Ai sẽ là ông chủ mới của RIM?

PV  | 06/04/2012 0:00 AM

RIM đang trở thành mục tiêu săn đón của các đại gia di động trong đó có Nokia, Microsoft và Facebook.

Tính đến hết quý IV năm 2011, hãng di động nổi tiếng một thời RIM mới chỉ đạt mức doanh thu 4.2 tỷ USD, giảm 25% so với con số 5,6 tỷ USD vào cùng kỳ năm ngoái, không những thế hãng này còn thua lỗ tới 125 triệu USD. Các cồ đông của BlackBerry đã lên tiếng kêu gọi những người quản lý phải tìm ra một hướng đi mới cho hãng điện thoại này. Thực sự thì RIM đang được đặt trong một trạng thái nguy khốn nhất trong lịch sử của hãng: "Chúng tôi đang tuyệt vọng và có thể sẽ buộc phải bán công ty." nhưng liệu rằng kế hoạch này có cứu được con tàu đang sắp chìm không?
 
 
Trong thời điểm này, rất khó để RIM có thể trở lại trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều đại gia di động khác. Sản phẩm của họ không thể vượt qua cái bóng quá lớn của Apple hay Google một phần vì RIM sở hữu một hệ điều hành tương đối khác biệt so với với iOS hay Android. Thị phần của RIM và lòng tin của người tiêu dùng đang tuột dốc không phanh hơn bao giờ hết. Do vậy việc bán công ty đang là một giải pháp hữu ích được đưa ra trước khi "dâu đen" chính thức tuyên bố phá sản. Nhưng vấn đề ở đây là những công ty nào muốn mua lại RIM và họ sẵn sàng trả bao nhiêu để sỡ hữu công ty này?
 
Dưới đây là danh sách các công ty có thể muốn thôn tính RIM. Một số người nghĩ đây là hành động sai lầm, nhưng nếu thành công nó sẽ là một trong những thương vụ đình đám nhất trên thị trường smartphone.
 
1. Samsung, HTC, LG, Motorola (Google), hoặc Nokia
 
Tất cả các nhà sản xuất smartphone hàng đầu đang đấu tranh để cố gắng tồn tại trong một thị trường di động đầy khó khăn và cạnh tranh. Trong thị trường này thì thị phần lớn chính là một lợi thế cạnh tranh không nhỏ giúp họ có nhiều khách hàng hơn từ đó thu được nhiều tiền hơn để tiếp tục đầu từ và phát triển. Những nhà sản xuất di động này hoàn toàn có thể mua lại RIM để tăng thêm thị phần và củng cố hình ảnh của mình trong mắt người tiêu dùng.
 
 
2. Microsoft
 
Microsoft đang cố gắng tấn công vào thị trường di động với vũ khí Windows Phone, hãng phần mềm hàng đầu thế giới này hầu như vẫn chưa có tiếng nói đáng kể nào trên thị trường smartphone. Mặc dù việc sở hữu RIM sẽ không thể mang lại cho Microsoft vị trí dẫn đầu thị trường, nhưng nó cũng có thể giúp công ty của Bill Gates chiếm được một chỗ đứng vững chắc hơn bởi rất có thể nhiều người sẽ lựa chọn sự kết hợp giữa Windows Phone và RIM thay vì theo số đông để chọn giữa iOS hoặc Android.
 
 
3. Facebook
 
Facebook hoàn toàn có đủ khả năng và đủ "lực" để tự sản xuất được điện thoại của riêng mình. Facebook cũng có giá trị vốn hóa lớn xấp xỉ khoảng 100 tỉ USD và do đó có được RIM sẽ giúp Facebook nắm lợi thế cạnh tranh trên thị trường nếu như họ muốn thâm nhập vào thị trường di động tiềm năng nhưng đầy thách thức.
 
 
4. Amazon
 
Amazon với chiếc máy tính bảng Kindle Fire đang làm mưa làm gió trên thị trường tablet Android. Rất nhiều người nghĩ rằng Amazon sẽ sớm tham gia vào cuộc chiến smartphone. Khác với các ông lớn di động khác, Amazon không hề có ý định sản xuất một chiếc máy tính bảng hiện đại nhất mà thay vào đó hãng này chỉ muốn tablet và smartphone của mình phải có giá thành phải chăng để nhắm vào thị trường tiêu dùng đại chúng. Bên cạnh đó, Amazon cũng hỗ trợ người dùng các tiện ích hữu dụng khi họ mua sản phẩm của mình thông qua kho nội dung số đồ sộ. Cũng giống như nhiều công ty khác, Amazon rất muốn sở hữu một nền tảng hệ điều hành của riêng mình như RIM để sử dụng trên máy tính bảng hay điện thoại của hãng thay vì phụ thuộc vào việc sử dụng Android hoặc Windows.
 
 
5. Dell, HP, Acer và các nhà sản xuất PC khác
 
Có rất ít cơ hội để cho các hãng này mua lại RIM bởi vì họ không có nhiều kinh nghiệm khi sản xuất điện thoại và máy tính bảng. Nhưng nếu mua lại công ty này, họ sẽ chỉ xem việc có được RIM như là một cách để gia tăng thêm lợi nhuận của mình mà thôi.
 
 
6. Intel
 
Intel đã tuyên bố rằng họ sẽ sản xuất smartphone và họ đã chuẩn bị tiền để sẵn sàng chi trả cho thương vụ này nếu như RIM tuyên bố bán công ty. Mọi người đều nghĩ rằng Intel sẽ khó thành công khi hướng vào thị trường tablet hay smartphone nhưng rõ ràng Intel lại không nghĩ như vậy, hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới đang chực chờ cơ hội để nhảy vào sở hữu RIM.
 
 
Bên cạnh việc mua lại RIM để tăng thêm thị phần di động thi cũng có những lý do hấp dẫn khác khiến RIM trở thành một món hàng hấp dẫn đối với các hãng công nghệ.
 
Trước tiên, RIM sở hữu rất nhiều bằng sáng chế. Những bằng sáng chế này hiện nay rất có giá trị và đặc biệt hữu ích trong lĩnh vực di động nhất là trong bối cảnh cuộc chiến giữa các hệ điều hành di động vẫn chưa thể có hồi kết. Mua lại RIM, các hãng sản xuất smartphone lớn sẽ có trong tay một tấm khiên lớn để có thể tự bảo vệ mình trước cuộc chiến pháp lý vô nghĩa này.
 
 
Thứ hai, RIM đang có khoảng 2 tỷ USD tiền mặt và lợi nhuận mà hãng đạt được vẫn còn tương đối cao. Hoạt động kinh doanh của RIM sẽ vẫn tiếp tục sinh lời trong một thời gian dài trước khi lợi nhuận của hãng này bằng con số không. Trên thực tế, quý vừa rồi, RIM thu về hơn 600 triệu USD. Nếu các nhà sản xuất BlackBerry biết thắt chặt chi tiêu và dừng một số khoản đầu tư lãng phí thì rất có thể họ đã tránh được tình trạng như hiện nay. Do đó, tài chính cũng là một lý do để các nhà đầu tư cân nhắc việc sở hữu RIM.
 
Tham khảo: Businessinsider