Giá cả luôn là một yếu tố ảnh hướng lớn tới tâm lý mua hàng của người dùng bởi đôi khi mức giá hơi cao sẽ có thể khiến bạn chùn tay trước khi móc túi ra sắm sửa một món đó và cũng đôi khi mức giá rẻ lại làm cho bạn mờ mắt để rồi mua lấy một sản phẩm có chất lượng không tốt để rồi phải ôm hận. Đó là câu chuyện chung vẫn ít khi nào sai và thế giới công nghệ cũng không nằm ngoài quy luật này. Chính vì thế mà cũng chẳng hề ngạc nhiên khi chủ đề về những smartphone giá rẻ tuy không mới nhưng lại chẳng hề cũ một chút nào và chúng luôn nhận được sự chú ý của người dùng từ mức giá, cấu hình cho đến hiệu năng. Đã có rất nhiều sản phẩm smartphone có mức giá rẻ như thế nhưng độ bền không cao cũng như tính năng không ổn định đã khiến cho phần nhiều trong số chúng đều chỉ mang đến những cái lắc đầu ngán ngẩm cho những ai đã lỡ mua.
Tuy nhiên đó không phải là tất cả, trong số các sản phẩm điện thoại được gán mác giá rẻ thì vẫn đâu đó nổi lên những gương mặt xuất sắc đủ sức chiếm được niềm tin và sự ủng hộ của người dùng như loạt sản phẩm smartphone đến từ HKPhone mang tên H8-3G, Revo hay các sản phẩm điện thoại giá rẻ của các hãng điện thoại danh tiếng khác như LG L3, Samsung Galaxy Y, Samsung Galaxy Duo. Dù vẫn còn có những hạn chế nhất định nhưng không thể phủ nhận chúng đã và đang đem đến nhiều nét mới mẻ cho thị trường điện thoại Việt cũng như góp một phần không nhỏ giúp người dùng có thêm nhiều tùy chọn hơn mỗi khi muốn sắm sửa một chiếc điện thoại mới mà túi tiền lại không được rủng rỉnh.
Mới đây, phân khúc giá rẻ này lại xuất hiện thêm một cái tên mới đến từ thương hiệu Việt Q-Mobile với sản phẩm smartphone S11 mang mức giá rẻ đến giật mình: 1,99 triệu đồng kèm thẻ nhớ 4GB. Liệu rằng S11 chỉ đơn giản là lên kệ và gây xáo trộn thị trường một chút hay thực sự có thể là một đối thủ xứng tầm với các đối thủ cùng phân khúc? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài đánh giá dưới đây.
1. Thiết kế
Ấn tượng đầu tiên khi mở hộp S11 khá là chu đáo thể hiện được sự trau chuốt của Q-Mobile đối với con cưng của mình dù chỉ là chiếc điện thoại Android giá rẻ. Phụ kiện của máy cũng khá là đầy đủ và không có gì nổi bật với sạc, dây nối, tai nghe, sách hướng dẫn và đĩa cài đặt. Sách hướng dẫn đi kèm mày được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt rất chi tiết giúp cho việc sử dụng chiếc điện thoại này với người lớn tuổi không có nhiều khó khăn.
Phụ kiện của máy bao gồm sạc, yai nghe, đĩa cài dặt, sách hướng dẫn, dây kết nối.
Thiết kế của chiếc smartphone gắn mác Việt này tuy không thể so sánh được với những sản phẩm đến từ những nhà sản xuất danh tiếng khác nhưng vẫn tạo được những nét riêng. Máy khá đơn giản và chân phương với màn hình cảm ứng 3,5 inch chiếm phần lớn diện tích ở phía trước cùng các góc được bo tròn đem lại cảm giác mềm mại hơi nữ tính tuy vậy S11 vẫn hoàn toàn phù hợp với những quý ông. Điểm xuyết trong thiết kế của smartphone thương hiệu Q-Mobile là bộ khung cạnh viền kim loại tạo được điểm nhấn làm tôn lên nét sang trọng cùng đuôi máy được vát xuống trông lạ mắt nhưng lại tạo cảm giác máy dài ra và màn hình như bị bé lại. Cân nặng cùng kích thước của S11 cũng chỉ tương đối ở mức 120 gram và 114x62x12,5 mm tạo đà cho việc cầm nằm được thoải mái không bị vướng víu hay kềnh càng. Trọng lượng không quá nặng hay quá nhẹ cùng số đo các vòng hợp lý khiến cho S11 có thể nằm gọn gàng, thoải mái trong lòng bàn tay của người dùng.
Hai mặt bên của S11 được uốn hơi cong cũng giúp người dùng có thể cầm máy mà không bị cấn tay. Mặt khác thiết kế màn hình hơi lõm xuống một chút của S11 cũng cho thấy sự đầu tư nghiêm túc trong thiết kế của Q-Mobile bởi màn hình của máy sẽ không thể bị xước nếu như người dùng lỡ tay úp máy xuống mặt bàn. Một điểm cộng nữa dành cho smartphone của Q-Mobile đó là nắp sau của máy rất chắc chắn, không đem đến cảm giác ọp ẹp bông bênh thường thấy của một số smartphone có thiết kế mở nắp sau.
Không có nhiều ngạc nhiên khi mặt lưng của S11 được tạo nên từ chất liệu nhựa bởi nếu mạnh dạn sử dụng chất liệu da hay kim loại cho S11 thì mức giá của máy chắc chắn sẽ bị đội lên ít nhiều. Mặt lưng nhựa bóng của S11 trông khá hòa hợp với thiết kế chung của thân máy. Tuy dễ dính mồ hôi và dấu vân tay nhưng bù lại nắp sau của S11 lại có độ bám tay khá cao, khó bị bám bẩn và dễ lau chùi. Dù chỉ là cảm giác nhưng thực tế trong suốt vài ngày sử dụng máy, tôi nhận thấy lớp vỏ trắng của máy vẫn giữ nguyên được màu sắc khi mới mở hộp.
Phía trên mặt lưng của S11 là camera độ phân giải 3,2 megapixel, cảm giác hụt hẫng là không thể tránh khỏi khi chúng ta không thấy sự xuất hiện của đèn led trợ sáng tuy nhiên sẽ là quá đáng nếu như đòi hỏi quá nhiều ở một smartphone giá rẻ như S11. Phía dưới mặt sau là loa ngoài của máy, vị trí đặt loa ngoài là một hạt sạn về thiết kế vì khi đặt máy trên bàn loa ngoài của S11 sẽ bị che đi và khiến chất lượng âm thanh nghe không được thoát dù rằng âm lượng loa ngoài của S11 là rất ấn tượng.
Mặt sau của máy là camera 3,2 megapixel không có đèn LED trợ sáng.
Phía dưới là loa ngoài.
Q-Mobile S11 có thiết kế mở nắp sau. Khi mở lưng máy, đập vào mắt là viên pin có dung lượng 1300 mAh. Tháo pin ra nội thất bên trong máy lộ rõ với hai khe sim cùng khe cắm thẻ nhớ. Khuyết điểm về thiết kế lại tiếp tục được lộ ra khi mà người dùng sẽ không thể thay nóng thẻ nhớ mà bắt buộc phải trải qua các công đoạn lằng nhằng như tắt máy, tháo pin. Đánh vào tâm lý thích dùng nhiều sim của người dùng Việt, Q-Mobile đã thiết kế tới hai khe cắm thẻ sim cho phép chiếc điện thoại con cưng của mình có thể 2 sim 2 sóng online cùng một lúc, âu cũng là một đầu tư đáng tiền và thể hiện sự quan tâm dành cho thị trường di động Việt Nam.
Pin của máy.
Hai khe sim và cổng cắm thẻ nhớ.
Phía trên màn hình của máy không có nhiều nổi bật với loa ngoài, cảm biến ánh sáng và đèn led notification báo hiệu người dùng những lúc có tin nhắn hay cuộc gọi nhỡ. Sự thiếu vắng camera trước cũng là điều dễ hiểu bởi nhu cầu sử dụng video chat đối với phân khúc giá rẻ là không cao. Bên dưới màn hình là 4 nút cơ bản của Android theo dạng cảm ứng bao gồm Home, Menu, Back, Search. Kích thước vừa phải cùng việc được bôi sáng và khoảng cách bố trí hợp lý khiến việc sử dụng chúng không gặp quá nhiều khó khăn. Phía dưới góc phải màn hình cảm ứng của S11 là microphone.
Phía trên màn hình là loa thoại, đèn Notification và cảm biến ánh sáng.
Phía dưới màn hình là 4 nút cơ bản của Android.
Cũng giống như nhiều smartphone khác trên thị trường hiện nay, smartphone của Q-Mobile được bố trí các nút bấm ở các cạnh bên và đỉnh máy. Trong khi cạnh trái và cạnh dưới của S11 trống trơn thì chúng ta sẽ có hai phím tăng giảm âm lượng nằm ở cạnh phải của máy. Điểm yếu về thiết kế của chiếc điện thoại này tiếp tục được phơi bày khi mà hai phím bấm này có hành trình phím khá nông đi kèm với cảm giác bấm hẫng do đó không tạo được chắc chắn khi sử dụng. Cạnh trên của máy là cổng cắm tai nghe, cổng microUSB và nút nguồn kiêm khóa máy. Nút nguồn của máy cũng chẳng khá hơn hai phím tăng giảm âm lượng là mấy, độ nông thấp khiến cho việc khóa hay mở máy lỏng lẻo và đôi khi gây cảm giác khó chịu.
Cạnh dưới của máy trống trơn.
Cạnh phải là hai phim chỉnh âm lượng.
Cạnh trên là nút nguồn, cổng kết nối và cổng cắm tai nghe.
Cạnh trái của máy khá chân phương.
Nhìn chung, chất lượng gia công về thiết kế của S11 đạt mức khá khi mà điện thoại của Q-Mobile vẫn có được những đầu tư xứng đáng và các khuyết điểm cũng không quá nghiêm trọng. Mặt khác thì chúng ta cũng nên tỏ ra thông cảm với một chiếc smartphone giá rẻ như S11.
2. Màn hình
Chắc chắn rằng màn hình của Q-Mobile S11 không thể tốt như những siêu phẩm khác nhưng nó vẫn khiến tôi cảm thấy hài lòng nhờ độ sáng tốt và độ sắc nét khá tuy độ sâu màu chưa được tốt và vẫn còn khá nhợt nhạt. Màn hình của máy sử dụng công nghệ cảm ứng điện dung có kích thước 3,5 inch cho độ phân giải 320 x 480 cho chất lượng hiển thị tạm chấp nhận được. Màn hình có kích thước lớn của chiếc smartphone giá rẻ này là một trong những điểm khiến tôi cảm thấy thích thú bởi nó sẽ giúp cho việc sử dụng điện thoại được thoải mái hơn nhưng khi lướt web hay soạn tin nhắn. Một ưu điểm nữa của chiếc màn hình này đó là nó có góc nhìn tương đối rộng, màu sắc thể hiện trên chiếc màn hình này không bị ảnh hưởng nhiều khi người dùng nhìn máy ở các góc nhìn khác nhau.
Dĩ nhiên màn hình của S11 vẫn có những hạn chế riêng của nó đơn cử như chất lượng mặt kính tồi. Màn hình của S11 có độ lóa khá cao khiến cho người dùng đôi khi nhìn thấy hình ảnh của chính mình đặc biệt là khi sử dụng máy ở ngoài trời. Bên cạnh đó thì màn hình cảm ứng này cũng rất dễ bám vân tay gây ảnh hướng tới quá trình sử dụng.
3. Camera
S11 được trang bị camera độ phân giải 3.2 megapixel và đó không phải là điểm mạnh của S11. Dường như tính năng camera của máy chỉ để cho có do chất lượng chụp hình khá tồi ở cả ngoại cảnh lẫn nội cảnh. Ảnh chụp từ smartphone của Q-Mobile trông khá nhợt nhạt và thiếu chi tiết. Cảnh chụp nền trời trông u ám, không được tự nhiên, cảnh chụp xa trông mờ hơn khá nhiều so với khi chụp cận cảnh. Ở chế độ chụp nội cảnh đủ ánh sáng thì chất lượng ảnh dù không có nhiều hạt nhưng cũng bị mờ trong khi ở điều kiện thiếu ánh sáng thì không thể tệ hơn do không có đèn flash. Điểm sáng duy nhất của camera trên S11 đó là tốc độ bắt hình nhanh giảm thiểu được ít nhiều tình trạng hình chụp bị nhòe khi người chụp bị rung tay.
Ảnh nội cảnh vẫn bị mờ khá nhiều.
Giao diện camera của S11 cũng không được đầy đủ khi chỉ có tính năng cân bằng trắng đi kèm với các chế độ chụp toàn cảnh, chụp liên tiếp (4, 6, 8 ảnh liên tiếp) mà thiếu hẳn đi chức năng tự động lấy nét.
Giao diện camera của máy.
Khả năng quay video của S11 có khá hơn đôi chút so với chụp hình nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp. Hình bị vỡ khi camera di động hoặc có vật thể chuyển động nhanh. Khung hình cũng không được cao chỉ đạt xấp xỉ mức 26 đến 28 fps khiến cho việc quay những vật thể chuyển động nhanh gặp nhiều khó khăn.
Video quay được từ camera của S11.
4. Hiệu năng
Smartphone giá rẻ của Q-Mobile sử dụng phiên bản hệ điều hành Android 2.3.6 với giao diện tiếng Việt, một điểm đáng hoan nghênh của máy. Q-Mobile cũng đã cài sẵn trên S11 một số phần mềm hữu ích và thường được người dùng sử dụng nhiều như Yahoo Messenger, trình quản lý tập tin hay ứng dụng Facebook. Việc không động chạm nhiều đến giao diện của máy là một nước cờ thông minh của Q-Mobile cộng với cấu hình của S11 cũng không phải là quá "yếu ớt" với vi xử lý tốc độ 800 MHz cùng 256 MB RAM khiến cho giao diện của máy hoạt động trơn tru, mượt mà, đáp ứng tương đối tốt với các thao tác của người sử dụng. Một ưu điểm dễ nhận thấy nhất của S11 đó là khả năng xoay màn hình rất nhanh, nhẹ nhàng của máy.
Việc chạy các ứng dụng cũng khá ổn định tuy thời gian load ứng dụng hơi lâu và thỉnh thoảng vẫn còn bị hiện tượng giật hình. Thử nghiệm với 3 game đơn giản là Angry Bird Space, Fruit Ninja, Cut The Rope, S11 cho khung hình đảm bảo, ít bị lag và hiệu năng chấp nhận được đối với một smartphone giá rẻ.
S11 có thể chơi được Angry Birds Space một cách ổn định.
"Hưởng sái" màn hình cảm ứng kích thước lớn nên bàn phím QWERTY của S11 cũng có kích thước khá lớn tạo nhiều thuận tiện cho việc nhắn tin. Sẽ tốt hơn nếu như Q-Mobile bỏ chút công sức ra phát triển một bàn phím tiếng Việt cho S11 bởi có thêm bàn phím tiếng Việt cài mặc định, S11 sẽ trở nên thân thiện và "thuần Việt" hơn. Dù vậy đây cũng không phải vấn đề quá lớn, khi mà trên mạng đang có một vài bàn phím tiếng Việt cho Android được cung cấp miễn phí với chất lượng tốt.
Bàn phím QWERTY dọc.
Bàn phím QWERTY ngang.
5. Lướt web và kết nối
Tác vụ lướt web trên S11 cũng khá thoải mái nhờ kích thước màn hình của máy tương đối lớn. Do màn hình có độ phân giải không cao nên khi zoom thu nhỏ trang web ở mức tối đa, văn bản trở nên thiếu sắc nét và khó đọc nhưng khi phóng to lên thì chất lượng văn bản hiển thị được cải thiện nhiều và dịu mắt dễ đọc hơn. Khả năng xoay màn hình nhanh cũng là một yếu tố gây thiện cảm đối với người dùng khi lướt web với S11. Thao tác trượt, cuộn trang web cũng khá nhẹ đối với các trang web có ít hình ảnh hay có giao diện mobile. Tuy vậy khi duyệt web ở chế độ full load, điện thoại của Q-Mobile lại tỏ ra "hụt hơi" khi mà độ mượt mà không còn được đảm bảo như trước.
Điểm hạn chế có thể coi là lớn nhất đối với S11 đó là máy chỉ được trang bị Wi-Fi mà không hỗ trợ kết nối 3G khiến cho việc kết nối mạng của người dùng gặp khá nhiều bất tiện khi bị bó buộc vào kết nối Wi-Fi không phải lúc nào cũng có và lúc có thì có thể lại vướng mật khẩu. Tất nhiên việc có thêm 3G sẽ khiến mức giá của S11 sẽ bị đội lên khá nhiều và có thể khiến nhiều người chùn tay. Cá nhân tôi sẵn sàng bỏ thêm từ 400 đến 600 nghìn để đổi lấy việc S11 có 3G nhằm thoải mái lướt web hơn. Bù lại cho việc thiếu vắng 3G thì tốc độ tìm mạng và kết nối Wi-Fi của S11 lại khá nhanh cũng như có độ ổn định cao.