Đánh giá LG Optimus 3D: Kẻ tiên phong công nghệ

Tròn Xoay  | 12/08/2011 05:00 PM

Mặc dù không phải là chiếc điện thoại 3D đầu tiên trên thế giới nhưng LG Optimus 3D lại là phiên bản điện thoại được thương mại hóa rộng rãi nhất trên toàn thế giới.

Thiết kế



LG Optimus 3D khi cầm trên tay.

LG Optimus 3D nặng vẻn vẹn 168g và dày 11,9mm, một thước đo tương đối tiêu chuẩn với một smartphone touchscreen. Với kích thước và trọng lượng này, xem ra máy rất dễ cầm nắm trên tay cũng như không gây mỏi tay khi thực hiện cuộc thoại kéo dài.


Với màn hình LCD rộng tới 4.3 inch cùng độ phân giải 480 x 800 pixel, đây được xem như một thông số lý tưởng mà một chiếc điện thoại 3D như Optimus 3D phải có. Màn hình này giống như sản phẩm HTC EVO 3D, với công nghệ hiển thị thị sai, cho phép hai mắt nhận được hai hình ảnh với góc nhìn khác nhau, từ đó tạo nên hình ảnh 3 chiều. Hơi đáng tiếc là qua thử nghiệm, màn hình tỏ ra yếu ớt trước ánh nắng mặt trời.



Nút kích hoạt hiển thị 3D ở cạnh phải của máy.

Khi bạn bấm vào nút kích hoạt 3D ở cạnh phải, máy sẽ kích hoạt chế độ thị sai và mắt người dùng sẽ thưởng thức các hình ảnh hay video 3D mà không cần kính. Công nghệ thị sai là một giải pháp khá tốt cho việc thưởng thức các nội dung 3D nhưng nhược điểm của nó là giảm độ phân giải chỉ còn bằng nửa. Thêm vào đó, góc nhìn cũng bị giới hạn khiến chỉ người dùng nhìn chính diện vào màn hình mới thấy hình ảnh 3D.



Công nghệ hiển thị thị sai 3D so với hiển thị 2D thông thường.

Qua thử nghiệm cho thấy, lúc đầu thưởng thức nội dung 3D trên Optimus 3D thì rất thú vị. Độ sâu và độ thực tế của công nghệ này trên các nội dung hình ảnh và video tương đối ổn. Tuy nhiên, sau một thời gian vài phút xem, người dùng sẽ thấy mỏi mắt và sẽ buộc phải chuyển về chế độ 2D. Có vẻ như kiểu 3D nội suy này vẫn chưa được tối ưu cho lắm và vì thế nếu có ý định mua, bạn nên dùng thử sản phẩm và thử nghiệm tính năng giải trí thời thượng này xem có hợp nhãn hay không.



Optimus 3D khi nhìn trực diện.

Sau màn thử nghiệm màn hình 3D, người dùng sẽ ngó qua chất liệu thiết kế của Optimus 3D. Được làm từ nhựa tổng hợp, khi cầm Optimus 3D trên tay có cảm giác rất êm tay và phía sau máy được điểm xuyết bởi một dải chất liệu với tông màu giả hợp kim. Phía dưới màn hình chính là 4 nút chức năng quen thuộc của các dòng máy Android gồm Menu, Home, Back và Search.



Máy ảnh kép dành cho việc chụp/quay 3D.

Điểm qua thiết kế, ta có thể thấy đây là một chiếc điện thoại có kích thước lớn, đơn giản, có kết cấu tốt nhưng lại hơi thiếu tính chuyên nghiệp cùng lớp vỏ màu đơn điệu. Tuy nhiên, nếu muốn sở hữu một sản phẩm công nghệ thời thượng và không quá quan tâm về giá, Optimus 3D là một lựa chọn khá hợp lý cho một smartphone công nghệ cao.


Giao diện và chức năng:

Chạy trên nền HĐH Android 2.2.2 Froyo, Optimus 3D được trang bị thêm một vài tính năng thú vị đi kèm nhằm làm tăng trải nghiệm cho người dùng. Một sự ngạc nhiên lớn khi chạm tay vào máy đó là việc HĐH Froyo chạy khá nhanh trên siêu di động này, thao tác trên các menu rất nhanh và phản ứng tức thì khi tương tác, không hề gặp tình trạng lag. Tuy nhiên, với một siêu di động như Optimus 3D thì việc chạy trên nền Android 2.2.2 là quá lỗi thời nhưng LG cũng đã đưa ra thông báo rằng sẽ sớm nâng cấp HĐH cho máy trong tương lai gần.


Màn hình chờ với các widget và đa lớp home screen chỉ hiển thị dưới dạng 2D.

Ngay ngoài màn hình lock screen, Optimus 3D đã hiển thị đầy đủ các thông tin về tin nhắn, cuộc gọi và dung lượng pin, để tương tác vào màn hình home screen trên máy, người dùng kéo màn hình này lên phía trên. Chế độ hiển thị mặc định là 2D, và có tới 7 home screen cho người dùng tùy biến bằng các widget hay các kết nối nhanh tới các chức năng thường dùng.


Các widget được cài đặt sẵn khá tiện với tính thẩm mỹ cao như Lịch hay Thời tiết, Facebook… cũng như cho phép người dùng tinh chỉnh các nhạc chuông báo khi có cập nhật mới hay nhắc việc. Tại menu trong, người dùng sẽ gặp lại giao diện quen thuộc của HĐH Froyo với cách thiết kế hệt như từng thấy trên LG Optimus 2x.

Chỉ mục Contact của Optimus 3D được dùng sẵn của HĐH Froyo, nhưng LG đã có chút chỉnh sửa bằng widget, cho phép người dùng can thiệp nhanh để thực hiện kết nối bằng cách nhấn 1 lần để hiện pop-up với các chức năng gọi, nhắn tin hay định vị bạn bè trong danh bạ.


Soạn thảo trên Optimus 3D rất dễ chịu với khoảng cách giữa các chữ hợp lý.

Thao tác nhắn tin trên màn hình 4.3 inch thật dễ chịu với khoảng cách hợp lý giữa các phím ảo, do đó người dùng có thể dễ dàng soạn các đoạn text dài mà ít vướng phải lỗi gõ. Optimus 3D cũng hỗ trợ hiển thị tin nhắn theo kiểu đối thoại nhưng đối với email thì giao diện hiển thị lại hơi đơn điệu.

3D Space:

Muốn trải nghiệm 3D, người dùng có thể giữ chặt nút bấm bên cạnh phải của máy để thưởng thức cách hiển thị này. Tính năng này hay hay dở tùy người dùng đánh giá nhưng kiểu hiển thị menu 3D rất ấn tượng với 6 icon lớn rất mãn nhãn. Tại đây, người dùng có thể xem hướng dẫn về nội dung 3D để biết cách thưởng thức hoặc quay video 3D. Ngoài ra, icon YouTube sẽ liên kết người dùng tới thẳng kho nội dung 3 chiều trên kho video YouTube.



Menu 3D Space khi hiển thị dưới dạng side-by-side.

Ứng dụng 3D gallery mở ra một thế giới nội dung 3D của riêng người dùng. Với hiệu ứng hiển thị đẹp mắt theo kiểu đa giác hoặc theo hàng, người sử dụng có thể dễ dàng truy cập các nội dung 3D được lưu tại đây.



Duyệt file bằng 3D Gallery.

Một chiếc điện thoại 3D không thể thành công nếu thiếu game và ứng dụng 3 chiều và dĩ nhiên Optimus 3D không phải là siêu di động tầm thường như thế. Máy được cài sẵn 3 game của Gameloft gồm Asphalt 6, N.O.V.A và Let’s Golf 2 với nội dung được tối ưu hiển thị trên máy.



Các game và ứng dụng giải trí 3D cài sẵn trên LG Optimus 3D.

Mặc dù vậy, ngoài việc hình ảnh 3 chiều có vẻ nổi lên ở menu và ngoài màn hình chờ của game thì nội dung của game lại không thực sự “nổi” cho lắm, do đó trải nghiệm không thực sự trọn vẹn. Thử nghiệm với Gulliver’s Travels, người dùng sẽ được thưởng thức một cuốn truyện tranh với nội dung 3D khá lý thú.

Nhận xét một cách khách quan thì ngoài các đoạn 3D trailer, Optimus 3D vẫn thiếu các nội dung 3D nổi trội với hình ảnh nổi mượt mà theo đúng nghĩa.


Máy ảnh và tính năng đa phương tiện:



LG Optimus 3D sở hữu tới 3 máy ảnh với 1 phía trước dành cho video call và máy ảnh kép 3D phía sau. Máy tạo ấn tượng tốt với khả năng quay video 3D, cho ra các tệp tin thành phẩm với chất lượng cao. Tuy nhiên máy ảnh 2D độ phân giải 5.0 Megapixel lại đem tới trải nghiệm tồi với khả năng canh nét kém và độ trễ cao, mặc dù đây là tính năng người sử dụng sẽ dùng nhiều nhất.



Giao diện phần mềm chụp ảnh với nút chuyển đổi 2D/3D.


Ảnh sẽ được chụp bởi camera bên trái và chất lượng ảnh thành phẩm rất tồi. Nước ảnh tối, lệch màu và hiển thị các chi tiết rất kém. Ngoài ra, máy ảnh này cũng bắt sáng yếu và chụp xa rất tồi. Mặc dù vậy, tính năng chụp ảnh vẫn hỗ trợ các tính năng cơ bản như zoom, macro hay chụp theo các tình huống.



Ảnh chụp thử từ ống kính 5 Megapixel trên máy rất tệ.


Đáng tiếc là có vẻ như LG hơi lo xa khi không cho phép người dùng bật tính năng chụp ảnh khi pin dưới 10%. và điều này sẽ khiến một lượng khách hàng không mấy hài lòng.



Video 3D quay bởi ống kính cho chất lượng tốt, độ phân giải 720p.


Với tính năng quay video, Optimus 3D có thể hỗ trợ tới độ phân giải full HD 1080p với 30 hình/giây cùng khả năng tự động canh nét. Các file thành phẩm sẽ được lưu dưới định dạng MP4 và nếu người dùng sử dụng tính năng zoom, độ phân giải sẽ tụt xuống 720p.

Khi kích hoạt khả năng quay phim 3D, độ phân giải sẽ giảm xuống 720p và chụp ảnh sẽ ở mức 3 Megapixel.

Bên cạnh các hiệu chỉnh thường thấy, người dùng có thể tinh chỉnh độ sâu của hiệu ứng 3D cũng như chỉnh sửa các tệp tin thành phẩm thông qua bộ ứng dụng sửa ảnh được cài sẵn. Chế độ quay/chụp 3D/2D có thể kích hoạt nhanh bằng 1,2 lần chạm, giúp người dùng chuyển nhanh tới tính năng mình muốn.


Màn hình 4.3 inch rất tốt khi thưởng thức video và LG Optimus 3D hỗ trợ đầy đủ codec DivX/XviD nhưng đáng tiếc thay, máy lại không hỗ trợ tệp tin MKV thông dụng. Âm thanh phát ra trên máy tương đối trong và rõ nét khi chơi bằng trình chơi nhạc có sẵn của HĐH Android. Người dùng có thể nâng cấp bộ nhớ lên tới 32GB hoặc sử dụng bộ nhớ trong sẵn có lên tới 8GB. Cổng microHDMI tích hợp sẵn trên máy cho phép người có thể kết nối một cách linh hoạt tới các 3D HDTV và khi đó, Optimus 3D sẽ trở thành một đầu phát nội dung HD cơ động.

Trình duyệt và kết nối:

Trình duyệt tích hợp sẵn trên máy khá hữu dụng và nó hỗ trợ đầy đủ các tính năng như hiển thị flash, đa chạm và phóng to. Phía dưới trình duyệt này là các nút bấm nhanh gồm Back, Forward hay chuyển đổi giữa các tab, hiển thị tab mới và thiết lập cấu hình trình duyệt. Xem ra thì có vẻ tiện dụng nhưng với người khó tính thì nó lại gây cản trở khi không cho phép hiển thị web toàn màn hình. Cạnh thanh Address của trình duyệt là nút bookmark, giúp người dùng truy suất nhanh tới các website đã lưu sẵn hoặc các web đã từng vào.


Nói tóm lại, trình duyệt của Optimus 3D khá hoàn hảo và được tối ưu nhờ một màn hình lớn và chipset lõi kép. Các flash chạy tốt giúp người dùng thưởng thức các web có nội dung số đa dạng.

Khả năng kết nối của Optimus 3D khá hoàn hảo với đầy đủ kết nối 3D HSPA 14.4Mbps, WiFi b/g/n, Bluetooth 3.0, DLNA cũng như tính năng Mobile Hotspot và LG SmartShare.


Hiệu năng:


LG Optimus 3D so dáng với các đối thủ cùng phân khúc.

Với màn hình 4.3 inch, LG phải trang bị cho Optimus 3D pin dung lượng 1500mAh và nó cũng chỉ đáp ứng khả năng sử dụng trong 1 ngày dùng. Ở chế độ chờ, pin không sụt nhanh nhưng chỉ cần bật lên và sử dụng, pin sẽ tiêu hao khá nhanh. Do đó, nếu quan ngại về hiệu năng pin, người dùng nên chi thêm tiền mua pin dự phòng hoặc luôn đem theo sạc nếu không muốn công việc bị đình trệ do tắt ngóm.

Mặc dù không tích hợp thêm mic phụ để chống nhiễu nhưng chất lượng cuộc thoại trên LG Optimus 3D rất tốt. Người gọi và người nghe đều cảm nhận thấy âm thanh rất trong và vừa tai với mức âm lượng để cỡ vừa.

Khách biệt duy nhất của Optimus 3D chính là khả năng hiển thị nội dung 3D. May mắn thay, máy cũng sở hữu những tính năng giải trí tương đối ổn, nhưng người dùng cần cân nhắc khi thưởng thức nội dung 3D quá lâu sẽ gây mỏi mắt, đau đầu. Dưới chế độ sử dụng 2D, đây là một cỗ máy tốt, hiệu năng cao nhờ phần cứng lõi kép cao cấp. Điều này có thể thấy rõ khi tương tác với menu hay trình duyệt.


Hiệu năng pin thấp của Optimus 3D là một rào cản khá khó chịu và người dùng sẽ phải tìm mọi cách để khắc phục yếu điểm này. Hy vọng rằng các yếu điểm này sẽ được cải thiện bằng việc update lên HĐH Gingerbread 2.3 do LG cung cấp trong nay mai.

Nếu không ngại về giá và hiệu năng pin thấp, LG Optimus 3D là một sản phẩm cho những ai muốn làm người tiên phong thưởng thức nội dung giải 3D trí thời thượng trên di động.