Công nghệ pin: Đến bao giờ?

Minh Anh  | 19/07/2012 0:00 AM

Nếu như mỗi ngày giới công nghệ đều đón nhận những sản phẩm mới như các thiết bị nhiều ứng dụng độc đáo, các phiên bản phần mềm tuyệt vời thì có một thứ dường như đang bị lờ đi mặc dù nó là thứ quyết định sự sống còn của thế giới thiết bị di động: Dung lượng pin.

Có lẽ nhiều người khi được mời đến để nghe giới thiệu về một sản phẩm, thiết bị mới ngoài việc chờ đợi những cải tiến trong thiết bị cũng như phần mềm thì cái mà họ muốn lắng nghe nhiều hơn cả là liệu pin của thiết bị đó có được cải thiện không, thời gian sử dụng sau mỗi lần sạc sẽ tăng tiến đến bao lâu? Tuy nhiên, gần đây điều này đã bị lu mờ bởi các nhà sản xuất vẫn tỏ ra bất lực trong việc cải thiện công nghệ pin và đã cố tình đánh lạc hướng sự chú ý của người dùng bằng một cuộc đua ảo về cấu hình phần cứng, phần mềm, hệ điều hành…
 
Hiện đại và thời trang?
 
Thời đại một chiếc máy điện thoại di động có dung lượng pin “trâu bò” hay chiếc máy tính bàn cắm điện 24/24h đang dần qua đi. Thay thế vào đó là thời đại của những chiếc smartphone siêu thông minh, những chiếc laptop mỏng mảnh hay những chiếc máy tính bảng sành điệu có thể di chuyển khắp nơi.
 
Vậy nhưng với một người có yêu cầu cao đối với những thiết bị thông minh đang phục vụ cho cuộc sống của mình, sử dụng nó gần như mọi lúc mọi nơi thì hạn chế lớn nhất của các thiết bị di động này chính là pin. Công nghệ pin hiện nay chỉ dừng lại đáp ứng đủ cho một người sử dụng công nghệ ở mức trung bình, thậm chí là ít sử dụng hoặc chỉ sử dụng ở mức độ tối thiểu các chức năng cơ bản của thiết bị mà thôi.
 
Hãy trông đến chiếc Samsung Galaxy S III, chiếc điện thoại thời trang và thuộc hàng thông minh nhất hiện nay. Samsung Galaxy S III cũng khá mỏng, có dung lượng pin đạt 2100 mAh, một dung lượng pin chấp nhận được hiện nay. Tuy nhiên thời lượng sử dụng pin không cao, nếu sử dụng liên tục cho các chức năng khá bình thường như thoại, sms, lướt web, chụp hình thì chiếc điện thoại này cũng chỉ duy trì được pin chưa đến 1 ngày. 
 
Cục pin được trang bị cho Samsung Galaxy S III.
 
Hay như chiếc iPhone 4S, nếu sử dụng hệ điều hành iOS 5, thời lượng pin của nó chỉ có thể dừng lại ở gần 7 giờ hoạt động liên tục. Còn nếu chạy hệ điều hành iOS 4, thời lượng này tăng lên ở con số 7 tiếng rưỡi hoạt động.
 
Tăng thời lượng pin có thể kéo theo một số vướng mắc là ngoại hình thô kệch, kém thời trang, hoặc khiến chúng ta liên tưởng đến những chiếc điện thoại có chức năng cơ bản (dumb phone) chỉ để nghe, gọi thông thường với thời lượng pin hoạt động liên tục có thể kéo dài trên 24 giờ và thời gian chờ lên đến cả tháng, thậm chí là hơn cả vậy.
 
Để có thể duy trì lượng pin sử dụng được lâu hơn, người sử dụng các thiết bị thông minh thường sẽ không được tối đa tính đa nhiệm của nó, mà chỉ có thể dùng các tính năng một cách độc lập trong khi các tính năng khác buộc phải tắt đi. Nếu pin điện thoại của bạn chỉ còn 25%, bạn sẽ phải cố gắng tắt 3G, wifi, giảm bớt độ sáng màn hình, không chơi game, tắt các ứng dụng không cần thiết để duy trì nó lâu nhất có thể cho đến khi bạn kiếm được một điểm cắm sạc. Điều này quả thực không hoàn toàn dễ chịu bởi dù thời trang và hiện đại đến đâu, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng mới là tính năng quan trọng nhất của một thiết bị công nghệ.
 
… hay mạnh mẽ và pin “khủng”?
 
Một chiếc điện thoại thông minh không thể gọi là thông minh khi khả năng sử dụng của nó chỉ dừng lại ở tối đa 5h liên tục kết nối 3G hay wifi. Chỉ sau 5h đó, chủ nhân của nó sẽ phải tìm một nơi để cắm chiếc sạc nếu muốn sử dụng tiếp. Với một chuyến công tác đường dài hoặc một người quá bận rộn cho việc chờ dung lượng pin đầy lên sau khi sạc quả là khó chịu và hạn chế rất nhiều các tiện ích mà thiết bị có thể mang lại.
 
Dung lượng pin “khủng” nhất hiện nay có mặt trên thị trường công nghệ thuộc về chiếc Motorola Droid Razr Maxx. Nếu không kể đến phần mềm thì pin chính là cải thiện khá đáng kể của dòng Droid Razr mà Motorola đã làm được. Pin của chiếc “siêu điện thoại” này lên đến 3.300 mAh, cho phép hoạt động liên tục tới 61 giờ trong bài kiểm ra của GSM Arena. Đây có thể chỉ là số liệu trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên con số 61 giờ quả thực rất ấn tượng và đáng “đồng tiền bát gạo” khi bỏ ra hơn 10 triệu đồng để “rước nàng về dinh”.
 
Mọi chi tiết trên một sản phẩm nên tương xứng với nhau về công nghệ. Nếu bạn đang sở hữu một chiếc điện thoại trang bị hệ điều hành Android 4.1 Jelly Bean thì pin của nó cũng nên là loại pin tốt nhất, có tuổi thọ cao nhất và “nuôi” được mạng 4G LTE lâu nhất. Các hãng sản xuất cần tạo ra những thiết bị ngày càng hao ít pin hơn, và dĩ nhiên, tuổi thọ pin phải lâu hơn.
 
 Thời lượng sử dụng pin của Motorola Droid Rarz Maxx.
  
So sánh độ dày của 2 phiên bản Droid Razr và Droid Razr Maxx.
 

Có thể nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu rằng có cần một cục pin khủng không, khi những yếu tố cần hơn hiện nay là tính thời trang và những tính năng phần mềm vượt trội? Có thể nhìn thấy chiếc Motorola Droid Razr Maxx có độ dày 9mm, dày hơn hẳn chiếc điện thoại đàn anh của nó đến 2.1mm và lớn hơn cả về kích thước dài, rộng. Nó sẽ làm giảm đi sức quyến rũ của một chiếc Smartphone mỏng mảnh nhưng mạnh mẽ ở bên trong. 


Có lẽ, cần cả “đẹp và khỏe”


Hiện nay, công nghệ pin còn khá hạn chế, phổ biến trên các thiết bị di động cao cấp vẫn là Pin li-on có dung lượng khá vượt trội so với các công nghệ pin khác nhưng tuổi thọ pin thì không cao hơn là bao. Các nhà nghiên cứu đang có rất nhiều bước cải tiến trong công nghệ pin mới như công nghệ pin Lithium-air hay Na – ion… Tuy nhiên, những công nghệ mới này vẫn đang còn dừng lại ở nghiên cứu và thử nghiệm, chưa thể tiến hóa tới mức có thể đem ra thị trường. Để tăng dung lượng và hạn chế hao tốn pin, các nhà sản xuất chủ yếu vẫn hoặc là tăng độ dày của pin hoặc là tạo ra các phần mềm, hệ điều hành tiêu tốn năng lượng ít hơn. Các công nghệ pin tiên tiến hiện nay đem lại một mức giá khá đắt, vì thế cải thiện pin mới không phải là lựa chọn hàng đầu cho các hãng sản xuất.
 
Pin sạc rời - một cách để tăng dung lượng pin khi di động.
 
Một điều khá thú vị là những dòng điện thoại thời trang với cuộc đua công nghệ phần mềm nhanh như vũ bão đã khiến cho mức giá của thiết bị cũng tỷ lệ nghịch theo thời gian. Rất ít nhà sản xuất có thể giữ nguyên mức giá ban đầu sau khi tung ra sản phẩm của mình một thời gian nhất định. Tuy nhiên, chiếc Droid Rarz Maxx của Motorola có lẽ là một ngoại lệ thú vị khi nhà mạng Verizon cho đến nay vẫn giữ mức bán ra có hợp đồng với giá 300 USD. Người ta có thể đã tin vào sức mạnh của pin đã tạo ra ngoại lệ này. Có lẽ hiện nay, các hãng sản xuất thiết bị di động nên học tập Motorola trong việc quan tâm hơn đến Pin, bởi chỉ có thế khách hàng mới sẵn sàng trả thêm tiền để sử dụng sản phẩm của họ.