11 năm Windows Mobile: Kẻ luôn thất bại khi sắp thành công (Phần cuối)

Minh Lết  | 27/05/2011 0:00 AM

Windows Mobile đã trở thành một ví dụ điển hình của sự thất bại trong thế giới CNTT: Bị hất ngã vì không biết tự làm mới chính mình.

Windows Mobile thảm bại ra sao, có lẽ chẳng ai còn lạ gì. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là, vì sao Windows Mobile lại dễ dàng gục ngã trước cả những đối thủ "chiếu dưới" như BlackBerry, Symbian?

Hướng đi sai lầm

Nếu có ai đó hỏi tôi vì sao tôi lại trung thành với WinMo hết 6 năm trời đằng đẵng có lẽ tôi sẽ phải suy nghĩ rất lâu. Sự thực là WinMo không đẹp đẽ bóng bẩy như các iDevices. Giao diện rối rắm và "thiếu chất xám" hơn hẳn Symbian, thậm chí thiết kế của các thiết bị chạy WinMo có thể nói là xấu thậm tệ (thời kỳ sau này có cải thiện đôi chút). Bất chấp tất cả những yếu điểm ấy điều giữ chân tôi với WinMo là khả năng chạy ứng dụng và tính năng đa nhiệm của hệ điều hành này.

6 năm sử dụng WinMo, bất chợt 1 ngày tôi nhận ra mình không thể tiếp tục theo đuổi 1 hệ điều hành đã quá lỗi thời.

Có lẽ triết lý của Microsoft khi tạo ra WinMo đó là đưa công nghệ điện toán trên PC vào trong kích thước của 1 chiếc máy tính bỏ túi. Thuật ngữ Pocket PC trong tên của những phiên bản đầu tiên trong dòng WinMo đã minh chứng rất rõ ràng cho ý đồ ấy của Microsoft. Chính vì lẽ ấy, Microsoft muốn rằng những gì bạn có thể làm được trên các desktop chạy Windows, bạn cũng sẽ có thể làm được chúng trên những thiết bị sử dụng Windows Mobile.

Quan niệm này của Microsoft đã khiến WinMo trở thành 1 trong những nền tảng linh hoạt nhất thời kỳ bấy giờ. Kho ứng dụng của WinMo ngày đó có thể nói là vô cùng phong phú và hữu ích. Một phần là nhờ việc các phần mềm của Microsoft ngoài phiên bản trên PC còn "đặc chế" thêm 1 phiên bản trên Pocket PC. 1 ví dụ trong số đó là Microsoft Office, bạn có thể đọc, chỉnh sửa file Excel, Word ngay trên điện thoại của mình. Thời điểm 2003-2004, gần như chưa có smartphone nào thực hiện được chức năng kể trên. Thêm nữa, nhờ vào bộ "khung sườn" có nhiều điểm tương đồng với người anh em Windows, rất nhiều phần mềm, game trên Windows có thể được chỉnh sửa để chạy trên các thiết bị dùng WinMo. 1 ví dụ điển hình của trường hợp này là 2 game dàn trận rất nổi tiếng là Starcraft và "Đế chế" đều đã có bản chạy trên WinMo khá ổn định.

Bản port của game "Đế Chế" trên Windows sang WinMo chạy khá ổn định và mượt mà trên cả các máy đời thấp.

Nói một cách ngắn gọn, ở WinMo, điều hấp dẫn tôi nhất đó là khả năng chạy ứng dụng linh hoạt và cách tiếp cận "mở" của Microsoft đối với WinMo. Chính cảm giác quen thuộc của tôi khi sử dụng WinMo đã trở thành thứ níu giữ tôi không rời xa hệ điều hành này.

Thế nhưng quan niệm của Microsoft về hệ điều hành trên nền tảng di động cũng có những "tác dụng phụ" nhất định. Về cơ bản, Windows được thiết kế để sử dụng trên máy tính để bàn với màn hình lớn, thao tác bằng chuột và bàn phím. Khi cố "nhồi nhét" những yếu tố thuộc về Windows vào 1 thiết bị sử dụng màn hình cảm ứng với dung lượng pin giới hạn, WinMo đã để lộ ra vô số khuyết điểm khó tha thứ.

Những khuyết điểm ấy tồn tại từ lúc WinMo ra đời cho đến tận những ngày cuối cùng của nó. Nhưng hầu như chẳng một ai chú ý đến những khiếm khuyết này của WinMo vì sự thực là người sử dụng không có được 1 qui chuẩn để đánh giá tốt xấu. WinMo ngồi vững trên ngôi vua làng smartphone màn hình cảm ứng suốt 6 năm từ 2000 đến 2006. 

Rồi điều gì cần đến cũng phải đến, triều đại của WinMo lập tức lụi tàn khi iPhone ra đời. Những khiếm khuyết trước đây không ai chú ý (và không ai cho nó là khuyết điểm) lúc này mới "lộ mặt" khi WinMo bị xếp "vai kề vai" với iOS. iPhone ra đời góp 1 tay đẩy WinMo xuống mồ.

WinMo bị "sát hại", đổ lỗi cho ai?

Khác với Symbian, có lẽ lỗi lầm lớn nhất trong cái chết của WinMo thuộc về các kỹ sư xây dựng nên hệ điều hành này. Tốc độ cập nhật của WinMo có thể nói là còn chậm hơn rùa bò: WinMo 5 ra đời năm 2004 sử dụng kernel 5.2, WinMo 6 ra đời 2007 cũng sử dụng kernel 5.2, WinMo 6.5 ra đời năm 2010 cũng vẫn sử dụng kernel... 5.2. Kernel là "nhân" của hệ điều hành, có kernel giống nhau khiến các phiên bản WinMo kể trên về cơ bản là "bình mới rượu cũ". 

Giao diện WinMo 5 trông chẳng khác gì các phiên bản trước.

Trong khi các hệ điều hành khác sử dụng giao diện với các nút bấm lớn, dễ dàng cho việc thao tác bằng ngón tay thì WinMo vẫn bám lấy chế độ hiển thị của "Windows thu nhỏ". Quá xấu xí và bất tiện. Thêm 1 điểm yếu khó tha thứ nữa của WinMo là trong suốt 3 năm trời, qua 3 phiên bản cập nhật lớn WinMo cũng không theo nổi xu hướng mới của thị trường như màn hình cảm ứng điện dung, cảm ứng đa điểm, SoC thế hệ mới... Tất cả những sự lạc hậu trên đều khiến WinMo trở thành "miếng mồi ngon" dành cho các hệ điều hành mới ra đời.

Ngay cả ở WinMo6, giao diện vẫn dựa chủ yếu vào các menu và phím thao tác rất nhỏ và dễ bấm nhầm. Hầu hết các tác vụ thực hiện trên WinMo đều phải "dính dáng" đến bút chỉ kèm theo máy, rất lằng nhằng rắc rối.

Sự chậm chạp và cẩu thả trong việc cải tiến WinMo không chỉ thể hiện ở mảng nhân của hệ điều hành mà còn ở những ứng dụng đi kèm. Thử nhìn xem 1 ứng dụng vô cùng quan trọng trong thời đại hiện nay: Trình duyệt. Internet Explorer trên WinMo trải qua 4,5 phiên bản nâng cấp vẫn chẳng thay đổi chút nào. Trong khi người sử dụng iPhone có thể phóng to thu nhỏ trang web bằng 2 ngón tay, trải nghiệm lướt web gần như trên máy tính để bàn thì các IE Mobile vẫn rất "ì ạch" và gần như "dậm chân tại chỗ" suốt 11 năm trời.

IE qua các phiên bản WinMo suốt 11 năm có rất ít thay đổi.

Và trên hết, có lẽ không điều gì gây khó chịu đối với người sử dụng bằng việc các sản phẩm chạy WinMo hầu như chẳng bao giờ nhận được các bản cập nhật hệ điều hành trong quá trình sử dụng. Trước thời kỳ iPhone, Android thì không mấy ai thắc mắc về chuyện này. Tuy nhiên khi nhìn thấy người sử dụng iPhone và Android liên tục được cập nhật hệ điều hành của mình với các bản vá lỗi, nâng cấp tính năng, có lẽ không ít người sử dụng WinMo cảm thấy tủi thân vì bị bỏ rơi, thậm chí là "đỏ mắt" ghen tị. Mua smartphone WinMo và bạn sẽ kẹt với 1 phiên bản đến hết đời máy, ít ra với Android thì bạn vẫn còn có hi vọng về bản cập nhật dành cho thiết bị của mình, dù có thể là rất muộn.

Tất cả những yếu tố trên cộng với việc thiết kế của các thiết bị chạy WinMo thường rườm rà và xấu xí (nếu so với các smartphone hiện đại) đã khiến WinMo dần dần từng bước bị đánh bật khỏi chỗ trú chân cuối cùng là smartphone màn hình cảm ứng. Một kết cục tất yếu dành cho những kẻ chậm tiến trong 1 xã hội "lên đời" ầm ầm.

HTC Touch Pro 2, chiếc smartphone chạy WinMo cuối cùng của tôi. Những điểm hài lòng là loa ngoài, độ nét màn hình và bàn phím cứng quá tốt. Còn lại phần mềm thì khó có thể chấp nhận được.


Lời kết

WinMo chưa chết hẳn, nó vẫn là 1 trong 5 hệ điều hành di động lớn nhất thế giới vào thời điểm 2011 với khoảng 5% thị phần. Tuy nhiên với đà giảm này, chỉ 1,2 năm nữa thị phần của WinMo sẽ sớm tiệm cận con số 0 tròn trĩnh.

Cái chết của WinMo là tất yếu và cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các hãng sản xuất hệ điều hành di động: chậm tiến và bảo thủ có thể giết chết bất kỳ sản phẩm nào, dù nó có triển vọng đến đâu.

Cuộc đời của WinMo đầy đen đủi và vấp váp, đôi lúc tôi tự hỏi mình rằng liệu nếu như iPhone, Android không ra đời, liệu thế giới smartphone hôm nay sẽ ra sao, WinMo có tìm được đường lên vị trí đầu bảng như được dự đoán? Câu trả lời là rất có thể WinMo sẽ làm được như thế nếu như không có iPhone, Android và hệ điều hành này chịu khó cập nhật hơn. 

Tuy nhiên, nhìn lại vấn đề dưới 1 góc độ khác, sự ra đời và phát triển của WinMo đã tạo cảm hứng cho các sản phẩm sau này như iOS, Android. Có lẽ mọi chuyện từng xảy ra nằm trong một chuỗi qui luật nhân quả mà không thể nào diễn tiến khác đi được: WinMo quá chậm chạp phải bị thay thế bởi 1 hệ điều hành tốt hơn. Đó là qui luật phát triển của xã hội và phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhìn như thế để thấy, cái chết của WinMo có lẽ là không tránh khỏi, và WinMo không chết vào giây phút Microsoft tuyên bố ngừng phát triển hệ điều hành này, mà nó chết đâu đó từ rất lâu trong quá khứ, từ cái giây phút Microsoft quyết định chọn cách làm bảo thủ trì trệ trong quá trình xây dựng WinMo.

Là 1 fan lâu năm của WinMo tôi cũng đã không thể "chịu đựng" hệ điều hành này lâu hơn dù đã kinh qua không dưới 10 smartphone chạy WinMo. Cũng chỉ mong rằng Microsoft có thể học được chút gì ở WinMo để sản phẩm Windows Phone 7 của hãng không chịu số phận hẩm hiu như người anh em của mình.

Cũng chẳng đoán được tương lai ra sao, đành chỉ biết hi vọng thôi vậy.