Cảnh giác trước "ma trận" pin điện thoại rởm

Huyền Trang  | 11/03/2011 0:00 AM

Trên thị trường Việt Nam, hầu hết các dòng pin điện thoại đều xuất xứ tại Trung Quốc. Với cửa hàng khác nhau, chất lượng, độ bền bên cạnh phương thức hậu mãi cũng khác nhau.

Pin tốt – “trái tim” khỏe cho một “chú dế”
 
Không ít người đã gặp nhiều chuyện phiền toái, bực dọc với chiếc di động của mình, mà điển hình là các lỗi liên quan đến pin. Chắc hẳn, chẳng ai muốn bỏ lỡ những cuộc gọi, tin nhắn quan trọng chỉ vì lý do “lãng xẹt” như pin chập chờn, máy tự động tắt nguồn hay bị đơ không đúng lúc. Tuy nhiên, chẳng phải khách hàng nào cũng biết cách lựa chọn mua và bảo quản cho “trái tim” của chú dế yêu khỏe mạnh.
 
“Ma trận” pin điện thoại
 
Trên thị trường Việt Nam hiện nay, hầu hết các dòng pin điện thoại "khai sinh" tại Trung Quốc, hiếm hoi mới thấy sản phẩm gắn mác “Made in Japan” (được sản xuất tại Nhật Bản) hoặc một quốc gia khác. Kể cả ở các siêu thị lớn, pin chính hãng cũng đều có xuất xứ Trung Quốc. Vì thế, người dùng có lẽ không cần phải “lăn tăn” về chuyện nguồn gốc pin.
 
 
Vấn đề cần quan tâm chính là giá cả và chất lượng thực sự. Bởi sản phẩm Trung Quốc cũng bao gồm năm bảy loại, hàng xịn, hàng nhái, hàng xịn nhưng bị lỗi… Có đi vào tìm hiểu mới thấy, thị trường pin điện thoại ở Việt Nam chẳng khác gì một “ma trận” phức tạp với đủ thượng vàng hạ cám. Từ những siêu thị điện máy, siêu thị điện thoại di động đến những cửa hàng điện thoại nhỏ trong các ngõ ngách, thậm chí nằm la liệt trên vỉa hè đường La Thành, chợ Trời… người ta dễ dàng tìm mua pin và sạc pin.
 
Giá cả cũng rất… trời ơi đất hỡi. Đương nhiên, những loại pin xịn chuyên dành cho các điện thoại đời mới, nhiều tính năng được bán với giá cao hơn hẳn, nhưng nói riêng ở các dòng pin phổ thông, giá cả của từng nơi rất khác nhau. Ví dụ như một chiếc pin dành cho điện thoại Motorola V3i, nếu mua chính hãng tại trung tâm Motorola, bạn sẽ phải chi trả không dưới 200 nghìn đồng, nhưng nếu mua hàng ngoài, giá bán thường dao động từ 80 – 150 nghìn đồng. Và với những cơ sở phân phối khác nhau, chất lượng và độ bền của pin bên cạnh phương thức hậu mãi cũng khác nhau.
 
Nói như vậy không có nghĩa, pin điện thoại ở các cửa hàng nhỏ kém xịn hơn so với siêu thị lớn. Tại nhiều của hàng, người ta sẵn sàng bảo hành pin từ 1 – 3 tháng, thậm chí còn dùng chiêu 1 đổi 1 trong vòng 3 – 7 ngày đầu tiên, trong trường hợp pin dính lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, đa phần các cửa hàng nhỏ “mua đứt bán đoạn” với khách, pin đã ra khỏi cửa hàng là miễn đổi, miễn trả(!). Rất đông khách hàng đã phải ngậm đắng khi mua phải chiếc pin bị lỗi mà không được bảo hành hay đổi lại.
 
   
 
Chị Nguyễn Thị Hà (Cự Lộc, Thanh Xuân) là một trường hợp như thế. Chị sử dụng 1 chú dế Samsung đời cũ, không có chức năng gì đặc biệt đã được 3 năm. Thấy pin gặp tình trạng hao liên tục, cứ 9 – 12 giờ phải sạc một lần, chị ra một cửa hàng gần nhà mua pin với giá 80.000 đồng. Sử dụng được 2 ngày thì chiếc điện thoại liền trở chứng, thường xuyên bị sụt nguồn, tự động tắt ngúm. Chị phải tháo pin ra, chờ một lúc rồi lắp vào, khởi động lại thì máy mới chịu hoạt động. Nhưng một ngày, chú dế trở chứng đến 7, 8 lần như thế khiến chị vừa bực vì mất tiền, vừa bỏ lõ nhiều cuộc gọi. Kiểm tra lại, chị mới tá hỏa nhận ra cục pin mình vừa mua đã có dấu hiệu phồng rộp. Đem đến cửa hàng đòi đổi cục pin khác nhưng người bán trả lời rằng pin hỏng do lỗi của chị không sạc đúng cách. Chị Hà bức xúc: “Khoảng 1 tuần sau khi máy bị “chập cheng”, tôi đem ra siêu thị Trần Anh nhờ kỹ thuật viên bên đó kiểm tra, họ nói tôi đã mua nhầm pin rởm, hết hạn sử dụng, bị phồng, nguồn điện không ổn định, vì thế điện thoại của tôi liên tục chập main. Bực thế, biết trước thì tôi mua hẳn pin xịn trong hãng còn hơn, đắt một chút nhưng yên tâm”.
 
May mắn hơn chị Hà, chị Trần Thị Bích Huyền (Khâm Thiên, Hà Nội) đang sở hữu một chiếc Motorola V3i cũng mua pin ở cửa hàng nhỏ, nhưng hoàn toàn bình yên. Trước đây, máy chị hay bị đơ mỗi khi có cuộc gọi hay tin nhắn, pin hao liên tục, ngày nào chị cũng phải sạc điện. Chị đã chạy lại phần mềm, cài đặt chương trình đủ kiểu nhưng tình trạng khó chịu ấy vẫn tiếp diễn. Người bán hàng tư vấn cho chị mua pin mới để thay, vì rất có thể pin chai đã khiến điện thoại có vấn đề. Giá pin tại cửa hàng từ 90 – 170 nghìn, thấy hợp lý nên chị chọn loại “xịn” nhất để mua. Cho đến giờ, chị đã dùng chiếc pin đó được hơn 1 năm nhưng pin vẫn ngon, nếu chị ít nhắn tin, không kết nối Bluetooth, pin dùng được khoảng 3 ngày.
 
 
Chọn lựa và sử dụng pin, khó mà dễ
 
Để đảm bảo cho chú dế hoạt động tốt, không thể thiếu một chiếc pin “ngon lành”. Nhiều trường hợp người mua hàng chưa được trang bị các kiến thức cơ bản đã mua nhầm pin rởm, nhiều trường hợp không tương thích với điện thoại của mình, sau khi sử dụng một thời gian ngắn mới biết. Việc chọn lựa pin sẽ thuận lợi hơn nếu bạn cẩn trọng và tìm hiểu một chút trước khi móc ví.
 
Anh Trương Quốc Đạt, phụ trách một cửa hàng điện thoại tại phố Đặng Dung (Hà Nội) chia sẻ: “Khi mua pin, bạn cần để ý đến những dòng chữ in trên pin để biết xuất xứ, dung lượng pin và nguồn điện. Hầu hết pin điện thoại của các hãng điện thoại nổi tiếng hiện nay đều có xuất xứ Trung Quốc và nguồn điện 3,7 V (vôn), nên vấn đề cần quan tâm hơn cả là dung lượng. Dung lượng pin được tính bằng mAh (milliampere giờ), dung lượng càng lớn thì pin càng bền. Cũng cần chú ý đến các ký hiệu khác trên pin để biết được dòng pin. Phải mua pin đúng dòng thì mới tương thích với máy. Đôi khi các loại pin của cùng hãng có kích cỡ và đầu tiếp điểm khá giống nhau, lắp vào máy vẫn hoạt động, nhưng dòng pin khác nhau nên máy dễ bị chập, hỏng, pin dễ bị lỗi, đầu tiếp điểm kém nhạy…”.
 
Một kỹ thuật viên của siêu thị điện máy Pico Nguyễn Trãi cho rằng, người mua nên cân nhắc giữa pin chính hãng và pin trôi nổi trên thị trường, vì các loại pin chính hãng được sản xuất theo các tiêu chuẩn khắt khe nên thường có độ bền lên đến vài năm và mức dung lượng luôn được tính toán sao cho phù hợp nhất với từng dòng máy cụ thể. Bên trong các cục pin này thường được gắn mạch bảo vệ, có tác dụng ổn định dòng điện và hạn chế tối đa trường hợp pin bị sử dụng quá cạn, gây hỏng pin. Pin trôi nổi trên thị trường có thể là pin nhái hoặc pin bị lỗi, dễ phồng rộp vì không có mạch bảo vệ, thậm chí sẽ phát nổ nếu sạc không đúng cách hoặc để pin gần nguồn nhiệt cao. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt pin thật và pin giả, pin chất lượng và kém chất lượng.
 
 
Nhân viên này tư vấn thêm: “Mua được pin tốt rồi, cũng cần phải biết cách sạc và bảo quản thì pin mới bền được. Khi mới mua pin về, bạn nên sạc pin 8 tiếng liên tục rồi dùng kiệt pin, lặp lại quy trình này 3 lần để pin “no”, sau đó sạc đầy như bình thường. Nhiều người thích sạc pin 1 ngày/lần, nhưng tôi khuyên không nên làm vậy, chỉ khi nào hết hoặc gần hết pin mới sạc, nếu không pin sẽ nhanh bị chai. Nếu bạn cần đi xa mà sợ hết pin giữa chừng, nên mang theo cục sạc hơn là pin dự trữ, vì nếu không sử dụng thường xuyên, pin dự trữ có thể bị chai, bị hỏng. Nếu bạn có 1 hay nhiều pin dự trữ, 1 tháng bạn nên sạc lại 1 lần. Thêm nữa, cần hạn chế sử dụng sạc siêu tốc cắm rời (phải rút pin khỏi máy), vì khi thúc pin bằng loại sạc này, pin dễ bị nóng, về lâu dài còn bị om điện”.
 
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bạn nên tránh làm rơi điện thoại và pin, tránh để pin va chạm với vật cứng, sẽ làm hỏng kết cấu và bảng mạch của pin. Bạn cũng không nên để điện thoại, đặc biệt là pin ở gần những chỗ nhiệt độ cao hoặc có độ ẩm cao. Nếu không sử dụng thường xuyên, bạn nên gỡ pin ra và bỏ vào hộp kín có hạt chống ẩm. Nếu có thời gian, bạn hãy dùng bông gòn tẩm ít cồn để lau chùi các tiếp điểm giữa pin và điện thoại, nhưng nên vắt khô trước khi lau chùi. Một cục pin cũng có hạn sử dụng và tuổi thọ của nó, trung bình khoảng 500 – 800 lần sạc, thậm chí cao hơn nữa, tùy vào cách bạn sử dụng và bảo quản. Tuy nhiên, không nên quá tiết kiệm, nếu pin quá “già” và hết cạn trong khoảng 8 – 12 giờ cho 1 lần sạc, bạn nên cho “nghỉ hưu” để đảm bảo cho điện thoại luôn hoạt động tốt.