Microsoft đã cho ra mắt thiết bị máy tính bảng Surface của riêng mình trong sự trầm trố thán phục của giới công nghệ. Cùng với sự chào đời của Windows Phone 8 thì tablet Surface cũng được coi là một trong toan tính quan trọng của hãng phần mềm lớn nhất thế giới trong việc bành trướng sang lĩnh vực di động. Đây được coi là động thái phù hợp với xu thế tương lai khi mà vai trò của máy tính đang dần dần bị giảm bớt để san sẻ gánh nặng cho các thiết bị di động. Với con mắt nhìn xa trông rộng khi quyết định cho ra mắt chiếc tablet tự sản xuất của mình, liệu có những gì ở bên trong chiếc Surface của Microsoft đáng giá để xem xét?
Vẻ ngoài của chiếc Cover Touch.
Đầu tiên phải kể đến công nghệ bên trong chiếc vỏ cảm ứng Cover Touch. Đây là một trong những công thức có thể trở thành điển hình cho chiếc máy tính bảng tiêu chuẩn trong tương lai. Chiếc vỏ này đồng thời cũng là một bàn phím cảm ứng đa điểm có thể chơi game giống với Sidewinder x4 ra mắt năm 2010, Cover Touch dựa trên một phát minh của Microsoft đã có từ năm 2003 và đây chính là khoảng thời gian phù hợp nhất để thiết bị này ra mắt giới công nghệ.
Mạng điện trở bên trong Cover Touch.
Stevie Bathiche là quản lý nhóm khoa học ứng dụng bên trong phần cứng của Microsoft. Ông đã từng đảm nhận công việc thiết kế kích thước của chiếc máy tính bảng Surface cũng như Kinect trước đó đã chỉ ra các cảm biến đa điểm mà nhóm làm việc ông đã sử dụng để tạo ra Sidewinder (Ở thời điểm đó ông đã chỉ ra rằng công nghệ này “sẽ được áp dụng cho nhiều thiết bị khác nhau như điện thoại di động hay bất cứ thiết bị nào cần tới nút bấm". Ông cũng đã chỉ cho chúng ta thấy được những tính năng khác như độ siêu mỏng, điện năng sử dụng thấp, các phím sử dụng cho ngón tay đa điểm siêu nhanh ở trong chiếc vỏ cảm ứng kiêm bàn phím cho chiếc máy tính bảng Surface mới.
Về tốc độ, các ma trận bàn phím trung bình có thể phát hiện ra lực nhấn phím trong tám phần nghìn giây đem lại tốc độ nhập liệu nhanh nhưng Microsoft cảm thấy điều đó vẫn là chưa đủ. Hãng này cho biết chiếc vỏ cảm ứng Cover Touch của mình có thể cảm nhận được lực nhấn phím nhanh hơn gấp mười lần như thế (nhanh hơn so với tốc độ hai phần nghìn giây của Sidewinder).
Giải thích về cơ chế tiêu thụ điện năng thấp của Cover Touch, Microsoft cho hay, chiếc vỏ kiêm bàn phím này sẽ chỉ hoạt động khi người dùng nhấn phím đủ mạnh. Bên cạnh đó thì Cover Touch cũng sẽ tự động tắt bất cứ khi nào nó được gấp vào để tiết kiệm điện năng.
Chiếc bàn phím này cũng khá thông minh khi sở hữu cơ chế cảm nhận lực ấn phím thông minh. Bàn phím cho máy tính bảng của Microsoft có thể đo được từng miligam sức mạnh. Thế nên người dùng chỉ cần đặt nhẹ các ngón tay lên các phím F và J (các phím thường được đặt tay khi người dùng sử dụng bàn phím) thì Cover Touch cũng có thể biết được là người dùng không muốn gõ 2 phím này.
Bên cạnh đó, Cover Touch còn sở hữu những phím cảm ứng điện trở giúp cho người dùng có thể gõ nhanh hơn mà không bị kẹt nút như một số bàn phím thông thường.
Bàn phím chơi game sẽ có những yêu cầu cao hơn hẳn so với bàn phím để soạn thảo văn bản thông thường. Nhưng với vi xử lý Core i5 Pro được sử dụng trên chiếc Surface thì chiếc máy tính bảng của Microsoft hoàn toàn có đủ sức mạnh phần cứng để thỏa mãn các game thủ mặc dù không phải ai cũng sử dụng Cover Touch để chơi game trên chiếc tablet chạy Windows 8 này.
Đo khả năng cảm ứng trên Cover Touch.
Lớp cảm ứng đa điểm trên Cover Touch chính là cách để Microsoft có thể làm ra chiếc vỏ kiêm bàn phím này chỉ có độ dày 3mm. Bởi vì khi gõ, điện trở sẽ in thẳng lên một lớp phim chứ không có bất cứ một phím cơ học nào cần đến không gian vật lý.
Trong bàn phím Sidewinder, tấm phim nhựa được bọc trong một bàn phím tiêu chuẩn với đèn nền hỗ trợ. Còn bên trong Cover Touch, tấm nhựa này sẽ được phủ lên trên một bảng mạch truyền thống nhằm tạo đủ độ cứng để người dùng có thể gõ phím. Ngoài ra như đã nói ở trên, nó cũng tích hợp gia tốc giúp tắt chiếc Surface đi khi người dùng đóng chiếc cover và tắt cả bàn phím khi họ gấp nó ra sau 180 độ.
Loại bàn phím dày hơn một chút Cover Type có các phím vật lý có thể di chuyển. Các phím này dày tầm 1,5 mm, là độ dày phổ biến trong bàn phím máy tính xách tay hiện nay nhưng chúng lại không phải là các phím cơ học thông thường. Cách bố trí điện trở cảm ứng trong chiếc Cover Type khá giống với trong chiếc Cover Touch. Đó là lý do tại sao ngay cả khi có các phím cơ học, nó vẫn khá mỏng với chỉ 6,8 mm. Chiếc Surface RT không dày hơn nhiều so với chiếc Cover Touch với độ mỏng chỉ 9,3mm thế nhưng vẻ bề ngoài của nó vẫn cứng cáp hơn rất nhiều so với các màn hình máy tính xách tay hiện nay.
Phần viền của chiếc Surface.
Microsoft đã sử dụng hợp kim Magiê và thiết kết chúng một cách tỉ mỉ trên thiết bị của mình. Phần mỏng nhất của chiếc Surface chỉ dày khoảng 0,77 mm với bộ khung hợp kim Magiê dày 0,65 mm. Khung hợp kim xung quanh màn hình và mặt sau của chiếc máy tính bảng đến từ Microsoft khá mỏng và sáng. Nhiều người có thể nghĩ rằng bộ khung này khá là mỏng manh nhưng thực ra thì nó lại rất cứng bởi người dùng sẽ khó có thể bẻ hoặc vặn bộ khung này được. Các lớp linh kiện của Surface được ráp nối một cách rất chặt chẽ cùng lớp màn hình cảm ứng mỏng hơn nhằm đem đến cảm giác thoải mái cho người dùng. Thậm chí là màn hình cảm ứng sử dụng bút của Surface Pro cũng có độ nhạy tương đương so với cảm ứng khi chúng ta chạm bằng tay.
Lý do mực điện tử trông rất trơn tru là bởi khoảng cách giữa phần đỉnh của cây bút và lớp bên trong màn hình nơi bạn nhìn thấy mực hiện lên chỉ cách nhau 0.7mm. “ Trong mỗi sản phẩm, chúng tôi đã xếp các lớp rất chặt chẽ và sạch đến mức nếu bạn bị kẹt một đoạn băng ở giữa, nó sẽ bị phồng lên” – Panos Panay, giám đốc điều hành sản phẩm máy tính bảng Surface cho biết. Có hơn 200 chi tiết trong chiếc máy tính bảng Surface ( Trong đó có 3 chi tiết Microsoft tự thiết kế) và hơn 150 khâu trong quá trình sản xuất.
Rõ ràng Microsoft đang xem chiếc Surface là cơ hội để thể hiện sức mạnh của một nhà sản xuất trong lĩnh vực mới – tự sản xuất máy tính bảng. Như Bathiche đã nói: “Đó không chỉ là một ý tưởng tốt. Đó là một ý tưởng tuyệt vời, và chúng tôi có thể làm ra nó!”.
Tham khảo: TechRadar