Android đối mặt với một tương lai đầy bất trắc

PV  | 26/04/2012 0:00 AM

Bài viết này sẽ liệt kê một loạt các vấn đề mà nền tảng Android hiện nay đang phải đối mặt.

Bên cạnh yếu tố phân mảnh đã tồn tại từ lâu thì Android còn phải đối mặt với việc các nhà phát triển ứng dụng, những nhà mạng và các đối tác quay lưng lại với mình.
 
 
 
 
 
Trong năm 2011, Android đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của làng di động nhưng có lẽ 2012 sẽ là một năm không mấy suôn sẻ đối với nền tảng này. Bài viết này sẽ liệt kê một loạt các vấn đề mà nền tảng Android hiện nay đang phải đối mặt.
 
Đầu tiên là việc Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD là một tin xấu đối với Android. Bởi vì điều này đồng nghĩa với việc một nhà phát triển hoàn toàn có khả năng tự xây dựng thành công một sản phẩm khiến cả thế giới phát sốt mà chẳng cần đến Android.
 
 
Có lẽ nhiều người vẫn cho rằng Instagram có thể bán được với mức giá 1 tỷ USD là do nó đã đổ bộ lên nền tảng Android. Nhưng sự thật là Instagram đã chấp nhận những đề nghị từ phía Facebook từ trước khi phiên bản chia sẻ ảnh di động dành cho Android chính thức xuất hiện. Việc được ra mắt trên Android đã khiến cho Instagram có thể nâng thêm giá trị của nó thêm khoảng 500 triệu USD lên 1 tỷ USD.

Thông tin này mang đến một thông điệp khá rõ ràng cho các nhà phát triển đó là hãy tập trung phát triển ứng dụng trên iOS trước rồi sau đó mới đến lượt Android. Trên thực tế thì điều này đang hiển hiện khi mà các nhà phát triển trước kia vốn tập trung Android thì nay đã bắt đầu quay lưng lại với nền tảng này. Việc các nhà phát triển ứng dụng không mấy hào hứng với Android đã tạo ra một hệ quả là lượng người sử dụng nền tảng này sẽ nhanh chóng giảm dần.


Bảng so sánh sự hứng thú của nhà phát triển với các nền tảng HĐH di động.

Một vấn đề của Android nữa là hệ điều hành này không có nhiều lợi thế trên máy tính bảng, một thị trường vốn đang được cho là sẽ đem đến một cơ hội cho Android để đánh bại iOS và thống trị thị phần máy tính bảng của toàn thế giới. Nhưng câu chuyện trên tablet lại không có cốt truyện giống như trên smartphone. Lý do duy nhất khiến cho Android đánh bại iPhone là nền tảng di động của Google được hỗ trợ bởi nhiều nhà mạng trong khi những người muốn mua iPhone chỉ có thể có được chiếc điện thoại này thông qua việc ký hợp đồng với nhà mạng AT&T. Trái ngược với smartphone, thị trường máy tính bảng thường ít bị phụ thuộc vào các nhà mạng hơn do đó các tablet chạy Android gần như là bị lép vế so với chiếc iPad của Apple.
 
 
Điều này thực sự là gánh nặng đối với Google, nền tảng Android của hãng vẫn không thể đuổi kịp đối thủ Apple trên thị trường máy tính bảng. Thành công duy nhất mà Android có được là nhờ vào dòng máy tính bảng Kindle Fire của Amazon. Tuy vậy thì thành công của Kindle Fire cũng lại một lần nữa cho thấy rằng chẳng cần phải quá phụ thuộc vào Google để tạo ra một sản phẩm của riêng mình và các công ty khác cũng đã dần dần nhận ra điều này từ đó họ đang cố gắng ít lệ thuộc vào hệ điều hành của Google hơn.
 
Năm 2012 được dự đoán sẽ là năm “phân nhánh của Android”. Điều này có nghĩa là các hãng sản xuất thiết bị đơn cử như Amazon hoàn toàn có khả năng “mượn” một vài tính năng cơ bản của Android để tự phát phát triển một nền tảng khác cho các sản phẩm của mình. Các hãng sản xuất điện thoại tên tuổi như Samsung, HTC... cũng không còn muốn trở thành một nhà cung cấp nền tảng Android đơn thuần nữa mà thay vào đó họ đang tự phát triển một nền tảng của riêng mình, Bada của Samsung là một ví dụ không thể tốt hơn.
 
 
Bên cạnh đó tất cả đối tác sản xuất điện thoại của Google đều tỏ ra rất dè dặt về quyết định mua lại Motorola của Google. Lý do là bởi họ đang bị ám ảnh và sợ bị “chơi một vố đau” khi Google có nhiều khả năng sẽ bắt chước Apple khi tự phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm của thiết bị cho mình. Cái giá phải trả cho việc này cũng khá đắt: Gã khổng lồ ngành tìm kiếm sẽ làm phật lòng các đối tác của mình. Dẫu vậy thì Google vẫn còn khá may mắn khi hiện tại các đối tác của hãng này không có lựa chọn nào khác ngoài Android bởi họ không thể sử dụng iOS trong khi Microsoft lại đang “bận rộn” với Nokia nhưng trong tương lai lâu dài thì ai có thể biết trước được điều gì? 

Việc Google làm phật ý các đối tác của mình sẽ khiến cho những nhà sản xuất thiết bị di động này sẽ quay ngoắt 180 độ để biến từ bạn trở thành thù. Android đã có quá nhiều rắc rối rồi và thêm điều này nữa thì liệu rằng nền tảng của Google sẽ bị sụp đổ?
 
 
Phải chăng là điều này đang diễn ra khi một trong các nhà phân phối smartphone Android chính của Google là Verizon đã tuyên bố sẽ làm mọi cách để “kiềm chế” Android. Fran Shammo, giám đốc điều hành của nhà mạng này cho biết hãng này sẽ chuyển sang ủng hộ Windows Phones. Ông cho hay:“Chúng tôi đã đóng góp sức để xây dựng một nền tảng Android tuyệt vời như ngày hôm nay và chúng tôi sẽ làm điều tương tự như vậy với một hệ điều hành khác.” 

Không chỉ có Verizon, mà AT&T cũng đã tuyên bố sẽ dành ra 150 triệu USD để phát triển thị trường Windows Phone. Chưa xét đến việc Verizon và AT&T có thành không hay không nhưng đây thực sự là một tín hiệu xấu dành cho Google. 

Để khách quan hơn, chúng ta hãy cùng nhìn vào các số liệu được tổng hợp dưới đây.


Không khó để nhận thấy rằng tỷ lệ sử dụng phiên bản Android mới nhất còn khá thấp. Theo đó thì chỉ có 2,9% thiết bị di động đang sử dụng Android ICS 4.0 trong khi có tới 63,2% số các thiết bị sử dụng Android Gingerbread 2.3 và 23,1% số còn lại sử dụng Android 2.2. Điều này chỉ ra rằng có đến 86.3% số người dùng Android đang sử dụng các phiên bản cũ. Mặc dù các thông tin gần đây cho thấy số lượng các thiết bị được nâng cấp lên Android 4.0 đang tăng lên nhưng với những khó khăn đang vướng phải rất khó để cho Google có thể duy trì một mức tăng ổn định được. Phân mảnh vẫn là một bài toán chưa có lời giải dành cho Android nói riêng và Google nói chung.

Chính vì thế mà khi muốn sử dụng phiên bản mới nhất của Android, người dùng bắt buộc phải mua một chiếc smartphone mới và nó khiến cho mọi nỗ lực tạo ra những phiên bản cập nhật nền tảng Android tốt nhất của Google không đạt được hiệu quả mong muốn. Trong khi người dùng iPhone luôn luôn được trải nghiệm với bản cập nhật iOS mới nhất của Apple, thì người dùng Android lại phải sử dụng những phiên bản cũ hơn. Một vấn đề tuy không mới nhưng cũng chẳng bao giờ cũ khi nói về Android.
 
 
Tổng hợp lại các vấn đề trên, bao gồm việc Google vắng bóng các nhà đầu tư, "gây hấn" với các đối tác sản xuất thiết bị, nền tảng bị phân mảnh nghiêm trọng, và bị các nhà phân phối quay lưng lại, chúng ta có thể thấy một nền tảng đã gần như thống lĩnh thị trường thế giới như Android đã phải dừng bước trước những rắc rối bất ngờ ập đến.

Tham khảo: BusinessInsider