Là 1 smartphone giá rẻ, Nokia 500 khá mạnh mẽ với kết nối 3G tốc độ cao cùng bộ xử lý 1Ghz cho hoạt động mượt mà. Tất nhiên so với
N9 mới ra mắt gần đây thì Nokia 500 không thể sánh được, nhưng điều đó cũng là dễ hiểu bởi đối tượng Nokia 500 hướng tới là khách hàng muốn 1 smartphone giá rẻ và hoạt động tốt.
Các tính năng chính Hỗ trợ 3 băng tần GSM/GPRS/EDGE, 3G HSDPA 14.4 Mbps và HSUPA 5.76 Mbps. Màn hình cảm ứng điện dung TFT 3.2 inch 16 triệu màu với độ phân giải 640 x 360. Máy ảnh 5 MP hỗ trợ quay phim VGA 15 fps, thông tin địa lý. Hệ điều hành Symbian Anna. CPU ARM 11 1GHz và RAM 256 MB. Wi-Fi 802.11 b/g, Stereo Bluetooth 2.1, Radio FM sterio với RDS. Hỗ trợ A-GPS và chỉ đường bằng giọng nói miễn phí. La bàn điện tử, khe cắm thẻ nhớ microSD, cổng microUSB, jack âm thanh 3.5mm. Hỗ trợ video DivX và XviD, cảm biến gia tốc và độ gần. Trình duyệt hỗ trợ Flash và Java, tích hợp mạng xã hội. Hỗ trợ ra lệnh và quay số bằng giọng nói. Vỏ sau thay thế được. Điểm yếu Symbian Anna vẫn thua kém nhiều so với Android và iOS. Camera không có đèn flash, không hỗ trợ tự động lấy nét, chất lượng ảnh kém, chất lượng quay phim kém. Giới hạn các ứng dụng hãng thứ 3, không có phần mềm xem văn bản, ứng dụng xem phim kém, trình duyệt rất hay bị lỗi. |
Phụ kiện đi kèm máy rất đơn giản: sạc, cáp microUSB và tai nghe. Nhưng tiếc là không có thẻ nhớ microSD đi kèm.
Nokia 500 có kích thước 111.3 x 53.8 x 14.4 mm với màn hình và chiều cao cũng tương tự như Nokia 700, nhưng có phần to hơn một chút. Lớp vỏ sau màu sắc có thể thay đổi được khiến Nokia 500 hấp dẫn hơn với giới trẻ, tuy nhiên ngoài điểm đó thì thiết kế của Nokia 500 không có gì đặc biệt, chỉ đơn giản là 1 điện thoại dạng thanh cảm ứng bình thường.
Thiết kế cong ở mặt sau khiến máy rất dễ cầm, nhưng lớp vỏ nhựa đằng sau cho chúng ta cảm giác không bền. Mặt trước máy là màn hình cảm ứng điện dung nHD 3.2 inch (360 x 640) cho chất lượng hình ảnh rất ổn, tất nhiên là không thể bằng được màn hình ClearBlack. 1 điểm trừ là màn hình kính phía trước rất dễ in vân tay.
Phía dưới màn hình là 2 phím Call, phím Menu ở giữa và ngay trên nó là mircophone. Phía trên màn hình là loa cùng bộ cảm ứng độ gần và ánh sáng giúp máy tắt màn hình khi đang gọi điện.
Bên phải Nokia 500 là phím Khóa máy thay vì thanh trượt khóa máy thường thấy trên các thiết bị Symbian và phím Âm lượng ở ngay phía trên. Phía đỉnh máy là các cổng kết nối microUSB, cổng sạc 2mm và jack cắm tai nghe 3.5mm. Cả 3 cổng này đều không được bảo vệ, nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động.
Đằng sau máy là camera 5 MP, loa ngoài và logo Nokia. Đáng tiếc là máy không có đèn flash và không có phím chụp nhanh. Máy có pin Li-Ion 1110 mAh đủ cho thời gian chờ là 500 giờ với 2G và 455 giờ với 3G. Thời gian thoại là 7 giờ 2G và 5 giờ 3G. Phía dưới pin là khe cắm SIM và thẻ nhớ microSD.
Đến cuối năm nay Nokia 500 sẽ được cập nhật lên Symbian Belle, nhưng hiện tại vì máy sẽ vẫn sử dụng Symbian Anna. Chúng ta chưa biết được liệu Symbian Belle sẽ mang đến điều gì mới, nhưng thực sự Anna đã là quá ổn cho 1 smartphone cấp thấp.
Màn hình nhà của Symbian Anna gồm 3 phần cho phép bạn đặt các widget ưa thích và hỗ trợ tự động xoay. Các biểu tượng ứng dụng trên Symbian Anna cũng được chỉnh lại vuông vắn hơn, giúp bạn dễ dàng nhấn bằng ngón tay. Còn menu thì vẫn không có gì thay đổi lắm – giữ nguyên 1 phong cách từ những đời đầu của Symbian. Bạn vẫn phải chọn Menu rồi chọn Applocations để truy cập vào danh sách ứng dụng. Lẽ ra thao tác này nên được rút ngắn đi cho phù hợp với thị trường smartphone cảm ứng hiện nay.
Mặc dù có bộ xử lý 1 GHz nhưng Nokia 500 hoạt động không được tốt như mong đợi. Máy phản ứng khá chậm, kể cả trong những thao tác đơn giản như cuộn xuống trong menu. Bạn sẽ thấy khá khó chịu với sự chậm chạp của máy.
Nokia 500 có 1 danh bạ rất đầy đủ với dung lượng lưu trữ không giới hạn. Mạng xã hội Facebook và Twitter cũng được tích hợp vào danh bạ và bạn có thể xem những cập nhật mới nhất ngay từ phần thông tin bạn bè trong danh bạ.
Chất lượng cuộc gọi trên Nokia 500 rất tốt với tín hiệu ổn định và âm thanh rõ ràng. Tuy nhiên trong môi trường ồn ào thì hơi khó nghe bởi máy không có tính năng chống ồn. Bạn có thể tắt nhanh chuông cuộc gọi đến bằng cách đặt sấp máy xuống.
Máy có hỗ trợ lưu tin nhắn theo chủ đề và tất cả các tin nhắn đều được lưu trong cùng 1 Inbox, giúp bạn dễ dàng theo dõi hơn. Còn về email thì bạn chỉ cần điền tên và mật khẩu là có thể dễ dàng sử dụng Gmail. Ngoài ra máy cũng hỗ trợ nhiều dịch vụ email khác mà không gặp bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên bàn phím QWERTY ảo trên máy khá bé, khiến việc soạn thảo trở nên khó khăn hơn.
Thư viện ảnh của Nokia 500 không khác nhiều so với các máy Symbian. Ảnh được hiển thị theo 3 cột và bạn có thể cuộn lên cuộn xuống để xem. Máy hỗ trợ chia sẻ ảnh ngay trực tiếp từ thư viện với các tùy chọn qua MMS, email hoặc Bluetooth hay “Share” qua Facebook và Twitter. Tiếc là bạn không thể chia sẻ thẳng lên 1 dịch vụ chia sẻ ảnh nào.
Giải trí
Từ Symbian^3 Nokia đã giới thiệu giao diện chơi nhạc theo Bìa album và ở Nokia 500 giao diện này cũng vậy. Kho nhạc được tự động sắp xếp theo nhạc sĩ, album và bạn có thể tạo Playlist ngay trên máy nếu muốn.
Tuy nhiên trình xem video của máy rất đáng thất vọng. Máy hỗ trợ DivX, XviD và MP4 nhưng không thể xem được các tập tin lớn hay 720p. Giới hạn chỉ là WVGA, ngay cả 1 đoạn phim Xvid 300 MB cũng không hiển thị tốt trên Nokia 500 bởi mất tiếng, mất đoạn. Máy cũng không hỗ trợ phụ đề.
Bù lại, chương trình FM của máy hoạt động rất ổn với giao diện đơn giản dễ dùng. Chất lượng âm thanh của máy cũng rất ổn, thậm chí còn tốt hơn cả Nokia 701.
Camera
Nokia 500 có camera 5 MP tuy nhiên việc thiếu vắng tính năng tự động lấy nét và đèn flash khiến máy thua kém nhiều so với các điện thoại khác. Bạn có thể phóng to, thu nhỏ hoặc chỉnh sửa ảnh cơ bản ngay trên máy. Máy cũng hỗ trợ gắn vị trí vào ảnh và nhận diện gương mặt.
Dù hình ảnh trông rất tuyệt trên màn hình nHD của máy nhưng khi đưa ra màn hình lớn hơn thì chất lượng ảnh của Nokia 500 khá tệ. Màu sắc bình thường, chi tiết còn thiếu hụt và độ nhiễu quá lớn khiến hình ảnh gây thất vọng. Đặc biệt do thiếu tính năng tự động lấy nét nên bạn chẳng thể chụp được gì ở độ gần dưới 50 cm cả.
Bạn có thể tham khảo sample hình ảnh dưới đây (Nhấn vào ảnh để xem kích thước gốc).
Chất lượng quay phim của máy cũng gây thất vọng với độ phân giải VGA và 15 fps.
Kết nối
Máy hỗ trợ đầy đủ các kết nối: 3 băng tần GPRS, EDGE, 3G, HSPA… Tốc độ 3G của máy cũng khá tốt với 14.4 Mbps tải về và 5.76 Mbps tải lên. Máy kết nối với máy tính qua microUSB 2.0 nhưng chỉ có thể sạc bằng sạc. Ngoài ra máy còn hỗ trợ Bluetooth 2.1, Wi-Fi b/g cùng khe cắm thẻ nhớ microSD và jack âm thanh 3.5mm.
Trình duyệt
Từ trước đến nay, trình duyệt luôn là 1 điểm yếu của các điện thoại Symbian cảm ứng, tuy nhiên Symbian Anna đã cải thiện được đáng kể. Trình duyệt của Nokia 500 có cơ chế tải trang khá tốt với 1 số tính năng như chọn phông chữ, tự động điền và quản lý mật khẩu. Tuy nhiên đôi lúc việc phóng to thu nhỏ rất chậm và tải trang cũng không nhanh hơn là mấy, khiến người dùng thất vọng.
Trình duyệt của máy hỗ trợ Flash Lite 4.0, bạn có thể xem video YouTube 360p nhưng chất lượng không được ổn lắm.
Các ứng dụng khác
Symbian luôn có sẵn 1 số ứng dụng cơ bản và Nokia 500 với Symbian Anna cũng không phải là ngoại lệ. Ứng dụng Lịch có 4 chế độ xem: theo tháng, theo tuần, theo ngày và danh sách việc cần làm, giúp bạn dễ dàng quản lý hơn. Ứng dụng Máy tính cũng hoạt động khá ổn với những phép tính cơ bản. Ngoài ra máy còn có ứng dụng từ điển, ghi âm, ghi chú, báo thức và quản lý file ZIP nữa.
Mạng xã hội
Nokia 500 hỗ trợ 2 mạng xã hội phổ biến nhất là Facebook và Twitter. Bạn có thể có nhiều tài khoản nhưng chỉ có 1 tài khoản hoạt động tại 1 thời điểm mà thôi. Giao diện của ứng dụng khá đơn giản và bạn có thể dễ dàng cập nhật status hay đính kèm ảnh, video lên Facebook và Twitter.
Ovi Store
Symbian vẫn là 1 trong những hệ điều hành smartphone lớn trên thế giới nhưng kho ứng dụng của máy so với iOS App Store và Android Market thì còn thua kém rất nhiều. Giao diện Ovi Store rất dễ dùng, tuy nhiên số lượng ứng dụng không nhiều. Ngoài ra ứng dụng Ovi Maps cũng hỗ trợ chỉ đường bằng giọng nói miễn phí.
Lời kết
Nokia 500 với Symbian Anna có nhiều tính năng mới, tuy nhiên máy không gây được nhiều ấn tượng bởi sự chậm trễ khó chấp nhận được trong 1 smartphone CPU 1 GHz và mức giá khá cao. Hiện nay Nokia 500 có giá khoảng 170-200 Euro (5-6 triệu đồng). Với mức giá ấy chúng ta có nhiều lựa chọn tốt hơn nhiều như Sony Ericsson Xperia mini chạy Android hay X10. Thậm chí ngay cả Nokia C6-01 cũng với cùng mức giá và Symbian Anna còn ấn tượng hơn Nokia 500. Hi vọng rằng đến khi có Symbian Belle, Nokia 500 sẽ hoạt động ổn định hơn.