"Hậu trường" Apple: Những câu chuyện chưa bao giờ kể (Phần cuối)

Minh Lết  | 31/05/2011 0:00 AM

Những câu chuyện đằng sau cách Steve Jobs điều hành Apple, Apple sáng tạo ra các sản phẩm của mình như thế nào và vì sao môi trường làm việc ở Apple được đánh giá là khắc nghiệt nhất trong số các công ty dotcom lớn trên thế giới.

Trên bình diện thời gian hoạt động, các chuyên gia kinh tế thường chia công ty hoạt động trong lĩnh vực dotcom (công nghệ cao) thành 2 loại: Công ty "già" và công ty "trẻ". Những công ty trẻ thường có "tuổi đời" không cao, giá trị thấp, số lượng đầu sản phẩm ít, nhân lực có hạn. Chính vì những yếu tố kể trên, "công ty trẻ" thường có ưu thế là tập trung được 100% nhân lực của mình (có thể chỉ là vài chục nhân viên) cho 1 dự án mà công ty đó phát triển. Thử nhìn xem các công ty trẻ điển hình của những năm 90 như Google, Yahoo! tất cả đều khởi đầu từ 1-2 người sáng lập, và gần đây là Facebook, 1 hiện tượng điển hình của sự vùng lên trong số các công ty trẻ những năm đầu thế kỉ 21.


Các công ty trẻ có giá trị thấp và số lượng đầu sản phẩm ít nên tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể đạt cả trăm % một năm. Thế nhưng theo thời gian, khi công ty đó "già" đi, lớn mạnh hơn, số lượng nhân viên đông đúc lên, mở rộng kinh doanh sang cả các sản phẩm khác thì tốc độ tăng trưởng lập tức chậm lại. Hãy nhìn vào Google, những năm cuối thập niên 90 và đầu thế kỷ này, Google luôn đạt tăng trưởng trên 30% đều như vắt chanh. 

Thế nhưng khi Google trở thành Google mà chúng ta biết ngày hôm nay, tốc độ tăng trưởng của công ty này chậm hẳn lại và chỉ đạt 17% năm 2010 vừa qua. Tất nhiên 17% đối với giá trị hàng trăm tỉ USD của Google sẽ có giá trị không hề nhỏ, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng Google đang đi đến "thoái trào" của sự phát triển. Điều này đã trở thành 1 qui luật : Công ty tăng trưởng phi mã khi còn trẻ và trở nên chậm chạp hơn khi già đi.

Các công ty trẻ có thể tập trung toàn bộ nhân lực vào 1 dự án duy nhất dẫn đến tốc độ tăng trưởng phi mã.

Thế nhưng Apple là 1 ngoại lệ. Nhiều người nhìn thành công của Apple như điều thần kỳ, 1 công ty có giá trị lên đến gần 200 tỉ USD (năm 2010) với 50.000 nhân viên vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 60%/năm để đạt giá trị 300 tỉ USD vào năm 2011. Apple đã trở thành 1 ví dụ không thể chối cãi cho câu nói: "Công ty già nhưng tăng trưởng như doanh nghiệp trẻ".

Điều gì đã giúp Apple giữ được "phong độ" như thời trai trẻ dù rằng công ty này đã tròn 35 tuổi? 

Câu trả lời là phương cách quản lý của Apple.

4. Quản lý tập quyền


Trong khi ở các công ty khác, thường mô hình quản lý là theo dạng cây quyền lực. Tức là công việc được CEO giao cho các nhân viên quản lý thuộc cấp, và các nhân viên đó sẽ chịu trách nhiệm giám sát các nhân viên dưới quyền của mình thực hiện phần việc được giao, các nhân viên quản lý sẽ được quyền đưa ra quyết định trong quyền hạn của mình. Steve Jobs "nắm" Apple theo cách khác hẳn. Tất cả mọi ý tưởng, ý kiến của nhân viên Apple sẽ được báo cáo trực tiếp cho Jobs và ông này sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng. Ở Apple không có khái niệm "Phó giám đốc phụ trách mảng abc", chỉ có những phó giám đốc nắm thông tin và báo về cho Steve Jobs. Tất cả các quyết định về thiết kế sản phẩm, marketing, nghiên cứu phát triển cho đến những chuyện nhỏ nhặt như thiết kế của chiếc...xe bus đưa đón nhân viên, đồ ăn phục vụ ở căng tin công ty... đều do Steve Jobs trực tiếp chỉ đạo.

Quán xuyến hết mọi việc của Apple, không ngoa khi nói rằng Steve chính là linh hồn của công ty này. Và ngay cả khi Steve vắng mặt vì lý do sức khỏe (ông này đã phải vào viện 3 lần trong 7 năm để điều trị 1 chứng ung thư hiếm gặp và 1 lần ghép gan), những hoạt động của Apple vẫn nằm trong vùng phủ sóng của Steve. 1 ví dụ đó là vụ bê bối về việc iOS theo dõi người sử dụng, Steve Jobs vẫn đưa ra các phát ngôn chính thức của mình đồng thời nhận lời phỏng vấn của nhiều báo.

5. Lịch hoạt động chính xác như đồng hồ Thụy Sĩ

Bất chấp vị trí thống trị của mình và số lượng đầu sản phẩm lên đến hàng chục cùng cả trăm dự án nghiên cứu phát triển đang trong giai đoạn thực thi, mỗi tuần Steve Jobs cùng các đồng nghiệp lại tổ chức 1 buổi họp tổng kết lại toàn bộ sự hoạt động của Apple trong tuần đó. Mỗi thứ 2 hàng tuần, không có ngoại lệ nào. Tất cả các dự án trong quá trình thực thi đều được đem ra mổ xẻ, từ doanh số đến lợi nhuận, kể cả những lời đồn đoán, phản hồi khách hàng cũng được cân nhắc. Cách làm việc này có thể khiến nhiều người cảm thấy hãi hùng vì khối lượng công việc khổng lồ mà ban lãnh đạo của Apple phải đảm nhận, đặc biệt là Steve Jobs.

Phòng họp ở Apple luôn bận rộn

Tuy nhiên chính vì những cuộc họp dày đặc như vậy, Apple luôn giữ được tất cả ban lãnh đạo cùng đi theo 1 hướng thống nhất: Mọi bất đồng giữa các cá nhân đều được giải quyết trong các cuộc họp đó để cuối cùng chỉ còn lại 1 quyết định duy nhất đươc tất cả mọi người chấp nhận. Và khi 1 quyết định ra đời, nó được tất cả nhân viên trong công ty thực thi răm rắp. Việc liên tục rà soát lại sản phẩm của mình cũng khiến Apple có khả năng thích ứng với những đòi hòi của khách hàng: Khi iPhone ra đời, Steve Jobs không hề nghĩ đến việc có thể kiếm tiền từ AppStore. Nhưng rồi từ các phản hồi của khách hàng, Apple cho ra đời chợ ứng dụng đầu tiên trên thế giới và sau này đã trở thành 1 trong những nguồn thu chính của công ty này.

6. Không có người ăn không ngồi rỗi ở Apple

Ở những công ty lớn, đôi khi tồn tại những cá nhân , những dự án "ăn bám". Các chủ thể ăn bám này thường ít khi đưa ra được 1 sản phẩm sinh ra lợi nhuận, nhưng để đảm bảo sự thành công và phát triển trong tương lai, các công ty lớn bắt buộc phải duy trì các đối tượng này. Vì phải có những đối tượng ăn bám thì mới có môi trường cho sự sáng tạo phát triển. Google được biết đến là 1 trong những công ty tồn tại nhiều cá nhân "ăn bám" nhất. Mỗi tuần hàng trăm ý tưởng của nhân viên Google được đưa vào nghiên cứu và nhận đầu tư, dù chỉ rất ít trong số chúng trở thành sản phẩm có tính ứng dụng.

Apple không như vậy, chính vì quá trình rà soát liên tục của ban lãnh đạo, những sản phẩm, dự án, cá nhân hoạt động thiếu hiệu quả lập tức bị cho "ra rìa". 1 nhân viên cũ của Apple tiết lộ :" Bất kể anh làm gì, tốt hơn hết anh nên lấy được phản hồi tích cực từ phía các sếp hoặc khách hàng, nếu không người ta sẽ bắt anh nghỉ luôn".

Sức ép trực tiếp từ ban lãnh đạo khiến cho các nhân viên lúc nào cũng bị đặt dưới sự soi mói đến chân tơ kẽ tóc. Và thực sự là ở Apple không có người ăn bám.

7. Những quyết định giờ chót

Khi ban lãnh đạo của Apple quyết định điều gì, những quyết sách ấy sẽ được thực thi ngay lập tức. Rất ít người biết rằng giá iPad đã bị thay đổi giờ chót chỉ trước khi sản phẩm này được bán 48 tiếng. Hoặc tính năng FaceTime trên iPhone cũng được bổ sung vào chỉ trước ngày ra mắt sản phẩm có 2 tuần.

Giá bán iPad thay đổi giờ chót

Có lẽ không một công ty nào trên thế giới có khả năng thực hiện những bước chuyển đổi lớn nhanh và dứt khoát như Apple.

8. 100 chiến binh của Steve Jobs


Cứ mỗi năm, Steve Jobs lại chọn ra 100 người trong số 50.000 nhân viên của Apple để tổ chức 1 buổi họp ngoài hành chính. Các cá nhân được chọn không nhất thiết là những người giữ trọng trách mà có thể chỉ là những cá nhân có đóng góp lớn đối với công ty. Buổi họp này diễn ra trong khoảng 3 ngày ở 1 địa điểm bí mật do Steve Jobs trực tiếp lựa chọn, có thể là 1 khu nghỉ dưỡng hoặc 1 khách sạn hạng sang nào đó. Người được triệu đến buổi họp này tuyệt đối không được tiết lộ với bất cứ ai về việc mình được mời. Thậm chí họ còn không được tự đi tới nơi họp mặt mà phải đi bằng phương tiện của công ty, Steve Jobs còn yêu cầu nơi họp phải được kiểm tra để tránh bị đặt máy nghe lén.

Chaminade Resort & Spa 1 trong những địa điểm từng tổ chức buổi gặp mặt TOP100 của Steve

Những biện pháp an ninh được thắt chặt vì những buổi gặp mặt này thường là thời điểm Steve Jobs công bố các quyết định lớn trong Apple hoặc công bố sản phẩm mới cho các nhân viên thân cận. Thậm chí các quyết định bổ nhiệm hoặc sa thải cũng được công bố trong dịp này. Mike Janes, 1 người từng làm việc ở Apple từ 1998 đến 2003 hồi tưởng lại: "3 ngày họp mặt này có thể là thời gian tồi tệ nhất với khoảng 10 người đến dự, còn với 90 người còn lại, 3 ngày họp mặt đó thực sự là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời. Tôi từng có mặt trong số 100 người ở buổi họp mặt 2001 khi Steve giới thiệu cho chúng tôi chiếc iPod đầu tiên".

100 người (ngoại trừ những người bị sa thải sau ) có mặt trong buổi gặp mặt với Steve Jobs đều trở thành nhân lực nòng cốt của Apple. Có mặt trong danh sách 100 đó là 1 vinh dự tối cao mà Steve dành cho nhân viên Apple. Những người không được mời thậm chí còn tổ chức cả 1 bữa tiệc mang tính châm biếm gọi là bữa tiệc dành cho 100 nhân viên tệ nhất. Rõ ràng ở Apple, chỉ có những người được việc mới được tôn trọng.

9. Tư duy khác biệt

Đúng như khẩu hiệu của mình, cách mà Apple cho ra đời các sản phẩm của mình cũng rất khác người. Những công ty như Microsoft chẳng hạn, thường tìm hiểu xem khách hàng muốn gì và cần gì rồi sau đó tìm cách "chế" ra sản phẩm ăn theo nhu cầu thị trường.

Trong lúc các hãng khác bán sản phẩm mà thị trường cần, thì Apple tìm cách làm thị trường cần sản phẩm mà nó bán ra

Apple thì ngược lại, các thiết kế sư của Apple được phép tự do bay bổng. Và sau khi có sản phẩm trong tay, Apple mới tìm cách bán sản phẩm đó. Có thể nói đây là sự khác biệt lớn nhất giữa Apple và các công ty khác. Chính việc Apple không quan tâm đến xu hướng của thị trường mà tìm cách uốn nắn thị trường theo sự sáng tạo của mình đã khiến nó trở thành 1 trong những công ty có sức sáng tạo mạnh nhất thế giới, và các sản phẩm của Apple luôn mở đầu trào lưu.

iPhone, iPod, iPad... tất cả đều là những sản phẩm tiên phong của Apple mà trước đó chưa có ai nghĩ ra. Ở Apple không có người đi theo lối mòn.

10. Anh đã được làm việc ở Apple, xin đừng than phiền.

Với rất nhiều người, làm việc ở Apple là 1 mơ ước. Dù rằng môi trường công tác của Apple có thể nói là 1 trong những môi trường khắc nghiệt và tàn nhẫn nhất thế giới. Không có chuyện bạn được thoải mái tự do như ở Facebook hay Google. Khi vào Apple, các nhân viên đều được nghe 1 bài nói chuyện với nội dung đại khái rằng: "Anh đã được nhận vào Apple, công ty sản xuất ra những sản phẩm đỉnh nhất thế giới, chớ có than phiền và hãy làm việc đi, biết đâu 1 ngày nào đó anh sẽ có được quyền lên tiếng".

11. Steve Jobs câu nệ từng tiểu tiết nhỏ nhặt nhất


Khi 1 sản phẩm sắp ra mắt, Steve Jobs muốn từng chi tiết nhỏ nhặt nhất đều phải trở nên thật hoàn hảo. Sự khắt khe này của Steve Jobs khiến Apple thuê cả dàn hợp xướng Luân Đôn chỉ để thu âm 1 đoạn nhạc trong video quảng cáo cho phần mềm iMovies. Đồng thời cũng vì trailer của sản phẩm , Apple gửi cả 1 đoàn làm phim đến Hawaii thu lại cảnh 1 đám cưới địa phương, rồi dàn dựng 1 đám cưới ở nhà thờ Newyork với nhân viên Apple đóng vai khách mời nhằm có thêm 1 sự lựa chọn cho đoạn trailer chỉ dài có gần 1 phút.

12. Steve đã lên kế hoạch cho một Apple không-có-Steve-Jobs

Với tình trạng sức khỏe ngày càng sút kém của Steve Jobs, với chứng bệnh ung thư dai dẳng cùng với lá gan đã 1 lần thay ghép, rõ ràng thời gian của Steve Jobs không còn nhiều. Và ông này đã chuẩn bị sẵn cho Apple thời kì "hậu Steve Jobs." Những chuyên gia kinh tế từng là giáo sư Havard, Yale được thuê về để làm các nghiên cứu về phương hướng kinh doanh cũng như định hướng phát triển của Apple. Các nghiên cứu này được truyền thụ lại cho những nhân viên chủ chốt, từ việc vì sao quyết định sản xuất iPhone ở 1 nhà máy Trung Quốc cho đến việc thiết lập hệ thống iStore như thế nào... Tất cả đều nhắm đến 1 mục đích: Giúp Apple và các nhân viên của mình không "trật đường ray" khi thiếu đi sự dẫn dắt của Steve Jobs.

Apple sẽ ra sao nếu thiếu Steve Jobs?

Rõ ràng Steve Jobs ý thức được sự quản lý độc tài của mình và ông ta cũng tin tưởng rằng quyền lực chỉ nên tập trung vào tay 1 cá nhân. Thế nhưng Steve có lẽ cũng cho rằng những quyền lực đó, không nhất thiết là chỉ một mình ông ta có thể nắm giữ. Apple vẫn cần 1 người lãnh đạo trong tương lai, dù rằng người đó không phải là Jobs thì ít nhất anh ta cũng phải có được những tố chất của Jobs thì Apple mới có hi vọng tồn tại.

Tham khảo: Fortune
Xem thêm:

apple

iPhone

iPad