết liệt hơn để vực dậy tình hình. Xem xét lại chiến lược giá là một biện pháp tình thế rất hữu hiệu.

Kết

Trong vòng 1 năm trở lại đây, rõ ràng HTC đã có những nỗ lực lớn trong việc cải tiến thiết bị của mình. Mặc dù là những thay đổi rất thầm lặng nhưng những ai theo dõi sát sản phẩm của hãng dễ dàng có thể "chỉ mặt gọi tên" chúng như chất lượng camera, chất lượng tai nghe kèm máy, thời lượng pin, giao diện Sense liên tục được nâng cấp... Tất cả những nỗ lực ấy đều nhằm đem lại cho người sử dụng một thế hệ smartphone mới tiện ích hơn, phù hợp hơn.

Tuy nhiên điều mà HTC cần bây giờ không phải là những thay đổi thầm lặng theo kiểu "phải dùng mới hiểu" như khẩu hiệu Quietly-Brilliant của hãng nữa, mà HTC cần những thay đổi nhanh hơn, mạnh hơn và dễ... quan sát hơn. Một thiết kế mới với cấu hình vượt trội so với các đối thủ và 1 chiếc lược về giá hợp lý là điều mà HTC cần ngay lúc này để giành lại những khách hàng đang "lung lay". Dù đang trên đà tuột dốc, HTC vẫn còn nắm giữ một vị trí rất quan trọng trong làng smartphone thế giới, và hãng vẫn hoàn toàn có khả năng giành lại những gì đã để tuột mất chỉ qua 1 vài sản phẩm xuất sắc.

Dù vậy cũng cần hiểu rằng khả năng HTC đi vào vết xe đổ của Nokia, Sony Ericsson và tiếp tục trượt dài là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thế giới công nghệ rất khắc nghiệt và sẽ không tha thứ cho bất kỳ sai lầm nào, dù là nhỏ nhất.