Giải mã "cơn sốt" điện thoại nhiều sim, nhiều sóng

Huyền Trang  | 18/02/2011 12:00 PM

Người dùng ở lứa tuổi trẻ (13 – 17 tuổi) thường ít quan tâm tới thương hiệu hay những tính năng đi kèm, tiêu chí hàng đầu là giá thành rẻ (dễ xin tiền bố mẹ, mất cũng không tiếc), mẫu mã đẹp.

Đã qua rồi thời kỳ người ta chỉ mua được những chú dế nhiều sim, nhiều sóng không rõ nguồn gốc xuất sứ, bên cạnh chế độ bảo hành, hậu mãi kém. Ngày nay, điện thoại nhiều sim thường được phân phối bởi các siêu thị điện máy lớn, có uy tín, bảo hành 12 tháng, tặng kèm tai nghe, thẻ nhớ... Những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nokia, Samsung, Phillips… cũng đang phát triển mạnh mẽ phân khúc thị trường này, cùng với những thương hiệu nhỏ của Trung Quốc và Việt Nam.
 
Điện thoại n sim, n sóng: Tiện ơi là tiện!
 
GenK.vn đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ, tìm hiểu về vấn đề dưới góc nhìn người tiêu dùng. Dễ thấy, với giá cả hết sức "bình dân", dao động từ 800 đến gần 2 triệu đồng/ chiếc tùy chủng loại và thương hiệu, mẫu mã đẹp, tính năng đa dạng, điện thoại nhiều sim nhiều sóng tạo nên một “cơn sốt” đáng kể. Câu chuyện mà chúng tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết là liệu đây có phải là “cơn sốt” thật?
 
Với phần đa những người sử dụng, họ lựa chọn điện thoại nhiều sim chủ yếu vì lý do kinh tế. Giá cả phải chăng, mẫu mã hình thức của những chú dế thường bắt mắt, tính năng đa dạng. Chủ nhân của điện thoại nhiều sim tìm mua loại sản phẩm này thường dùng nhiều sim (chạy theo khuyến mại), sử dụng chủ yếu vào mục đích liên lạc chứ không quan tâm lắm đến những tiện ích khác như internet hay nghe nhạc, xem phim hoặc chụp ảnh.
 
 
Bạn Hà Văn Thành sinh viên khoa Toán – Tin trường Đại học khoa học tự nhiên chia sẻ (bạn đang sử dụng điện thoại của hãng Mobell đã được hơn 1 năm): “Dùng điện thoại này tôi thấy khá tiện lợi vì không phải mang theo 2 chiếc máy nhưng vẫn dùng được 2 sim, trong đó tôi lắp một sim chính và một sim khuyến mại. Vì thế mà tôi đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian và sự tiện lợi hơn hẳn khi dùng máy 1 sim. Dù đã sử dụng hơn 1 năm nhưng pin được khoảng 2 ngày ngay cả khi nhắn tin và gọi điện nhiều, nếu để máy ở chế độ chờ, ít sử dụng pin tối đa có thể lên tới 7 ngày, sạc chỉ khoảng  30 – 45 phút là đầy. Thêm vào đó, chiếc điện thoại này bắt chước các tính năng, phần mềm của các hãng lớn như các phím tắt, giao diện, phần mềm… nên sử dụng cũng tiện lắm”.
 
Một nhân vật khác có chung tâm trạng với Văn Thành là bạn Phạm Thị Liên (sinh viên trường Đại học khoa học tự nhiên) hiện đang sử dụng chú dế LV của Đài Loan được gần 2 năm cho biết thêm: “Dù không phải là điện thoại của Nokia hay các hãng lớn khác nhưng điện thoại của tôi cũng rất bền, rơi vỡ nhiều lần, mất cả nắp gập nhưng vẫn hoạt động bình thường”.
 
Với rất nhiều các bậc cha mẹ, điện thoại nhiều sim nhiều sóng đang trở thành lựa chọn tối ưu cho con cái của họ. Nhờ vào giá thành rẻ, dùng cũng tốt, chẳng may đánh mất thì cũng không thiệt hại quá lớn. Thêm nữa, với các cháu trong độ tuổi học sinh thì việc sắm những chiếc điện thoại nhiều sim, nhiều sóng giá thành rẻ luôn rất hợp lý.
 
Nokia C1-00 là chú dế 2 sim đầu tiên của thương hiệu Phần Lan.
 
Chị Lưu Thị Huế, chủ một của hàng điện thoại trên đường Nguyễn Trãi (Q. Thanh Xuân) cho biết, chị đã bán hàng ở đây gần 5 năm và khoảng hơn 1 năm trở lại đây, cửa hàng chị bán khá chạy loại điện thoại 2 sim, 3 sim. Khách hàng thường xuyên là các bậc phụ huynh mua điện thoại cho con để dễ “kiểm soát” thời gian biểu của các cháu, các bà nội trợ và học sinh, sinh viên. Những đối tượng này quan tâm hàng đầu đến giá cả, mẫu mã, sau đó mới để ý đến những tính năng khác của máy. “Nhiều khách hàng của tôi không có quá nhiều nhu cầu với chiếc điện thoại. Có người chỉ cần thấy máy đẹp, rẻ, tiện lợi vì dùng được nhiều sim, nghe gọi tốt và nhắn tin nhanh là mua thôi” – chị Huế bộc bạch. Chị cũng nói thêm: “Hầu như khách hàng mua điện thoại nhiều sim của tôi không quay lại để phàn nàn về chất lượng, sửa chữa hay bảo hành máy mà tới để mua sim khuyến mại và giới thiệu cho bạn bè mua thêm”.
  
Tiện quá… hóa hại
 
Tiện dụng trong giai đoạn đầu, nhưng sau một thời gian sử dụng, điện thoại nhiều sim nhiều sóng, do được sản xuất bởi các công ty nhỏ, công nghệ thấp và giảm thiểu chi phí để giảm thiểu giá thành nên đã bộc lộ nhiều nhược điểm.
 
Không ít khách hàng sau một thời gian sử dụng đã cảm thấy khó chịu vì máy cũng có camera lên tới vài "chấm" mà chụp ảnh thì nhòe nhoẹt, rạn, vỡ khi copy vào máy tính; loa thì to nhưng càng lúc càng rè. Một số máy có thể dùng GPRS vào được web thì rất hay bị lỗi font tiếng Việt. Thêm vào đó, vì bộ nhớ trong của thiết bị thường rất nhỏ (chỉ từ hơn 100KB đến vài MB) vậy nên máy rất hay bị “đơ”, xử lý thông tin chậm và không cài thêm được ứng dụng nào cả. Vì vậy, với phần lớn người dùng, đây chỉ là “giải pháp chống cháy”.
 
85% đối tượng được khảo sát, khi được hỏi đều trả lời rằng, khi có điều kiện về kinh tế, họ sẽ không tiếp tục sử dụng điện thoại nhiều sim của các hãng nhỏ nữa mà sẽ mua 1 sản phẩm chất lượng tốt của các nhà sản xuất lớn như Nokia, Samsung, Motorola… nhằm khai thác những tính năng đa dạng (media, sử dụng internet 3G hoặc GPRS, chụp ảnh) và nếu có thể, thêm một chiếc điện thoại cũ, giá rẻ khác để “phòng hờ”.
 
Những người dùng ở lứa tuổi trẻ hơn (từ 13 – 17 tuổi) đang sử dụng điện thoại nhiều sim ít phàn nàn hơn. Họ chẳng mấy để ý tới thương hiệu hay những tính năng đi kèm, tiêu chí hàng đầu của họ là giá thành rẻ (dễ xin tiền bố mẹ để mua, mất cũng không tiếc), mẫu mã đẹp. Những dòng điện thoại thời trang của Q-Mobie, Ktouch hoặc một số điện thoại nhái iPhone, Nokia… được ưa chuộng hơn cả.
 
iPhone 4 nhái chạy 2 sim 2 sóng ầm ầm.
 
Anh Nguyễn Đăng Huy, nhân viên bán hàng của Công ty cổ phần Thế giới đi dộng, trước thông tin cho rằng dòng máy loại này (chủ yếu là sản phẩm của các thương hiệu nhỏ Việt Nam hoặc hàng Trung Quốc) có thể chưa được kiểm định nghiêm túc về chất lượng, độ bền hay mức độ an toàn với môi trường, anh thường tư vấn kỹ cũng như đưa ra nhiều lựa chọn cho khách hàng để giúp họ tìm được mobile phù hợp với nhu cầu sử dụng. Anh cũng khẳng định thêm: “Không thể đòi hỏi quá nhiều ở các sản phẩm giá thành thấp, nhiều khi thấp đến bất ngờ mà lại muốn tính năng của chúng được như máy điện thoại của các thương hiệu lớn có giá thành cao hơn đến 3, 4 lần”.  
 
Rõ ràng, sự phát triển của điện thoại n sim, n sóng đến tốc độ chóng mặt đang mở ra một trào lưu mới, hay theo cách nói của nhiều người là “cơn sốt”. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực tại một thị trường đang lớn mạnh nhanh chóng như Việt Nam. Xung quanh chiếc điện thoại n sim, n sóng còn rất nhiều vấn đề phải bàn cãi, thế nhưng nó cũng đã và đang tạo ra cả một xu thế, một cộng đồng người dùng riêng. Đây phải chăng là một mảnh đất màu mỡ mà các thương hiệu lớn như Nokia, Samsung, Motorola… chưa khai thác, hoặc đã khai thác nhưng chưa đúng với tiềm năng của thị trường này?