Ngày nay, chắc chắn rằng sẽ không ai có thể phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của chiếc điện thoại di động trong cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, cái gì cũng luôn có mặt tốt và mặt xấu của nó. Việc suốt ngày cứ ôm khư khư chú dế yêu chưa chắc đã là một việc làm đúng đắn.
Ma túy độc hại là thế, nhưng nếu dùng đúng liều, nó sẽ là phương thuốc giảm đau hiệu quả nhất. Nhân sâm quý giá là thế, nhưng sử dụng quá nhiều, nó còn hơn cả thuốc độc. Điều tương tự cũng xảy đến với những chú dế bé nhỏ của chúng ta. Bên cạnh những ảnh hưởng khó lường lên khả năng sinh sản của nam giới hay những tác hại đối với não bộ, những chủ đề vốn đã quá mòn mặt trên những diễn đàn sức khỏe. Mới đây, khoa học còn chứng minh rằng, nữ giới đang mang thai cũng có thể là nạn nhân của “kẻ thủ ác” giấu mặt mang tên điện thoại di động.
Theo một báo cáo khoa học vừa mới được công bố gần đây, các nhà khoa học Mỹ cho biết: Khi một người phụ nữ đang mang thai thường xuyên tiếp xúc với điện thoại di động thì sẽ có đến hơn 30% khả năng đứa trẻ sinh ra sẽ mắc các vấn đề về cách ứng xử khi chúng lên 7 tuổi. Ngoài ra, nếu sự tiếp xúc với điện thoại di động kéo dài từ giai đoạn trước khi sinh cho đến những năm đầu đời của đứa trẻ, thì khả năng chúng mắc phải các hội chứng rối loạn về cách ứng xử sẽ lên đến hơn 50%, so với các trường hợp không có sự tiếp xúc.
Những kết quả này có được từ một dự án nghiên cứu nghiêm túc, kéo dài gần 7 năm của một nhóm các nhà khoa học. Nghiên cứu được tiến hành với sự tham gia của 100.000 phụ nữ mang thai và những đứa trẻ mà họ sẽ sinh ra trong quãng thời gian từ 1996 cho đến 2002. Trong suốt quá trình nghiên cứu, các bà mẹ này được hỏi các thông tin về lối sống, thời gian chăm sóc đứa trẻ và quan trọng nhất là thời gian sử dụng điện thoại di động mỗi ngày.
Những chuyên gia từ viện đại học Southern California đưa ra kết luận: “Những kết quả trên chứng tỏ một cách rõ ràng rằng có một mối liên kết giữa thời gian tiếp xúc của người mẹ với điện thoại di động và tình trạng bất thường trong ứng xử của trẻ em”. Những nhà khoa học này cũng loại trừ khả năng tình trạng rối loạn trong ứng xử của trẻ xuất hiện là do thái độ không quan tâm, chăm sóc của người mẹ. Và họ cho rằng tác nhân đáng nghi ngờ nhất gây ra tình trạng này chính là tác động của sóng vô tuyến phát ra từ điện thoại di động.