10 thuật ngữ công nghệ nên biến mất ngay lập tức

Vi Dũng  | 11/02/2011 0:00 AM

Chúng ta đang ngày càng làm ngược lại lẽ thường bằng cách cho ra đời những cái tên kỳ quặc cho sản phẩm mới và lạm dụng thuật ngữ ấy đến khi nào mất hết ý nghĩa gốc vốn có.

Ắt hẳn ai cũng biết một từ hay thuật ngữ mới ra đời luôn với mục đích tạo ra nghĩa mới dễ hiểu hơn mà những từ ngữ vốn có không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, một nghịch lý trong thời đại công nghệ ngày nay đó là chúng ta đang càng ngày càng đi ngược lại tiêu chí trên bằng cách cho ra đời những cái tên kỳ quặc cho sản phẩm mới và lạm dụng thuật ngữ cho đến khi nào nó mất hết ý nghĩa gốc vốn có.
 
Sau đây, xin được trân trọng giới thiệu 10 thuật ngữ công nghệ nên (và cần phải) bị xóa sổ ngay lập tức.
       
Super Phone/Smart Phone/Phone
         
           
Trong vài năm trở lại đây, chúng ta bị gắn chặt với tư tưởng rằng nghe - gọi là điều quan trọng sau cùng mà một chiếc điện thoại di động ngày nay phải làm được, mặc dù dám chắc là phần lớn người dùng điện thoại di động chỉ để… thực hiện hai chức năng này. Vì thế, thuật ngữ “smartphone” ra đời. Và có vẻ như vậy vẫn là chưa đủ nên ai đó đã gán cho sản phẩm của mình cái tên “superphone”!
 
Một vài cá nhân đã đưa ra ý tưởng dừng việc gọi thiết bị di động có khả năng chạy những ứng dụng và kết nối internet là “phone”, vì theo họ, từ “phone” gắn liền với chiếc điện thoại quay số xa xưa cũng như cụ Alexander Graham Bell! Thay vào đó, có lẽ họ sẽ gọi những thiết bị tân tiến này bằng cái tên “personal communicators”, hay chỉ đơn giản là “communicators”.
               
APU
              
           
Khi quảng cáo cho nền tảng Fusion của mình, AMD đã thay thế cái tên CPU bằng một thuật ngữ viết tắt lạ hoắc: APU (Accelerated Processing Unit). Lý do ư? Vì họ cho rằng đó mới là cái tên thích hợp cho chip tích hợp cả xử lý thông tin lẫn đồ họa.
            
Thật hài hước là Intel cũng làm điều tương tự cho thế hệ chip xử lý thế hệ thứ 2 của mình, nhưng họ đã gán cho nó cái tên còn kỳ lạ hơn: IPU. Ở trường hợp này, có lẽ AMD đã hơi quá vội vã khi cho ra đời một thuật ngữ mới. Giả sử bạn mở một trang web nhanh hơn bình thường một chút xíu và cố gắng thuyết phục mọi người rằng đó là công nghệ “ADP” (Accelerated Data Publication), liệu sẽ có bao nhiêu người tin?
             
4G
                 
 
Vâng, rõ ràng đó chỉ là từ viết tắt của “Fourth Generation” (thế hệ thứ 4). Bốn đại gia di động của nước Mỹ đang ra sức cổ súy cho mạng lưới di động mới của họ với cái tên 4G, đơn giản vì tốc độ của nó nhanh hơn thế hệ mạng 3G hiện tại. Ngay lập tức vấn đề sẽ xảy ra. Nền tảng xây dựng hệ thống mạng viễn thông di động của các mạng không hề giống nhau.
 
Thực tế cho thấy mạng LTE 4G của Verizon có tốc độ nhanh hơn hẳn tốc độ mạng có dây kết nối tại nhà chúng ta. Trong khi đó, công nghệ HSPA+ của T-Mobile chỉ nhanh hơn mạng 3G hiện tại chút xíu. Vì thế có phiền phức gì đâu khi chúng ta gọi tên từng công nghệ một cách riêng biệt, thay vì gọi một cái tên chung theo kiểu “cào bằng”: 4G?
         
Super App
              
Sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi nhà mạng cảm thấy thiếu sót khi gọi những ứng dụng cho smartphone bằng cái tên đơn giản: Apps (applications) - Ứng dụng. Và RIM đã là kẻ đi đầu trong “công cuộc thay đổi” này bằng cách gán thêm tiếp đầu ngữ “super” ở phía trước ứng dụng cho điện thoại Blackberry của họ.
                
   
Vậy tiêu chí nào cho phép một ứng dụng được mang cái tên “super app”? Vui một chút, trước hết chắc chắn là khả năng khởi động ứng dụng cùng lúc khởi động máy, tải dữ liệu về máy trước cả khi… được sự cho phép của chủ nhân, và khả năng chia sẻ dữ liệu với những ứng dụng khác.
 
Trong một đoạn quảng cáo, blogger đã nói rằng ứng dụng ưa thích của cô ta là “super app” vì nó cho phép cô… thêm địa chỉ nhà hàng vào contact list và chia sẻ nó trên Facebook. Quả thật, cái này chẳng mới, và hoàn toàn chẳng thấy “super” ở chỗ nào.
               
The Cloud
                     
Khởi điểm của thuật ngữ này (điện toán đám mây) là một từ hoán dụ cho cụm “server-based computing” (điện toán qua máy chủ). Ý tưởng của hình thức này đó là bạn có thể lưu trữ tất cả dữ liệu của mình trên các cụm máy chủ khác nhau mà không phải lo về dung lượng ổ cứng của mình. Về sau, nó còn được nâng cấp lên thành ý tưởng mới: Máy chủ sẽ thưc hiện tất cả những thao tác tính toán phức tạp, đòi hỏi cấu hình máy cao.
            
 
Thế nhưng, giống như những gì đã đề cập, các đại gia công nghệ đã không tiếc công lạm dụng thuật ngữ này, khiến nó trở thành một cụm từ “gây phản cảm”. Điển hình là Microsoft với đoạn quảng cáo “to the Cloud” nhằm quảng bá cho series phần mềm Microsoft Live (mà thực ra thì phần lớn trong số những phần mềm này lại… nằm im trong máy tính nhà bạn!). Thực sự, “đám mây” vẫn còn rất “mịt mờ”.
          
High Definition
                 
Giống như “the Cloud”, thuật ngữ “High Definition” cũng có nghĩa đen, và nó được dùng để chỉ những thứ “rõ ràng”. Vài năm trước, HD được dùng chủ yếu để chỉ TV có độ phân giải cao hơn các model khác sử dụng bóng đèn hình truyền thống từ những năm 1950. Thế rồi các nhà sản xuất màn hình LCD đã bắt các nhà sản xuất máy tính phải “bẻ lái” độ phân giải màn hình của họ theo tỉ lệ 16:9, đó là lúc rắc rối bắt đầu xảy ra.
                 
 
Ngày nay, độ phân giải thấp nhất trên một chiếc máy tính xách tay là 1.366 x 768 pixel, được gọi là HD. Cao hơn chút nữa thì ta có 1600 x 900, được biết đến với cái tên HD+. Và cuối cùng, độ phân giải “full HD”: 1920 x 1080 pixel. Các bạn đã thấy “loạn” chưa? Cũng giống như 4G, tại sao chúng ta lại không vứt bỏ thuật ngữ “HD” để gọi độ phân giải đúng của từng màn hình (720p, 1080p)?
            
Netbook
             
Từ “Netbook” được Intel sử dụng đầu tiên với mục đích chỉ những chiếc máy tính xách tay với màn hình khoảng 10 inch và bộ xử lý tốc độ thấp. Nhưng ngày nay, chúng ta có những chiếc netbook với bộ vi xử lý đa lõi, chip đồ họa riêng biệt, sử dụng Windows 7. Rắc rối hình thành khi mọi người cần xác định ranh giới giữa “notebook” và “netbook”. Thôi thì tại sao lại không gọi những chiếc máy nhỏ con ấy là “notebook 10 inch”?
             
 
Desktop Replacement
           
Trong thời đại những chiếc laptop lên ngôi, cụm từ “Desktop Replacement” dùng để chỉ những chiếc laptop to lớn với sức mạnh tương đương với máy tính để bàn đáng tin cậy nhất (ví dụ như Alienware M17x).
 
Vấn đề nằm ở chỗ, ngày càng có nhiều người sử dụng laptop hơn, và thậm chí đến những chiếc laptop chỉ nặng khoảng hơn 1kg cũng đủ chỗ chứa cấu hình mạnh hơn bất kỳ khá nhiều máy tính để bàn khác. Vì thế, trong tương lai chúng ta sẽ sớm thấy những chiếc máy tính để bàn được gọi với cái tên “Laptop Replacements” hay“Notebook Alternatives”.
               
          
Social Media
          
Một điều gần như chắc chắn là với sự lên ngôi của những dịch vụ như Facebook, LinkedIn hay Twitter, cụm từ “Social Media” (truyền thông xã hội/truyền thông đại chúng) cũng được dịp "ngó ngàng" tới. Vậy ắt hẳn những diễn đàn trực tuyến hay danh sách gửi thư điện tử sẽ không được gọi là những “social media”? Vô lý! 
                                 
       
Fragmentation
                
Chuyên gia phê bình những thiết bị sử dụng HĐH Android đã tự hình thành nên một thói quen khá tệ hại: Họ sử dụng thuật ngữ “fragmentation” để ca thán về việc các chiếc điện thoại khác nhau sẽ sử dụng phiên bản HĐH khác nhau, từ đó phần mềm cũng sẽ khác nhau.
 
              
Tuy nhiên, khi Microsoft cho ra đời hệ điều hành dành cho máy tính mới, và Lenovo cùng HP mỗi bên lại thiết lập chương trình quản lý nguồn pin riêng, thì tuyệt nhiên lại chẳng có lời phàn nàn nào về “Windows fragmentation” cả. Thuật ngữ trên thực sự chỉ là cái để những nhà phê bình “đại tài” ở trên nói về sự khác biệt giữa từng thiết bị mà thôi.