Điểm mặt những HĐH cùng smartphone đình đám đã “yên nghỉ”

Tròn Xoay  | 11/06/2011 12:00 PM

Nhân sự kiện Microsoft tuyên bố ngừng hỗ trợ Windows Mobile, chúng ta hãy cùng điểm lại những smartphone cùng HĐH đình đám đã từng bị khai tử trong lịch sử di động.

Neonode N1m/N1 – HĐH Windows CE.NET



Ra mắt năm 2003, Neonode là một thương hiệu lạ tới từ một công ty thiết kế của Thụy Điển. Việc đưa ra sản phẩm smartphone Neonode N1 được đánh giá là khá mạo hiểm bởi lẽ thời điểm đó sự chiếm lĩnh của các PDA chuyên dụng như Palm, HP, Dell… khiến rất ít người nghĩ tới smartphone.
 
Nếu có bình chọn thì Neonode N1 xứng đáng là smartphone nhỏ nhất thời điểm đó. Máy chạy HĐH Microsoft Windows CE.NET nhưng lại không hẳn là một Pocket PC. Đồng thời, cơ chế sử dụng cảm ứng 3 đường vuốt chéo tạo cho Neonode N1 một phong thái khác lạ.
 
Tuy nhiên, sự cách tân thái quá thời điểm đó đã không khiến N1 đạt được doanh số bán ra tốt, thậm chí sau đó 2 năm, nhà sản xuất này tiếp tục tung ra Neonode N1m nhưng cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng. Thậm chí dòng máy này còn không có một ứng dụng ra hồn để cài lên cho đúng nghĩa một smartphone.


Motorola ROKR E6 – HĐH Linux



Trong lịch sử các hãng điện thoại di động, Motorola là nhà sản xuất đầu tiên hợp tác cùng Apple để cho ra chiếc điện thoại nghe nhạc ROKR E1. Nhưng hình như chẳng hợp duyên nên ROKR E1 như một vết đen trong lịch sử điện thoại nghe nhạc với doanh số bán ra thảm hại cùng vô số lời phàn nàn về việc phải kết nối với iTunes để sync nhạc. Không từ bỏ giấc mơ nhạc số, Motorola lại tiếp tục tung ra con bài ROKR E6 một năm sau đó, năm 2006.
 
Chạy trên nền HĐH Linux cùng bộ vi xử lý Intel XSale 312MHz, màn hình cảm ứng 2.4 inch, ROKR E6 được kỳ vọng là một cỗ máy vừa chơi nhạc vừa đáp ứng các tính năng văn phòng. Thế nhưng, E6 cũng rơi vào tình trạng cùng đường mạt lộ khi gần như không có ứng dụng bên thứ 3 nào ra hồn.
 
Sau ROKR E6, Motorola còn “chày cối” phát triển các dòng điện thoại Ming/A series cũng trên nền HĐH Linux nhưng chỉ bán ra tại Trung Quốc. Kết quả như thế nào ai cũng rõ, Motorola liên tục lao đao gần 3 năm liền tưởng chừng như phá sản nếu không có Android “cứu cánh”. ROKR E6 cùng HĐH Linux ra đi không hẹn ngày trở lại từ đó.


OpenMoko Neo Freerunner – HĐH mở



Chiếc smartphone xinh xắn này nằm trong một dự án về mã nguồn mở cho di động, dựa trên nền tảng Linux, được hỗ trợ bởi tập đoàn Openmoko.
 
Ra mắt vào giữa năm 2008, Neo Freerunner được ví như một tờ giấy trắng tinh khiết để người dùng thoải mái viết lên. Đó không phải là ẩn dụ mà thực tế là nếu bạn muốn quay số gọi bạn bè – hãy tự viết ứng dụng Call/Dial, muốn nhắn tin – viết ứng dụng Message vì firmware gốc của máy chỉ hỗ trợ…đọc SIM và…khởi động.
 
Nghe có vẻ khôi hài nhưng Neo Freerunner cũng như dự án của Openmoko tạo được sức hấp dẫn lớn với giới lập trình viên. Tuy nhiên, thời điểm Openmoko triển khai dự án thì Android cũng bắt đầu lên kệ (cuối năm 2008) và rồi năm 2009, tập đoàn rời bỏ việc nghiên cứu dự án này. Đến ngày hôm nay Neo Freerunner vẫn sống lay lắt với một lượng lập trình viên nhất định hỗ trợ tại website www.openmoko.org nhưng có lẽ nó sắp biến mất vào một ngày không xa.


T-Mobile Sidekick – HĐH Danger



Nhắc tới series điện thoại Sidekick, giới sành chơi không khỏi trầm trồ về một dòng điện thoại thiết kế lạ, sành điệu và từng là trào lưu của các “sao” Hollywood. Lúc bấy giờ, việc một chiếc điện thoại sở hữu bàn phím QWERTY full size cùng màn hình xoay ngang 180 độ như Sidekick quả thực rất mới lạ.
 
Chiếc điện thoại Sidekick đầu tiên được ra đời năm 2002, do nhà mạng T-Mobile đặt hàng Motorola sản xuất, chạy HĐH Danger. Lúc đó chiếc điện thoại này đã tạo ấn tượng tốt với khả năng check mail và lướt web thông qua các ứng dụng độc quyền dành cho khách hàng mạng T-Mobile.
 
Thế nhưng, sau hàng loạt sự cố mất dữ liệu xảy ra năm 2009, T-Mobile đã quyết định dừng việc phân phối dòng điện thoại Sidekick. Trải qua 8 năm phát triển, Sidekick có lúc còn được Sharp sản xuất cũng như xuất hiện trên tay kiều nữ Paris Hilton. Gần đây có thông tin sẽ xuất hiện chiếc Sidekick mới chạy nền Android do Samsung sản xuất. Về phía HĐH Danger, hiện công ty đã bị Microsoft thâu tóm như một bộ phận phát triển độc lập của hãng.

Tổng hợp