Trước khi vào bài viết tôi muốn khẳng định một điều: Tôi là 1 fan của Google. Tôi sử dụng Google Search, Gmail, Android, Google Docs, Google Maps... và hầu như là tất cả các sản phẩm khác của Google hàng ngày.
Đôi lúc tôi tự hỏi, cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu thiếu Google? Tôi rất thích cái cách mà Google luôn cố gắng không đụng chạm đến hầu bao của người dùng cuối, thay vào đó tìm 1 hướng đi có lợi cho cả đôi bên trong mỗi sản phẩm của mình. Và nhìn chung là tôi hoàn toàn thoải mái với cách làm tiền của Google: Tôi được sử dụng những dịch vụ của Google miễn phí, còn Google thì cứ tha hồ moi tiền từ túi của những doanh nghiệp cần quảng cáo.
Tuy nhiên, dù đối với người sử dụng, Google giữ được 1 hình ảnh rất đẹp và rất thân thiện nhưng dường như quan hệ của hãng này đối với những "bạn đồng nghiệp" đang ngày 1 xấu đi. Những vụ hục hặc với Apple, Facebook và gần đây nhất là Oracle và Microsoft đang "tố cáo" 1 thực tế rằng: Google đang dần trở thành kẻ bị ghẻ lạnh nhất trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, vì sao 1 gã khổng lồ "hiền lành, tốt tính" với khẩu hiệu "Don't be Evil" (Không ác ý) luôn treo trước cửa miệng lại bị những ông bạn đồng nghiệp hắt hủi như vậy? Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời.
Từ những đối thủ truyền kiếp...
Với xuất phát điểm là 1 công ty quảng cáo trực tuyến thông qua dịch vụ tìm kiếm, kẻ thù đầu tiên và trực tiếp nhất của Google là những công ty có ngành nghề kinh doanh tương tự. Và một trong những đối thủ sớm nhất của Google, không ai xa lạ, chính là Yahoo. Google và Yahoo đã "kèn" cựa nhau trong suốt nhiều năm để giành vị trí trang web được truy cập nhiều nhất trên Internet, và phần thắng của cuộc đấu tranh ấy, như ai cũng biết, luôn thuộc về Google. Suốt nhiều năm trời, Google không nhường nhịn Yahoo chút nào và gã khổng lồ từng 1 thời thống trị Internet mang tên Yahoo giờ đang ở trong thoái trào.
Tất nhiên những
quyết sách sai lầm của Yahoo cũng góp 1 phần vào việc đẩy công ty này xuống khỏi vị trí thống trị, nhưng hãy chắc chắn 1 điều rằng, nếu không có Google, hoặc ban lãnh đạo Yahoo quyết định vung tiền ra mua lại Google khi còn có cơ hội, thì chắc chắn giờ đây bộ mặt Internet đã rất khác. Và vì lý do đó, không cần nói cũng hiểu Yahoo "ghét" Google đến mức nào.
Một cái tên nữa nằm trong danh sách kẻ thù truyền thống của Google là Facebook. Không giống như Yahoo, Facebook có lịch sử cạnh tranh với Google ngắn ngủi hơn rất nhiều, nhưng sự ác liệt có lẽ chỉ có hơn chứ không hề kém. Ngay từ khi mới "lọt lòng", Facebook đã luôn tìm cách "kèn cựa" với anh khổng lồ tìm kiếm.
Suốt nhiều năm trời, người ta cho rằng Facebook đang áp dụng những thuật toán để tránh việc Google lập được chỉ mục các trang profiles của MXH này, đồng nghĩa với việc "canh" không để kết quả tìm kiếm của Google hiển thị nội dung từ Facebook. Thậm chí thời gian vừa qua, có cáo buộc còn cho rằng
Facebook đang thuê hẳn 1 công ty truyền thông để "chơi xấu" Google.
Cũng không phải tự nhiên mà Facebook lại tỏ ra "nóng gáy" với Google. Mặc dù thống trị thị trường tìm kiếm suốt hơn 1 thập kỷ, Google vẫn luôn không ngừng tìm cách chen chân vào lĩnh vực MXH. Google Blogger, Google Wave, Google Buzz và gần đây nhất là Google+, tất cả đều là những nỗ lực của Google để xâm nhập mảnh đất béo bở của Facebook. Với sản phẩm Google+ rõ ràng đang có ý định "dẫm chân" Facebook 1 cách rất trực tiếp, sự căng thẳng trong quan hệ giữa Google với Facebook dự đoán trong thời gian tới sẽ chỉ có tăng chứ không giảm.
Microsoft vốn từ lâu bắt tay với Facebook và vì vậy, cũng là 1 trong những kẻ không ưa gì Google. Với Bing đang cạnh tranh trực tiếp với Google ở mảng tìm kiếm, và Windows Phone phải bước qua xác Android mới có thể đi lên, rõ ràng Microsoft ngày càng có thêm nhiều lý do để ghét Google. Và những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy, Microsoft đang ngày càng cảm thấy Google là "cái gai trong mắt".
Đến những đồng minh "chuyển ngạch" sang... kẻ thù
Apple và Google từng chung sống với nhau khá hòa thuận. Nhớ hồi 2007, khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, Apple còn "thân thiện" với Google đến mức để cho 3 sản phẩm của Google là Google Search, You Tube, Google Maps trở thành những dịch vụ được cài đặt mặc định trên chiếc smartphone đầu tiên của hãng này.
Cựu CEO của Google là Eric Schmidt từng có mấy năm trời kiêm nhiệm vị trí trong ban lãnh đạo của Apple. Tất cả đều "xuôi chèo mát mái" cho tới khi Android ra đời. Chỉ sau 1,2 năm trời, quan hệ đồng minh vốn khá nồng ấm giữa Google và Apple bỗng nhiên chuyển qua thù địch. Thời gian gần đây, với những cú đấm tới tấp mà Apple giáng lên các "tay chân" của Google như
HTC,
Samsung... Steve Jobs đang gửi tới Google 1 thông điệp rất rành mạch rằng: "Apple vs Google, 1 trong 2 sẽ phải chết".
Ngược lại, Apple và Microsoft lại không có được sự nồng ấm như thế. Suốt 3 thập kỷ qua, Apple và Microsoft luôn tìm cách chẹn họng lẫn nhau. Đột ngột 2 kẻ thù truyền kiếp này lại bắt tay nhau, tìm cách đẩy Google ra khỏi thương vụ mua lại 6000 bằng sáng chế của Nortel. Dù cho Microsoft có nói gì đi chăng nữa, ai cũng hiểu rằng mục đích thật sự đằng sau cái bắt tay với Apple của họ chỉ là để "dìm hàng" Google.
4,5 tỉ USD để mua lại 6000 bằng sáng chế mà trong đó hầu hết là các bằng sáng chế "rác", chỉ 1 số rất rất ít có thể có lợi cho những vụ kiện cáo sau này hướng tới Google, chúng ta đang được chứng kiến 1 trong những vụ "bạo chi" lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ.
Và với 8800 bằng sáng chế được định giá trên 5 tỉ USD của Interdigital mà Google, Apple và Samsung đang đua nhau tìm cách mua lại, người ngây thơ nhất cũng hiểu rằng nếu Apple thất thế, Microsoft sẽ không ngần ngại vào cuộc 1 lần nữa để "vùi dập" Google.
Gần đây, Google còn "động chạm" đến 1 thế lực hết sức đáng gờm nữa: Oracle. Câu chuyện nhìn chung là đơn giản, năm 2005 khi Google phát triển Android, họ sử dụng Java trong HĐH này, Sun Microsystem, khi đó là chủ quản của Java không đồng ý để Google sử dụng Java trong Android. Trong 1 bức thư gần đây của Andy Rubin, trưởng dự án Android của Google có đoạn: "Nếu Sun từ chối hợp tác, chúng ta có 2 phương án: Thay Java bằng C# hoặc cứ dùng Java, phớt lờ Sun kể cả trong trường hợp phải trở mặt thành thù".
Ai cũng biết rằng Google đã chọn phương án 2, nhưng không ai ngờ được rằng Sun Microsystem bé nhỏ, "ngắc ngoải" ngày nào lại được gã khổng lồ Oracle mua về. Năm 2010, Oracle khởi kiện Google vì vi phạm bản quyền Java mà giờ đây hãng này là chủ sở hữu. Sun Microsystem quá nhỏ bé và không đủ sức đối chọi với Google, nhưng Oracle lại là chuyện hoàn toàn khác, Oracle có nhiều tiền hơn cả Google. Gây hấn với Oracle có thể là 1 trong những sai lầm lớn nhất của Google.
Yahoo, Facebook, Microsoft, Apple, Oracle... và danh sách này chưa hề dừng lại ở đó. Dường như tất cả những kẻ "có máu mặt" trong làng công nghệ thế giới giờ đây đều đang "có vấn đề" trong quan hệ với Google.
Lỗi tại ai?
Trước hết phải khẳng định, Google tạo ra quá nhiều kẻ thù đơn giản là vì hãng này cố "chơi" ở quá nhiều sân. Thử nhìn lại những dịch vụ hiện tại của Google mà xem. Google Search khiến Bing, Yahoo chật vật, Google+ cạnh tranh trực tiếp với Facebook và khiến các đối thủ nhỏ hơn như Twitter cũng phải dè chừng. Android làm cả Apple và Microsoft đứng ngồi không yên. Kể cả những dịch vụ đám mây của hãng như Google Docs, Google Music dường như cũng đang lấn sân của những bạn đồng nghiệp Amazon, Yoho, Scribd... Trình duyệt Chrome của Google đang là mối đe dọa rất lớn cho IE, Firefox... Gmail gần như đá ngã Hotmail, Yahoo mail...
Nói 1 cách đơn giản, Google đang tìm cách nhúng mũi vào chuyện làm ăn của tất cả mọi người. Không ngóc ngách nào trong ngành công nghiệp CNTT là không có vòi bạch tuộc của Google thò tới. Từ HĐH cho tới dịch vụ đám mây. Dĩ nhiên trong quá trình tranh đấu để tìm chỗ đứng cho dịch vụ của mình, dẫm vào chân của những người đã ở đó từ trước là điều không thể tránh khỏi. Đây chính là nguồn gốc chủ yếu của phong trào tẩy chay Google đang âm ỉ trong lòng của các đại gia công nghệ.
Cách cạnh tranh của Google phải nói là vô cùng khó chịu. Với lợi thế có 1 hầu bao gần như là vô tận và truyền thống cung cấp các dịch vụ miễn phí, Google luôn tìm cách đưa các dịch vụ hoặc sản phẩm của mình đến với người dùng cuối với 1 cái giá rẻ đến... thảm hại, hoặc thậm chí là cho không. Một ví dụ điển hình là chuyện Microsoft sống bằng việc bán bản quyền Windows Phone 7, và nếu Google cứ cung cấp Android miễn phí, sẽ tạo nên 1 tiền lệ rất xấu đối với các hãng sản xuất cũng như người dùng cuối.
Tương tự như vậy, cách tiếp cận của Gmail, Google Search, Google Docs, You Tube... những dịch vụ miễn phí của Google cũng hầu như là "phá giá" các hãng khác. Điều này đánh thẳng vào hầu bao của tất cả những hãng cạnh tranh. Và hệ quả tất yếu là những ánh mắt không hề thiện cảm dành cho người khổng lồ Internet.
Như vậy, có thể cho rằng, những kẻ thù của Google đều là do hãng này tự tạo ra vì chính sự "ôm đồm" của mình.
Bị căm ghét vì quá thành công
Có 1 kết luận luôn đúng trong mọi cuộc tranh giành: Nếu như 2 thế lực thù địch bắt tay nhau để chống lại 1 bên thứ 3, thì ắt hẳn kẻ thứ 3 phải là một đối thủ vô cùng đáng sợ. Hãy nhìn vào thế chiến thứ II chẳng hạn, Mỹ và Liên Xô bắt tay nhau để chống lại 1 Đức Quốc Xã đang giành được những chiến thắng như chẻ tre trên chiến trường. Cũng không quá khó khăn để liên hệ bài học lịch sử trên vào tình huống của Google. Google Search, Google Mail và cả Android đều đang là những sản phẩm đầy tính cạnh tranh, đặc biệt là Android. Cũng giống như Đức Quốc Xã, Google giờ đây đang phải đối mặt với sự thù địch của toàn thế giới chỉ vì 1 sự thực đơn giản: họ quá thành công.
Lời kết
Tất nhiên so sánh Đức Quốc Xã với Google là 1 sự so sánh khập khiễng. Những hành động tàn bạo và tính hiếu chiến của Đức Quốc Xã mới là nhân tố chính dẫn tới sự sụp đổ của đế chế này, 2 yếu tố ấy chúng ta không tìm thấy ở Google. Thế nhưng việc Google gây thù chuốc oán với nhiều đối thủ lại đang khiến công ty này phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng gay gắt đến từ các bạn bè đồng nghiệp.
Đối với người sử dụng mà nói, Google đang là 1 trong những công ty đem lại cho thế giới mạng những tiện ích tuyệt vời. Như tôi đã nói, hãy thử tưởng tượng xem 1 ngày duyệt web của bạn sẽ ra sao nếu thiếu đi Google Search hoặc Gmail? bộ mặt của thế giới smartphone chắc chắn cũng sẽ rất khác nếu vắng bóng Android. Nhưng vấn đề ở đây là chính vì những nỗ lực "bao sân" của mình, Google đang càng ngày càng có thêm nhiều thù hơn bạn. Và điều ấy chỉ đơn giản là, nếu có 1 ngày Google sa cơ lỡ vận, sẽ càng có nhiều người muốn nhảy vào đánh hội đồng gã khổng lồ này.
Mà với tốc độ thay da đổi thịt nhanh đến chóng mặt của thế giới công nghệ, liệu ai dám chắc rằng, sẽ không có một ngày như thế?