Đón Tết sớm, chơi sau Tết dài là dư vị không muốn có của dân buôn "ảo" giữa thời suy thoái năm nay.
Buôn "ảo", chơi thật
Gần tháng nay, chủ đề bán áo sơmi trực tuyến của anh Ân đóng cửa im ỉm, bất kể đây là khoảng thời gian cao trào về mua bán trước mùa "ế ẩm" của Quý II. Anh cho biết: "Năm nay Tết sớm nên nguồn hàng nhập về được trước Tết rất ít. Chủ yếu hàng sơmi xuất khẩu lấy từ các khu công nghiệp hàng may mặc ở Hải Phòng nên công nhân nghỉ, không có hàng, giờ đành... ngồi chơi thôi".
Nguồn hàng khan hiếm sau Tết khiến nhiều cửa hàng online bất đắc dĩ chơi dài.
Cùng chung thực trạng ấy, một loạt các chủ hàng ở các trang mua bán lẻ như 5giay, Muare đều than thở: "Năm nay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng may mặc, giày dép đều phải cắt giảm sản lượng, chi li từng sản phẩm nên các mặt hàng còn dư ra ngoài rất ít. Hơn nữa sau Tết công nhân lương thấp nên ít người quay lại doanh nghiệp tại khu công nghiệp làm, vì thế càng chẳng có hàng nhập lại để bán".
Một thực tế là hầu hết các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu hiện nay nếu không phải hàng "nhái", gia công bởi các cơ sở trong nước thì đa phần đều có xuất xứ từ các khu công nghiệp đặt tại các tỉnh. Các nhãn hàng như Levi's, Jacques Britt, Zara... vốn là các thương hiệu được công ty mẹ đặt hàng một số mẫu sản phẩm tại Việt Nam thì nay cũng rất hiếm hàng "loại" - hàng bị lỗi nhỏ, khó phát hiện nhưng vẫn bị trả lại khi nhập khẩu vào thị trường khó tính.
Trong khi đó, phần lớn các "tiểu thương ảo" buôn đồ "Made in Vietnam" đều có lượng hàng xuất xứ từ các nguồn này nên vô hình chung bị khan hàng và dẫn tới cảnh ăn chơi.... dài dài.
Nếu dân buôn đồ may mặc có nghịch như vậy thì giới buôn công nghệ cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Anh Đỗ Trung, phụ trách kinh doanh thiết bị đồ số tại Vatgia cho biết: "Phải hết tháng Giêng Âm lịch mới đi lấy hàng được vì các đầu mối Trung Quốc nghỉ Tết rất dài, thậm chí là đến giữa tháng 2 Âm lịch. Việt Nam thì lại ăn Tết sớm và đi làm sớm nên lượng hàng dù chủ động nhập trước Tết cũng vẫn không đủ bán sau Tết".
Cũng theo anh Trung, các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi đợt nghỉ dài chồng chéo này là các thiết bị như đầu phát HD, thẻ nhớ và các phụ kiện, linh kiện điện thoại vốn là những mặt hàng bán chạy duy nhất vào thời điểm này.
Cũng trong cảnh ăn chơi lai rai nhưng ở một thực tế bi đát hơn là giới buôn điện thoại di động và thiết bị điện tử gia đình. Anh Tuấn "hi-fi", dân đánh đồ hi-end có tiếng tại Hà Nội cho biết: "Do suy thoái nên lượng cầu không nhiều mà đồ hi-end cũng rất kén khách. Mọi năm sau Tết là mình khăn gói sang HongKong, Thẩm Quyến ngay để xem và đặt hàng nhưng xem ra năm nay chắc phải cho qua Rằm tháng 2 mới đi nhập cho bõ công, đủ khách".
Nếu như cùng kỳ các năm trước, việc tiêu thụ điện thoại di động nhanh và mạnh đã thành thói quen, cũng như các cửa hàng buôn di động chính hãng lẫn xách tay đều ăn nên làm ra nhờ "thời gian vàng" này thì năm nay đâu cũng than ế.
Anh Quốc Anh, chủ cửa hàng điện thoại di động online trên một trang mua sắm cho biết: "Ngoài iPhone 4S còn túc tắc bán được do giá giảm thì các mẫu siêu di động khác đều chỉ nhập về bán cho vui, bày cho đẹp. Lượng khách đến mua đã ít, khách xem cũng chẳng nhiều nên cửa hàng chưa có kế hoạch nhập mới sau Tết. Có lẽ phải chờ đợt xả hàng các mẫu smartphone của năm ngoái như Galaxy S II, HTC EVO 3D tại các quốc gia trong khu vực rồi nhập về bán với giá hợp lý hơn thì may ra lấy lại được khách".
Giải nghệ hoặc thu gọn
Chi phí marketing online tăng chóng mặt cũng là lý do khiến các chủ shop kinh doanh trực tuyến chùn tay.
Theo anh Lê Đức, kinh doanh online gần 5 năm nay tại nhiều trang thương mại điện tử cho biết: "Sau vài năm suy thoái, không chỉ giới dân buôn thuê mặt tiền, có cửa hàng mới gặp khó khăn mà ngay cả dân buôn online cũng khá chật vật trong việc buôn bán. Cái vòng luẩn quẩn là người buôn bán ngoài phố khi gặp khó khăn thì thu gọn bằng cách dẹp cửa hàng sang bán online".
Mặt khác, nhiều trang thương mại điện tử cũng nâng giá thuê gian hàng trực tuyến bằng cách này hay cách khác nhằm tận thu và bù lỗ cho việc hỗ trợ hạ tầng. Chị Quỳnh Chi, chủ gian hàng bán đồ online cho biết: "Từ cuối năm ngoái quản trị mạng đã áp dụng hình thức quảng bá gian hàng mới. Theo đó không còn được 'up' (một kiểu đôn chủ đề lên cho dễ nhìn) tuỳ tiện như trước nữa mà sẽ chỉ được miễn phí một lượt nhất định trong ngày, nếu vượt quá thì sẽ phải trả phí".
Tại nhiều trang thương mại điện tử khác, ban quản trị cũng lần lượt áp dụng các cách tính phí thuê chủ đề dính, chủ đề ở vị trí dễ nhìn theo phương án giá mới, khiến không ít chủ shop online cũng phải thở dài vì giá cả leo thang. Anh Thanh Minh, chủ shop di động online cho biết: "Giá khởi điểm thuê topic dính thì vẫn vậy, loanh quanh ở ngưỡng 5,6 triệu đồng nhưng để tới được giá chốt thì xem ra khá xa bởi có lúc lên tới hơn 15 triệu đồng cho 3 tháng thuê. Tính ra vào khoảng 5 triệu/tháng rồi, mà giá này thêm chút nữa là đủ tiền thuê cửa hàng thật ở phố nhỏ nhưng có khách và vỉa hè rộng để để xe".
Theo cách tính như vậy, phần lớn các chủ hàng online đều cho rằng sẽ từ bỏ ý định thuê topic dính và thu gọn quy mô truyền thông online, tập trung vào các kênh miễn phí như mạng xã hội hay các diễn đàn có giá "mềm" hơn, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc mất đi một lượng khách tương đối.
Hai vợ chồng chị Thương, anh Cầm, chủ shop thời trang online thì cho biết: "Hai vợ chồng vốn dân ngân hàng, làm thêm nếm vì năm vừa rồi mảng tài chính tín dụng khá heo hắt. Giờ làm online bán quần áo cũng chả khá hơn là bao nên sau Tết cũng xả hết hàng rồi quay lại nghiệp chính củng cố công việc, có khi thu nhập còn tốt hơn".
Khi được hỏi liệu "dư âm ăn chơi" Tết còn kéo dài đến bao giờ, một dân buôn online chẹp miệng: "Có lẽ phải đến tháng 8, tháng 9, khi thị trường có những dấu hiệu khả quan hơn còn bây giờ hoặc chuyển sang kinh doanh ngành hàng khác, hoặc đem vốn...gửi ngân hàng lấy lãi sống qua ngày chứ buôn thúng bán mẹt nhỏ lẻ kiểu này chắc cụt vào vốn sớm".
Theo: Vietnamnet