Chờ gì ở "Xoài"?

Phuonghanu - Minh Lết  | 16/04/2011 12:00 PM

Tất nhiên đây không phải là quả Xoài mà chúng ta thường ăn. "Xoài" ở đây là một bản cập nhật của HĐH Windows Phone 7: "Mango".

Microsoft vừa công bố bản cập nhật mới nhất của hệ điều hành Windows Phone 7(WP7) với tên mã "Mango" (quả xoài). Thời gian dự kiến ra mắt của phiên bản này sẽ là vào mùa thu năm nay. Mặc dù Joe Belfiore, phó chủ tịch phụ trách Windows Phone, đã lên tiếng chính thức xin lỗi về sự chậm trễ của phiên bản cập nhật NoDo, bản cập nhật Mango vẫn có khả năng tiếp nối "truyền thống" lề mề và hay "khất lần" của Microsoft trong việc đưa ra các nâng cấp cho sản phẩm của mình.
 
Bộ công cụ hỗ trợ lập trình viên và phần mềm giả lập để hỗ trợ cho các lập trình viên xây dựng ứng dụng cho phiên bản Mango sẽ được tung ra vào vào tháng 5. Nhưng với những gì mà nhóm thử nghiệm nhận thấy qua quá trình dùng thử Mango, chắc chắn hệ điều hành sẽ còn cần nhiều chỉnh sửa trước khi có thể đưa vào sản xuất đại trà và đến tay người sử dụng.
 
Thực sự vẫn còn nhiều thông tin chúng ta chưa được rõ, tuy nhiên vẫn có thể nhận thấy những sự thay đổi khá rõ rệt như : một trình duyệt mới, giao diện được thiết kế lại và thêm nhiều tính năng bổ sung cho ứng dụng. Bên cạnh những ý tưởng mới, táo bạo thì ở lần cập nhật này một số lỗi rất khó chịu ở phiên bản trước cũng đã được khắc phục: cuối cùng thì người dùng đã có thể tự tạo ra nhạc chuông từ file MP3 cũng như việc xuất hiện thanh địa chỉ trên trình duyệt của máy khi màn hình ở chế độ nằm ngang.
 
Thay đổi cách sắp xếp ứng dụng
 
Khi cài nhiều ứng dụng, người dùng sẽ cảm thấy rất khó để tìm kiếm chính xác phần mềm họ cần. Thay vì sử dụng danh sách cuộn các ứng dụng dài ngoằng như trước đây, Mango chia bản danh sách này theo bảng chữ cái. Do đó, bên cạnh cách tìm kiếm thông thường bằng cách gõ từ khóa bằng bàn phím, người dùng chỉ cần chọn chữ cái đầu tiên của ứng dụng và danh sách các ứng dụng bắt đầu bằng chữ cái đó sẽ hiện ra trên màn hình.

Tính năng tìm kiếm cũng hiển thị kết quả từ Marketplace, vì vậy với những người dùng chưa có ứng dụng Twitter (thực tế là vẫn chưa có thông tin nào cho thấy ứng dụng này sẽ được tích hợp cùng bản cập nhật lần này), bạn có thể tìm trực tiếp mà không phải chuyển qua Marketplace.
 
Tính năng tìm kiếm ở kho ứng dụng Marketplace cũng nhận được sự quan tâm thích đáng: kết quả hiển thị cho biết thông tin về nhà xuất bản, đánh giá, giá thành; Bên cạnh đó, thay vì một trang dài  từ trên xuống dưới, thông tin chi tiết về ứng dụng đã được sắp xếp theo những trục chính, và bạn có thể xem toàn màn hình về thông tin chung, hoặc tìm hiểu thêm về danh sách của những ứng dụng liên quan.

Trang tìm kiếm trên Marketplace đã hiển thị thêm thông tin, giúp người sử dụng dễ dàng tìm được kết quả phù hợp.

Cài đặt những ứng dụng miễn phí được tiến hành nhanh hơn trước đây. Người dùng chỉ cần xác nhận một lần và chương trình cài đặt sẽ đưa bạn tới danh sách các ứng dụng và game một cách trực tiếp, đồng thời hiển thị thanh tiến trình (progess bar) - điều này sẽ giúp người dùng giảm bớt khó khăn khi thao tác.
 
Ứng dụng cũng có thể hiện ra trong kết quả của công cụ tìm kiếm Bing. Khi người dùng tìm kiếm một bộ phim, những kết quả trả về sẽ bao gồm mở xem trang thông tin về bộ phim đó bằng ứng dụng IMDB (trong trường hợp bạn đã cài đặt ứng dụng này)
 
Hỗ trợ xây dựng ứng dụng tốt hơn
 
Có khá nhiều tính năng mới dành cho những nhà phát triển xây dựng các ứng dụng, giờ đây, lập trình viên đã có thể phân quyền cho ứng dụng của mình sử dụng camera, la bàn, hay lịch và danh sách địa chỉ, hoặc thậm chí là trình bày những nội dung 3D XNA và Silverlight trên màn hình. Điều này dẫn tới ứng dụng trên Mango sẽ thông minh và hữu dụng hơn. 

 
Những thiết bị sử dụng Mango sẽ có thể tích hợp thêm cảm biến Gyros (cảm biến về thăng bằng). Bên cạnh đó một tính năng được phát triển bởi bộ phận Microsoft Research của Microsoft kết hợp Gyros với la bàn để tạo ra cảm biến chuyển động trong không gian nhằm hỗ trợ tốt hơn trong việc viết các ứng dụng nhận biết thao tác của người dùng trên máy (tưởng tượng bạn có thể dùng máy làm điều khiển Wii chẳng hạn).
 



Trình duyệt ở Mango thực sự gây ấn tượng. IE9 ở Windows Phone sử dụng chung engine với IE9 trên PC. Và với các tác vụ xử lý JavaScript, IE9 Mobile sử dụng 1 engine có tên là Chakra cùng hỗ trợ tăng tốc bằng phần cứng cho video, dựng văn bản và dựng hình, nhằm cải thiện tốc độ lướt web cũng như khả năng hiển thị toàn bộ website. Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có thêm thông tin về plug-in hỗ trợ Flash (hay Silverlight), thay vào đó, hãng Microsoft đang tập trung hỗ trợ HTML5 cùng những tính năng video.
 
Khả năng chạy đa nhiệm
 
Điểm nhấn trong tính năng đa nhiệm vẫn là việc duy trì tuổi thọ của pin và "đánh lừa" người sử dụng rằng WP7 có hỗ trợ đa nhiệm.
 
Sự thực thì ở Mango, WP7 vẫn là hệ điều hành đơn nhiệm với các ứng dụng của bên thứ 3, tuy nhiên có một vài cải tiến trong cơ chế lưu lại trạng thái của ứng dụng nhằm cải thiện hiệu năng đơn nhiệm.
 
Người dùng nay đã có thêm 1 công cụ hỗ trợ việc lựa chọn giữa các ứng dụng đang chạy hoặc vừa đóng để dễ dàng hơn trong việc chuyển từ ứng dụng này sang ứng dụng khác. Tuy nhiên khi bị chuyển sang chế độ nền, ứng dụng sẽ không thể tiếp tục xử lý dữ liệu, trạng thái của ứng dụng ngay trước khi đóng sẽ được lưu lại và ở lần mở sau, WP7 sẽ cố gắng đưa ứng dụng trở lại trạng thái trước khi đóng. 
 
Đây cũng vẫn là cách mà các phiên bản trước của WP7 xử lý vấn đề "đa nhiệm". Tuy nhiên cách tiếp cận này gặp nhiều phản đối từ phía người sử dụng, vì mỗi lần bật lại, ứng dụng phải mất thời gian load lại trạng thái, với những ứng dụng lớn thì thời gian này có thể rất lâu và gây nhiều khó chịu. Tuy nhiên trong Mango, những ứng dụng này hồi phục trạng thái cũ nhanh hơn cảm giác rằng WP7 chạy đa nhiệm "thực" hơn. Một ứng dụng nghe nhạc được người dùng tắt đi sẽ khởi động lại ngay lập tức trong bản demo.
 
Một nỗ lực khác của Microsoft đó là việc thay đổi cách thức dọn dẹp bộ nhớ giúp cho việc khởi động lại được cải thiện đáng kể, bên cạnh đó cũng giảm thiểu "thời gian chết" khi bạn chờ để load lại .
 



Mango cũng sử dụng ít bộ nhớ hơn khoảng 25-30% khi chạy các ứng dụng trên máy (khi không có sự thay đổi nào về phía ứng dụng) giúp cho việc tải ứng dụng nhanh hơn, tốc độ hiển thị thông tin được cải thiện và có vẻ như dung lượng bộ nhớ vẫn giữ nguyên khi người dùng chuyển đổi giữa các ứng dụng.
 
Tính đa nhiệm của phiên bản lần này được thể hiện ở một số tính năng cụ thể. Hỗ trợ HTML5 trong trình duyệt và những ứng dụng nghe nhạc từ bên thứ 3 có thể chơi được trên ở chế độ nền, giống như trình nghe nhạc Zune mặc định của máy.
 
Các ứng dụng sẽ được phân quyền cho phép thực hiện các tiến trình download ngầm, và sử dụng hệ thống bảng thông báo hoặc âm thanh khi chạy ở chế độ nền, do đó cũng tiêu thụ ít tài nguyên của máy hơn với chỉ 10% CPU, các ứng dụng chạy ở chế độ nền cũng có thể được thiết lập để chỉ chạy trong một khoảng thời gian định trước, khởi động lại theo chu kỳ hoặc chỉ hoạt động khi bạn kết nối với Wi-Fi
 
Điều này mang lại khá nhiều ưu điểm khi khởi chạy các ứng dụng mà không gây ảnh hưởng lên tuổi thọ pin. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể điều khiển thiết lập của những công cụ nền trong thiết bị.

Mặc dù Skype và Kik sẽ sớm ra mắt, việc dùng VoIP và những ứng dụng chat trên background sẽ vẫn là vấn đề với bản cập nhật Mango, bởi các ứng dụng này không thể duy trì sự kết nối trong mạng khi chúng không phải là ứng dụng ưu tiên.
 
Ứng dụng ưu tiên có thể tiếp tục khởi chạy khi chiếc di động của bạn bị khóa nếu ứng dụng này đã được thiết lập cho tính năng này. Tuy nhiên, những ứng dụng sẽ không thể tiếp tục hoạt động khi xuất hiện “chooser” hoặc “launcher” trên màn hình.
 
Nhìn chung, trong Mango Microsoft đã tỏ ra biết lắng nghe những "than phiền" của người sử dụng, từ đó đã hỗ trợ các nhà phát triển tốt hơn và chịu khó sửa chữa những tính năng bất hợp lý trong phiên bản trước. 
 
Rõ ràng để có thể trở thành một đối thủ xứng tầm với Android hay iOS, WP7 sẽ còn nhiều việc cần làm, nhưng đúng như người ta thường nói: "Khi đối mặt với những địch thủ quá mạnh, kẻ ngoan cố là kẻ ngu ngốc".

Tham khảo: Tech Radar