Trong quá khứ, Apple và Google vốn không phải là kẻ thù của nhau, mà hai hãng giống như tình cảnh "nước sông không phạm nước giếng". Táo khuyết vẫn chăm chăm sản xuất những sản phẩm truyền thống của mình là Mac hay iPod còn Google lại xưng hùng xưng bá ở các dịch vụ nền web.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi kể từ khi cái này Apple bắt đầu đánh dấu vị trí của mình trong lĩnh vực di động thông qua iPhone. Khi đó táo và Google vẫn là những người bạn thân thiết của nhau đến nỗi bản thân cố CEO Steve Jobs của Apple cũng đã từng nói rằng: “Chúng tôi đang hợp tác với Google để tạo nên những điều tuyệt vời”. Đáp lại, CEO Google cũng tiếp lời: "Điều đó giống như là hợp nhất 2 công ty lại và có thể gọi bằng cái tên AppleGoo".
Mọi thứ đã thay đổi quá nhanh khi mà Google bắt đầu tung ra nền tảng Android như một đối trọng dành cho iOS. Những xung đột bắt đầu xảy ra: Cả Apple và Google đều đang hoạt động trong một lĩnh vực và cạnh tranh trực diện với nhau. Steve Jobs cũng đã phải từng “lồng lộn” lên mà gọi Android là kẻ ăn cắp cũng như thề sẽ tiêu diệt nền tảng này.
Tuy là kẻ thù của nhau nhưng Apple khi đó vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào Google. Bằng chứng là các dịch vụ của gã khổng lồ tìm kiếm vẫn xuất hiện bên trong các sản phẩm iPhone, iPad của táo dưới dạng các ứng dụng mặc định là Youtube và Google maps.
Việc phải phụ thuộc vào đối thủ của chính mình là một việc mà táo khuyết không hề muốn một chút nào. Hãng đã vạch sẵn ra một kế hoạch tách khỏi Google thông qua iOS 6 với việc “đá đít” Google Maps để thay thế bằng ứng dụng do chính mình phát triển và mới đây nhất chính là việc sẽ “hất cẳng” Youtube ra khỏi phiên bản di động mới nhất này.
Động cơ
Theo như Apple cho biết nguyên nhân họ loại bỏ Youtube ra khỏi iOS 6 là do ứng dụng này đã hết hạn được sử dụng trên iOS. Bên cạnh đó là thông tin về việc Google đang phát triển một ứng dụng riêng trên App Store dành cho iOS. Thế nhưng đấy mới chỉ bề nổi của tảng băng chìm, những thứ mà các công ty luôn nói với truyền thông.
Quay trở lại với Apple, chúng ta đã quá rõ về văn hóa của Apple, một công ty luôn muốn kiểm soát mọi thứ, từ việc sản xuất sản phẩm, quảng cáo và bán sản phẩm.
Lệ thuộc vào các dịch vụ của Google đang là một trong những thứ đi ngược lại với nguyên tắc này điều đó khiến táo không thể kiểm soát được chất lượng của những ứng dụng dịch vụ này, đồng nghĩa rằng trải nghiệm người dùng sẽ có thể kém đi. Chính vì thế mà đã từ lâu Apple nung nấu ý định loại bỏ những thứ thuộc về Google ra khỏi nền tảng của mình.
Rõ ràng, khi đã là đối thủ của nhau việc phải dựa vào đối thủ không phải là một cách làm hay và thực tế Google vẫn đang nắm đằng chuôi của Apple. Lợi dụng điều này, gã khổng lồ dùng dịch vụ của như một trong những vũ khí của Android để “dìm hàng” iOS bằng cách để những ứng dụng của mình trên nền tảng iOS thua kém hơn hẳn so với ứng dụng trên Android.
Thậm chí Apple đã từng kiện Google đánh cắp tính năng định hướng bằng giọng nói turn-by-turn trên Google Maps để tích hợp lên Android.
Và nếu bạn vẫn chưa tin hãy cứ thử so sánh Google Maps và Youtube giữa Android và iOS để nhận thấy sự khác biệt rõ ràng hơn. Chẳng tội gì mà Google phải cố công phát triển một Youtube hay Google Maps hoàn hảo để phục vụ cho người dùng iOS và làm lợi cho Táo mà không phải là các tín đồ Android của mình.
Chi phí cũng là nguyên nhân cho quyết định trên của Apple. Kể từ khi mặc định YouTube vào iOS, Apple phải bỏ ra số tiền không nhỏ để duy trì, bổ sung các tính năng mới sau mỗi lần nâng cấp iOS. Với việc loại bỏ YouTube hay Google maps, Apple đã đẩy chí phí và trách nhiệm nâng cấp sang cho Google, một hành động khôn ngoan.
Ngoài ra việc Google vẫn đang kiếm được một khoản tiền kha khá thông qua việc bán bản quyền phần mềm của công cụ tìm kiếm, Google Maps và Youtube cho nền tảng iOS. Điều này chắc chắn sẽ làm táo khuyết nóng mắt bởi số tiền này thậm chí còn lớn hơn số tiền mà Google kiếm được từ Android.
Theo một báo cáo của Guardian ước tính thì mỗi thiết bị iOS của Apple mang về cho Google doanh thu nhiều khoảng gấp 4 lần so với mỗi thiết bị Android. Loại bỏ những ứng dụng của Google ra khỏi iOS số tiền này có thể chảy vào túi của Apple thay vì đối thủ của chính họ.
Lợi bất cập hại
Độc lập hoàn toàn khỏi Google sẽ mang lại cho cả Apple và Google những cái lợi và nhiều vấn đề cẩn phải giải quyết.
Về phía Apple, gỡ bỏ Google Maps và thay bằng ứng dụng Maps của chính mình sẽ là một rủi ro cực lớn. Nếu "iMaps" được người tiêu dùng chấp nhận thì Apple sẽ không thể vui hơn nhưng nếu Maps thất bại thì đây lại là một bước đi sai lầm của Apple. Lường trước được những khó khăn và rủi ro, Apple đã lên kế hoạch để tự phát triển ứng dụng bản đồ của mình.
Đây lại là một việc làm rất tốn thời gian, không thể xong trong một sớm một chiều. Sai sót là điều có thể xảy ra. Thực tế thì, ứng dụng mới của Apple đã xảy ra nhiều sai sót và vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.
Đối với Google, ai cũng nghĩ là họ sẽ chịu thiệt nhưng trong cái rủi lại là cái may. Gã khổng lồ tìm kiếm sẽ có nhiều lựa chọn linh hoạt hơn bằng cách tự phát triển ứng dụng YouTube riêng dành cho người dùng. Lợi thế ở đây chính là việc người dùng iOS đã quen với sự xuất hiện của Youtube, do vậy mà nhiều khả năng ứng dụng này sẽ được đón nhận nồng nhiệt.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng Apple đã từng thử nghiệm rất thành công định dạng video HTML và khi được tự phát triển ứng dụng riêng thì quá trình chuyển đổi từ video flash sẽ được diễn ra nhanh hơn. Qua đây tạo đà cho việc nâng chất lượng video lên tầm cao mới.
Từ đó Google hoàn toàn có thể nâng cao trải nghiệm người dùng khi sử dụng ứng dụng của mình bằng cách cập nhật thường xuyên hơn mà không còn phải chịu sự chi phối của Apple.
Chính vì thế mà cha đẻ của Android có thể tự kiểm soát hiển thị các quảng cáo trên YouTube cũng như làm lợi thêm cho riêng mình. Bởi video đang trở thành lĩnh vực làm ăn béo bở cho các nhà quảng cáo trên các thiết bị di động và số lượng người sử dụng nền tảng iOS cực lớn cũng sẽ là một món hời không nhỏ dành cho gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm. Xét cho cùng thì Google vẫn chính là kẻ được hưởng lợi chính từ nước cờ của Apple.
Còn với người dùng, điều bất tiện đối với họ đó là sẽ không được sử dụng iOS 6 với Youtube được tích hợp sẵn mà sẽ phải tải thêm ứng dụng riêng hoặc xem trực tiếp trên Safari. Tất nhiên việc cạnh tranh giữa các ứng dụng của Apple và Google đều đang phục vụ chung một lợi ích bên cạnh việc kiếm tiền đó là nâng cao trải nghiệm người dùng.
Kết
Nước đi xóa bỏ Youtube ra khỏi nền tảng iOS của mình đang đánh dấu kết thúc cho tuyên ngôn của Táo Khuyết về việc dựa dẫm vào Google. Giờ đây, Apple cũng đang đánh dấu những bước chân chập chững của mình vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ nhằm hỗ trợ tối đa cho những sản phẩm của mình. Đó vẫn là một Apple độc quyền mọi thứ, vẫn là một Apple luôn biết cách kiếm tiền và làm người dùng hài lòng.