Ép xung trên máy tính là chuyện "xưa như Diễm" đối với gamer. Từ thời... thượng cổ người ta đã muốn máy tính của mình chạy nhanh hơn, mạnh hơn mà không phải bỏ thêm quá nhiều chi phí nâng cấp. Nói cho cùng, tội gì phải móc ví, khi mà bạn hoàn toàn có thể "thúc" cỗ máy già nua hối hả lên và làm việc năng suất hơn chỉ bằng cách ép xung. Giờ đây, cơn sốt ép xung cũng đã lây lan sang cả các thiết bị cầm tay, mà sôi sục nhất vẫn là với các smartphone.
Ép xung giúp Xperia Play có tuổi phục vụ dài hơn, chậm bị thay thế và lạc hậu hơn.
Thực ra chuyện ép xung trên smartphone cũng không phải là quá mới. Cách đây 1 vài năm, đã có lác đác những dự án của cộng đồng phát triển các phương pháp ép xung cho chiếc smartphone chạy Symbian hay Windows Mobile. Tuy nhiên vì kiến trúc xử lý và những hạn chế về xung nhịp của CPU thời đó, việc ép chiếc smartphone của bạn chạy nhanh thêm vài trăm MHz cũng chẳng mang nhiều ý nghĩa. Thế nhưng mọi chuyện dường như thay đổi hoàn toàn khi các smartphone chạy Android ra đời và cuộc chạy đua cấu hình giữa các smartphone này bắt đầu khởi động.
Giờ đây, dường như tốc độ xử lý của 1 smartphone là điều được "người người, nhà nhà" cùng quan tâm. Điểm benchmark của 1 thiết bị đã trở thành thước đo chuẩn cho sức mạnh và đẳng cấp của thiết bị đó. Và với những yêu cầu xử lý ngày càng cao, việc ép xung để chiếc smartphone của bạn chạy nhanh hơn thực sự đã có những ứng dụng cụ thể hơn là chỉ "làm cho vui" như trước kia. Ép xung lên, và chiếc smartphone của bạn sẽ duyệt web mượt mà hơn, chơi game đỡ giật hơn, thậm chí là có thể xử lý được những công việc mà trước kia nó không thể. Xem film HD chẳng hạn.
Ép xung giúp chiếc smartphone của bạn chạy mượt hơn.
Đọc đến đây, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy hăng hái muốn tìm cách ép xung chiếc điện thoại của mình ngay, nhưng xin bạn hãy nán lại đôi chút. Ép xung cho chiếc smartphone của bạn là 1 công việc đòi hỏi chuyên môn và hiểu biết tương đối sâu về phần cứng cũng như phần mềm của máy. Những hiểu biết như trên, không phải ai cũng có được, vì thế chúng ta thường chọn cách "ăn sẵn". Nghĩa là tìm 1 kernel đã được ép xung sẵn và flash vào máy, sau đó chỉ việc cài thêm 1 phần mềm điều chỉnh xung nhịp CPU như SetCPU hay Overclock để điều chỉnh xung nhịp CPU theo ý của mình.
Tương đối đơn giản. Nhưng vấn đề là ở chỗ, không phải smartphone nào cũng có khả năng ép xung như nhau. Tất cả phụ thuộc vào chipset mà smartphone đó sử dụng. Có những dòng chip cho khả năng ép xung đến 200% mà máy vẫn hoạt động ổn định, trong khi đó lại có những dòng chip bị nhà sản xuất khóa cứng xung nhịp, không thể overclock được.
Nếu bạn có ý định sắm cho mình 1 chiếc smartphone và có ý định ép xung, thì có lẽ bạn sẽ muốn để mắt tới các smartphone sử dụng những chipset sau đây, chúng là những chipset có khả năng chạy ở xung nhịp cao hơn rất nhiều so với xung nhịp thiết kế.
* Lưu ý: Việc ép xung bất kỳ CPU nào cũng là việc làm nguy hiểm và có thể dẫn tới những hư hỏng hoặc trục trặc trên thiết bị của bạn. Chúng tôi không khuyến khích việc ép xung cũng như sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về những hư hỏng mà bạn gặp phải khi bạn thực hiện công việc này.
1. Qualcomm Snapdragon MSM 8255 : Khả năng ép xung thêm 100%
Thiết bị sử dụng: HTC Desire HD, Desire S; Sony Ericsson Xperia Arc, Play, Pro, Neo...
8255 thuộc thế hệ SoC thứ 2 trong dòng Snapdragon của nhà sản xuất Qualcomm. CPU của 8255 chạy ở xung nhịp 1GHz và có khả năng ép xung lên đến 100%. Khi chạy ở xung nhịp 2 GHz, 8255 cho kết quả benchmark đạt đến gần 3700 điểm, một con số vượt qua cả những SoC lõi kép như Tegra 2. Rõ ràng, việc gì phải nâng cấp chiếc Desire HD của bạn trong khi bạn hoàn toàn có thể ép nó cho hiệu năng tương đương 1 chiếc Atrix 4G hay Optimus 2X mà không tốn 1 xu?
Chiếc Desire HD lõi đơn sau khi ép lên 2GHz cho điểm benchmark vượt xa cả các smartphone lõi kép.
Thực sự với khả năng ép xung tốt như thế của 8255, có lẽ các game thủ đang nhăm nhe sắm Xperia Play sẽ được an ủi rất nhiều. Vì rõ ràng là xung nhịp chỉ có 1 GHz của Xperia Play đã làm nhiều người cảm thấy thất vọng, người ta mong chờ nhiều hơn thế ở chiếc PlayStation Phone.
Khả năng ép xung tốt của 8255 chắc chắn sẽ giúp ích nhiều cho Xperia Play khi phải "đương đầu" với những game đòi hỏi khả năng xử lý càng ngày càng lớn. Tuy vậy, có 1 điều nên lưu ý đó là không thể quá tin tưởng vào khả năng ép xung của 8255 để khẳng định rằng Xperia Play cũng sẽ có thể chạy ở xung nhịp 2GHz. Lý do là vì ngay cả trong 1 mẫu chip, vẫn có những con có khả năng chạy ở xung nhịp cao hơn số còn lại.
Bản thân người viết cũng chỉ ép được chiếc Desire HD của mình chạy ở xung nhịp xêm xêm 1.7GHz, tăng nữa lên là máy liên tục treo. Thứ nữa, việc ép xung CPU của máy giúp máy tính toán nhanh hơn nhưng cải thiện rất ít khả năng đồ họa, vì thế nên hiệu năng của máy khi chơi game 3D cũng sẽ chỉ được nâng cao đôi chút. Muốn chơi game 3D tốt hơn, bạn vẫn sẽ phải móc ví cho 1 chiếc smartphone có GPU mạnh hơn.
2. Qualcomm Snapdragon MSM7230 : Khả năng ép xung thêm 138%
Thiết bị sử dụng: HTC Desire Z, Sony Ericsson Xperia Duo...
Khi mới ra đời, HTC Desire Z chịu nhiều mỉa mai vì chỉ sử dụng bộ xử lý chạy ở xung nhịp rất khiêm tốn 800 MHz, trong khi các smartphone ra đời trước đó cả năm đã sử dụng chipset 1GHz. Thế nhưng khi những kết quả benchmark đầu tiên của Desire Z (hay còn gọi là T-Mobile G2) được đưa ra, các Anti-fan nín lặng.
Kết quả ép xung của Desire Z khiến Anti-fan nín lặng. Thậm chí người viết còn cảm thấy đôi chút hối hận khi chọn Desire HD thay vì Desire Z. Ban đầu nhìn vào xung nhịp 800MHz, Desire Z đã bị gạch ngay khỏi danh sách. Nếu biết Desire Z có khả năng ép xung tốt như thế, lại thêm bàn phím QWERTY và giá mềm hơn hầu như chắc chắn Desire HD sẽ bị cho "ra rìa"
Hóa ra 7230 là 1 trong những SoC có khả năng ép xung mạnh nhất trên thị trường. Đã có những báo cáo về việc chiếc Desire Z được ép xung tới 1.9 GHz, tức là 138% so với xung nhịp thiết kế chỉ có 800 MHz. Những ai trước đây từng nghi ngờ hiệu năng của chú dế này giờ đây đều phải phục sát đất trước khả năng chạy đua của 7230.
Không rõ vì sao 2 dòng sản phẩm thuộc thế hệ SoC thứ 2 của Qualcomm là 7230 và 8255 lại có khả năng ép xung khủng khiếp như thế. Nhiều lời đồn đoán tập trung vào việc trước đó 2 dòng sản phẩm này được thiết kế để trở thành những SoC đầu tiên chạy ở xung nhịp 2GHz, nhưng sau đó vì lý do tiết kiệm năng lượng, chúng đã bị hạ xung nhịp xuống còn như khi xuất xưởng. Dù vậy, "con quái vật" bị giam hãm trong 7230 và 8255 vẫn ngủ say, chỉ chờ được đánh thức.
3. Samsung Hummingbird S5PC110: Khả năng ép xung: Thêm 60%
Thiết bị sử dụng: Samsung Nexus S, Samsung Galaxy S...
Galaxy S, con cưng của Samsung nay cũng đã "lên đời" 1.6 GHz.
S5PC110 từng là 1 trong những SoC có GPU mạnh nhất trên thị trường, và nó giữ ngôi đó suốt gần 1 năm trời. GPU của Hummingbird - "Chim ruồi" mạnh mẽ đến mức chiếc smartphone đã 1 tuổi rưỡi Galaxy S phiên bản đầu đã có khả năng xem film HD 720p "ve vé" trong khi những SoC mới hơn nhiều của Qualcomm và Nvidia lại ì ạch. Thậm chí SoC lõi kép của Nividia là Tegra 2 hiện nay cũng gặp nhiều vấn đề trong việc decode một số kiểu encode HD 720p. Tuyệt vời hơn nữa, có người còn tuyên bố đã ép thành công chiếc Galaxy S của mình chạy ở xung nhịp 1.6 GHz. Dù rằng anh này không đưa ra được 1 kernel để mọi người cùng test, nhưng chuyện Galaxy S chạy ở xung nhịp 1.44 GHz thì nhiều người đã chứng kiến, và hiện tại cũng có nhiều ROM cho phép người sử dụng thông thường ép Galaxy S chạy ở xung nhịp này.
4. Nividia Tegra 2: Khả năng ép xung: Thêm 50%.
Thiết bị sử dụng: Hầu hết các smartphone và tablet lõi kép hiện đang lưu hành trên thị trường, trừ Galaxy S II và 1 số model ít gặp.
Tegra 2 từng gây sốc khi không "gánh" nổi những bộ phim 720p mà Hummingbird, 1 SoC lõi đơn già hơn gần 1 tuổi xử lý nhẹ nhàng.
1 tin vui cho rất nhiều người: Tegra 2, SoC lõi kép phổ biến nhất hiện nay giờ cũng đã có khả năng ép xung. Hiệu năng của Tegra 2 khi mới được đưa ra thị trường bị đánh giá là hơi yếu. (So với đối thủ Exynos đến từ Samsung và A5 của Apple) GPU của máy được quảng cáo là sử dụng công nghệ giống như các GPU trên card GeForce ở máy tính để bàn. Tuy nhiên liên tục có những thông tin về việc thiết bị chạy Tegra 2 không xem được film 720p. Đến khi Nvidia lên tiếng, người ta mới vỡ lẽ là Tegra 2 chỉ hỗ trợ duy nhất 1 profile encode HD, đó là main profile, tất cả các film encode theo các profile có bitrate cao hơn đều sẽ bị giật hoặc lag khi xem trên các thiết bị sử dụng Tegra 2.
Thêm 1 thông tin cho bạn đó là hầu hết các phim HD mà người Việt Nam có được qua nguồn torrent hoặc download trên các trang chia sẻ đều sử dụng high profile khi encode.
Quay trở lại vấn đề chính, Tegra 2 đã có thể ép xung được, và chủ nhân của 1 chiếc Motorola Xoom báo cáo rằng anh ta đã ép được chiếc Xoom của mình chạy ở xung nhịp 1.5 GHz. Thêm 50% xung nhịp chắc chắn sẽ khiến chiếc tablet của bạn hoạt động mượt mà hơn.