Google đang bị cô lập và ghét bỏ bởi hàng loạt các công ty lớn. Tất nhiên một phần cũng là vì nhà khổng lồ này "lấn sân" vào các lĩnh vực của các công ty khác và giành lấy thị phần của họ bằng cách cung cấp các sản phẩm giá rẻ, thậm chí là miễn phí mà chất lượng tương đương. Nhà khổng lồ này đã bức xúc đến mức 2 lần phải lên tiếng. Lần thứ nhất là Google cáo buộc Bing sao chép kết quả tìm kiếm của mình, và lần thứ 2 là gần đây David Drummond đăng bài viết trên blog của hãng:
"thành công của Android cũng làm nảy sinh một thứ khác: Một sự thù địch, một chiến dịch chống lại Android được "âm mưu" bởi Microsoft, Oracle, Apple và các công ty khác thông qua một số bằng sáng chế phi lý". Google
tố cáo các công ty kia đã trả giá quá cao cho các bằng sáng chế (4 tỉ USD cho 6000 bằng sáng chế của Nortel).
Nhưng Google có lý do gì mà phàn nàn? Liên minh Microsoft, Apple, Oracle trả giá quá cao ư? Thực sự thì tôi không biết là liệu các bằng sáng chế kia có giá trị đến 4 tỉ USD hay không, nhưng sao Google có thể tố cáo liên minh các công ty kia trả giá quá cao khi mà đến chính Google cũng đồng ý trả 3 tỉ USD cho nó?
Đúng, các công ty lớn "ngứa mắt" vì Google lấn sân sang thị trường của họ, "khó chịu" vì Google cung cấp sản phẩm giá rẻ đe dọa đến kinh doanh của họ, nhưng đó không phải lý do duy nhất. Họ "ghét" vì Google sao chép sản phẩm của họ và "chơi bẩn" trong kinh doanh.
Google sao chép và "chơi bẩn"?
Bạn nghĩ Google có đủ nhân lực và sáng tạo cho tất cả các sản phẩm của họ ư? Với đa dạng các sản phẩm từ điện thoại, hệ điều hành, dịch vụ mail, tìm kiếm, tin tức, địa điểm, du lịch, bản đồ... Google đều tự sáng tạo ra? Không hẳn vậy.
Hãy bắt đầu với Yelp - một công ty chuyên về đánh giá các địa điểm du lịch. Tìm kiếm về một địa điểm và bạn sẽ thấy kết quả đầu tiên là thông tin, hình ảnh và phía dưới là đánh giá về địa điểm đó của Yelp nhưng trong... Google Places, còn kết quả của Yelp thì hiển thị ở tít phía dưới. Yelp đã lên tiếng về việc Google "ăn cắp" đánh giá của mình nhưng Google trả lời rằng: "Nếu Yelp không vừa ý thì có thể rút ra khỏi kết quả tìm kiếm của Google". Làm sao một trang web lại tự rút ra khỏi trang tìm kiếm, nhất là trang tìm kiếm lớn nhất thế giới cơ chứ? Yelp đã thử nhưng chỉ sau 1 năm hãng đã lại phải quay trở lại với Google Search vì lượng view mà Google đem lại. Dù rõ ràng rằng Google lấy kết quả của Yelp, nhưng Yelp chẳng còn cách nào khác ngoài việc ngậm ngùi chấp nhận.
Bạn chắc đã từng nghe tên Groupon. Đây là trang chuyên cung cấp phiếu giảm giá nổi tiếng nhất thế giới. Groupon là trang đầu tiên thực hiện hình thức kinh doanh này là nguồn gốc ý tưởng của Groupon là từ Andrew Mason năm 2008. Khi Groupon trở nên nổi tiếng, hàng loạt các trang web theo hình thức này cũng xuất hiện. Tất nhiên ai cũng hiểu là các trang web sau "ăn cắp ý tưởng" của Groupon, nhưng chẳng có điều luật nào cấm công ty khác không được làm những gì Groupon làm cả. Google cũng có dịch vụ cung cấp phiếu giảm giá. À cũng như các công ty khác, đúng là có "ăn cắp ý tưởng" thật, nhưng điều đáng nói là Google mở dịch vụ này sau khi thất bại trong vụ mua lại Groupon... Phải chăng Google định một khi đã không mua được thì sẽ đánh bại Groupon?
Không chỉ Groupon mà cả Skyhook cũng chịu chung số phận khi không đồng ý bán cho Google. Skyhook là công ty sản xuất phần mềm định vị và thực tế thì khả năng định vị của phần mềm của Skyhook tốt hơn của Google rất nhiều. Google đã từng thương thảo để mua lại Skyhook nhưng khi công ty này không đồng ý chuyển nhượng, Google đã lợi dụng quan hệ với các nhà sản xuất điện thoại như Motorola và Samsung để họ không sử dụng phần mềm của Skyhook nữa. Lý do mà phần mềm của Skyhook không được sử dụng trên Android ư? Vì "không tương thích" - dường như đó luôn là lý do mà Google đưa ra với các phần mềm tốt hơn của họ.
Cũng không thể không kể đến mạng xã hội mới nổi đầy tiềm năng Google+. Bạn đã thử dùng Google+ chưa? Bạn có thấy nó quen thuộc không? Vị trí khung chat ở góc dưới bên phải, trang profile và danh sách bạn bè đều giống với Facebook. Có thể nói về giao diện Google+ đã vay mượn rất nhiều từ Facebook - vay mượn mà không được sự cho phép.
"Đứa con cưng" Android của Google đang làm mưa làm gió trên thị trường. Nhưng để tạo ra được Android, Google đã... sao chép rất nhiều. Có rất nhiều cáo buộc về Android sao chép, nhưng cáo buộc lớn nhất và rõ ràng nhất là Android đã sử dụng
Java mà không có bằng sáng chế. Oracle gần đây đã công bố bức thư do Andy Rubin (Phó chủ tịch Điện thoại của Google) viết: "
Nếu Sun từ chối hợp tác, chúng ta có 2 phương án: Thay Java bằng C# hoặc cứ dùng Java, phớt lờ Sun kể cả trong trường hợp phải trở mặt thành thù". (Sun là công ty giữ bản quyền Java lúc đó).
Hiển nhiên là Google đã chọn phương án thứ 2, và giờ đây hãng đang đối mặt với vụ kiện của Oracle - vụ kiện mà khả năng Google thất bại là rất lớn.
Google chỉ là nạn nhân?
Khó có thể coi Google chỉ là
nạn nhân bị các công ty khác chèn ép được. Đơn giản thì Google cũng là một công ty như mọi công ty khác mà thôi. Để lớn mạnh thì buộc phải chà đạp lên các công ty khác. Có điều thay vì lên tiếng kêu oan mình bị chèn ép thì Google nên tập trung tìm cách giải quyết các vụ kiện vi phạm quyền sáng chế của hãng thì hơn. Bởi cái cách mà Google đi lên trở thành gã khổng lồ trong làng công nghệ thông tin và trên thế giới thì cũng không "sạch" chút nào.