[Bình chọn] Những sự kiện công nghệ nổi bật nhất 2011

PV  | 28/12/2011 12:02 AM

Hãy cùng GenK bình chọn những sự kiện, xu hướng công nghệ đáng chú ý nhất 2011.

Năm 2011 có lẽ sẽ được nhớ tới như một bước ngoặt lớn của thế giới công nghệ với vô số thay đổi bất ngờ. Đứng từ ngày hôm nay nhìn lại, chúng tôi, những biên tập viên của GenK rất tự hào đã được cùng bạn đọc theo dõi sát sao tất cả những sự kiện ấy. Và hôm nay GenK sẽ cùng bạn đọc tổng kết lại những sự kiện công nghệ nổi bật nhất trong năm 2011. Và nhằm nâng cao tính tương tác với độc giả, chúng tôi quyết định không sắp xếp thứ tự của các sự kiện này mà để dành quyền đánh giá lại cho bạn đọc thông qua 1 bình chọn nhanh nằm ở cuối bài viết.

Và sau đây là những khoảnh khắc đáng được nhắc tới nhất trong năm 2011:



Vẫn thẳng tiến trên đà phát triển như vũ bão của 2010, sang đầu tháng 2 năm 2011 Android lần đầu tiên chính thức vượt qua Symbian và trở thành hệ điều hành di động lớn nhất thế giới. Đây là 1 mốc quan trọng đánh dấu thời kỳ trưởng thành của Android. Nếu như chiếc smartphone Android đầu tiên, chiếc HTC Dream (G1) dường như là 1 trò cười trước iPhone bóng bẩy, sang trọng thì kể từ năm 2011, Android đã bắt kịp và vượt qua HĐH iOS trên mặt trận smartphone nếu xét về thị phần. Các đại diện tiêu biểu của Android gần đây như Samsung Galaxy S II, Google Galaxy Nexus đều chứng tỏ rằng mình là 1 đối thủ rất đáng gờm của iPhone.

Android lên ngôi đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực vô vọng của Symbian trong việc giành lại thị phần đã mất, đồng thời nó cũng báo hiệu sự kết thúc của cuộc cách mạng smartphone lần 1 với HĐH cuối cùng của thời kỳ đầu trong lịch sử smartphone Symbian rời bỏ bục vinh quang, nối gót những đồng nghiệp, đối thủ cùng thời như Windows Mobile, Palm OS. Các HĐH thế hệ cũ như Symbian, BlackBerry OS vẫn tồn tại trong 1 nhóm nhỏ thiết bị nhưng chúng đều đã được nhà sản xuất lên kế hoạch thay thế: Windows Phone đang được Nokia "chọn mặt gửi vàng" trong khi RIM lại gửi gắm niềm tin ở QNX (BlackBerry OS 10). Symbian bị soán ngôi kéo theo sự tụt dốc không phanh của Nokia, người khổng lồ 1 thời của làng di động thế giới giờ đây phải trở thành kẻ "ăn nhờ ở đậu" Microsoft, hàng loạt sản phẩm ra mắt gần đây của Nokia đều không được đón nhận nồng nhiệt. Số phận của cựu vương Nokia là câu hỏi còn bỏ ngỏ lớn nhất 2011.



Hồi giữa năm Google tung ra thể nghiệm mới nhất ở mảng MXH của mình: Google+. Nếu bạn đọc nào còn nhớ cơn sốt invite Google+ thời gian đó ở Việt Nam thì bạn sẽ dễ dàng hiểu được vì sao sự kiện này lại giành được 1 chỗ trong số những khoảnh khắc đáng quan tâm nhất 2011.

Google từng nhiều lần thử nghiệm với MXH nhưng chưa 1 lần nào thành công. Bên cạnh đó Google+ là MXH thế hệ mới đầu tiên của Google với nhiều tính năng khá thú vị như khả năng quản lý bạn bè theo nhóm, chat video nhiều người cùng lúc... Điều đó lý giải phần nào tâm lý háo hức của người sử dụng dành cho Google+.

Phát triển với tốc độ chóng mặt và cán mốc 20 triệu chỉ sau 20 ngày ra mắt nhưng Google+ lại thất bại trong việc giữ chân người sử dụng. Đến thời điểm hiện tại dường như "bong bóng Google+" đã vỡ và Facebook thì vẫn chiễm chệ trên vị trí thống trị với hơn 800 triệu người sử dụng.



Có lẽ nếu có 1 sự kiện nào, cùng với những hệ lụy của nó, tiêu tốn nhiều bút mực của báo giới nhất trong năm 2011 thì đó chính là cuộc chiến pháp lý mà Apple đang phát động chống lại cả cộng đồng sản xuất Android và gián tiếp là Google. Mọi chuyện bắt nguồn từ những đơn kiện của Apple đối với Samsung, HTC hồi tháng 4 vừa qua tại Mỹ, sau đó chiến trường lan rộng ra châu Âu và 1 số nước châu Á, đặc biệt là tại "sân nhà" của Samsung: Hàn Quốc. Với kho bằng sáng chế "bạt ngàn" qua 35 năm thu thập từ nghiên cứu phát triển và mua bán sở hữu trí tuệ cùng một cái ví dày cộm, Apple tuyên bố ngầm rằng mình sẽ quyết tâm theo đuổi những vụ kiện chống Android tới cùng, cho đến khi nào trên kệ hàng sạch bóng những chiếc smartphone thuộc họ Android.

Thời gian đầu các vụ kiện của Apple tỏ ra khá xuôi chèo mát mái khi liên tục giành được những phán quyết có lợi từ tòa án. Đỉnh điểm là việc Tòa án tại Đức tuyên bố cấm bán Galaxy Tab 10.1 của Samsung trên toàn châu Âu (sau đó gói gọn lại trong lãnh thổ Đức) buộc hãng sản xuất Nam Hàn phải thay đổi thiết kế sản phẩm của mình. Nhưng tới nửa cuối 2011 vụ kiện dường như có xu hướng lấy lại thế quân bình giữa 2 bên khi HTC bác bỏ được 3 cáo buộc vi phạm từ phía Apple đồng thời tìm được ra phương án "lách luật" để tránh cáo buộc thứ 4. Bên cạnh đó Samsung cũng giành được những thắng lợi tuy nhỏ nhưng khá quan trọng trước Apple.

Cuộc chiến pháp lý mà Apple dấy lên đã khiến Google "trở mặt thành thù". Quan hệ nồng ấm giữa Apple và Google trong những năm trước đây được thay thế bằng vô số tuyên bố thù địch từ cả 2 phía. Không những thế, cuộc chiến này còn tiêu tốn tới trên 20 tỉ USD riêng trong năm 2011 mà các hãng phải chi ra để mua bản quyền cũng như các bằng sáng chế nhằm tìm cách tự vũ trang cho mình. Vụ HTC mua lại S3 Graphics với giá 300 triệu USD và Google mua lại Mototola với giá trên 12,5 tỉ USD, liên minh Apple-Microsoft mua 6000 bằng sáng chế của Nortel với giá 4,5 tỉ USD là những ví dụ điển hình.



Năm 2011 là năm của tablet và smartphone. iPad vẫn giữ được ngôi vị thống trị trong phần lớn 2011, tới một vài tháng cuối năm, cùng với sự ra mắt của Kindle Fire, tablet Android mới có được đôi chút lợi thế cạnh tranh về giá cả trước chiếc máy tính bảng của Apple. Và có lẽ 3-5 năm nữa khi kỷ nguyên hậu-PC đã hoàn tất giai đoạn chuyển giao, chúng ta có thể nhìn lại và nhớ tới năm 2011 như một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của các thiết bị non-PC. Không chỉ là sự lớn mạnh của Smartphone và tablet mà năm 2011 còn chứng kiến những sự chuyển biến ngay bên trong lòng của các sản phẩm PC truyền thống.

Ultrabook chính là những nỗ lực "tự đổi mới mình" của PC trước sự tấn công của một thế hệ những thiết bị nhỏ gọn hơn, thân thiện hơn và gần gũi với con người hơn như smartphone, tablet. Sự ra mắt của hàng chục model ultrabook từ các hãng sản xuất ăn theo thành công của Macbook Air chứng tỏ rằng sự xung đột giữa các lực lượng PC- post-PC vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2012.




Năm 2011 chúng ta chứng kiến hàng loạt sự ra đi của những cá nhân xuất sắc từng 1 thời chung tay xây dựng nên 1 thế giới công nghệ như ngày hôm nay. Những cái tên như Dennis Ricthie, Julius Blank, Micheal Hart, Steve Jobs đều từng một thời làm chủ trang nhất của các tờ báo công nghệ hàng đầu thế giới. Không phải ai trong số họ cũng được báo chí ưu ái như Steve Jobs nhưng không thể nói rằng vai trò của họ ít quan trọng hơn Steve Jobs. Sự ra đi của thế hệ lãnh đạo cũ mặc dù không gây nhiều ảnh hưởng tới thế giới công nghệ vì phần lớn trong số họ đều đã lui vào hậu trường nhiều năm. Tuy vậy sự mất mát của những cánh chim đầu đàn trong thế hệ lãnh đạo cũ cũng chứng tỏ rằng thế giới công nghệ đang chuyển mình sang 1 thời kỳ mới với một thế hệ những người tiên phong mới.

Mark Zuckerberg, Tim Cook, Jeff Bezos, Larry Page là những cái tên không hề xa lạ, phần lớn trong số đó đều đã có thâm niên nhiều năm điều hành. Tuy nhiên tương lai của thế giới công nghệ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những cái tên này. Đây cũng chính là bước chuyển sang 1 kỷ nguyên mới mà chúng ta có thể coi năm 2011 như một năm bản lề. Trong "bộ tứ" được cho là sẽ đóng vai trò định hình cả ngành công nghiệp thì Google và Apple cùng đổi CEO trong khi Facebook và Amazon đều tham gia sâu hơn vào cuộc chơi trong 2011. Chắc chắn thế hệ lãnh đạo này sẽ đem lại nhiều điều mới mẻ trong năm 2012.

Để bình chọn cho những sự kiện, xu hướng mà bạn quan tâm, xin bạn đọc hãy chọn ra những sự kiện mà bạn cho là đáng chú ý nhất trong 5 sự kiện mà chúng tôi nêu ở trên. Xin cám ơn!