Con người dùng điện thoại vào việc gì?

Minh Lết  | 05/05/2011 0:00 AM

Câu hỏi có vẻ đơn giản nhưng câu trả lời lại phức tạp ngoài sức tưởng tượng.

Cách đây khoảng 10 năm câu hỏi đó có thể đem lại câu trả lời khá đơn giản: Nghe, gọi, nhắn tin và chấm hết. Nhưng hiện tại, với sự phát triển của smartphone, điện thoại di động càng ngày càng trở nên thông minh và đa dụng hơn. Để trả lời được câu hỏi ở tiêu đề bài viết này, cần những nghiên cứu sâu hơn.

Và các chuyên gia của GSMArena đã quyết định làm 1 cuộc khảo sát để xác định xem thực sự thì chúng ta đang làm gì với chiếc điện thoại di động vẫn mang theo mình.

Hơn 15 nghìn người tham gia trả lời câu hỏi, và kết quả đưa ra thú vị đến bất ngờ, rất nhiều tính năng mà chúng ta nghĩ rằng sẽ ít được sử dụng thì lại phổ biến đến không ngờ. Hãy thử tự đối chiếu với bản thân mình để xem kết quả khảo sát này đúng đến đâu nhé.


Vài thực tế thú vị về điện thoại di động:


- Tính năng được nhiều người sử dụng nhất: Thoại tiếng. Cứ 10 người được khảo sát thì có 9 người gọi ít nhất 1 cuộc điện thoại trong ngày.

- Thoại hình (Video Call) là tính năng được sử dụng ít nhất: Cứ 100 người được hỏi thì chỉ có 27 người từng gọi thoại tiếng, trong đó chỉ có 2 người sử dụng tính năng này hàng ngày. Nhưng đồng thời thoại hình cũng là tính năng được mong chờ nhất với 23 người nói rằng họ mong điện thoại của mình có chức năng Video Call.

- 8/10 người được hỏi cho biết họ duyệt web hàng ngày trên điện thoại di động.

- 9/10 người được hỏi cho biết điện thoại của họ hỗ trợ WiFi.


- Người châu Á là nhóm người khoái chơi Game trên điện thoại nhất.

- Người châu Úc nhắn tin nhiều hơn gọi điện. Và 4/5 người sống ở châu Úc sử dụng điện thoại làm công cụ truy cập trang mạng xã hội của mình.

- Người châu Phi rất thích chat chit trên điện thoại của mình và họ cũng là nhóm người gọi thoại tiếng nhiều nhất thế giới.

- Dân châu Âu thì có vẻ không cần bản đồ số trên điện thoại và cũng ít sử dụng tính năng dẫn đường GPS.

- Người Bắc Mỹ rất thích nhắn tin MMS. Cứ 7 người được hỏi thì có 1 người gửi ít nhất 1 tin MMS mỗi ngày.

- Dân Nam Mỹ thì có vẻ hay ngủ nướng nên tính năng báo thức của điện thoại được sử dụng nhiều hơn cả tính năng thoại.



- Cứ 8 trẻ vị thành niên (dưới 18) tham gia khảo sát thì có 1 người ít khi dùng điện thoại để...gọi điện. Và tính năng thường được sử dụng nhất là nghe nhạc.

- Trong tầm tuổi 18 - 24 thì có vẻ như chat chit bằng điện thoại là một trong những thú vui khó bỏ khi mà 1 nửa số người được hỏi ở độ tuổi này thừa nhận rằng họ dùng chiếc điện thoại của mình để chat mỗi ngày.

- Những người lớn tuổi và thành đạt hơn trong tầm tuổi 33-41 liên lạc qua email thoại tiếng là chủ yếu với 9/10 người được hỏi gọi ít nhất 1 cú điện thoại mỗi ngày.

- Khi bạn đã ở tuổi ngoại tứ tuần (41-50) và trí nhớ của bạn không còn phục vụ bạn trung thành như khi mới đôi mươi thì tính năng lên lịch làm việc trên điện thoại có vẻ như tỏ ra rất đắc địa. 6/10 người ở độ tuổi này phải nhờ đến sự trợ giúp của tính năng lên lịch làm việc để khỏi "quên trước quên sau".

- Nữ giới có xu hướng thích nhắn tin SMS hơn hẳn nam giới: 4/5 người được hỏi nhắn ít nhất 1 tin SMS mỗi ngày.

- Trong khi đó đối với nam giới thì tính năng chụp ảnh, định vị vệ tinh và xem nội dung đa phương tiện mới là ứng dụng chính của chiếc smartphone mà họ kè kè bên người.


Đầu bảng trong những tính năng được sử dụng hàng ngày là gọi điện cùng sử dụng điện thoại làm đồng hồ báo thức. Đáng ngạc nhiên là chúng ta nhắn tin SMS còn ít hơn việc đặt hẹn giờ trên điện thoại trước khi đi ngủ.


"Đội sổ" trong số những tính năng được sử dụng thường ngày đó là thoại hình. Cứ 100 người được hỏi thì mới có hơn 2 người sử dụng tính năng này. Một điều nữa khá kì lạ đó là chỉ có 1/10 người tham gia khảo sát sử dụng điện thoại để đọc truyện.


Thoại hình (Video Call) dường như là một tính năng thuộc dạng "cả thèm chóng chán" khi nó là tính năng được nhiều người mong chờ điện thoại của mình sẽ hỗ trợ nhất, nhưng lại là tính năng ít được sử dụng nhất.


Rất dễ hiểu khi càng lớn tuổi thì người ta càng ngại nhắn tin.


Việc chat chit trên điện thoại cũng cho kết quả tương tự chức năng SMS.


Truy cập mạng xã hội trên điện thoại được người trẻ ưa chuộng vì tính tiện lợi nhưng người già thì lại không thích vì có vẻ nó... phức tạp quá.


Tuổi nào cũng thích chụp ảnh, chỉ có điều người lớn tuổi không muốn lúc nào cũng "lách tách" cả ngày.


Nghe nhạc là một trong những chức năng chính của khách hành tuổi teen. Và dân châu Á thì thích dùng điện thoại để nghe nhạc hơn người châu Âu vốn chịu khó "mang vác" theo chiếc iPod.


Có vẻ như với người châu Á, tính năng giải trí (nghe nhạc, chơi Game) rất được xem trọng.


Và tuổi nào cũng thích dùng smartphone để vi vu trên web.


Trong khi người già trí nhớ kém thì phải phụ thuộc vào chức năng ghi chép lịch làm việc của smartphone nhiều hơn.


Báo thức hóa ra lại là một trong những tính năng thiết yếu của điện thoại di động. Thêm một lý do để các nhà sản xuất trang bị loa to hơn cho sản phẩm của mình.


Sử dụng điện thoại làm ổ USB cũng là 1 trong những tính năng quan trọng của điện thoại.


Cứ 5 người được hỏi thì có 4 người từng sử dụng điện thoại làm đèn pin. Với những mẫu điện thoại như Nokia 1200 thì có lẽ đây là tính năng bổ trợ hữu ích nhất của điện thoại bên cạnh nghe, gọi, nhắn tin.


Xử lý các tài liệu văn phòng như file doc, file excel, powerpoint cũng rất phổ biến trong cộng đồng sử dụng smartphone.


"Bắn file" qua bluetooth cũng gần như trở thành tính năng thiết yếu.


Và 9 trên 10 người tham gia khảo sát đã từng sử dụng tính năng kết nối wifi trên điện thoại của mình.

Kết luận

Tất cả các kết quả khảo sát đều mang tính tương đối, thế nhưng chúng cũng cho ta được một bức tranh toàn cảnh về việc người sử dụng điện thoại cần gì và muốn gì. Dường như với sự phát triển của smartphone, những tính năng được coi là truyền thống của điện thoại di động như nghe gọi, sms đang dần lùi về hàng thứ yếu, trong đó các tính năng phụ trợ cao cấp hơn như lướt web, kết nói internet, chụp ảnh, định vị vệ tinh lại đang dần lên ngôi.

Dường như điện thoại di động đang dần dần thoát khỏi định nghĩa về một chiếc điện thoại thông thường và trở thành một máy tính di động với những tính năng và kết nối mạnh mẽ hơn. Có thể một ngày nào đó, chúng ta sẽ "quên" cả cách sử dụng điện thoại di động chỉ để nghe gọi đơn thuần. Nhưng ngày đó, nếu có đến, cũng sẽ còn rất xa và chúng ta hãy cứ tận hưởng những thành tựu mà công nghệ di động đã đạt được từ ngày hôm nay.

Tham khảo: GSM Arena