Chuyện về những người "săn nhạc, lùng hình" cho di động

Huy Hoàng  | 12/06/2011 0:00 AM

Nhiều người nói vui, đây là cái nghề sướng nhất thế giới… vì cả ngày được xem hình hot, nghe nhạc, chơi game. Nhưng chỉ khi tìm hiểu kỹ hơn về công việc, người ta mới hiểu đó không phải thử thách đơn giản.

Trong những ngày cuối tháng 5, không khí làm việc ở Trung tâm tổng đài tin nhắn 8x01 diễn ra khá hối hả. Chúng tôi được chị Thùy Dung, đại diện trung tâm cho biết, mọi người đang tích cực cập nhật nội dung mới, lựa chọn hình nền, nhạc chuông đặc biệt phục vụ khách hàng trong dịp diễn ra cúp C1 châu Âu.
 
Với nụ cười hóm hỉnh, một bạn trẻ nói với chúng tôi rằng: “Nghề mobile content (phát triển nội dung cho điện thoại -PV) là cái nghề sướng nhất thế giới… vì cả ngày được xem hình hot, nghe nhạc, chơi game”. Nhưng chỉ khi tìm hiểu kỹ hơn về công việc này, người ta mới hiểu đây không phải thử thách dễ dàng.
 
“Săn nhạc, lùng hình” – nghề sướng nhất thế giới ?
 
Thị trường di động ở Việt Nam lớn nhưng lại có sự tham gia của quá nhiều CP (doanh nghiệp cung cấp nội dung). Để phát triển nghiêm túc, việc tạo ra nội dung mới, cập nhật, sáng tạo trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong cái nhìn đó, vai trò của những người làm mobile content được đẩy lên vị trí tiên phong.
 
 
Chị Thùy Dung cho biết, tùy theo mảng nội dung (hình nền, nhạc chuông, nhạc chờ, game…) mà người làm mobile content sẽ thực hiện các công đoạn khác nhau. Nhưng để thành công được với nghề thì luôn đòi hỏi cái đầu nhanh nhạy trước thị hiếu giải trí của khách hàng, khả năng cập nhật thông tin liên tục.
 
Bookmark hàng dài các địa chỉ của website nhạc trong nước, bảng xếp hạng ca khúc quốc tế trên trình duyệt. Hương, một người chuyên đi “săn” nhạc chuông, nhạc chờ của dịch vụ này cho chúng tôi biết: " Làm nghề này tâm lý khá thoái mái vì công việc chính của mình chỉ là nghe và lùng nhạc hay cho người dùng, được nghe nhiều, xem nhiều và luôn thuộc lòng tên các hit mới, các ca khuc hay trên thị trường"

Sau khi tìm ra các khúc hay và tiến hành mua bản quyền, Hương sẽ cắt ra các đoạn hấp dẫn nhất có thể làm nhạc chuông, đưa lên hệ thống và định danh nội dung này bằng một cú pháp tin nhắn. Bước cuối cùng, bộ phận quảng cáo sẽ đưa thông tin bài hát và cú pháp tin tải về đến đối tượng khách hàng phù hợp.
 
 
Phong, một nhân viên phụ trách mảng hình nền thì khoe với chúng tôi về bộ ảnh các cô người mẫu Việt mà trung tâm vừa mua được bản quyền khai thác. Anh đang tiến hành “crop” lại kích thước để phù hợp với màn hình từng dòng máy di động trên thị trường. Nói về công việc của mình, Phong cũng khá vui vẻ khi cho rằng: “Được xem trước hàng trăm bức hình độc, chất lượng cao của nhiều người mẫu, ca sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước là một may mắn không phải ai cũng có”.
 
Ngoài việc biên tập các hình ảnh sẵn có, Phong cũng kiêm luôn vai trò của designer khi thường xuyên tạo ra các bức hình động, hình nền hài hước. Chính các nội dung “cây nhà lá vườn” như vậy đôi khi lại chiếm được cảm tình lớn từ khách hàng.
 
Hoạt động trong lĩnh vực thiên về giải trí, được tự do tìm tòi và sáng tạo nội dung, những con người trẻ ở trung tâm dịch vụ này luôn giữ được niềm ham thích riêng với công việc. Tạo ra và cũng chính là những người thử nghiệm nội dung đầu tiên, trong máy điện thoại của những người làm mobile content luôn đầy ắp các bản nhạc lạ, hình nền hot. Những sản phẩm mà đôi khi bạn bè xung quanh rất thích nhưng chẳng thế tìm thấy trên internet hay bất cứ đâu.
 
Áp lực và khó khăn của những người làm mobile content
 
Ở cái nhìn khác về công việc, những người làm mobile content cũng phải chịu rất nhiều về áp lực để đảm bảo doanh số. Đòi hỏi khả năng, kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp riêng.
 
Mua bản quyền nội dung luôn là công việc không đơn giản. Trừ những sản phẩm cây nhà lá vườn, với các nội dung còn lại, để có thể khai thác, doanh nghiệp bắt buộc phải có chữ ký của tác giả trên hợp đồng bản quyền. Trong vài năm trở lại đây, cơ chế mua bản quyền các tác phẩm nhạc đã được tiến hành dễ hơn qua Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam và nhiều đơn vị khác. Nhưng với việc mua bản quyền hàng trăm, hàng ngàn bài hát cùng lúc không tránh khỏi chuyện nhầm lẫn do bài hát, ca sĩ trùng tên. Nhưng chuyện này vẫn chưa khó bằng việc xin phép khai thác các sản phẩm ngoại, thuộc sở hữu của tác giả, công ty nước ngoài như nhạc hiệu, hình nền, logo..
 
 
Một nhân viên của dịch vụ Dalink (giấu tên) cho chúng tôi biết, đơn vị này từng phải xin lỗi chủ sở hữu bản quyền logo câu lạc bộ bóng đá Manchester United, vì đưa hình ảnh vào khai thác trước khi mua bản quyền. Hay như nhiều hình ảnh lạ trên mạng, đôi khi những người làm mobile content chịu bó tay vì không thể tìm ra chủ sở hữu thực sự để xin phép.
 
Tuy nhiên, gây áp lực lớn nhất lên những người mobile content phải là yếu tố doanh số. Bởi không sai khi nói số liệu tải về của khách hàng là thước đo hiệu quả công việc hàng ngày. Muốn có doanh số cao, người làm cần kinh nghiệm nhất định để đoán biết nội dung nào sẽ hấp dẫn. Chỉ tính riêng nhạc chuông đã có tới hàng chục thể loại, hàng chục kiểu khác nhau, nếu không có cái nhìn bao quát thị trường, bạn rất dễ bị rối trước vô số thông tin cập nhật hàng ngày.
 
Chia sẻ với chúng tôi, Hương cho biết: “Nhiều ca khúc rất hot trên mạng nhưng lại không được tải nhiều qua tin nhắn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng rất có thể phân khúc khách hàng được tiếp cận với quảng cáo của dịch vụ không phải đối tượng nghe nhiều ca khúc đó”. Đây cũng là kinh nghiệm nhắc người làm mobile content phối hợp tốt hơn với bộ phận quảng cáo - kinh doanh.
 
 
Thông thường, để cải thiện doanh số thì số liệu về các nội dung đang khai thác sẽ được những người làm mobile content phân tích và đánh giá liên tục. Qua đấy giúp nắm bắt kỹ hơn thị hiếu khách hàng – chị Thùy Dung giải thích với chúng tôi. Tuy nhiên, nhu cầu sở thích của khách hàng thì thay đổi thất thường nên áp lực doạnh số vẫn luôn đè nặng lên vai của những người “săn nhạc, lùng hình”.
 
"Những dịp như Giáng Sinh, Năm mới, Tết Nguyên Đán… chúng tôi luôn phải làm việc với 200% sức lực để tận dụng tối đa cơ hội tăng doanh số". Đây cũng là lúc diễn ra cuộc đua ngầm giữa hàng trăm dịch vụ nội dung trên di động – cuộc đua mà một phần thành công quyết định bởi họ - những người làm mobile content.
Xem thêm:

điện thoại