Apple nên làm kẻ tiên phong sáng tạo hay bá vương ở thị trường di động?

PV  | 23/07/2012 0:00 AM

Giữ danh hiệu "kẻ tiên phong sáng tạo" chưa chắc đã vui.

Hiện tại, Apple với các sản phẩm đỉnh cao như new iPad và iPhone 4S vẫn đang giữ được vị trí dẫn đầu trên thị trường di động. Dù bị các đối thủ như Galaxy S III và đội quân Android đuổi theo khá sát, nhưng Apple vẫn đang có khoảng cách nhất định với “phần còn lại của thế giới smartphone”, nhất là ở phân khúc cao cấp.



Nhưng sẽ sớm thôi, Android mà Google và các nhà sản xuất dày công gầy dựng đã và đang có dấu hiệu đuổi kịp và vượt qua Apple. Vậy thì lựa chọn của hãng này sẽ là gì?

 

Tiếp tục sáng tạo ra các “khái niệm” mới để tiếp tục trở thành ông vua sáng tạo của thế giới di động, hay lựa chọn cách “đi xuống” để giữ được ngôi vương của mình trường tồn. Hãy cùng GenK soi 2 lựa chọn này của Apple.

 

Kẻ tiên phong sáng tạo

 

Đã có nhiều bài báo chứng minh các “khái niệm” Apple đưa ra không mới, những “tablet”, “cảm ứng điện dung”,… đều chẳng phải có trước khi iPad và iPhone ra đời vài năm ư? Nhưng cái thành công của Apple, đó là in được vào đầu người tiêu dùng ý nghĩ rằng, Apple chính là kẻ tiên phong sáng tạo ra các công nghệ ấy.



Cũng không thể phủ nhận, ngoài sự marketing tài năng của Steve Jobs và cộng sự, sản phẩm của Apple thực sự tốt. Bởi khi muốn đưa con người tới những khái niệm mới, những sản phẩm của Apple buộc phải tốt hơn các sản phẩm đương thời, để người tiêu dùng nhận ra giá trị của sản phẩm mà ghi nhớ nó.

 

Vì thế, dù Microsoft có là người đầu tiên đưa ra khái niệm “Tablet PC” từ những năm 2000, thì khách hàng vẫn nghĩ Apple là kẻ sáng tạo ra khái niệm Tablet vào năm 2010.

 

Nhưng sáng tạo, không phải chỉ là làm ra những cái mới từ hư vô, mà phải có một nền tảng nhất định. Ở các sản phẩm của Apple, nền tảng ấy chính là công nghệ. Công nghệ cảm ứng chín muồi, cộng với sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên Apple đã cho ra chiếc iPhone cảm ứng vượt trội các đối thủ năm 2007.

 

Đã 5 năm kể từ ngày đó, và giờ đây những gì người ta thấy ở iPhone chỉ là những cải tiến “bình thường”, thậm chí có những nâng cấp đã có từ lâu trên Android. iPhone thế hệ thứ 6 có gì, theo những tin đồn? Chip lõi tứ ư, HTC One X ra mắt từ tháng 2 năm nay, 4G LTE thì đã được các điện thoại Android ra từ cách đây cả năm trời sử dụng. Những nâng cấp của iPhone, nếu có, cũng chỉ là những “thêm thắt” về phần mềm đơn giản và không có gì vượt trội.



Concept iPhone 5.

 

Vì cơ bản, tiến bộ công nghệ đã đến giới hạn. Apple sẽ khó lòng biến mình thành kẻ tiên phong sáng tạo, khi tất cả công nghệ hiện tại trên nền di động phát triển nóng mấy năm vừa qua đạt tới độ bão hòa.

 

Và, nguy cơ của việc mãi mãi trở thành kẻ sáng tạo là không nhỏ. Nếu cứ cố sức phát triển mạnh mẽ hơn, Apple sẽ gặp nguy cơ lớn. Trong khi HĐH Android đang dần rút ngắn khoảng cách với iOS về trải nghiệm người dùng và đội quân Android đang phủ khắp tất cả các phân khúc smartphone. Apple chỉ giữ mình ở mức đỉnh cao, và giá bán cũng cao nốt. Android đã vượt iOS về lượng, khi số thiết bị bán ra của Android cao hơn gấp đôi so với lượng bán ra của iOS. Và ngày vượt về chất có lẽ chẳng còn xa.

 

Khi mà Android chiếm lĩnh gần hết phân khúc smartphone bình dân, các thiết bị đỉnh của Apple sẽ bị sức ép cực lớn. Các iPhone, iPad mới của Apple, phải chiến đấu hết sức mình với các sản phẩm “tâm huyết” của các hãng Android. Samsung, HTC và LG đều đang cố sức để làm những chiếc smartphone đầu tàu của mình. Nỗ lực của Samsung từ Galaxy S I đã được đền đáp, khi hãng này đã cán mốc bán 10 triệu chiếc điện thoại Galaxy S III sau gần 3 tháng. HTC và LG có vẻ đang kém hơn ở cuộc chiến này, nhưng họ vẫn nỗ lực để chiến đấu với iPhone.

 

5 năm qua, iPhone là biểu tượng của làng điện thoại, nhưng biểu tượng ấy từ chỗ đang là kẻ vượt xa các đối thủ, trở thành kẻ chỉ nhỉnh hơn các smartphone Android “nửa cái đầu”.

 

Nếu cứ tiếp tục ép công ty mình trở thành kẻ tiên phong sáng tạo trong làng di động, trong khi giới hạn công nghệ đã gần như bão hòa, Apple có thể sẽ kiệt sức và bị vượt qua.



Samsung Galaxy S III - đối thủ nguy hiểm nhất với iPhone hiện tại.

 

Nhưng vẫn còn lối thoát cho Apple, nếu họ lựa chọn “đi xuống”.

 

“Đi xuống” và giữ vững ngôi vua di động

 

Cách đây hơn một tháng, những tin tức về việc Apple tái sản xuất iPhone 3GS tràn đầy trên báo, những tin này, có cùng định dạng với tin tức về một chiếc iPhone “Mini” với giá dưới 300 USD.

 

Hiện tại, hình thức bán hàng không kèm hợp đồng với nhà mạng khá phổ biến ở các nước có nền kinh tế mới nổi ở châu Á như Trung Quốc và Việt Nam. Apple đang bán iPhone 3GS bản 8GB với giá khoảng 450 USD ở Trung Quốc, một cái giá khá chát nếu so với giá các smartphone Android cùng cấu hình. Và hiện tại ở Việt Nam giá chính hãng là 7 triệu đồng cho bản iPhone 3GS 2012 có dung lượng 8GB.


 

Nhưng nếu Apple sẵn sàng bán iPhone 3GS với giá 300 USD hay thậm chí là 250 USD, hãng sẽ khiến các đối thủ Android phải run sợ. Hiện tại, chi phí sản xuất iPhone 3GS đã rẻ hơn rất nhiều so với trước kia. Cũng như linh kiện sản xuất PC, phần cứng di động cũng giảm giá dần theo thời gian. Và ở cái thời điểm mà cuộc chiến di động đang nóng hơn bao giờ hết, thời gian lỗi thời công nghệ của các linh kiện càng bị rút ngắn lại, dẫn tới giá của thiết bị sẽ rẻ hơn rất nhiều.

 

Cùng nhớ lại, vào thời điểm tháng 6/2009, chi phí vật liệu toàn bộ (BOM) cho một chiếc iPhone 3GS 16GB là khoảng 179 USD, cộng với chi phí bản quyền phần mềm mà Apple tính trên mỗi chiếc iPhone, giá thành của sản phẩm này chỉ là khoảng dưới 250 USD. Thế nhưng, Apple vẫn bán iPhone 3GS với giá 499 USD. Dĩ nhiên, giá bán của sản phẩm ngoài chi phí nguyên vật liệu và bản quyền còn bao gồm chi phí marketing, quảng cáo, phân phối và nhiều chi phí khác. Nhưng chắc chắn Apple vẫn lời lớn với iPhone 3GS.

Vào thời điểm 2012, không khó để tưởng tượng nếu Apple bán iPhone 3GS với giá 300 USD, lợi nhuận sau khi trừ BOM của Apple nằm trong khoảng 150 tới 200 USD.

 

Dĩ nhiên, với việc bán với mức giá tầm trung, Apple phải chịu cắt giảm lợi nhuận của mình trên iPhone 3GS, chứ không hốt bạc như thời kỳ 2008 2009. Nhưng, đánh đổi với nó là khá nhiều lợi ích cho Apple.

 

Hiện tại, phân khúc tầm trung đang bị Android làm mưa làm gió, một Windows Phone còn non trẻ và ít thiết bị cũng như chưa có một hệ sinh thái đủ mạnh và một Symbian đã quá cũ kỹ chẳng phải là đối thủ của Android. Nhưng iPhone 3GS giá 300 USD lại là một câu chuyện khác.



Samsung Galaxy Ace 2.


Với tầm giá 300 USD, hiện tại có thể mua được Samsung Galaxy Ace 2, Sony Xperia Neo V, HTC One V,… với cấu hình hơn hẳn 3GS. Nhưng tin tôi đi, sự quyến rũ của thương hiệu Apple và kho phần mềm khủng trên iOS sẽ là một lực cản lớn để người dùng tìm tới Ace 2 hay các sản phẩm cùng tầm giá. Hơn nữa, sự kết hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm trên iPhone 3GS đủ để sự vượt trội về cấu hình của các sản phẩm Android cùng tầm giá trở nên không còn nhiều ý nghĩa.

 

Cái giá 7 triệu mà Apple phân phối iPhone 3GS ở Việt Nam đã là sự đe doạ lớn tới Android tầm trung. Nhưng thế là chưa đủ, cái giá đó chỉ khiến người dùng phân vân và chỉ một số người dùng chuộng thương hiệu Apple sẽ chọn iPhone 3GS thay vì sản phẩm Android mà thôi.

 

Nếu “chịu” hạ giá iPhone 3GS thêm một chút, Apple sẽ càn quét phân khúc tầm trung, và sẽ lấn chiếm lại sân chơi đang bị anh em nhà Android bá chủ. Và rồi, tháng 10 tới đây, nếu iPhone thế hệ 6 ra đời, Apple hạ giá iPhone 4 xuống với mức 300 đến 350 USD, Android tầm trung sẽ bị đe doạ nghiêm trọng.

 

iPhone vẫn đang cạnh tranh quyết liệt với Android ở phân khúc cao cấp, và những chiếc điện thoại như Galaxy S III đã và đang là mối đe doạ cho iPhone thế hệ mới nhất. Thế nên, nếu đánh chặn Android ở phân khúc tầm trung, Apple sẽ khiến cho địch thủ của mình phải cảm thấy run sợ.

 

Lợi nhuận cho mỗi chiếc smartphone ở phân khúc tầm trung của các nhà sản xuất Android không cao, bù lại, doanh số bán hàng của họ lại rất lớn. Và với ước vọng cháy bỏng lật đổ iPhone, các nhà sản xuất Android có thể “tích tiểu thành đại” gom tiền thu được ở việc phân khúc tầm trung để chế tạo những chiếc Android đỉnh cao có thể vượt mặt iPhone.


 

Nhưng nếu Apple tấn công xuống phân khúc tầm trung, hãng sẽ làm mất đi phần nào “kho tiền” của đội quân Android, từ đó làm giảm sức ép tới phân khúc cao cấp.

 

Nếu tiếp tục “bướng bỉnh” để chiến đấu với phân khúc cao cấp, thị phần di động của Apple sẽ bị thu hẹp dần dần. Trong bối cảnh Android ngày càng tốt và đạt tới giá trị sử dụng bằng hoặc hơn iPhone, Apple sẽ tự đưa câu chuyện về iPhone đi theo con đường của máy Mac. Được cho là tân kỳ hơn, kiểu dáng hấp dẫn hơn đấy, nhưng cái giá quá cao và cấu hình thiếu đa dạng đã khiến thị phần của Mac chỉ là tý hon so với sự bá đạo của Windows.

 

Như vậy, lựa chọn thế nào đem lại lợi ích lớn nhất cho Apple đã khá là rõ ràng. Thế nhưng, thực sự thì ban lãnh đạo Apple sẽ quyết định thế nào? Apple trước kia rất dị ứng với việc bán sản phẩm của mình với giá rẻ, thế nhưng đó là thời đại của Steve Jobs, còn hiện tại, CEO của Apple là Tim Cook.

 

Là một người có thiên hướng thuần về kinh doanh và tạo sức mạnh hơn cố CEO của Apple, Tim Cook chắc hẳn sẽ hướng tới các lựa chọn đem lại sức mạnh thực sự và vững chắc cho Apple, chứ không phải là một sự vượt trội, phá cách như Steve Jobs đã từng làm trước kia.



Tim Cook có tư duy kinh doanh khá khác biệt so với người tiền nhiệm.

Việc tái sản xuất iPhone 3GS của Tim Cook cho thấy dấu hiệu về một Apple "tham lam" hơn, sẵn sàng giảm giá để đua tranh với Android ở phân khúc trung cấp để giữ vững sự thống trị của hãng ở thị trường di động và ngăn chặn sự lớn mạnh của các đối thủ.