Dùng SIM nội mạng thay... bộ đàm taxi

PV  | 02/02/2012 12:00 PM

Thực trạng SIM di động rẻ như cho đã khiến thuê bao di động trở thành công cụ liên lạc một cách cơ động cùng chi phí hợp lý cho các đơn vị chuyên doanh.

Thực trạng SIM di động rẻ như cho đã khiến thuê bao di động trở thành công cụ liên lạc một cách cơ động cùng chi phí hợp lý cho các đơn vị chuyên doanh.
 
Tổng đài taxi dùng SIM nội mạng thay bộ đàm

Đợt Tết vừa rồi, có dịp đi taxi của hãng M., một điều ngạc nhiên là không còn tiếng liên lạc qua bộ đàm liên tục như thường lệ mà thay vào đó là các tổng đài viên liên tục gọi vào di động của lái xe. Đây được xem là chuyện lạ bởi trong lịch sử hơn 20 năm, việc điều xe qua hệ thống bộ đàm trở thành kênh liên lạc tối cần thiết của các hãng taxi tại Việt Nam.
 



Anh Trung, lái xe taxi một công ty tại Hà Nội cho biết: "Gần nửa năm trở lại đây hãng mình bắt đầu dùng hệ thống liên lạc qua di động thay vì tổng đài bộ đàm. Không chỉ hãng mình, ở Hà Nội cũng có vài chục đơn vị vận chuyển taxi đang học theo cách làm này".

Với chi phí cước nội mạng rẻ, thậm chí miễn phí cùng tính di động cao nhờ độ phủ của sóng điện thoại, các dòng SIM nội mạng đang được các đơn vị taxi đánh giá cao cả ở độ bảo mật bởi các băng tần di động được mã hoá tốt.

Chị Thanh Hương, phụ trách tổng đài điều xe của một công ty vận tải cho biết: "Dùng bộ đàm thì chất lượng cũng vậy, có khi kém hơn, chi phí duy trì bảo dưỡng hàng năm cho hệ thống bộ đàm cũng tốn kha khá. Trang bị điện thoại dùng SIM nội mạng vừa rẻ vừa tiện, thậm chí còn tránh được thảm cảnh băng tần bị đối thủ dò rồi ra lệnh điều xe linh tinh như vài năm trở về trước".

Hiện nay, hầu hết các nhà mạng lớn nhỏ trong nước đều đã và đang áp dụng các gói cước nội mạng khá hấp dẫn. Nhỏ thì nội mạng miễn phí 10 phút mỗi lần gọi, lớn thì gói cước tỷ phú tha hồ nghe, gọi. Tính ra trung bình một tháng, tổng đài mất chi phí chưa đến 60 ngàn/tài xế cho một SIM nội mạng. Trong khi khấu hao hệ thống bộ đàm hàng năm cũng xấp xỉ con số này.

Anh Thức, nhân viên phụ trách an ninh của một công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ cho biết: "Cái tiện của bộ đàm là online liên tục và 3,4 người có thể cùng tham gia 1 kênh thoại. Tuy nhiên đặc tính của bộ đàm chỉ có 1 chiều chỉ nghe, hoặc nói trong 1 thời điểm nên nếu trong trường hợp cần trao đổi rất khó để đối thoại, trong khi đó SIM di động thì như thực hiện cuộc thoại thông thường nên thoải mái nói, thoải mái nghe".

Trong một khía cạnh khác, anh Lê Quang, giám đốc điều hành một hãng taxi cho biết: "Công ty mình áp dụng việc dùng SIM nội mạng trên các xe thuộc hãng được hơn 6 tháng cùng dịch vụ định vị của nhà mạng thông qua công nghệ Cell-ID. Nhờ đó, có thể biết chính xác địa điểm các xe đang đỗ và từ đó điều phối hợp lý tới các khách hàng có nhu cầu gọi xe quanh khu vực".

Việc các nhà mạng hiện nay đang phổ biến chính sách SIM di động gọi cố định giá rẻ và ngược lại cũng là một điều kiện tốt cho các tổng đài điều phối kiểu này bởi việc lắp hệ thống cố định/cố định không dây cùng mạng với SIM di động là một cách làm rất dễ dàng cùng chi phí thấp, lắp đặt, bảo trì nhanh chóng.

Di động nội mạng - cơ hội còn bỏ ngỏ

Một điều dễ thấy là, nếu như các đối tượng người dùng là sinh viên, hãng taxi hay hãng vệ sỹ đã nhìn thấy tiềm năng của loại hình dịch vụ SIM di động nội mạng giá cước rẻ này thì đại đa số người dùng vẫn chưa nắm bắt để khai thác triệt để.


Hầu hết các chương trình lớn của VNPT, Viettel hay Beeline gần đây đều tạo ra khá nhiều giá trị sử dụng cho khách hàng nội mạng. Bằng việc miễn phí các cuộc gọi dưới 10 phút, vô hình chung, các đối tượng khách hàng đăng ký dịch vụ tại thời điểm này có khả năng tiếp cận các phương thức liên lạc giá rẻ, đặc biệt là các đối tượng doanh nghiệp như vừa nêu.

Khác với bộ đàm sử dụng sóng ngắn, băng tần thấp và tính bảo mật không cao, sóng di động hiện nay được coi là loại hình có độ phủ rộng và mạnh nhất trong mọi điều kiện, bất kể vật cản.

Dựa trên nền tảng sóng di động này, các dịch vụ không dây có thể triển khai dễ dàng không riêng gì các gói cước nội mạng giá rẻ. Đó có thể là định vị đối tượng, kết nối thông tin bản đồ dẫn đường hoặc thậm chí là triển khai các gói cước WiFi trên taxi như một số nước trên thế giới đã từng làm.

Đại diện một nhà mạng cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu đẩy mạnh thêm các gói cước data 3G kết hợp với các hãng vận tải mặt đất như taxi, xe buýt... để phát triển mạng WiFi di động. Dựa vào tính năng chia sẻ kết nối trên các dòng thiết bị điện thoại/USB hỗ trợ 3G, việc tạo các điểm phát WiFi cơ động với độ phủ rộng là một hình thức cung cấp dịch vụ tiên tiến cũng như đem Internet được phổ cập rộng rãi hơn tới người dân".

Rõ ràng việc định hướng khách hàng tới các dịch vụ cấp tiến hơn dựa trên nền hạ tầng di động nội mạng sẽ thúc đẩy sự phát triển của chỉ số ARPU nói chung cũng như trình độ người sử dụng nói riêng. Đó vừa là một cách kích thích người tiêu dùng lựa chọn các gói cước nội mạng mà nó còn là một sự kích cầu cho nhiều giải pháp về kinh doanh nội dung số trong tương lai gần.
 
Theo Vietnamnet
Xem thêm:

điện thoại