Nhà marketing Phil Schiller của Apple đã giới thiệu về tính năng này của iPhone 4S là “tự chuyển giữa 2 ăng ten 1 cách thông minh để gửi và nhận”. Nhưng chính xác thì 1 ăng ten thông minh hoạt động như thế nào?
Để đưa khả năng gửi nhận nhiều loại băng tần sóng mà không ảnh hưởng lẫn nhau vào 1 thiết bị mỏng và nhỏ như iPhone 4S là cực kỳ khó. Ngay cả các nhà thiết kế và kỹ sư tuyệt vời nhất của Apple cũng đã từng thất bại với iPhone 4 khi thiết bị này gặp phải lỗi mất sóng. Nhưng khó không phải là không thể. Có vẻ như sau hơn 1 năm nghiên cứu từ iPhone 4, Apple đã tìm ra cách. Theo Aaron Vronko – đồng sáng lập Rapid Repart ở Michigan thì “2 ăng ten của iPhone 4S sẽ tự động tìm và sử dụng ăng ten có sóng tốt hơn”.
Tuy nhiên mọi thứ không chỉ đơn giản như vậy. Vì kích cỡ điện thoại rất nhỏ nên các ăng ten buộc phải đặt cạnh nhau. Và khi 2 ăng ten đặt cạnh nhau thì nó thường gây nhiễu sóng lẫn nhau. Để khắc phục nhược điểm này thì người sản xuất buộc phải đặt 2 ăng ten ở 2 phía đối diện nhau của máy – công nghệ phân tập không gian. Trên iPhone 4 của AT&T (GSM) thì 2 ăng ten lại cùng ở phía cuối máy. Khi bạn cầm vào đúng 2 góc gần ăng ten, bạn sẽ nhận thấy máy bị lỗi sóng ngay lập tức. Còn bản iPhone 4 của Verizon (CDMA) thì yêu cầu 2 ăng ten tách biệt hẳn – 1 cuối 1 đầu, và không còn hiện tượng như trên nữa.
Nhưng điện thoại là 1 thiết bị rất nhỏ, việc ngăn cách ăng ten như vậy cũng không đủ để đảm bảo lỗi sóng không xảy ra. Với băng tần thấp nhất là 900 MHz thì khoảng cách giữa 2 ăng ten cần ít nhất là 33 cm – quá to so với 1 chiếc điện thoại. Và đó là lý do các nhà thiết kế phải sử dụng công nghệ phân tập như đặt ăng ten ở các góc khác nhau hay sử dụng các kiểu ăng ten sóng khác nhau. Với iPhone 4S có lẽ Apple cũng đã áp dụng công nghệ “phân tập không gian”.
CEO Spencer Webb của AntennaSys – hãng thiết kế ăng ten cho biết ông ngạc nhiên trước việc Apple và các nhà sản xuất điện thoại khác có thể qua được bài kiểm tra về cường độ sóng an toàn của FCC. Tất cả các công nghệ chuyển ăng ten đều cần rất nhiều năng lượng trong khi điện thoại buộc phải ở dưới 1 mức độ sóng nhất định để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Làm thế nào mà Apple vừa có thể giữ iPhone 4S đủ tiêu chuẩn mà vẫn có thể cung cấp sóng cho cả GSM và CDMA? Có lẽ đó chính là bí mật của Apple.
iPhone 4S là 1 điện thoại quốc tế theo đúng nghĩa bởi máy hỗ trợ cả GSM và CDMA. Vronko đoán rằng có lẽ Apple đã tạo 1 bộ xử lý mới. “Trước đây hạn chế lớn nhất là do chi phí của các bộ xử lý sóng – bộ phận có nhiệm vụ nhận và gửi sóng tới các trạm thu phát sóng của nhà mạng”. CDMA và GSM cần những bộ xử lý khác nhau, và tích hợp cả 2 bộ xử lý trong 1 máy sẽ rất nặng và đắt tiền. Vronko cho rằng Apple đã liên lạc với các công ty sản xuất như Broadcom hoặc Marvell để chế tạo 1 bộ xử lý mới. “Điều này đã từng xảy ra, nhưng không thường xuyên”. “Trên thế giới không có nhiều điện thoại quốc tế thực sự như vậy bởi chi phí cho nó là rất lớn”. Liệu có phải iPhone 4S với mức giá 699 USD sử dụng công nghệ hiện đại này?