Samsung hiện tại đang là nhà sản xuất smartphone Android với lượng thiết bị bán ra đứng số 1 thế giới. Góp một phần rất lớn vào sự thành công ấy là Galaxy S, chỉ riêng chiếc smartphone này đã thêm vào tổng doanh số của Samsung hơn 10 triệu thiết bị.
Và cũng giống như truyền thống của các hãng sản xuất khác, khi 1 sản phẩm thành công lớn lập tức người ta sẽ cho ra phiên bản kế nhiệm để tận dụng tiếng tăm của sản phẩm đi trước. Galaxy SII chính là sản phẩm thực hiện đúng theo nguyên tắc ấy của Samsung. Chúng ta hãy cùng xem liệu 1 chiếc smartphone với thiết kế mỏng hơn, nhẹ hơn, màn hình đẹp hơn, cấu hình cao hơn có thực sự là 1 chiếc smartphone tốt hơn hay không.
Cảm quan
Giữ nguyên truyền thống của mình, Samsung tỏ ra đặc biệt quan tâm đến vấn đề trọng lượng và độ dày của sản phẩm. Dễ dàng có thể thấy được triết lý của Samsung về mặt thiết kế: "Cứ mỏng và nhẹ là đẹp!". Và để phục vụ cho triết lý đó, hãng sản xuất Hàn Quốc không hề chùn tay trong việc "nhựa hóa" sản phẩm của mình và ra sức đẽo gọt, làm mọi cách để biến smartphone thành những miếng kính trên tay người sử dụng. Cá nhân tôi chưa bao giờ cảm thấy hứng thú với việc Samsung sử dụng quá nhiều nhựa trong các sản phẩm của hãng này.
Galaxy SII khá vuông vắn với màn hình 4,3 inch và độ mỏng thuộc loại "siêu mẫu" chỉ 8,6mm.
1 chiếc điện thoại nắp gập với giá 2 triệu đồng dễ dàng có thể được chấp nhận nếu như sử dụng vỏ máy bằng nhựa 100%, nhưng với 1 chiếc smartphone cấp cao như Galaxy SII, chúng ta muốn tất cả phải thật... cao cấp. Nhựa luôn tạo cảm giác rẻ tiền hơn các sản phẩm sử dụng vật liệu "lạnh, nặng" như thủy tinh và kim loại.
Điều này thể hiện rất rõ ở Galaxy SII.
Lần đầu tiên cầm Galaxy SII trên tay tôi đã phải giật mình vì trọng lượng của máy. Thậm chí ban đầu tôi còn nghĩ rằng máy chưa... lắp pin. Kích thước khá lớn với độ rộng màn hình tới 4.3 inch nhưng nặng chỉ có 108g, nhẹ hơn cả các smartphone 3.2 inch khiến cho Galaxy SII có cảm giác hẫng tay và khá "mã".
Camera trước và loa thoại. Galaxy SII không có đèn Led báo tin nhắn, cuộc gọi nhỡ.
Nhưng cũng cần phải nói thêm là rất nhiều người sẽ cảm thấy hài lòng với trọng lượng nhỏ của Galaxy SII. Trọng lượng của Galaxy SII cũng khiến máy dễ tiếp cận với nữ giới hơn, mặc dù màn hình 4.3 inch của máy đã là 1 yếu tố chỉ ra rất rõ ràng rằng Samsung không sản xuất Galaxy SII hướng đến đối tượng người dùng là nữ.
Cứ mỏng là đẹp?
Bên cạnh trọng lượng của Galaxy SII, tôi cũng không cảm thấy hài lòng với cảm giác cầm nắm của máy. Trong khi chiếc Galaxy S có độ dày và mặt lưng bo tròn cầm nắm rất thoải mái thì Galaxy SII lại chuyển sang thiết kế phẳng phiu vuông vắn hơn khiến cảm giác cầm máy không được dễ chịu như ở người tiền nhiệm. Sự kết hợp thiếu thuyết phục giữa trọng lượng nhỏ, màn hình lớn, độ mỏng cao đã khiến Galaxy SII thất bại trong việc thể hiện cái "chất" của 1 sản phẩm cao cấp.
Phần nắp lưng bằng nhựa có chất lượng rất thấp.
Một điều may mắn đó là bất chấp cảm giác yếu ớt do trọng lượng quá nhẹ Samsung vẫn tạo cho Galaxy SII một kết cấu chắc chắn, vững chãi.
Có một điểm trừ rất lớn trong thiết kế của Galaxy SII là toàn bộ phần ốp lưng của máy làm bằng nhựa dẻo với kết cấu tháo lắp dựa trên các ngàm nhựa. Đã rất nhiều lần người viết đóng không chặt hết nắp lưng của máy vì ấn không hết mép xung quanh. Rõ ràng Samsung sẵn sàng hi sinh tất cả mọi thứ để "gọt" Galaxy SII mỏng đến hết mức có thể.
Galaxy SII vẫn rất chắc chắn bất chấp cảm giác cầm nắm không thoải mái cho lắm.
Dù vậy, cần nói thêm rằng việc cảm nhận về thiết kế của sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào sở thích của từng người. Cá nhân tôi thích một chiếc smartphone chắc chắn với trọng lượng và độ dày hợp lý, và nhất là có nhiều đường cong hơn, vì vậy tôi không có nhiều thiện cảm với Galaxy SII. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa Galaxy SII là 1 sản phẩm khiếm khuyết, chắc chắn độ mỏng, trọng lượng và vẻ ngoài bóng bẩy của Galaxy SII sẽ thu hút rất nhiều ánh mắt và là niềm tự hào cho những ai sở hữu nó.
Màn hình
Nếu như tôi có những ấn tượng không tốt về Galaxy SII về mặt thiết kế thì ngay lúc bật màn hình lên lần đầu tiên, mọi ác cảm từng có trước đó lập tức tan biến. Màn hình Super Amoled Plus 4.3 inch của máy với độ phân giải 480x800 chỉ có thể được mô tả bằng 2 chữ: "Quá đẹp!".
Không thu hút người xem bằng mật độ điểm ảnh như màn hình Retina của iPhone 4, Galaxy SII vẫn khiến người sử dụng phải trầm trồ về màu sắc của mình. Mặc dù cũng giống như các màn hình thuộc họ AMOLED khác, màn hình trên Galaxy SII cũng hiển thị màu không được đúng cho lắm, màu trắng có xu hướng đổ xanh còn màu đỏ lại hơi ngả cam.
Màn hình của Galaxy SII cho màu sắc rực rỡ, đặc biệt là các gam nóng.
Hãy chú ý thanh status bar màu đen ở mép trên màn hình gần như lẫn vào phần viền đen quanh máy vì màu đen hiển thị quá thật và sâu.
Tuy nhiên yếu tố quyết định nhất về chất lượng màn hình của smartphone là độ rực rỡ thì Galaxy SII đã thực hiện quá tuyệt vời, đặc biệt là ở các gam ấm như vàng, đỏ... Màu đen hiển thị sâu và thật đến mức khó lòng phân biệt được đâu là viền của máy và đâu là màn hình khi bật hình nền màu đen tuyền.
Khả năng chống lóa của màn hình Galaxy SII tương đối tốt.
Người viết cũng cảm thấy hài lòng với khả năng chống vân tay của màn hình Galaxy SII. Mặc dù bị ra mồ hôi tay khá nặng, trong suốt thời gian test máy người viết không hề gặp hiện tượng màn hình bị lem nhem dấu vân tay. Công bằng mà nói, màn hình của Galaxy SII là màn hình tốt nhất của các smartphone trên hệ Android mà tôi từng được sử dụng, hoàn toàn có thể sánh vai với màn hình iPhone 4. Những hiện tượng do người sử dụng phản ánh gần đây về độ sáng hoặc màn hình bị ám màu, người viết không hề gặp phải trong suốt quá trình test máy kéo dài khoảng 5 ngày.
Hệ điều hành và giao diện
Giao diện TouchWiz 4.0 mà Samsung đưa lên Galaxy SII có khá nhiều điểm cải tiến so với phiên bản trước, điển hình như thao tác zoom bằng cách đặt 2 ngón tay lên màn hình và nghiêng ra xa vào gần, nghiêng sang trái sang phải để chuyển trang khi đang xem ảnh hoặc việc các widget do Samsung thiết kế có thể điều chỉnh được kích thước để sắp xếp hợp lý hơn tùy ý người dùng.
Các Widget mặc định của Samsung trên Galaxy SII có thể thay đổi kích cỡ được, 1 tính năng hữu ích.
Dù vậy, những cải tiến ấy của TouchWiz 4.0 không đủ để bù đắp lại 1 thiếu sót rất lớn. Điều đập ngay vào mắt người sử dụng lúc mới bật máy lại là 1 ấn tượng xấu: Màn hình khóa. Thiết kế màn hình khóa của TouchWiz 4.0 phải nói là xấu thậm tệ, người sử dụng kéo cả trang màn hình khóa với các mép sắc lẹm lên phía trên để mở khóa. Không hiểu Samsung nghĩ gì khi đưa vào TouchWiz 4.0 1 thành phần thiếu chau chuốt đến vậy. Tin nhắn, email và cuộc gọi nhỡ cũng được hiển thị trên màn hình khóa tuy nhiên ở dạng rút gọn và sự thiếu vắng của đèn báo khiến người dùng bắt buộc phải bật máy lên để kiểm tra tin nhắn hay cuộc gọi nhỡ, 1 điều khá khó chịu.
Màn hình khóa của TouchWiz 4.0 xấu thậm tệ.
Giao diện sử dụng của Galaxy SII có thể sẽ khiến nhiều người dùng iPhone cảm thấy rất thân thuộc. Sự vay mượn ý tưởng là khá rõ ràng, từ 4 icon truy cập nhanh ứng dụng trên dockbar đến việc tổ chức các mục lịch sử cuộc gọi, quay số, danh bạ vào thành các tab trong cùng 1 màn hình. Tuy vậy, tôi cảm thấy đặc biệt hài lòng với 1 số tính năng khá thú vị của Galaxy SII như việc có thể gỡ ứng dụng ngay trên trang All Apps thay vì phải vào trong Application để lần mò ứng dung cần gỡ bỏ giữa mớ hổ lốn hàng chục ứng dụng hiện có trong máy.
Giao diện khá giống với iOS.
Việc Samsung rút gọn số phím chức năng xuống còn 3, bỏ đi phím search đã khiến việc tìm kiếm 1 trong ứng dụng gặp đôi chút khó khăn. Mặc dù người sử dụng có thể giữ phím Menu để thực hiện chức năng search nhưng không phải ứng dụng nào cũng hỗ trợ thao tác này.
Máy có 1 nút Home vật lý và 2 nút back, menu cảm ứng ở 2 bên thay vì 4 nút như truyền thống của smartphone Android.
Bên cạnh đó, khi kéo cửa sổ notification xuống thay vì hiển thị các ứng dụng vừa chạy như các smartphone Android khác, Samsung thay bằng các phím bật tắt nhanh kết nối không dây, để chuyển qua lại giữa các ứng dụng vừa chạy người sử dụng phải bấm và giữ phím Home. Cách làm này có thể sẽ khiến 1 vài người quen sử dụng các smartphone Android khác cảm thấy bỡ ngỡ.
Nếu như những thay đổi về giao diện của Samsung trên TouchWiz 4.0 không được người viết hoan nghênh cho lắm thì một số tính năng "bên lề" của TouchWiz 4.0 lại tỏ ra hết sức thuyết phục. Chẳng hạn như Galaxy SII có tính năng Sync dữ liệu thông qua kết nối không dây. Các thế hệ điện thoại của Samsung thường sử dụng 1 phần mềm của hãng này là Kies để sync dữ liệu như nhạc, ảnh, phim và sao lưu danh bạ, tin nhắn với máy tính (giống như iTunes của Apple). Và ở Galaxy SII bạn có thể sync Galaxy SII với máy tính thông qua kết nối Wifi mà không cần cắm cáp vật lý.
Kies Air, 1 tính năng thú vị của TouchWiz.
Chỉ sau 1 vài thao tác thiết lập đơn giản là bạn đã có thể truy xuất dữ liệu trên điện thoại thông qua trình duyệt của máy tính. Nhìn chung đây là 1 sự bổ sung rất đáng giá cho những ai thường xuyên di chuyển dữ liệu giữa laptop với điện thoại mà không muốn bị vướng víu vì phải mang thêm cáp dữ liệu.
Có thể gỡ bỏ ứng dụng ngay ở All Apps.
Một bổ sung đáng chú ý khác là khả năng chụp ảnh màn hình của Galaxy SII. Những ai từng sử dụng smartphone Android thì đều biết rằng tính năng tự chụp ảnh màn hình chỉ có thể thực hiện được thông qua 1 số ứng dụng phụ trợ như DroCap và đòi hỏi người dùng phải root máy. Tuy nhiên Galaxy SII có tích hợp sẵn tính năng chụp ảnh màn hình ngay từ khi mở hộp. Bạn có thể chụp ảnh màn hình của máy chỉ bằng cách bấm đồng thời phím nguồn và nút Home.
Hiệu năng
Khó có thể chê bai được Galaxy SII bất cứ điều gì ở mảng hiệu năng. SoC Exynos cây nhà lá vườn của Samsung đã có những thể hiện ấn tượng nhất trong số các smartphone mà tôi từng sử dụng trước đây. Phim HD 1080p cũng dễ dàng bị Galaxy SII khuất phục ở mức 30fps bất kể là ở định dạng gì, MKV, MP4, AVI... Tất cả các game nặng nề nhất về đồ họa trên nền Android như Dungeon Hunter cũng chạy mượt mà ngay cả khi người dùng đang mở rất nhiều ứng dụng chạy nền. Việc xem các file PDF nhiều ảnh trên Galaxy SII cũng mượt mà và nhẹ nhàng đến không ngờ.
Điểm Quadrant của Galaxy SII khá thuyết phục.
So sánh với 1 chiếc smartphone đồng cấp cũng sử dụng CPU có xung nhịp 1,2 GHz là HTC Sensation, điểm benchmark Quadrant của Galaxy SII cao hơn khá nhiều. Bản thân người viết đạt được khoảng trên 3200 trong khi đã có những người sử dụng ROM nguyên bản và không ép xung có thể đạt tới trên 3500 điểm Quadrant. Có thể khẳng định một điều: nếu bạn muốn sở hữu chiếc smartphone mạnh mẽ nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại thì đừng suy nghĩ gì nữa, Galaxy SII chính là sự lựa chọn số 1.
Duyệt Web
Trải nghiệm duyệt web trên Galaxy SII là một điểm khá đặc biệt của thiết bị này so với những máy chạy Android khác. Ngoài những ưu điểm mang tính truyền thống của trình duyệt trên Android như hỗ trợ Flash, thao tác đa điểm, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng Galaxy SII được hưởng lợi rất nhiều từ CPU tốc độ cao và bộ nhớ RAM 1GB: Bất kể bạn mở bao nhiêu tab trong trình duyệt và xem mấy nội dung flash trên trang cùng 1 lúc, Galaxy SII vẫn đáp ứng gân như là lập tức với thao tác của người sử dụng.
Điều đặc biệt nhất trên Galaxy SII là cách dựng trang của trình duyệt dường như đã được Samsung thay đổi và gần gũi hơn với cách thức hoạt động của trình duyệt trên iOS. Từ trước tới nay, thao tác cuộn trang trên trình duyệt là 1 trong những điểm mà các smartphone Android không thể theo kịp iOS về độ trơn tru. Tuy nhiên ở Galaxy SII cảm giác cuộn trang, rất mượt mà và trơn tru, có thể so sánh cả với iPhone 4. Galaxy SII cũng thừa hưởng luôn 1 yếu điểm từ cơ chế dựng trang của Safari trên iOS mà người nào từng sử dụng iPhone sẽ biết rất rõ: Khi cuộn trang quá nhanh và dài, phần trang chưa được trình duyệt dựng sẽ bị để trống và thay bằng những ô kẻ ca rô rồi sau đó mới dần dần hiển thị nội dung.
Điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy hơi khó chịu khi phải đọc các trang web có nhiều hình ảnh. Yếu điểm này không tồn tại trên các smartphone Android sử dụng trình duyệt nguyên bản. Thêm vào đó việc trang text trên trang web không được định dạng lại vào khung hiển thị của trình duyệt khiến việc đọc các đoạn văn bản dài trên trình duyệt mặc định của Galaxy SII có thể sẽ hơi vất vả.
Camera
Thêm 1 điểm cộng nữa cho Galaxy SII là chất lượng Camera của máy. Ảnh chụp từ Galaxy SII cũng được máy "gia giảm" màu sắc khá nhiều, cụ thể là các gam xanh lá, xanh da trời đều được làm đậm khá nhiều, giúp cho các bức ảnh chụp phong cảnh nhìn rực rỡ và "nịnh mắt" hơn rất nhiều.
Ảnh ngoại cảnh rất chi tiết.
Galaxy SII có lẽ là chiếc smartphone Android có chất lượng camera tốt nhất mà tôi từng được sử dụng. Ảnh ngoại cảnh trong điều kiện đủ sáng thường có 1 âm hưởng chung là rực rỡ và sắc sảo. Tuy nhiên một điều rất tiếc đó là dường như khả năng đo sáng của camera Galaxy SII không được tốt cho lắm. Ở các trường hợp tương phản sáng tối cao ảnh từ Galaxy SII thường lâm vào 2 tình trạng: Hoặc bị "cháy sáng" hoặc bị thiếu sáng.
Cách tăng màu của Galaxy SII khá thông minh: Bức ảnh rực rỡ nhưng không hề có cảm giác giả tạo. Tuy nhiên 1 vài vùng vẫn bị cháy sáng khi tương phản của khung cảnh quá lớn.
Màu sắc từ ảnh chụp của Galaxy SII thể hiện phong phú và đầy đủ.
Màu da trời, 1 trong những màu khó được Galaxy SII tái hiện rất chân thực, không giả tạo như 1 số camera phone khác.
Khả năng lấy nét của Galaxy SII trong điều kiện thiếu sáng không được tốt.
Lỗi hồng tâm xuất hiện khá thường xuyên, đặc biệt là khi chụp trong điều kiện thiếu sáng hoặc sử dụng ánh sáng nhân tạo (đèn huỳnh quang).
Khi chụp ngoài trời lỗi hồng tâm gần như không xuất hiện bao giờ.
Ảnh nội cảnh trong điều kiện thiếu sáng của Galaxy SII chỉ ở mức tạm chấp nhận được và khả năng lấy nét trong tối của Galaxy SII nhìn chung là khá tệ.
Máy hỗ trợ quay phim HD với độ phân giải tới 1080p, chất lượng Video HD quay từ Galaxy SII rất tốt và mượt mà, một phần lớn là nhờ vào sức mạnh của vi xử lý khiến Galaxy SII có khả năng ghi hình 1080p với khung hình đều đặn 30fps, ở frame rate này video cho cảm giác trơn tru không hề bị vấp hoặc giật. Dung lượng bộ nhớ trong 8GB và khe cắm thẻ nhớ MicroSD lên tới 32GB cũng giúp bạn đỡ phải "lăn tăn" về vấn đề dung lượng ảnh và clip do Galaxy SII "sản xuất".
Loa ngoài và giải trí
Như đã nói ở trên, chất lượng màn hình tốt, màu sắc rực rỡ và hiển thị sắc sảo cộng với CPU mạnh đã khiến Galaxy SII rất lý tưởng cho việc xem phim HD. Mặc dù chỉ có màn hình 480 x 800 không tận dụng được hết ưu thế của phim HD 720p nhưng việc xem phim HD trên Galaxy SII vẫn khiến người viết cảm thấy thích thú vì độ chi tiết và sắc sảo của hình ảnh.
Loa ngoài của Galaxy SII có âm lượng tương đối lớn và chất lượng âm thanh thuộc loại khá. Tuy nhiên nếu bạn là người thực sự đam mê âm nhạc và muốn sử dụng Galaxy SII thay thế MP3 player thì lựa chọn sáng suốt nhất vẫn là tìm mua 1 chiếc tai nghe có chất lượng tốt để thay thế cho loa ngoài và tai nghe đi kèm máy.
Nhìn chung khó có thể phàn nàn gì ở Galaxy SII về mặt hình ảnh và âm thanh.
Thời lượng pin
Với các smartphone có màn hình lớn hơn 4 inch, thời lượng pin ở mức gánh trọn được 1 ngày làm việc có thể coi là tốt. Nếu xét theo tiêu chí đó, Galaxy SII có thể được coi là 1 trong những smartphone có thời lượng pin khủng trong dòng Android màn hình lớn.
1 lần sạc đầy của Galaxy SII có thể gánh tới 1 ngày cộng thêm 1 buổi sáng sử dụng liên tục push mail, gọi điện, duyệt web, nghe nhạc và đọc truyện prc. Cũng giống như các màn hình thuộc họ AMOLED, màn hình của Galaxy SII hầu như không tiêu thụ điện khi hiển thị màu đen, vì vậy khi đọc truyện chúng ta hoàn toàn có thể chọn hiển thị nền đen chữ trắng để tiết kiệm pin.
Kết luận
Là 1 siêu phẩm gặp nhiều gian nan khi tiếp cận thị trường trong nước, Galaxy SII vẫn tự tin thể hiện rằng mình không phải chỉ có "hư danh". Nếu bạn cần 1 chiếc smartphone mạnh mẽ, mỏng nhẹ đáp ứng các nhu cầu giải trí cao cấp như phim HD, chơi game 3D và 1 camera tốt, khó có sự lựa chọn nào qua mặt được Galaxy SII. Mặc dù vẫn tồn tại nhiều hạt sạn ở mặt thiết kế và chất lượng gia công cũng như lỗi về phần mềm, Galaxy SII vẫn xứng đáng với vai trò là 1 trong những lá cờ đầu của đội quân Android trong thời điểm hiện tại.
Dù vậy, có một điều tôi có thể khẳng định với các bạn: Chưa một smartphone nào tôi từng sử dụng có thể xứng đáng được "đánh giá 10/10". Galaxy SII? Có lẽ là đâu đó giữa 8 với 9.