Câu chuyện đằng sau chiếc iPhone chạm nổi hình rồng thời Lý

Bài: Vĩnh Hậu, Ảnh: Lê Nguyễn  | 05/03/2011 12:00 PM

Sau hơn 2 tháng thực hiện, cùng 8 tháng lên kế hoạch kỹ lưỡng trước đó, chiếc iPhone chạm nổi hình rồng thời Lý đã chào đời từ chính bàn tay của người thợ Việt. Một món quà, một niềm tự hào đúng nghĩa.

Từ chiếc iPhone hàng độc thế giới…
 
Vào những tháng đầu năm 2010, khi cả nước đang háo hức hướng về đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, từ thành phố Sài Gòn có một gã doanh nhân trẻ tuổi cũng bắt đầu nhen nhóm ý tưởng, điểm nhấn hướng về ngày hội trọng đại: làm chú dế iPhone chạm nổi hình rồng thời Lý duy nhất trên thế giới.
 
 
Gã doanh nhân trẻ ấy chính là Thắng Eric, một con người “mê điện thoại như con nít mê kẹo”, chủ nhân của thương hiệu Golden Ace chuyên cung cấp các mẫu di động độc nhất và đắt nhất Việt Nam. Chính niềm đam mê đã giữ cho anh chàng cặm cụi mày mò trong suốt 8 tháng trời, với mong ước hoàn thiện một chiếc iPhone “của hiếm” đem đi dự Đại lễ. Khó mà kể hết được sự khó nhọc mà Thắng Eric phải trải qua, song hành với đó là sự táo bạo và niềm tự hào dân tộc đã thôi thúc anh không nản chí.
 
Khởi nguồn ý tưởng đến phác thảo 3D, dần dần khó khăn hiện ra ngày càng nhiều. Dĩ nhiên, Thắng Eric vốn nghiện điện thoại nhưng đâu phải là dân chuyên “độ hàng”. Nhờ sự giúp đỡ của cánh tay phải – Thành, một người thợ kim hoàn tay nghề cao, Thắng Eric mới đủ can đảm để theo đuổi đến cùng dự án tâm huyết và cũng rất tốn kém của mình.
 
 
Sau khi đã dựng hình thành công và cảm thấy ưng ý, anh Thành mò mẫm làm sáp để đúc tạo hình chiếc vỏ máy hình rồng. Đây là một trong những khâu cực nhọc nhất trong suốt quá trình thực hiện. Nhớ lại ngày đó, Thắng Eric vui vẻ tiết lộ: “Sự ra đời của chiếc iPhone chạm nổi hình rồng ngoài ý nghĩa mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long, cũng là điểm nhấn cho sự ra đời của Golden Ace, bởi vậy mình phải làm âm thầm mới giữ được bí mật. Mình bận đồ đơn giản thôi, xách xe Cub chạy khắp nơi mang mẫu sáp đi đúc thử. Mà đúc thất bại liên tục đến chán nản luôn!”.
 
Kiên nhẫn, miệt mài, chàng doanh nhân trẻ mới có được bản đúc ưng ý đầu tiên đem về chế tác. Với tay nghề xuất sắc, anh Thành mò mẫm liên tục 2 tháng để gắn từng viên kim cương vào vỏ máy. Việc càng lớn, rủi ro càng nhiều. Việc gia công bị hư hỏng khá nhiều lần, phần do kim loại sau khi đúc bị co rút, khó làm, thêm nữa là hình tượng con rồng thời Lý gồm quá nhiều chi tiết, mỗi lần sơ ý là đều bị gãy, xước...
 
 
Càng khó, càng quyết tâm hơn. Cả hai người, người góp vốn, người góp công để tạo cho bằng được kỳ tích. Mỗi công đoạn gia công đều thao tác thủ công, bởi người trong nghề ai cũng biết, làm bằng máy chẳng bao giờ có được cái hồn cho sản phẩm. Chính cảm hứng, niềm đam mê cộng với những khoảnh khắc “xuất thần” đã giúp cho Golden Ace tạo nên hình tượng con rồng thời Lý uốn lượn trên chiếc iPhone đình đám thế giới.
 
Vậy là sau hơn 2 tháng ròng rã thực hiện, cùng với 8 tháng lên kế hoạch kỹ lưỡng trước đó, iPhone chạm nổi hình rồng duy nhất trên thế giới đã chào đời từ chính bàn tay của người thợ Việt Nam. Một món quà, một niềm tự hào đúng nghĩa.
 
đến gã doanh nhân với ước mơ Việt
 
Những năm đầu thế kỉ 21, chàng du học sinh trẻ măng Thắng Eric về đầu quân cho một hãng độ điện thoại chuyên nghiệp tại Anh Quốc. Học hỏi, mở mang thêm nhiều điều, không lâu sau Thắng Eric về nước để thực hiện ước mơ ngay trên quê hương mình. Trong thời gian đó, lăn lộn qua nhiều lĩnh vực, thậm chí cả bán điện thoại qua mạng, Thắng Eric nhận thấy thị trường trong nước quá rộng mở, và đấy cũng chính là cơ hội lớn.
  

Hình ảnh chiếc iPhone 4 mạ vàng với mặt trước màu đỏ.
 
Ngay lập tức, Thắng Eric bỏ vốn kinh doanh mũ bảo hiểm. Chính sự trái khoáy ấy đã khiến cho anh chàng bị “núi đè”. Thất bại trong thương vụ mũ làm ăn lớn khiến cho Thắng Eric quay trở về với niềm đam mê điện thoại của mình.
 
Chỉ ước mơ và ý tưởng thì chưa đủ để làm nên chuyện, Thắng Eric loay hoay một thời gian dài, cho đến khi cơ duyên khiến anh gặp được Thành, một người thợ chuyên chế tác nữ trang, đồ kim hoàn có tay nghề xuất sắc. Từ đấy, Thắng Eric hiểu rằng cơ hội thực hiện ước mơ gần hơn bao giờ hết.
 
 
 
Những sản phẩm đầu tiên ra đời dưới con mắt vui sướng của cả hai nhân vật chính. Nhìn thành quả lao động đơm hoa kết trái, hai người rơm rớm nước mắt. Nhưng chưa kịp mừng, họ liên tiếp đón nhận nhiều lời thị phi, thậm chí là lên án của không ít người. Điều tiếng cho rằng họ tiêu hoang, bỏ số tiền quá lớn để “làm những chuyện chẳng giống ai”. Dư luận nói rằng cái đó để làm gì, để chơi nổi hay không còn việc gì khác để làm...
 
Rất buồn, nhưng hơn ai hết, Thắng Eric hiểu rõ việc làm của mình. Đầu tư số vốn lớn để thực hiện dự án, điều ấy không đơn giản chỉ là niềm đam mê, mà trở thành ước mơ về một thương hiệu riêng của người Việt. Anh làm không phải để bán ra thị trường trong nước, bởi lẽ mục đích để cho khắp nơi thấy rằng ngành kim hoàn Việt Nam chẳng hề thua kém thế giới, và hơn nữa thấy được sự độc đáo, nét văn hóa của dân tộc.
 
 
 
Sau iPhone chạm nổi hình rồng thời Lý, Thắng Eric tiếp tục xuất xưởng chiếc iPhone 4 nạm 472 viên kim cương trị giá gần 10.000 USD. Giờ đây, anh đang lên kế hoạc thực hiện thêm nhiều dự án hứa hẹn khác.
 
Thắng Eric cho biết, điều anh luôn hướng đến là sự kết hợp giữa công nghệ cao và những nét truyền thống của nước nhà. Chính vì thế, anh đang mày mò để đưa nghệ thuật sơn mài, hàng thủ công mỹ nghệ… vào sản phẩm của mình mà vẫn bảo đảm nét cá tính riêng hấp dẫn.
 
 
Bàn tay người thợ Golden Ace sẽ làm ra những sản phẩm chất lượng vàng.
 
Bên cạnh đại bản doanh tại thành phố Hồ Chí Minh, Golden Ace đã mở đại lý tại Bắc Ninh, Hà Nội, Cần Thơ và cả thành phố Las Vegas, Mỹ. Thắng Eric chia sẻ: “Golden Ace sẽ không chỉ là chất liệu vàng, mà hơn hết, là chất lượng vàng!”.