Bẻ... màn hình để điều khiển: Tương lai của smartphone?

Minh Lết  | 06/05/2011 12:00 PM

Ý tưởng về 1 chiếc smartphone có màn hình dẻo thật ra đã có từ rất lâu. Nhưng đến nay chúng ta mới được chứng kiến 1 mẫu thử nghiệm có tính ứng dụng.

Nếu như bạn nghĩ rằng chiếc smartphone sử dụng công nghệ cảm ứng điện dung của mình đã là một đột phá, và ngành công nghiệp smartphone sẽ dừng lại ở điện thoại màn hình cảm ứng thì rất có thể bạn sẽ suy nghĩ lại sau khi xem những clip dưới đây. (clip xem ở cuối bài)


Chiếc điện thoại mỏng như... lá lúa.

Những smartphone sử dụng màn hình cảm ứng điện dung như iPhone hiện nay vẫn còn nhiều giới hạn về công nghệ. Đầu tiên là vấn đề sử dụng pin. Màn hình lớn hơn, độ phân giải cao hơn và công nghệ cảm ứng điện dung cũng tiêu thụ một lượng kha khá điện năng đã dẫn đến hệ quả là các smartphone hiện đại thường có thời lượng sử dụng pin rất ngắn. Điện thoại nào đủ sức "gánh" 2 ngày chỉ với 1 lần sạc đã được coi là "hàng khủng", còn những smartphone nào "lết" được sang ngày thứ 3 thì phải gọi là khiến người sử dụng "khóc thét" vì sung sướng. Thời lượng sử dụng pin ở mức "chấp nhận được" của smartphone đương đại là 1 ngày.


Màn hình càng to, phân giải càng lớn, cảm ứng càng nhạy thì càng "ngốn pin" tợn.

Thêm nữa, công nghệ cảm ứng điện dung tỏ ra khá là "khó tính" khi mà bạn sẽ không sử dụng được các điện thoại có công nghệ này khi đeo găng tay, tay bị ra mồ hôi hoặc các thiết bị sử dụng... dưới nước. Và "điểm chết" cuối cùng đó là công nghệ điện dung đòi hỏi phải sử dụng màn hình bằng vật liệu cứng, thường là thủy tinh, điều này khiến màn hình cảm ứng điện dung rất giòn và dễ vỡ khi bị rơi, va đập, đồng thời các công nghệ hiển thị hiện tại hầu như đều hiển thị rất kém dưới ánh mặt trời. Kể cả các công nghệ mới nhất như CBD của Nokia, quảng cáo là sử dụng tốt dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp cũng không thực sự cho kết quả hình ảnh như ý.


Điện thoại biết... uốn dẻo vốn chẳng xa lại gì với chúng ta, nokia từng đưa ra các mẫu concept này năm 2008, dù rằng do những giới hạn công nghệ, đến nay chúng vẫn nằm trên... giấy.

Bây giờ hãy tưởng tượng 1 loại điện thoại sử dụng màn hình E-Ink (loại màn hình không hề tiêu thụ điện nếu như bạn không thay đổi hình ảnh trên đó), có tích hợp công nghệ cảm ứng, chỉ mỏng như 1 tờ giấy, và người sử dụng có thể thao tác trên màn hình bằng cách... uốn nó ở các vị trí khác nhau.

Với màn hình có các thông số kể trên, những lợi thế có thể thấy ngay được đó là chiếc smartphone của bạn sẽ có thời lượng sử dụng pin tính bằng... tuần, phương pháp tương tác với máy hoàn toàn mới, màn hình không thể vỡ được vì quá dẻo dai, càng ra ánh sáng mạnh thì càng nhìn rõ, và độ dày của chiếc smartphone chỉ còn vài ba mm.


Giống hệt như những mẫu điện thoại trong phim khoa học viễn tưởng.

Các kĩ sư của phòng thí nghiệm Human Media trực thuộc đại học Queen, Canada đã tìm ra phương pháp kết hợp tất cả những ưu điểm kể trên lại với nhau và cho ra đời chiếc smartphone biết... uốn dẻo chạy Android 2.1
 
Ban tha hồ bẻ gập, uốn cong màn hình của chiếc điện thoại này mà không hề sợ bị "cắc" một tiếng.

Thậm chí, họ còn chế tạo thêm 1 mẫu thử nghiệm nữa, điện thoại... đeo tay. Chiếc điện thoại này có khả năng cảm nhận hình dáng mà nó đang được sử dụng . Chả hạn khi đeo quanh tay bạn thì nó sẽ hoạt động với giao diện của 1 chiếc điện thoại đồng hồ, khi tháo ra thì lại trở thành smartphone dạng candybar, gấp lại nhét ví ta sẽ có 1 chiếc điện thoại nắp gập. Quả thực quá thú vị.
 
Mẫu thiết kế "điện thoại đeo tay" của Nokia đang dần hiện hữu.
 
Vì các mẫu điện thoại trên đều còn trong giai đoạn thử nghiệm nên có vẻ việc hồi đáp lại các thao tác của người sử dụng chưa được nhạy cho lắm, đặc biệt là khi "bẻ" màn hình. Nhưng nếu được các hãng lớn như Apple, Nokia để mắt đến, biết đâu đấy sẽ có 1 ngày chúng ta có thể chứng kiến mọi người đang nhẹ nhàng gập chiếc iPhone 7 nhét vào ví hoặc cuộn chiếc Nokia của mình và đeo lên cổ tay. Công nghệ này thực sự là có rất nhiều hứa hẹn trong tương lai, dù rằng chắc chắn các nhà khoa học sẽ còn rất nhiều điều phải làm trước khi có thể đưa vào sản xuất đại trà các sản phẩm như thế này. Tuy nhiên, với sự sáng tạo của con người, hãy tin tưởng rằng không có gì là không thể.

Tham khảo: Human Media Lab
Xem thêm:

smartphone